Cựu tổng biên tập Lý Bình (Li Ping) của tờ Apple Daily (Hồng Kông) đã bị cảnh sát tạm giữ vào ngày 23/6 vì tình nghi “âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc các thế lực nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Trước khi bị cảnh sát giam giữ, ông đã xuất bản bài xã luận cuối cùng “Đừng đái dầm vào lúc bình minh”.

Bài viết của Không Phổ được đăng trên Đài Á châu Tự Do thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

p2956949a294628295
Hình ảnh vào ngày 19/6, người ủng hộ Apple Daily ở bên ngoài khi các lãnh đạo của của báo bị đưa ra tòa tại West Kowloon (Nguồn: Vision Times).

Bài xã luận “thức tỉnh giác ngộ” này dành cho giới trí thức Trung Quốc một thông điệp cảnh tỉnh. Ông Lý Bình viết: “Cho dù đó là thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc hay thời kỳ Đức Quốc xã, thì đó đều là thời đại đen tối trong lịch sử văn minh nhân loại. Tuy nhiên, luôn có thời điểm bóng tối qua đi, và cuối cùng nhân loại sẽ trở về với văn minh. Vì vậy, cho dù là trí thức, nhân viên truyền thông, chính trị gia hay doanh nhân giàu có, thân đang sống trong một thời đại như vậy, họ bị đặt câu hỏi bởi trí tuệ và lương tri. Đừng để đái dầm ra giường ngay trước bình minh, đừng để bị lịch sử chê cười.”

Ông Lý Bình khuyên các nhà trí thức và những người có nhân cách ở Trung Quốc, những người đã dành phần lớn cuộc đời để phát biểu bằng chính lương tâm của mình, đừng nên khi mà hệ thống tà ác sắp sụp đổ lại quỳ gối đầu hàng, bán đứng lương tâm và trở thành “nhạc công” cho quyền lực. Nhà triết học Trung Quốc Phùng Hữu Lan (Feng Youlan) hơn nửa cuộc đời giữ vững lương tri, nhưng đến giai đoạn cuối của Cách mạng Văn hóa đã tham gia nhóm sáng tác trợ giúp “Tứ nhân bang” (bè lũ bốn tên) và còn viết một bức thư trung thành cống hiến cho Giang Thanh. Kết quả, chỉ không đến mấy ngày, khi bè lũ bốn tên sụp đổ, vợ ông ta tức giận đến mức mắng lớn: Trời sắp sáng rồi mà còn đái dầm ra giường! Quá khứ khó chịu trong giới học thuật này dường như đang tái diễn với giáo sư Cát Kiếm Hùng (Ge Jianxiong) của Đại học Phúc Đán và những trí thức khác.

Ông Cát Kiếm Hùng đã có một bài giảng có tựa đề “Chúng ta nên đối đãi với lịch sử như thế nào” tại Đại học Giao thông Tây An vào ngày 4/1 năm nay, bày tỏ một số ý tưởng, chẳng hạn như “phản đối chủ nghĩa hư vô lịch sử và đảm bảo tính hợp pháp chính trị của ĐCSTQ”, “Lịch sử đã chọn Đảng Cộng sản, nhân dân đã chọn Đảng Cộng sản” “Lịch sử của bất kỳ quốc gia, đảng phái chính trị hay nhóm nào đều nhằm củng cố tính chính danh chính trị của chính mình”. Ông Cát Kiếm Hùng không phải là không biết rằng những nhận xét của ông ta là đang xu nịnh ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã gần như chỉ trích “chủ nghĩa hư vô lịch sử” ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Ông Tập tin rằng chỗ hiểm của “chủ nghĩa hư vô lịch sử” là từ chối về cơ bản vai trò lãnh đạo của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội và ĐCSTQ, trong khi sự lãnh đạo của ĐCSTQ là lựa chọn của lịch sử, lựa chọn của nhân dân. Phát biểu của ông Cát Kiếm Hùng chẳng phải đang bợ đỡ ông Tập sao?

Tuy nhiên, ông Cát Kiếm Hùng trước đây không như vậy. Ông luôn được biết đến là người dám nói dám làm ở Trung Quốc Đại Lục. Những người biết ông Cát kể rằng, sau sự kiện Lục Tứ (thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn), ông đã thẳng thắn lên tiếng và bôn tẩu chạy vạy giải cứu những đồng nghiệp trượng nghĩa của mình đang bị thanh trừng. Ông dám công khai lên tiếng về các vấn đề xã hội, chỉ ra những tệ nạn, vì vậy ông được gọi là “Cát Đại Bác” hay “Tư tưởng bom tấn” . Trong cuốn sách “Thống nhất và chia cắt” xuất bản năm 2009, ông Cát đã thẳng thắn tuyên bố rằng “thời gian chia cắt trong lịch sử Trung Quốc còn dài hơn thời gian thống nhất”, “chia rẽ không nhất thiết là điều xấu, thống nhất không nhất thiết là điều tốt” “cái gọi là giải thích về ‘một số nơi đã là một phần lãnh thổ Trung Quốc bất khả xâm phạm từ thời cổ đại’ căn bản không thể đứng vững”. Ba sự thật lịch sử này, theo nhận xét của ông Cát Kiếm Hùng ngày nay, thì chính là chủ nghĩa hư vô lịch sử điển hình cần phải bị phê phán!

Vậy, điều gì đã xảy ra khiến ông Cát Kiếm Hùng lấy “ta của ngày hôm nay” để phản đối “ta của ngày hôm qua”, tạo ra một sự thay đổi 180 độ? Cẩn thận tìm kiếm phản ứng của Internet đối với những thay đổi của ông Cát Kiếm Hùng, nhận thấy rằng nhìn chung có những giải thích sau: 

1) Đầu cơ chính trị, để hùa theo hoàn cảnh chính trị của thời Tập Cận Bình, nhân vật nhiệt huyết một thời đã biến chất thành một kẻ khuyển nho chính trị; 

2) Trong một môi trường học thuật ngày càng khắc nghiệt, thực hiện việc tự bảo vệ, bảo vệ gia đình, trẻ em và học sinh; 

3) Thể hiện thái độ chấp nhận chế độ độc tài của ĐCSTQ, nghĩ rằng đây là “điều tất yếu lịch sử”.

Ý kiến ​​của tôi là ba cách giải thích trên đều có lý, cách giải thích thứ ba rất có lý. Nhà sử học Cát Kiếm Hùng có thể đã đánh giá sai hoàn cảnh lịch sử, không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, thậm chí còn coi bóng tối là điều tất yếu. Thử nghĩ một chút, năm đó khi ông Phùng Hữu Lan “đái dầm ra giường vào lúc sắp bình minh”, rõ ràng đã không nghĩ tới rằng trời thực sự đang sắp sáng. Mặt khác, sự cám dỗ của đêm đen quá lớn. Các học giả chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ, những người tuân thủ chặt chẽ chế độ hiện hành, chẳng hạn như các ông Trang Duy Vi (Zhang Weiwei), Trần Bình (Chen Ping) và Trầm Dật (Shen Yi) của Đại học Phúc Đán, đang rất được ưa chuộng, còn bất cứ ai chỉ trích chế độ hiện tại, chẳng hạn như các ông Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan), bà Thái Hà (Cai Xia), v.v., đều bị khai trừ khỏi trường hoặc lưu lạc khắp chân trời. Những điều này có thể không gây áp lực lên ông Cát Kiếm Hùng chăng?

Cuối cùng, chúng ta hãy tóm tắt một chút. Cái gọi là “hiện tượng Cát Kiếm Hùng” là để chỉ những người “đái dầm lúc bình minh” giống như ông Cát Kiếm Hùng, không chỉ ông Phùng Hữu Lan, người đã tâng bốc bè lũ bốn tên trong Cách mạng Văn hóa, mà còn cả những trí thức Do Thái đã tiếp tay cho Đức quốc xã trong Thế chiến thứ Hai. Họ có một sai lầm chung là: nghĩ rằng đêm tối rất dài, cho rằng đó là lẽ tất yếu của lịch sử. Bài xã luận của tác giả Lý Bình là để cảnh báo mọi người: Đừng đánh giá sai xu hướng chung của lịch sử; đêm đen có thể là rất dài, nhưng đêm đen dài đằng đẵng tuyệt nhiên không có nghĩa là tất yếu của lịch sử; đêm tăm tối rồi sẽ qua đi.

(Tựa gốc: Quan điểm về Hiện tượng Cát Kiếm Hùng từ Trích dẫn nổi tiếng của ông Lý Bình)

Không Phổ, Đài Á Châu Tự Do
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm và ý kiến ​​cá nhân của tác giả)

Xem thêm: