Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), năm 2023 có thể dùng từ “kinh hồn” để diễn tả, vì năm nay đã xảy ra quá nhiều chuyện ồn ào nhạy cảm. Bài này xin lọc ra một số vấn đề chú ý.

Tap Can Binh 1
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại Hội nghị APEC ở Thái Lan hôm 19/11/2022. (Ảnh: Lauren DeCicca/ Getty Images)

1. Ngày Tập Cận Bình tái nhiệm nhiệm kỳ 3, cát vàng phủ đầy bầu trời

Ngày 10/3/2023, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cuối cùng đã bắt đầu cuộc tái tranh cử lần 3 như ông mong muốn, nhưng kỳ lạ là ngay trong ngày đầu tiên ông tái cử chức vụ thì Bắc Kinh hứng chịu bão cát khiến bầu trời mờ mịt, điều khiến nhiều người kinh hoàng hơn là mặt trời chuyển sang màu xanh. Một số cư dân mạng Trung Quốc khẳng định: “Sau khi ông Tập Cận Bình tuyên bố nhậm chức hôm nay, buổi chiều đã xảy ra trận bão cát dữ dội, mấy năm nay ở Bắc Kinh chưa từng chứng kiến ​​trận bão cát dữ dội như vậy”.

2. Thông báo xử lý làm sạch các “thông tin có hại” của Tướng Lưu Á Châu

Ngày 12/4/2023, một nhân vật truyền thông kỳ cựu của Trung Quốc là Cao Du (Gao Yu) đăng trên nền tảng X: “Trong quân đội đã có động tĩnh, nhưng chưa thấy trên Internet”, thông tin đồng thời đính kèm hình ảnh thông báo dọn dẹp “thông tin có hại” của ông Lưu Á Châu.

Theo hình ảnh, nhà nghỉ cán bộ số 7 ở Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây nêu trong thông báo ký “ngày 10/4” rằng: Theo thông báo của cấp trên, một cuộc điều tra toàn diện, kỹ lưỡng và làm sáng tỏ các hoạt động “thông tin có hại” liên quan đến ông Lưu Á Châu đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, vấn đề liên quan các ấn phẩm sách, báo, tạp chí, bài viết, bài phát biểu, chữ khắc và các sản phẩm điện tử nghe nhìn, kỷ vật, tiểu sử lịch sử, biên niên sử và tài liệu có liên quan…

Trước đó đã có những tin đồn việc ông Lưu Á Châu đã mất tích.

Tờ Nhật báo Tinh Đảo (Sing Tao) Hồng Kông ngày 13/4 cũng đưa tin từ nhiều nguồn tin xác nhận Tướng Lưu Á Châu – cựu chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc – đã bị xử lý vì nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật”, rằng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Quân ủy Trung ương đã hoàn tất cuộc điều tra, ông Lưu Á Châu đã bị ĐCSTQ khai trừ Đảng và loại khỏi bộ máy nhà nước, do liên quan số tiền quá lớn nên đã chuyển sang hệ thống tư pháp quân sự để xử lý.

Nhật  báo Tinh Đảo đưa tin, do ảnh hưởng lớn của ông Lưu Á Châu trong Quân đội Trung Quốc nên quân đội đã bắt đầu “loại bỏ tàn dư độc hại của Lưu Á Châu”. Thông báo được đưa ra vào cuối tháng 2/2023, yêu cầu tất cả các đơn vị phải đảm bảo dọn dẹp triệt để loại bỏ “thông tin có hại của Lưu Á Châu”.

Thực tế trước đó vào ngày 24/3/2023, phương tiện truyền thông Hồng Kông thân ĐCSTQ là tờ Minh Báo (Ming Pao) đã dẫn nhiều nguồn tin nói rằng ông Lưu Á Châu bị cáo buộc có vấn đề liên quan tham ô số tiền khổng lồ dưới danh nghĩa các tổ chức và hiệp hội, vấn đề nghiêm trọng có thể chịu bản án tử hình nghiêm khắc nhưng tạm hoãn thi hành án.

3. Cựu ngoại trưởng Tần Cương bất ngờ bị cách chức

Tan Cuong
Ông Tần Cương và người tình tin đồn Phó Hiểu Điền. (Ảnh: MXH)

Ngày 25/7/2023, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp lần 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công bố quyết định cách chức Ngoại trưởng đối với ông Tần Cương, theo đó tái bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế, nhưng nhà chức trách không cho biết lý do ông Tần Cương bị cách chức. Tính đến ngày hôm đó, ông Tần Cương đã mất tích kéo dài cả tháng – cảnh tượng hiếm hoi trong chính trường ĐCSTQ kể từ Đại hội 20. Tháng 12/2022, việc ông Tần Cương được ông Tập Cận Bình bổ nhiệm làm Ngoại trưởng đã gây chú ý công luận, nhiều nhận định rằng ông Tần thăng chức nhanh “như tên lửa”. Tuy nhiên chỉ hơn nửa năm sau khi nhậm chức ngoại trưởng thì quan chức này đã bị cách chức, điều đó cũng khiến ông là ngoại trưởng có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ khi thành lập ĐCSTQ.

Trong thời gian này, cộng đồng mạng lan truyền thông tin rằng Tần Cương có con ngoài hôn nhân với người dẫn chương trình Phoenix TV Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian) mang quốc tịch Mỹ.

4. Cái chết của cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Vương Thiếu Quân bị trì hoãn 3 tháng mới công bố

Ngày 24/7/2023, ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố về cái chết của ông Vương Thiếu Quân, cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung Nam Hải, đã qua đời từ trước đó 3 tháng. Theo tin vắn do cơ quan truyền thông ĐCSTQ Tân Hoa Xã đăng ngày 24/7, ông Vương Thiếu Quân – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương kiêm Cục trưởng Cục Cảnh vệ… – do điều trị bệnh không hiệu quả đã qua đời tại Bắc Kinh ngày 26/4/2023, thọ 67 tuổi.

Ông Vương Thiếu Quân từng tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, khi đó thậm chí còn tham dự bữa tiệc tại Nhà Trắng. Tháng 6/2017 khi ông Tập Cận Bình tới Hồng Kông để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, người hộ tống khi đó cũng là ông Vương Thiếu Quân. Khi ông Tập Cận Bình đi xem xét quân đội ĐCSTQ đóng tại Hồng Kông, ông Vương Thiếu Quân mặc quân phục ngồi trên xe jeep hộ tống, cho thấy được ông Tập đặc biệt tin tưởng.

Lý Quân (Li Jun), một người sản xuất truyền hình độc lập, từng nói trong chương trình “Diễn đàn ưu tú” rằng cái chết của ông Vương Thiếu Quân rất kỳ lạ, chắc chắn liên quan đến một số thông tin nội bộ chính trị của ĐCSTQ.

5. Xác nhận tin đồn về việc thay thế lãnh đạo Quân chủng Tên lửa

Ngày 31/7/2023, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức lễ thăng cấp tướng, theo đó Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Vương Hậu Bân (Wang Houbin) và Chính ủy Quân chủng Tên lửa Từ Tây Thành (Xu Xisheng) đã được thăng cấp Thượng tướng. Điều này cũng xác nhận tin đồn trước đó về vấn đề chỉ huy Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao).

Trên mạng xã hội X, nhà nghiên cứu Ngưu Bôn (Niu Ben) tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Hiệp hội châu Á đã đăng rằng chỉ huy Quân chủng Tên lửa mới được thăng chức Vương Hậu Bân là người của Hải quân, và chính ủy mới Từ Tây Thành là người thuộc không quân. Ông viết: “Điều này xác nhận việc ông Tập Cận Bình thanh lọc Quân chủng Tên lửa. Động thái bổ nhiệm hai người bên ngoài của ông Tập Cận Bình là rất bất thường, cho thấy vấn đề niềm tin chính trị của ông đối với Quân chủng Tên lửa, ngầm cho thấy mức hủ bại nghiêm trọng trong bộ máy nhân sự về vũ khí hạt nhân/tên lửa liên lục địa Trung Quốc”.

Ngày 28/7, tờ SCMP của Hồng Kông có khuynh hướng thân ĐCSTQ dẫn nguồn tin cho hay, chỉ huy Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu và cấp phó Lưu Quang Bân (Liu Guanbin), cùng nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong) hiện là Phó tham mưu Ban Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, bị bắt đi điều tra vào tháng 3/2023 vì nghi ngờ tham nhũng.

