AFP đưa tin, nhiều cư dân mạng Trung Quốc hôm thứ Ba đã bày tỏ lòng tiếc thương đối với Bác sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie) – một bác sĩ phụ khoa từng là nhà hoạt động chống AIDS nổi tiếng ở Trung Quốc trước khi sang Mỹ sống. Bà vừa qua đời ở Mỹ, thọ 95 tuổi.

Cao Dieu Khiet
Bác sĩ Cao Diệu Khiết. (Ảnh MXH)

Bà Cao Diệu Khiết sống ở New York từ năm 2009, đã bị chính quyền địa phương ở Trung Quốc sách nhiễu trong nhiều năm vì tố cáo đại dịch AIDS ở tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc) có liên quan đến buôn bán máu.

Ông Andrew Nathan, một nhà Hán học nổi tiếng từng quản lý công việc của Cao Diệu Khiết ở Mỹ, nói với AFP rằng bà Cao Diệu Khiết đã qua đời tại nhà riêng ở Mỹ vào Chủ nhật (10/12).

Vào giữa những năm 1990, bà Cao Diệu Khiết là một trong những bác sĩ tiên phong quan tâm về căn bệnh bí ẩn đã giết chết những người dân thôn làng Trung Quốc, bà nhận ra số lượng lớn nông dân nghèo đã bị nhiễm HIV do bán máu tại các cơ sở hiến máu không hợp vệ sinh được chính quyền Trung Quốc cho phép.

Khi chính quyền cố gắng che đậy vụ bê bối, bà Cao Diệu Khiết bắt đầu tự bỏ tiền mua thuốc và vật tư cơ bản để điều trị cho bệnh nhân.

Nghĩ đến bác sĩ Lý Văn Lượng

Một người dùng mạng xã hội Weibo Trung Quốc than thở: “Đây là một người tuyệt vời, đáng tiếc vì lý do chính trị khiến bà ấy không được an nghỉ tại nhà riêng ở Trung Quốc”.

Nhiều người khác so sánh bà Cao Diệu Khiết với bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) của Trung Quốc – người vào đầu năm 2020 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi SARS-CoV-2 (COVID-19) xuất hiện ở Trung Quốc.

Sau khi cảnh báo trên cộng đồng mạng về một căn bệnh viêm phổi bí ẩn (mà sau đó được xác nhận là COVID-19), ông bị chính quyền cáo buộc lan truyền “tin đồn”. Tin tức về việc ông bị triệu tập đến cảnh sát, và đặc biệt là cái chết của ông, đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng Trung Quốc.

“Khi nghĩ tới bác sĩ Cao Diệu Khiết, tôi cũng liên tưởng đến bác sĩ Lý Văn Lượng”, một người dùng mạng xã hội bày tỏ bất bình việc truyền thông nhà nước Trung Quốc im lặng về việc bác sĩ Cao Diệu Khiết qua đời.

Một cư dân mạng khác viết rằng những người như vậy đáng được nhắc đến vinh danh, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ tập trung vào tin tức về người nổi tiếng.

Các chuyên gia ước tính, vào thời điểm xảy ra vụ bê bối, chỉ riêng ở tỉnh Hà Nam đã có ít nhất 1 triệu người bị nhiễm HIV do bán máu.

Thời điểm đó, Bác sĩ Cao Diệu Khiết là một trong những nhà vận động tích cực nhất trong việc nâng cao nhận thức về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân AIDS ở Trung Quốc, tấm lòng đó của bà được cộng đồng quốc tế chú ý và ghi nhận. Nhưng trong nhiều năm bà luôn bị nhà cầm quyền Trung Quốc từ chối cấp hộ chiếu, thậm chí luôn giám sát theo dõi bà.

Tiểu hành tinh có tên “Cao Diệu Khiết”

Năm 2001, nhà cầm quyền Trung Quốc cuối cùng cũng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng bệnh AIDS, thậm chí 3 năm sau đó còn trao giải thưởng cho Bác sĩ Cao Diệu Khiết.

Ngày 20/4/2007, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã đặt tên cho tiểu hành tinh 38980 là “Cao Diệu Khiết”. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngăn chặn thông tin này, khiến mãi đến sau khi tờ Central Science Herald đăng tải (tháng 9/2008) thì bà Cao Diệu Khiết mới biết tin này vào tháng 12.

Năm 2007, chính quyền Trung Quốc đã quản thúc bà tại gia để ngăn cản bà đến Mỹ nhận giải thưởng từ Thượng nghị sĩ Mỹ lúc bấy giờ là Hillary Clinton.

Sau khi bà Clinton đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã thỏa hiệp và để bà Cao Diệu Khiết rời Trung Quốc.

Bị buộc dọn dẹp nhà vệ sinh suốt 8 năm

Khi được hỏi về cái chết của nhà hoạt động chống AIDS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng “Nhiều chuyên gia y tế đã có đóng góp to lớn cho cuộc chiến phòng ngừa bệnh AIDS”.

Bà Cao Diệu Khiết thuộc thế hệ trưởng thành trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949. Vì cha mẹ bà là địa chủ nên bà đã bị ngược đãi trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), phải làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh của bệnh viện – đã làm công việc này trong 8 năm.