Cổ ngữ nói: “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi”, nghĩa là trị vì mà dùng đức độ thì mọi người sẽ phục tùng quy thuận giống như sao Bắc Thần ở một chỗ mà mọi vì sao đều vây quanh. Minh quân của các triều đại đều nghiêm ngặt tuân thủ Thiên đạo, lấy mình làm gương, dùng đạo đức giáo hóa dân chúng, từ đó mà được quốc thái dân an. Chu Văn Vương Cơ Xương thận trọng, chân thành, trị vì nhân từ mà đất nước hưng thịnh, được vạn dân kính ngưỡng.

Đường Thái Tông trị quốc
(Tranh minh họa: Public Domain)

Dùng đức cảm hóa người, bốn phương đều tôn kính

Vào cuối thời nhà Thương, Cơ Xương được phong là Tây Bá Hầu, thủ lĩnh của các chư hầu phương Tây, sau này ông được xưng là Chu Văn Vương. Khi Văn Vương cai quản Tây Chu đã thi hành đức trị, và theo đuổi “Dĩ đức phối thiên, kính đức bảo dân, minh đức thận phạt”. Ông nói: Người trị vì phải dựa vào lòng nhân mà làm, người làm bề tôi thì phải thận trọng, người làm con thì phải hiếu đạo, người làm cha mẹ thì phải từ ái, kết giao giữa người với người phải thành tín”. Ông dạy mọi người phải có tâm tư đoan chính, kính thiên, kính đức. 

Chu Văn Vương lấy bản thân mình làm gương, làm việc cẩn thận tỉ mỉ, cần cù tận tụy. Ông sống cần kiệm, mặc trang phục bình dân, ra ruộng làm việc như những người dân thường khác.

Ông chọn dùng chính sách “Cửu nhất nhi trợ”, nghĩa là cho phép nông dân làm ruộng công, chỉ phải nộp 1/9 tiền thuế so với bình thường. Thương nhân lui tới miền đất này buôn bán không phải nộp thuế quan. Người nào phạm tội thì vợ con không bị liên lụy. Đối với những người nghèo khổ không còn khả năng lao động thì ông kịp thời trợ giúp và chăm sóc. Đối với người có đức có tài, bởi vì can ngăn Trụ vương, phải lưu lạc đến đây nhờ cậy, Chu Văn Vương đều tiếp đãi chu đáo, trao cho quan chức. Như Tán Nghi Sinh, Nam Cung Hoát, Thái Điên, Hoằng Yểu, Tân Giáp đều lần lượt kéo tới quy thuận làm bề tôi cho Văn Vương.

Hai nước Ngu, Nhuế đều là chư hầu ở phía Tây nhà Thương. Quân vương hai nước vì biên giới lãnh thổ mà nảy sinh tranh chấp, thế nhưng họ không muốn tìm vua Thương để nhờ vả, mà đều ái mộ uy danh của Chu Văn Vương, tới xin Văn Vương phán định giúp.

Trong “Thi kinh. Đại nhã. Miên” có ghi chép đại ý như sau. Hai vị vua “vào đất Chu, thì nông dân nhường lối, người đi đường cũng nhường đường”, “vào ấp này, nam nữ đi trên hai con đường khác nhau, người có tuổi không phải mang vác nặng”, “vào triều đình, sĩ được làm đại phu, đại phu được làm khanh”. Mọi người ở nước Chu đều có tác phong cao thượng. Hai vị vua thấy thế thìtrong lòng cảm thấy rất xấu hổ.Thế là còn chưa gặp Chu Văn Vương, hai người họ đã chủ động nhường vùng đất đang tranh giành nhau ấy cho đối phương. Kết quả là hai bên đều nhường nhau không chịu giữ, vùng đất đó bị để không, người đời sau gọi đó là “Nhàn điền” hay là “Nhàn nguyên”. Các chư hầu lân cận biết được chuyện này thì đều lấy Chu Văn Vương làm mẫu, đều kéo tới xin quy thuận.

Thương xót dân chúng

Dân chúng nước Chu an cư lạc nghiệp, không ai nhặt của rơi trên đường, đêm ngủ không cần đóng cửa, nơi nơi đều là khung cảnh tường hòa. Một lần, Chu Văn Vương bàn bạc với các quần thần: “Ta muốn chiêm nghiệm điều cát hung vì dân chúng, muốn xây dựng một linh đài để xem điềm lành dữ, nhưng lại sợ làm tổn thương dân chúng”.

