Cựu y tá Trung Quốc cáo buộc vụ tự thiêu ở Thiên An Môn là lừa đảo
- Mộc Lan
- •
Cô Vương Xuân Anh (Wang Chunying) từng là một y tá chuyên nghiệp ở Trung Quốc Đại Lục trong 30 năm. Gần đây, dưới góc độ chuyên môn là điều dưỡng viên chuyên nghiệp, cô Vương đã cáo buộc vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn năm 2001 là một vụ lừa đảo.
Trong bối cảnh năm 1992, Pháp Luân Công bắt đầu truyền xuất ra ở Trung Quốc và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn quốc. Trung bình cứ 10 người dân thì có 1 người theo tập Pháp Luân Công. Nhưng lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân vì đố kỵ với nhà sáng lập Pháp Luân Công và lo sợ sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công nên đã phát động chiến dịch bức hại với nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là vận dụng bộ máy truyền thông để tuyên truyền vu khống. Vào thời điểm cao của cuộc bức hại, các kênh truyền thông một chiều tại Trung Quốc Đại Lục đang từ khen ngợi Pháp Luân Công đã chuyển sang phát liên tục 7 giờ trong ngày các tuyên truyền giả dối về Pháp Luân Công, trong đó có tin tức về màn “tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn.
Cụ thể vào ngày 23/1/2001, ngay trong đêm giao thừa tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng 5 học viên Pháp Luân Công đã “tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, sau đó cộng đồng quốc tế xác nhận rằng vụ việc có quá nhiều sơ hở, phân tích cho thấy đây là một vụ lừa đảo thế kỷ do ĐCSTQ dàn dựng nhằm vu oan cho Pháp Luân Công. Mục đích chính là kích động thù hận của dân chúng với Pháp Luân Công và lấy cớ duy trì cuộc bức hại.
Trong số những “diễn viên” tham gia vụ “tự thiêu” này, có một trường hợp về bé gái Lưu Tự Ảnh đã để lại nhiều sơ hở.
Bé gái 12 tuổi có thể nói và hát sau khi phẫu thuật mở khí quản 4 ngày?
Cô Vương Xuân Anh nói rằng bé gái 12 tuổi Lưu Tự Ảnh, một trong những nhân vật trong “Vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” do Đài Truyền hình Trung ương ĐCSTQ phát sóng, có thể nói và hát sau khi phẫu thuật cắt khí quản 4 ngày, “việc này rõ ràng là làm giả”.
Với thâm niên làm việc 20 năm tại Bệnh viện Trung ương Đại Liên và 10 năm tại các bệnh viện cấp quận, cô Vương đã từng chăm sóc cho nhiều bệnh nhân được phẫu thuật mở khí quản. Cô nói: “Tôi đã từng chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân phẫu thuật mở khí quản rồi… Thật sự là không thể đếm xuể.”
Cô phân tích, sau khi được phẫu thuật mở khí quản, bệnh nhân cần phải trải qua một quá trình hồi phục phức tạp.
“Mở khí quản thường được thực hiện khi bệnh nhân suy hô hấp, hôn mê nặng, sau phẫu thuật cần phải được chăm sóc khí quản, định kỳ 6 giờ một lần phải sát trùng ống nội khí quản.”
“Vết thương phẫu thuật mở khí quản được đắp băng gạc vô trùng. Băng gạc cần được khử trùng bằng ống tiêm kháng sinh theo định kỳ thời gian trong ngày.”
“Sau khi bệnh nhân được cắt khí quản cần được nhân viên điều dưỡng tận tình chăm sóc, thường xuyên hút đờm và dịch nhớt tiết trong khí quản ra ngoài. Cần đặt máy hút đờm bên cạnh giường bệnh. Khi bệnh nhân có biểu hiện ho hoặc dịch tiết qua đường miệng thì cần cho ngay một ống hút luồn vào ống nội khí quản để hút đờm và dịch, đầu còn lại của ống này được nối với máy hút đờm để hút ra ngoài, nếu không thì bệnh nhân sẽ bị ngạt thở do trào ngược nhiều đờm và dịch.”
“Phẫu thuật mở khí quản thuộc khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân phải nằm đợi trong khoa này. Cần có y tá tận tình quan sát nhịp thở và các dấu chứng sinh tồn, đảm bảo rằng nếu có tình huống gì xảy ra cũng có thể kịp thời xử lý. Khi có thay đổi về tình trạng bệnh cần phải báo ngay cho bác sĩ.”
“Khi bệnh nhân thở êm và tình trạng cơ bản ổn định thì mới cân nhắc đến việc rút nội khí quản.”
“Rút nội khí quản thì không thể rút ống ngay được mà trước hết phải tiến hành rút nội khí quản thử. Cho một miếng gỗ nhỏ vào ống nội khí quản, quan sát nhịp thở của bệnh nhân, cần phải thở bình thường trong vòng 24 giờ mới có thể tiến hành rút nội khí quản. Còn cần đặt miếng da bị cắt ra đặt lại lên vết mổ.”
“Lưu Tự Ảnh, từ khi mở khí quản đến khi rút nội khí quản, đã có thể nói chuyện và hát chỉ trong 4 ngày. Có thể sao? Tương tự như nếu tay bạn bị cắt tróc một mảng da, liệu nó có thể lành lại trong 4 ngày không?”
Cô Vương nói rằng Lưu Tự Ảnh đã nói chuyện bình thường 4 ngày sau khi phẫu thuật mở khí quản, điều này về mặt y học là không thể xảy ra. Bởi bệnh nhân sau khi được phẫu thuật cắt khí quản không chỉ cần có quá trình hồi phục sau mổ phức tạp mà kể cả khi xuất viện, bệnh nhân vẫn còn bị khàn giọng.
“Đặt nội khí quản thường sẽ gây tổn thương cho dây thanh quản. Sau khi rút nội khí quản, giọng nói của bệnh nhân bị khàn và rất khó nghe. Phải mất một thời gian dài mới có thể phát âm bình thường trở lại. Trong các bệnh nhân mở khí quản mà tôi chăm sóc, khi xuất viện, không có một trường hợp nào nói được với giọng bình thường.”
“Khi Lưu Tự Ảnh được phỏng vấn bởi phóng viên Lý Ngọc Cường của đài CCTV, cô bé có thể nói bình thường và thậm chí là có thể hát.”
“Trong lịch sử y học, đây chỉ đơn giản là một trò đùa lớn.”
Tại sao phóng viên CCTV vào khu vô trùng để phỏng vấn Lưu Tự Ảnh mà không mặc quần áo bảo hộ y tế?
Lưu Tự Ảnh, một bé gái 12 tuổi đang nằm trong khu vô trùng, diện tích bỏng 40%, toàn thân được quấn gạc dày. Tuy nhiên, phóng viên CCTV đã không mặc quần áo vô trùng, đeo khẩu trang và đeo găng tay khi phỏng vấn cô bé.
Cô Vương cho biết, do bệnh nhân bỏng rất dễ bị nhiễm trùng nên khu vực điều trị bỏng cần được khử trùng nghiêm ngặt và quản lý vô trùng.
Cô nói: “Tôi là một y tá có kinh nghiệm về chăm sóc bệnh nhân bỏng. Khi vào trong khu vực của bệnh nhân bỏng, yêu cầu phải mặc quần áo vô trùng, găng tay, khẩu trang và mũ vô trùng.”
“Phòng cần phải được khử trùng thường xuyên… Cần phải có tia cực tím để khử trùng. Chúng tôi khử trùng hai lần một ngày, mỗi lần nửa giờ.”
“Đèn tia cực tím được đẩy gần giường để khử trùng trong phòng.”
“Mắt của bệnh nhân được che bằng băng gạc, vì ánh sáng xanh của tia cực tím dễ làm tổn thương giác mạc.”
“Nếu bệnh nhân sau bỏng bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh thì tỷ lệ tử vong khá cao.”
“Bệnh viện nào có thể để những người không mặc áo cách ly, đeo khẩu trang, đội mũ vô trùng vào tiếp xúc với bệnh nhân bỏng? Khoa bỏng nào có thể chấp nhận việc phỏng vấn như vậy?”
“Việc phóng viên CCTV mặc quần áo bình thường và cầm micro để phỏng vấn là hoàn toàn trái với kiến thức y học thông thường.”
Lưu Tự Ảnh chết đáng ngờ, nghi bị diệt khẩu
Tổ chức Quốc tế Điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) nhận được thông tin thông qua kênh đáng tin cậy từ các nhân viên y tế của Bệnh viện Tích Thủy Đàm, những người đã tham gia điều trị cho các nhân vật “tự thiêu”. Các nhân viên ở bệnh viện cho biết, một trong những người tham gia vụ tự thiêu, bé gái 12 tuổi Lưu Tự Ảnh đã hồi phục và được phép xuất viện vào ngày 17/3/2001. Sáng hôm đó, Cục trưởng Cục Quản lý Y tế thành phố Bắc Kinh và người phụ trách của bệnh viện đã đến thăm Lưu Tự Ảnh và nói rất nhiều điều với cô bé, “vào thời điểm đó, Lưu Tự Ảnh vẫn còn rất vui vẻ.”
Tuy nhiên, khoảng 11 đến 12 giờ trưa cùng ngày, bác sĩ bất ngờ phát hiện Lưu Tự Ảnh nguy kịch và tử vong ngay sau đó.
Một ngày trước khi chết, phổ men cơ tim và các xét nghiệm khác của Lưu Tự Ảnh vẫn bình thường.
Tổ chức điều tra cũng phát hiện ra rằng khám nghiệm tử thi của Lưu Tự Ảnh được thực hiện tại bệnh viện Tích Thủy Đàm, nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi lại được cấp bởi trung tâm cấp cứu, hơn nữa báo cáo không được công bố trong cuộc thảo luận về vụ án, chỉ cho rằng đây là vấn đề về cơ tim.
WOIPFG cho rằng Lưu Tự Ảnh bị mưu sát diệt khẩu.
- Mời xem thêm 9 sơ hở trong vụ “tự thiêu” được cho là do ĐCSTQ dàn dựng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công: Tự thiêu giả ở Thiên An Môn: Vết nhơ không cách nào xóa được của ĐCSTQ
Cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ dàn dựng Vụ tự thiêu giả
Vào ngày 14/8/2001, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế đã lên án mạnh mẽ “Vụ tự thiêu Thiên An Môn” tại hội nghị của Liên Hợp Quốc, nhận định rằng đây là một “hành động khủng bố quốc gia” của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc nhằm vu oan cho Pháp Luân Công.
Phóng viên Ian Johnson của tờ Wall Street Journal, người đã giành được giải thưởng Pulitzer năm 2001 cho báo cáo về các vấn đề Pháp Luân Công, tin rằng các kênh truyền thông ĐCSTQ đã đưa tin sự việc nhanh chóng quá mức, cho thấy rằng vụ việc xảy ra sớm hơn nhiều so với báo cáo.
Trang tin Reuters viết: “Bắc Kinh đang lợi dụng hình ảnh khủng khiếp về thi thể bị cháy sém làm vũ khí mới trong cuộc chiến truyền thông chống lại Pháp Luân Công.”
Bộ phim tài liệu “Lửa giả” (False Fire), do Đài Tân Đường Nhân (NTDTV) sản xuất nhằm phơi bày sự thật về vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn, vượt qua hơn 600 bộ phim từ nhiều quốc gia, bộ phim đã giành được giải thưởng danh dự của Liên hoan Phim và Truyền hình Quốc tế Columbus lần thứ 51 vào ngày 8/11/2003.
Mộc Lan, theo Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Lửa giả Pháp Luân Công Vụ tự thiêu Thiên An Môn