Liên quan sự kiện tâm điểm quốc tế mới đây về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, Đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Pháp đã công khai đe dọa sau khi thực hiện “thống nhất” phải “giáo dục lại người Đài Loan”.

Dai sứ Trung Quốc tại Pháp
Đại sứ Lư Sa Dã của ĐCSTQ tại Pháp nói rằng phải “giáo dục lại” người Đài Loan nếu Đài Loan được thống nhất. (Ảnh chụp màn hình BFM)

Trong cuộc phỏng vấn hôm 3/8 với kênh truyền hình BFM về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Đại sứ Lư Sa Dã của ĐCSTQ tại Pháp cho biết đây là “hành động khiêu khích không cần thiết”, “gây nhiều nguy hiểm”.

Ông Lư nói rằng bà Pelosi là người thứ hai có thể vào vai trò Tổng thống Mỹ (trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm có vấn đề không thể điều hành), sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan đã khiến Trung Quốc tức giận. “Nếu chúng ta không đáp lại, họ sẽ thực hiện mục tiêu của họ: độc lập”.

Quan chức này cũng đe dọa rằng nếu Đài Loan được thống nhất, người Đài Loan sẽ phải được “cải tạo” để họ trở thành những người được gọi là yêu nước, ông ta tin người dân Đài Loan sẽ sẵn sàng chấp nhận ĐCSTQ lãnh đạo.

Phát ngôn của ông Lư Sa Dã về việc “cải tạo người Đài Loan” đã gây sốc trong công luận, bởi vì nó gợi nhớ đến “trại cải tạo” nơi ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và các dân tộc thiểu số khác.

Phát ngôn khiến nhiều chính khách không thể làm ngơ

Chủ tịch Nathalie Loiseau của Tiểu ban An ninh và Quốc phòng Nghị viện châu Âu đã tweet: “Những ai tức giận hãy để lại tâm trạng trước nhận xét hoang đường của Đại sứ Trung Quốc, ông ta tuyên bố bất chấp tâm nguyện người Đài Loan và mong muốn ‘giáo dục lại’, đúng là trò hề”.

Nghị sĩ Eléonore Bez của Mặt trận Quốc gia Pháp cũng chỉ ra trên Twitter, “Ở Trung Quốc (Đại Lục), các trại cải tạo được gọi là cải tạo lao động giống như ‘gulags’ ở Liên Xô trước đây. Nhiều người bị giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung, đã làm cho hàng triệu người chết, nhưng không ai phản ứng với các phát ngôn này”.

Giám đốc Marc Julienne của Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) chỉ ra rằng thuật ngữ “cải tạo” gợi lại những giai đoạn lịch sử đau thương, bao gồm Thế chiến II, Liên Xô, và thời đại Mao Trạch Đông, và gần đây nhất là việc cải tạo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc, còn chính quyền ĐCSTQ đã công khai giải thích gọi là “giáo dục chuyển hóa”.

Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt cũng phản hồi, “Họ (ĐCSTQ) muốn ‘giáo dục lại’, tức là áp bức và tuyên truyền chính trị. Hãy cẩn thận nhé Đài Loan, Ukraine, châu Âu”.

Cố vấn Paul Massaro về chống tham nhũng của Mỹ cũng bày tỏ quan điểm bằng cách trích dẫn các nguồn tin liên quan trên Twitter. Ông cho hay: “Diệt chủng, cải tạo, cải tạo lao động, mọi thứ được bình thường hóa trong thế kỷ mới của cái ác độc tài toàn trị”.

Làn sóng lên án Lư Sa Dã

Phát ngôn của Lư Sa Dã về việc “giáo dục lại” đối với người Đài Loan cũng đã làm dấy lên thảo luận sôi nổi của cư dân mạng người Hoa.

