Gần đây, một cô gái Campuchia lên Facebook cầu cứu do bị nhóm buôn lậu bán sang Trung Quốc và ép lấy một người đàn ông ở nước này. Mặc dù cô gái được giải cứu thành công, nhưng hệ lụy chính sách một con của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

co dau Trung Quoc
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trước đây, do Trung Quốc thực hiện “chính sách một con” đã gián tiếp khiến tỷ lệ nam nữ mất cân bằng. Một lượng lớn đàn ông Trung Quốc không tìm được vợ, khiến các tổ chức mai mối bất hợp pháp tìm đến các nước châu Á khác như Việt Nam, Campuchia, Nepal, Pakistan…

Theo truyền thông địa phương, ngày 9/3, cô gái 16 tuổi Rom Phipha khẳng định trong một đoạn video được tung ra rằng vì tin lời kẻ buôn người nên cô đã đến làm việc ở Trung Quốc Đại Lục với nhiều kỳ vọng.

Những kẻ buôn người đã bán và ép cô kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc. Cô đã bị giam trong 6 tháng.

Video khi được tung lên mạng đã lập tức lan truyền chóng mặt, khiến Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Campuchia chấn động. Họ lập tức điều tra vụ việc và gặp được chị gái của nạn nhân là Rom Kunthea tại quê nhà của cô gái.

Rom Kunthea cho biết, em gái cô rời khỏi nhà vào đầu năm 2023, đến làm việc trong một xưởng may ở Phnom Penh. Hàng tháng cô đều gửi tiền về nhà trợ cấp cho gia đình, nhưng 6 tháng trước, cô đột ngột mất liên lạc. Gia đình cho rằng cô chỉ đang hờn dỗi, hoặc đã bí mật có bạn trai, nên không gọi cảnh sát.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ nói với tờ “Thời báo Campuchia-Trung Quốc” rằng khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Sokha biết tin, ông đã ngay lập tức liên lạc với Bộ Ngoại giao và Lãnh sự quán Campuchia tại Trung Quốc.

Khi đó, cơ quan chức năng Campuchia cũng liên hệ với phía Trung Quốc. Cảnh sát đã phối hợp, nhanh chóng xác định được vị trí của nạn nhân và giải cứu cô thành công vào chiều 10/3. Hiện chính quyền Campuchia đang tìm mọi cách để giúp cô gái trở về nước.

Tháng 7/2023 theo New York Times, đến năm 2016 Chính phủ Trung Quốc mới chấm dứt chính sách một con. Theo quan niệm truyền thống trọng nam khinh nữ, dân số nam của Trung Quốc đã vượt quá 35 triệu người so với dân số nữ, khiến tình trạng độc thân trở nên trầm trọng hơn, gia tăng cạnh tranh giành “cô dâu”.

Ngoài ra, chi phí tổ chức lễ đính hôn và đám cưới cũng tiếp tục tăng cao. Số phụ nữ không muốn kết hôn cũng tăng lên, dẫn đến nhiều đàn ông Trung Quốc không tìm được vợ. Đặc biệt là đàn ông ở vùng sâu vùng xa, không thể kết hôn bằng tình yêu bình thường, nên một số đàn ông sẽ chọn cách bỏ tiền ra mua hoặc bắt cóc cô dâu nước ngoài.

Theo chuyên mục tạp chí trực tuyến “Tại Nhân Gian” của Ifeng.com, sau Việt Nam, Nepal dường như đã trở thành thiên đường cho đàn ông độc thân Trung Quốc thoát khỏi cảnh giường đơn gối chiếc.

Báo cáo đề cập rằng một trong những lý do thu hút đàn ông độc thân từ Trung Quốc Đại Lục đến Nepal là khoảng cách thu nhập. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2022 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ là 12.720 USD, trong khi của Nepal là 1.336,5 USD, chỉ bằng 1/9 của Trung Quốc.

Trong mắt những người Trung Quốc và Indonesia hiểu nội tình, hầu hết những người Trung Quốc lang thang tìm kiếm cô dâu ở Nepal đều có thu nhập thấp, lớn tuổi và có trình độ học vấn thấp. Đàn ông độc thân với điều kiện như vậy rất khó tìm được đối tượng phù hợp ở Trung Quốc.

Báo cáo dẫn lời ông Tạ Khiên (Xie Qian), Giám đốc Hiệp hội Hoa kiều Pokhara ở Nepal, cho biết chỉ 10% đàn ông độc thân Trung Quốc đến Nepal tìm vợ là dưới 35 tuổi. Khoảng một nửa là trên 50 tuổi, nhưng họ đều muốn tìm phụ nữ Nepal ở độ tuổi 20.

Năm 2018, một phụ nữ Việt Nam cũng bị bán sang Trung Quốc làm dâu và phải đến giữa tháng 9/2023 mới được giải cứu. Theo Báo Pháp Luật Việt Nam, đối tượng bị tình nghi thực hiện vụ buôn người là Hoàng Thị Lên, một phụ nữ Việt Nam 38 tuổi, đã bị công an bắt giữ.

Theo số liệu của chính phủ, nửa đầu năm 2023 đã xảy ra tổng cộng 88 vụ buôn người, với tổng số 229 người bị bắt và 224 nạn nhân. Trong khi cùng kỳ năm 2022 có 55 vụ buôn người và 154 nạn nhân.

Vì ở Trung Quốc có quá nhiều đàn ông độc thân nên việc phụ nữ Việt bị bán sang Trung Quốc làm “cô dâu” không phải là chuyện hiếm.

Phụ nữ Pakistan cũng bị bán sang Trung Quốc. Tháng 12/2019, hãng tin AP đã phỏng vấn 629 cô gái và phụ nữ Pakistan, tất cả đều bị đưa sang Trung Quốc từ năm 2018 đến đầu năm 2019. Khi đến Trung Quốc, những phụ nữ này thường bị cô lập, bỏ mặc, lạm dụng, thậm chí bị ép làm gái mại dâm.