Tán Nghi Sinh nói: “Đại Vương xem việc lành dữ mà dựng linh đài, không phải là vì để ngắm cảnh nghe nhạc, muôn dân tất nhiên sẽ vui lòng. Nếu Ngài không muốn dùng sức dân thì hãy trả tiền công cho dân, để tùy dân tự nguyện, không cưỡng chế họ, như thế thì không có hại gì cả”.

Người dân xem cáo thị đều vui vẻ, hăng hái xây đài, không dám nhận tiền công, chẳng bao lâu đã xây xong.

Có lần Chu Văn Vương đi tuần tra xem xét ở vùng ngoại ô, gặp một số xương khô nằm phơi nơi đồng không mông quạnh. Ông lập tức lệnh cho tùy tùng mai táng đàng hoàng chỗ xương khô ấy. Những người tùy tùng nói: “Đại Vương, những xương khô đó đều là vô chủ, cần gì phải thương xót chứ?”. 

Chu Văn Vương nói: “Người có được Thiên hạ thì chính là chủ nhân của Thiên hạ. Người có được một đất nước thì chính là chủ nhân của đất nước ấy. Ta vốn là chủ của những người đã chết ấy, sao lại nói là vô chủ được!”. Người trong thiên hạ nghe chuyện Chu Văn Vương không đành lòng để hài cốt của người chết phơi nắng phơi mưa, đều nói: “Tây Bá Hầu ban ân huệ cho cả xương khô, huống chi là đối với người còn sống.”

Đạo hợp với ý Trời, tôn kính hiền tài

Thương Trụ Vương bạo ngược vô đạo, Chu Văn Vương dâng thư khuyên can: “Thể theo đức hiếu sinh của Thiên thượng, kính trọng và tuân theo Thiên mệnh, bỏ nịnh trừ gian, thì muôn dân thật là may mắn”. Trụ Vương sau khi xem xong thì nổi giận. Sùng Hầu Hổ lại âm thầm gièm pha: “Cơ Xương làm việc thiện khắp nơi, lòng dân quy thuận, các chư hầu đều hướng về hắn, sợ rằng sẽ bất lợi”. 

Trụ Vương vì thế đã giam giữ Chu Văn Vương ở Dữu Lý suốt 7 năm. Ở Dữu Lý, Chu Văn Vương làm dân địa phương hướng thiện. Ông dạy họ tu thân, hiểu biết lễ nghi. Ông còn chiếu theo đạo lý của Trời Đất mà dốc sức nghiên cứu, sáng tạo ra Chu Dịch. Lấy “Tiên thiên Bát Quái” của Phục Hy diễn hóa thành 64 quẻ, tổng cộng 384 hào, trong đó có chứa sự kỳ diệu của tạo hóa Đất Trời, thiên cơ bất trắc của Âm Dương.

Sau này, khi được thả rồi, Chu Văn Vương hiểu rất sâu sắc rằng muốn trị vì đất nước được tốt thì cần phải trọng dụng người có tài đức. Ông đích thân đi tìm người hiền, nghe nói Khương Tử Nha là người có đạo đức cao thượng, học thức uyên bác nên đã lựa chọn ngày tốt, trai giới xông hương, chân thành tự mình dẫn người tới thỉnh mời.

Trong lúc nói chuyện, Chu Văn Vương thấy Khương Tử Nha có ý chí rộng lớn, có tài năng cứu đời an dân, nên vui vẻ nói: “Khi ông nội tôi còn sống từng nói với tôi rằng: Tương lai nhất định sẽ có người tài đức giúp con làm cho nhà Chu hưng thịnh. Ông chính là nhân tài mà ông nội của tôi kỳ vọng”. Nói xong Văn Vương mời Khương Tử Nha cùng ngồi một xe trở về cung, trù tính nghiệp lớn.

Khương Tử Nha quả nhiên đã không phụ lòng, phò tá Chu Văn Vương chăm lo việc nước, sau này lại phò tá Chu Vũ Vương phạt Trụ, thống nhất thiên hạ.

Khổng Tử nói: “Đạo của Văn Vương vĩ đại phi thường. Không cố ý làm bất kể việc gì mà khiến con người phát sinh biến hóa. Không cố ý làm bất cứ việc gì mà lại vươn tới thành công, đó là bởi vì Văn Vương luôn luôn nghiêm khắc trong việc tu dưỡng bản thân và đối xử khoan dung với người khác”.

Người ta thường nói cái tâm của Thánh nhân chiếu sáng mặt trời và mặt trăng, đó là bởi vì đức của thánh nhân phối xứng với bầu trời, cứu tế sinh linh thiên hạ, tích thiện hành nhân, đức hạnh cao thượng.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Trí Chân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: