Để thực hiện tham vọng thay Mỹ ‘lãnh đạo thế giới’, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ xâm nhập gây chia rẽ, tấn công kinh tế, đánh cắp công nghệ đối với nước khác, những năm gần đây còn tăng cường bí mật diễn tập mô phỏng thực chiến tại sa mạc Tân Cương.

dien tap
ĐCSTQ thường mô phỏng căn cứ quân sự “kẻ địch” ở sa mạc Tân Cương để tiến hành diễn tập đối với mục tiêu. (Nguồn: Video chụp màn hình/Twitter)

ĐCSTQ luôn hy vọng trở thành lãnh đạo trong hệ thống quốc tế về mọi mặt từ quân sự, kinh tế và ngoại giao, nhưng do các giá trị và văn hóa kiểu độc tài, bạo lực có tính hủy diệt, khiến cộng đồng quốc tế không ngừng phải phản kháng, và ĐCSTQ nhận thức rõ điều này. Vì vậy, ngoài việc xâm nhập, gây chia rẽ, tấn công kinh tế, công nghệ đối với nước khác, từ lâu ĐCSTQ đã bí mật đẩy mạnh phát triển quân sự nhằm có được ưu thế vũ khí chinh phục các nước phát triển, đặc biệt là các nước hùng mạnh đứng đầu như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu.

Một trong những bước chuẩn bị quan trọng là bí mật diễn tập mô phỏng các cuộc tấn công nhằm làm quen và vượt qua nhiều trở ngại có thể xảy ra trong thực chiến. Tiêu biểu như cách đây chưa lâu, ĐCSTQ bị vạch trần mô phỏng khu vực Phủ Tổng thống Đài Loan để diễn tập (ở vùng sa mạc phía Tây Bắc), mới đây giới truyền thông lại chỉ ra những thông tin, hình ảnh vệ tinh mới nhất của Quân đội Bulgaria đã phát hiện ĐCSTQ mô phỏng căn cứ của quân đội Mỹ để diễn tập tại căn cứ ở sa mạc Tân Cương.

Theo các nguồn tin, trường bắn của Quân đội ĐCSTQ ở sa mạc Taklamakan – Tân Cương mô phỏng các căn cứ không quân của Nhật Bản và Mỹ, theo đó những “căn cứ” đậu nhiều mô hình máy bay tiên tuyến nhất của Mỹ như máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35.

Bởi vì sân bay gần Trung Quốc nhất của quân đội Mỹ được bố trí các máy bay chiến đấu F-22 – đó là Căn cứ Không quân Kadena trên đảo chính Okinawa. Trong khi đó Chiến khu Nam Kinh của Quân đội ĐCSTQ chỉ cách Okinawa khoảng 1000 km, hoàn toàn nằm trong tầm bắn khoảng 4.000 km của tên lửa Dongfeng 26 và khoảng 2.000 km của tên lửa Dongfeng 17.

Có phân tích cho rằng điều này cho thấy quân đội ĐCSTQ đã đưa các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự trên đất liền Nhật Bản vào hoạt động diễn tập.

Về sân bay tại Nhật Bản được quân đội Mỹ chủ yếu triển khai tiêm kích F-35 gần Trung Quốc nhất, đó là căn cứ không quân Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi trên đảo Honshu, nơi này chỉ cách chiến khu phía đông của quân đội ĐCSTQ khoảng 1.270 km, cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Dongfeng 17 và Dongfeng 26.

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy đường băng mô phỏng của sân bay và mô hình máy bay ở Tân Cương có rất nhiều dấu vết bắn tên lửa, cho thấy quân đội ĐCSTQ đã huấn luyện tấn công bằng đạn thật nhằm vào các căn cứ, cơ sở và trang thiết bị quân sự mô phỏng “kẻ thù”.

Hiện tại, ĐCSTQ có thể đã biết nước “địch thủ” nắm được những động thái của quân đội ĐCSTQ thông qua dùng vệ tinh, chính vì vậy gần đây đã đưa ra cảnh báo trên truyền thông rằng một số cơ quan tình báo gián điệp nước ngoài đang giám sát theo thời gian thực đối với Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua vệ tinh viễn thám có độ chính xác cao.

Tài khoản công khai WeChat của Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ nêu rõ trong một bài báo có tiêu đề “Cảnh giác với ‘mắt gián điệp’ trong không gian”: Các cơ quan tình báo gián điệp ở nước ngoài những năm gần đây đã sử dụng quan sát viễn thám qua vệ tinh, trinh sát tiếp cận máy bay quân sự, giám sát thông tin về đại dương… để thực hiện các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc trên mọi phương diện từ biển, đất liền, không gian và bầu trời, theo đó không gian được xem là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

ĐCSTQ đã đổ lỗi “tội” rò rỉ “bí mật” này cho khu vực tư nhân. Bộ An ninh của ĐCSTQ tuyên bố rằng với sự xuất hiện của các ứng dụng bản đồ vệ tinh có độ chính xác cao, một số công ty đã dùng cơ chế đồng sáng tạo của người dùng, theo đó khuyến khích những người có các sở thích liên quan tải lên thông tin địa lý được đánh dấu chính xác và người dùng tự quay đã tải lên thông tin vị trí nhạy cảm như các đơn vị mật và khu vực quân sự của Trung Quốc, hành động vô ý của những cá nhân cư dân mạng đó đã vô tình ‘chỉ đường’ cho các vệ tinh gián điệp, vì thế cần tăng cường chiến dịch truy cứu những người dân Trung Quốc có hành động như vậy.

Truyền thông Hồng Kông cũng dẫn lời hãng truyền thông trực tuyến Business Insider của Mỹ cho biết, trong những năm gần đây ĐCSTQ tưởng tượng Mỹ là kẻ thù lớn nhất, đã thiết lập nhiều mục tiêu tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ ở sa mạc Taklimakan để huấn luyện tấn công. Theo những hình ảnh vệ tinh mới nhất, gần đây mục tiêu mô phỏng tàu sân bay mới nhất Ford của Mỹ đã bị phá hủy hoàn toàn.

Tuy nhiên có quan điểm từ giới chuyên gia quân sự cho hay, tác dụng thực sự trong các hoạt động tập trận của ĐCSTQ sẽ là rất hạn chế. Bởi vì chiến tranh hiện nay liên quan đến công nghệ cao, vấn đề căn cứ, thiết bị và chiến thuật thường linh hoạt chứ không cố định, cho nên tập theo quan niệm truyền thống là sai lầm. Nhưng ĐCSTQ vẫn sử dụng tư duy cũ và công nghệ cũ để đối phó với kẻ thù tưởng tượng, với quán tính đó khi áp dụng và thực chiến dễ bị hỗn loạn, thảm bại. Hơn nữa, thắng bại của một cuộc chiến không chỉ phụ thuộc vào vũ khí, trang bị mà còn phụ thuộc vào lòng dân, sức chiến đấu và thậm chí cả môi trường tự nhiên.