Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây đã đưa ra một thông điệp tới quân đội và cảnh sát vũ trang, yêu cầu toàn quân chuẩn bị cho chiến tranh, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc “duy trì sự ổn định” và đối phó với các tình huống khẩn cấp một cách kịp thời. Đồng thời, Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,1% trong năm nay, vượt mục tiêu GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức đầu tư thực tế còn cao hơn.

p3083311a824586471
Hình bên trái là biểu tình tự phát của người lao động nhập cư ở Thiên Tân vì thiếu lương thực; hình ở giữa là biểu tình phản đối thực phẩm giá cao ở quận Nhạn Đáp thành phố Tây An; bên phải ngoài cùng là cảnh người Thâm Quyến biểu tình phản đối chính quyền phong tỏa cực đoan chống dịch COVID-19 (Ảnh Tổng hợp).

Chiều ngày 7/3, ông Tập Cận Bình đã tham dự cuộc họp của đoàn đại biểu quân đội và cảnh sát vũ trang tại Kỳ họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Đại hội Toàn quốc) khóa 13 của ĐCSTQ. Ngoài việc nhấn mạnh yêu cầu phải “giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội”, ông còn yêu cầu toàn quân đẩy mạnh công tác “chuẩn bị cho chiến tranh”, hỗ trợ giữ vững ổn định tại địa phương và kịp thời “xử lý các tình huống khẩn cấp.”

Ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất trong báo cáo công tác của chính phủ rằng công tác kinh tế của ĐCSTQ trong năm nay cần tuân thủ “ổn định hàng đầu, cầu tiến trong sự ổn định.” Trong bản báo cáo dài hàng vạn ký tự, từ “ổn định” đã được nhắc đến 81 lần. Ngoài ra, ông Lý không hề đề cập đến việc Nga xâm lược Ukraine.

“Ổn định” dường như cũng là trạng thái mà ông Tập Cận Bình mong đợi. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ diễn ra hôm 25/2, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì sự ổn định xã hội tổng thể”, nhằm đảm bảo việc triệu tập Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ trong năm nay diễn ra suôn sẻ.

Chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Lý Yến Minh nói với Epoch Times hôm 10/3 rằng ông Tập Cận Bình hiếm khi yêu cầu quân đội hỗ trợ địa phương “duy trì sự ổn định”. Điều này cho thấy sự tích tụ liên tục của các cuộc khủng hoảng xã hội ở Trung Quốc sắp bùng phát, và chính quyền ĐCSTQ đang ở trong miệng núi lửa.

Trước đó, vụ bà mẹ 8 con bị xích cổở Từ Châu, Giang Tô liên tục nóng lên, khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng và khơi mào những bất mãn tích tụ dưới sự chuyên chế của chính quyền hiện tại.

Chi tiêu quân sự năm nay tăng lên 1.450 tỷ NDT (229,47 tỷ USD)

Vào ngày 5/3, Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã trình dự thảo báo cáo ngân sách của chính phủ tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc, cho thấy ngân sách quân sự của ĐCSTQ cho năm nay là 1.450 tỷ NDT (khoảng 229,47 tỷ USD), tăng 7,1%, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Theo truyền thông nhà nước ĐCSTQ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, tăng trưởng ngân sách quân sự của ĐCSTQ vượt quá 7%, tốc độ tăng nhanh nhất trong 3 năm qua.

Ông Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng đang phát triển một loạt vũ khí từ máy bay chiến đấu tàng hình cho đến hàng không mẫu hạm.

Ông Phó Tiền Tiêu, một chuyên gia quân sự ĐCSTQ, tuyên bố với Thời báo Hoàn cầu của giới chức ĐCSTQ rằng trong 2 năm qua, chi tiêu quân sự của ĐCSTQ “vẫn còn rất hạn chế”, và rằng “mức này không hề cao”, đồng thời bác bỏ mạnh mẽ rằng gia tăng chi tiêu quân sự không liên quan gì đến tình hình ở Nga và Ukraine.

Báo cáo công tác chính phủ của ĐCSTQ năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%. Chi phí quân sự của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn GDP.

Tuy vậy, theo Reuters, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia nước ngoài tin rằng Bắc Kinh báo cáo dưới con số thực. Ngân sách quốc phòng được báo cáo của Trung Quốc vào năm 2022 chưa bằng một nửa chi tiêu đề xuất của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia về Trung Quốc cũng nghi ngờ rằng chi tiêu quân sự thực tế của ĐCSTQ còn cao hơn nhiều so với dữ liệu công khai.

Gần đây, ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng, thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), nói với phóng viên Epoch Times rằng một số tổ chức tư vấn quốc tế tin rằng chi tiêu quân sự bí mật của ĐCSTQ có thể gấp 1,4 lần mức đã công bố, và việc mở rộng quân sự của ĐCSTQ trở thành ưu tiên hàng đầu.

Ông tin rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên 206%. Các khoản chi tiêu quân sự này chủ yếu được sử dụng cho chi phí sinh hoạt của quân đội, sửa chữa, bảo dưỡng, huấn luyện và đầu tư trang thiết bị.

Ông Lý Chính Tu, một chuyên gia quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), cũng nói với Epoch Times rằng kinh phí quốc phòng của ĐCSTQ luôn không rõ ràng. Họ sẽ phân tán chúng ở những nơi khác nhau, chẳng hạn như kinh phí nghiên cứu công nghệ của một trường đại học nhưng kỳ thực chúng lại dùng để nghiên cứu và phát triển thiết bị quân sự. Thậm chí một số chi phí duy trì ổn định xã hội khổng lồ sẽ được sử dụng để trang bị vũ khí.

Ông Lý Khắc Minh tin rằng: “Chiến tranh Nga-Ukraine đang phát triển thành một cuộc chiến tranh thế giới vô hình, và nguy cơ xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan ngày càng cao.”

Ông nói rằng đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán và chiến tranh Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc. Chính quyền ĐCSTQ đang gặp khó khăn cả trong và ngoài nước, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng quân sự, khủng hoảng ngoại giao, khủng hoảng kinh tế và các cuộc đấu đá nội bộ cấp cao. Trước Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, các cuộc đấu đá nội bộ cấp cao ngày càng trở nên gay gắt hơn.

“Vào một thời điểm nhạy cảm, ĐCSTQ đã tăng mạnh chi tiêu quân sự. Ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội ‘đẩy mạnh và chuẩn bị cho chiến tranh’. Tham vọng quân sự toàn cầu của ĐCSTQ đã được công khai, điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng quân sự ở eo biển Đài Loan và sẽ kích hoạt các quốc gia dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo leo thang các hành động bao vây toàn diện ĐCSTQ, gồm cả các hoạt động quân sự”, ông Lý Yến Minh nói.

Bình Minh (t/h)