Ngoài ra, cũng có nhiều giả thuyết khác nhau về việc rò rỉ bí mật sang Mỹ từ Quân chủng Tên lửa. Ngày 24/10/2022, Viện Hàng không Vũ trụ (CASI) thuộc Đại học Không quân Mỹ đã công bố một báo cáo dài 255 trang về cơ cấu tổ chức của Quân chủng Tên lửa của ĐCSTQ. Báo cáo tiết lộ tình hình chi tiết những người phụ trách chính của Quân chủng Tên lửa từ chỉ huy đến hậu cần…

Về vấn đề này, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá kiêm sĩ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, cho biết ông rất sốc khi xem báo cáo: “Thông tin đầy đủ như vậy chắc chắn không phải do vệ tinh nào chụp được, không thể có được như vậy chỉ qua vệ tinh”. Ngày 14/12/2023, blog trực tuyến Asia Sentinel nhận được thông tin từ nhiều nguồn rằng khi ông Tập Cận Bình đến thăm Nga vào tháng 3/2023 được ông Putin tiết lộ rằng Quân chủng Tên lửa của ĐCSTQ đã rò rỉ thông tin cho Mỹ về bí mật tên lửa của Trung Quốc, trong quá trình có liên quan ông Ngoại trưởng Tần Cương.

Ngoài ra còn có tin cho rằng chính con trai của ông chỉ huy Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu bị Mỹ mua chuộc khi đang du học ở Mỹ, đã làm rò rỉ thông tin về Quân chủng Tên lửa cho Mỹ. Một số người trong nội bộ ĐCSTQ còn tiết lộ rằng, chính con trai của cựu phó chỉ huy Quân chủng Tên lửa Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua) khi học tập và kinh doanh ở Mỹ đã bán cho Mỹ bản đồ phân bố tên lửa của Quân chủng Tên Trung Quốc, điều này bị các đặc vụ của ĐCSTQ tại Mỹ nắm được. Khi các đặc vụ của ĐCSTQ báo cáo với ông Tần Cương, họ cũng báo cáo với cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ, được phía an ninh báo cáo với ông Tập Cận Bình, trong khi vấn đề ông Tần Cương trì hoãn báo cáo này đã khiến ông Tập Cận Bình nghi ngờ.

6. Ông Tập Cận Bình 2 lần gặp rắc rối tại hội nghị thượng đỉnh BRICS

Ngày 22/8/2023, khi ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, ông đã tạm thời vắng mặt tại diễn đàn doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo BRICS cần tham gia vào buổi chiều, người thay thế là Bộ trưởng Vương Văn Đào (Wang Wentao) của Bộ Thương mại, làm dấy lên đồn đoán từ thế giới bên ngoài. Sau đó có thông tin cho rằng ông Tập Cận Bình tạm thời vắng mặt trong cuộc họp vì sợ bị ám sát.

Ngày 23/8, ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, lãnh đạo các nước lần lượt bước vào địa điểm hội nghị, khi ông Tập bước qua cổng vào địa điểm có người trợ lý phiên dịch Tôn Ninh (Sun Ning) vội bám theo nhưng bị nhân viên bảo vệ tại hiện trường cưỡng chế chặn lại bên ngoài. Đoạn video đăng trên mạng có thể thấy khi ông Tập đi một mình trên thảm đỏ thì nghe thấy một giọng nói phía sau, ông Tập quay lại thì thấy cánh cửa đã đóng, ông tiếp tục bước về phía trước nhưng có vẻ rất do dự và không thể không dừng bước nhìn lại. Hành vi do dự và có phần sợ hãi rất hiếm gặp của ông Tập đã được cộng đồng mạng lan truyền rộng rãi.

7. Ông Lý Thượng Phúc mất tích bị cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Ngày 24/10/2023, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc thông báo trong một bản tin rằng ông Tập Cận Bình đã ký Sắc lệnh số 14 loại bỏ ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) khỏi vai trò Ủy viên Quốc vụ viện và chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời ông Tần Cương, người đã bị cách chức Ngoại trưởng vào tháng 7 cùng năm cũng bị cách chức Ủy viên Quốc vụ viện.

Điều này cũng xác nhận tin tức đã xảy ra chuyện với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người bất ngờ “biến mất” vào tháng 8/2023. Về vấn đề này, Viện trưởng Tô Tố Vân (Su Ziyun), thuộc Viện Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, chỉ ra: “Một điều rất rõ ràng về vấn đề của ông Lý Thượng Phúc là liên quan một loạt vấn đề khác trong hệ thống hàng không vũ trụ, Quân chủng Tên lửa, lực lượng hỗ trợ chiến lược… Những vấn đề gây ra có thể đã là cú sốc mạnh đối với ông Tập Cận Bình, vì những người này đã được đích thân ông Tập thăng chức tại Đại hội 20”.

8. Cái chết bất ngờ của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Vào lúc 8:00 sáng ngày 27/10/2023, Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời vì cơn đau tim, thông tin gây bàng hoàng dư luận.

Theo tin tức, ông Lý Khắc Cường hôm 26/10 đang đi nghỉ ngơi ở Thượng Hải thì bị đau tim. Sau khi hồi sức không thành công, ông qua đời tại Thượng Hải lúc 0:10 ngày 27/10, hưởng thọ 68 tuổi. Từng có một thời gian cộng đồng mạng Trung Quốc đã dấy lên nhiều nghi ngờ khác nhau về tuyên bố ông Lý Khắc Cường chết vì đau tim, những tin đồn liên quan cho rằng có thể ông Lý Khắc Cường đã bị quản thúc tại khách sạn Dongjiao ở Thượng Hải hoặc ông bị đầu độc.

Một số nguồn thạo tin chính trị của ĐCSTQ cho biết, chính sự xung đột nội bộ trong ĐCSTQ đã góp phần dẫn đến cái chết của ông Lý Khắc Cường.

Nhà bình luận chính trị Đường Thanh (Tang Qing) trú tại Mỹ cho rằng,\ trong số các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thì độ tuổi ông Lý Khắc Cường không phải đã cao, cái chết đột ngột vì bệnh tật của ông có thể dễ dàng làm dấy lên những đồn đoán về tình hình hỗn loạn hiện nay của ĐCSTQ. Đặc biệt, việc ông Tập Cận Bình vừa bãi nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho thấy sân khấu chính trị của ĐCSTQ hiện nay khá bất ổn.

Cộng đồng mạng cũng chỉ ra điều kỳ lạ trong cái chết của ông Lý Khắc Cường: Chết ngay khi vừa từ chức, giống như một cuộc trả thù chính trị. Cho thấy trong mắt ông Tập Cận Bình không còn có thể chịu đựng được bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào, ngay cả những quan chức không còn giữ quyền lực cũng có khả năng bị coi như cái gai…. Cách ông Lý Khắc Cường chết quá giống với ông Hồ Diệu Bang.

9. Ông Tập Cận Bình nhắc lại bài học lịch sử về giáo dục chủ nghĩa xã hội

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc, ngày 6/11/2023 ông Tập Cận Bình đã họp tại Bắc Kinh với đại diện của 104 đơn vị tham gia “Phương pháp làm việc kiểu [trấn] Cầu Phong (Feng Qiao) [Thiệu Hưng – Chiết Giang]” do Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương lựa chọn triển khai trên toàn quốc, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển cái gọi là “trải nghiệm Cầu Phong” của kỷ nguyên mới.

Các thông tin cho thấy, ông Tập đi cùng với các quan chức cấp cao như Thái Kỳ (Cai Qi) – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Lý Hy (Li Xi) – Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Trần Văn Thanh (Chen Wenqing) – Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) – Bộ trưởng Bộ Công an, Ngô Chính Long (Wu Zhenglong)  – Tổng thư ký Chính phủ, Trương Quân (Zhang Jun) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và Ứng Dũng (Ying Yong) – Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao.

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách (Wang He) cho rằng việc các quan chức chủ chốt thuộc hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ tham gia hoạt động do Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tổ chức là điều bình thường…. Nhưng việc có sự tham gia của ông Thái Kỳ và Lý Hy có nghĩa là ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy “trải nghiệm Cầu Phong” với mức độ lớn hơn, có thể trên toàn quốc.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 23 – 24/11/2023, một hội nghị chuyên đề của các giám đốc Công an ĐCSTQ đã được tổ chức tại Hàng Châu. Bộ trưởng Vương Tiểu Hồng của Bộ Công an ĐCSTQ phát biểu rằng cần nâng cao nhận thức chính trị, bám sát và phát triển “trải nghiệm Cầu Phong thời đại mới”. Chúng ta phải tập trung phát huy và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, xây dựng và hoàn thiện mô hình hoạt động của cảnh sát mới, củng cố nền tảng cơ sở.

Ngày 27/11/2023, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã chỉ ra trên mạng xã hội X rằng, “trải nghiệm Cầu Phong” sắp được triển khai toàn diện (ở Trung Quốc), một phong trào liên quan toàn dân này thì không ai có thể thoát. Lần đầu tiên ông Vương Hiểu Hồng công khai so sánh “trải nghiệm Cầu Phong” giữa ông Tập Cận Bình hiện nay và ông Mao Trạch Đông ngày trước, cho thấy muốn nâng cao địa vị của Tập ngang Mao, thứ hai là khẳng định với xã hội về triển khai phong trào quần chúng kiểu này.

“Trải nghiệm Cầu Phong” thực chất là phương pháp kiểm soát xã hội được ĐCSTQ sử dụng để lợi dụng quần chúng để chống lại quần chúng. Nhà bình luận Thái Trấn Khôn (Cai Shenkun) cho biết: “Mô hình Cầu Phong kiểu như là dùng những nhóm người chống lại nhau, nhưng thực chất họ tự đấu với chính họ, bởi vì nhóm được đấu tố kia sẽ sớm lại bị nhóm khác đấu tố, xã hội chìm vào màn đen vòng luẩn quẩn tự đấu tranh với nhau. Khi mọi chuyện trở nên nóng lên, những người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ sẽ vào cuộc để hạ nhiệt, làm trọng tài, lôi kéo, như vậy có thể luôn kiểm soát được quần chúng”.

10. Bà Hồ Thư Lập thách thức ông Tập Cận Bình

Ngày 25/12/2023, một ngày trước lễ kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Mao Trạch Đông của ĐCSTQ, tờ Caixin đã đăng bài “Trọng thực tiễn là định hướng tư tưởng” (Trọng ôn thực sự thị tư tưởng lộ tuyến), trong đó trích dẫn lời của cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình: “Thành công của cải cách và mở cửa không phải dựa vào sách vở mà dựa vào thực tiễn…”

Bài báo cũng dẫn lời của ông Tập Cận Bình, “Nếu đi ngược lại thực tiễn sẽ làm hại Đảng và đất nước”.

Bài viết này đã làm dấy lên thảo luận rộng rãi trong và ngoài nước Trung Quốc, đồng thời bị coi là châm biếm ông Tập Cận Bình.

Bài viết sau đó đã bị gỡ bỏ.

Ngày 6/11/2023, tức 4 ngày sau khi hài cốt của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được hỏa táng, tờ Caixin đã đăng bài “Cải cách khẩn cấp cần những đột phá mới”. Bài viết cố tình trích dẫn câu nói nổi tiếng của ông Lý Khắc Cường: “Dương Tử và Hoàng Hà sẽ không chảy ngược”, đồng thời chỉ trích thẳng thừng “một số quan chức” âm thầm cản trở cải cách mở cửa, can thiệp quá nhiều vào thị trường…

Ngày 31/12/2023, Caixin lại có bài báo “Lời cáo biệt năm 2023”. Bài viết này chủ yếu điểm lại những những người Trung Quốc đáng chú ý trong và ngoài nước Trung Quốc đã qua đời vào năm 2023, kèm theo ảnh của họ, đồng thời đính kèm các liên kết cáo phó của Caixin về họ. Trong số đó có ông Lý Khắc Cường, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh, Cao Diệu Khiết, Chu Lệnh, nhà kinh tế Lệ Dĩ Ninh. Đáng chú ý là bức ảnh lớn đầu tiên trong bài viết là của ông Lý Khắc Cường – người đang bị nghi vấn về nguyên nhân cái chết, điều này chắc chắn đã chạm đến những dây thần kinh nhạy cảm của chính quyền ĐCSTQ. Bài “Lời cáo biệt năm 2023” đã nhanh chóng bị chặn sau khi công bố.

Tối 31/12, trang weibo cá nhân của bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli) – người sáng lập Caixin Media, đã bị xóa.

Về vấn đề này, nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) tại Mỹ cho biết, tờ Caixin trong 2 tháng đã 3 lần chạm vào vùng cấm của ĐCSTQ, có 2 bài báo đã bị xóa bỏ, điều này không còn là dũng cảm của bất kỳ biên tập viên nào hay riêng bà Hồ Thư Lập, tính chất vấn đề đã thay đổi. Ông chia sẻ: “Caixin thực sự đã trở thành người phát ngôn cho các thế lực trong ĐCSTQ phản đối ông Tập Cận Bình và ủng hộ đường lối của ông Đặng Tiểu Bình. Ở một khía cạnh nào đó, Caixin đã trở thành nguồn dư luận quan trọng nhất của phe chống Tập trong ĐCSTQ – một đại bản doanh của phe đối lập”.