Một số người chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế đã cáo buộc ĐCSTQ lập các trại cải tạo ở Tân Cương nhưng họ luôn phủ nhận, giờ đây ông Lư Sa Dã đã tiết lộ bí mật của ĐCSTQ. “Động thái của ĐCSTQ đã tiết lộ rằng nếu Đài Loan bị thôn tính, họ sẽ cùng chung số phận với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương bị ĐCSTQ cải tạo và tẩy não!”

Một số cư dân mạng còn nói: “Đó không phải giáo dục lại mà là tẩy não. Chúng ta đã bị ĐCSTQ tẩy não từ khi còn nhỏ. Chúng ta đã chịu khổ nạn này còn muốn đồng bào ở Đài Loan phải chịu? Giải thể ĐCSTQ tà ác là lối thoát duy nhất cho đất nước Trung Quốc”.

Có cư dân mạng để lại lời nhắn: “Lúc nào cũng làm ra vẻ bề trên, ai mà cần các ông giáo dục như vậy?”

Một cư dân mạng khác chế nhạo: “Làm sao mà loại người được gọi là nhà ngoại giao, phát ngôn viên, đại sứ, bộ trưởng… lại có những phát ngôn ngu xuẩn và vô học khác thường như vậy? Kiến thức kém, thiển cận, thô lỗ, không có chút gì thể hiện là người có giáo dục, cho thấy ĐCSTQ thực sự là không dùng người tài đức”.

Lư Sa Dã thường phát ngôn gây khiêu khích

Sự cố ngoại giao gây tranh cãi kiểu này trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Pháp của Lư Sa Dã đã nhiều lần xảy ra.

Tạp chí National Review của Mỹ chỉ ra rằng nhiệm kỳ Đại sứ tại Pháp của ông Lư Sa Dã đã nhiều lần xảy ra sự cố ngoại giao, vì vậy ông ta được ví là quan chức ĐCSTQ gây tranh cãi. Ông ta thường được xem là người theo đường lối cứng rắn, nhưng cũng phản ánh chính xác thông điệp của ĐCSTQ đối với thế giới.

Ví dụ, vào năm 2020 khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) ở Trung Quốc, tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp tuyên bố rằng một nhà ngoại giao Trung Quốc đã chứng kiến ​​một cơ sở dưỡng lão của Pháp khiến người sống trong đó “chết vì đói và bệnh tật”, đồng còn tuyên bố sai sự thật rằng giới lập pháp Pháp đã phân biệt chủng tộc đối với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus.

Sau vụ việc, Ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ là Jean-Yves Le Drian đã triệu tập ông Lư Sa Dã để bày tỏ sự phẫn nộ của Pháp đối với phát ngôn. Năm 2021, Bộ Ngoại giao Pháp lại có dịp phải triệu tập ông Lư Sa Dã vì Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã tấn công học giả Pháp Antoine Bondaz trên Twitter.

Vào thời điểm đó, tờ Le Monde của Pháp đưa tin rằng “ngoại giao sói chiến” đột nhiên xuất hiện trở lại, hệ quả Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris đã tuyên bố trên Twitter, gọi nhà nghiên cứu Bondaz tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược là “lưu manh”.

Vào tháng 6/2021 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ l’Opinion của Pháp, ông Lư Sa Dã công khai bảo vệ “tính chiến đấu và hiếu chiến” của các nhà ngoại giao ĐCSTQ, tuyên bố rằng ông rất vinh dự khi được nhận danh hiệu “Chiến binh Sói”. Ông này cũng công kích Mỹ và các nước phương Tây đàn áp và tấn công ĐCSTQ, đồng thời mắng những người chỉ trích ĐCSTQ là “những con chó điên”.

Ông Lư Sa Dã cũng thúc đẩy “ngoại giao khẩu trang”“ngoại giao vắc xin” của ĐCSTQ, chỉ trích EU vì đã liên kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc với vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, qua đó đe dọa rằng châu Âu không nên đi theo Mỹ khiêu khích ĐCSTQ, gây sức ép lên ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan.