Trong bối cảnh chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang rối ren, từ ngày 17 -18 tháng này cả 7 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ bất ngờ cùng xuất hiện và phát biểu tại một hội nghị bảo vệ môi trường – loại hội nghị mà xưa nay chỉ dành cho quan chức cấp thấp tham gia.

GettyImages 1472701465
Ông Tập Cận Bình bắt tay ông Lý Cường tại “Lưỡng hội” 2023. (Nguồn: Lintao Zhang/Getty Images)

Tân Hoa Xã đưa tin, vào ngày 18/7 ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội nghị Bảo vệ Môi trường và Sinh thái Quốc gia, cho biết người chủ trì hội nghị là Thủ tướng Lý Cường; tham dự có toàn bộ các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Việc cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cùng tham dự Hội nghị Bảo vệ Môi trường và Sinh thái Quốc gia được tổ chức tại Bắc Kinh, điều này đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Trước đây ĐCSTQ không mấy xem trọng vấn đề môi trường này, từ khi thành lập đến nay chỉ 9 lần tổ chức hội nghị bảo vệ môi trường sinh thái, cấp quan chức tham dự chỉ là cấp thấp. Nhưng lần này không chỉ có 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị cùng tham dự, mà cả ông Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu – lần đầu tiên trong hơn 70 năm thành lập có người lãnh đạo cao nhất đến phát biểu tại hội nghị này.

Điều này xảy ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang chú ý thực trạng hỗn loạn gần đây trong Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ: Ngoại trưởng Tần Cương đột ngột rời khỏi chính trường kể từ khi xuất hiện trước công chúng vào ngày 25/6, mãi đến ngày 11/7 Bộ Ngoại giao ĐCSTQ mới cho biết ông Tần Cương “có vấn đề về sức khỏe”, nhưng không ngừng từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể của truyền thông nước ngoài. ĐCSTQ càng im lặng thì càng có nhiều tin đồn được lan truyền.

Trả lời vấn đề này với Liberty Times Đài Loan, Giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ông Chen Shimin cho biết ĐCSTQ hiện đang rối loạn về chính trị và nhân sự, do đó động thái này của ông Tập Cận Bình là nhằm tạo ra ảo tưởng về sự thống nhất.

Ông Chen Shimin chỉ ra, việc ông Tần Cương nhậm chức Ngoại trưởng là do ông Tập Cận Bình cố tình đề bạt, bây giờ nếu ông Tần Cương có vấn đề gì, bất kể vấn đề là gì, chắc chắn sẽ khiến mọi người nghi ngờ về khả năng nhìn người của ông Tập, làm tổn hại đến uy tín của ông Tập, lần này không chỉ 7 Ủy viên Thường vụ tham dự một hội nghị nhỏ về bảo vệ môi trường, mà ông Tập Cận Bình còn yêu cầu 6 Ủy viên Thường vụ khác phát biểu tại hội nghị – rõ ràng muốn 6 vị này phải có hành động chính trị nhấn mạnh lòng trung thành, đồng thời và cho thế giới bên ngoài thấy quyền lực của ông Tập vẫn rất vững vàng.

Màn sát cánh cùng nhau này chỉ để biểu diễn chứ không có tính thực chất giải quyết được tình trạng hỗn loạn chính trị. Theo phân tích của Giáo sư Chen Shimin, màn diễn chính trị này được tạo ra có chủ đích xây dựng hình ảnh ảo tưởng. Sau Đại hội 20, các phe phái khác bị loại khỏi bộ máy quyền lực chóp bu. Tình trạng bất mãn đang luôn tiềm ẩn trong phe quân đội không thuộc “quân nhà Tập”, vấn đề là liệu có ai đó đủ khả năng dẫn đầu nổi dậy không, họ cũng là một thách thức không nhỏ đối với quyền lực của ông Tập. Mặt khác, ông Tập cũng phải đối mặt với vấn đề kế nhiệm chính trị, việc không có người kế vị rõ ràng cũng là yếu tố có thể gây bất ổn chính trị.

Gần đây, nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) đã phân tích trong “Diễn đàn Thanh Anh” của người Hoa hải ngoại, rằng việc ông Tập Cận Bình “bế tắc” trong vụ xử lý ông Tần Cương cho thấy cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ rất khốc liệt nhắm vào “quân nhà Tập”, vì có xu thế không nhỏ trong ĐCSTQ nhận ra rằng việc ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền là vấn đề không an toàn cho mọi người, có thể đưa cả nước lao xuống hố sâu, kinh tế suy sụp, quan hệ quốc tế cũng rối ren. Vì vậy nhiều người không muốn ông Tập tiếp tục nắm quyền đã nghĩ đủ loại âm mưu và thủ đoạn giáng vào những vây cánh của ông, cho thấy vấn đề nội bộ của ĐCSTQ đã rất nghiêm trọng.