Trong 6 năm tới, đến 2030, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tự mở lối thoát nạn thứ 2, sắm phương tiện chữa cháy tới công an xã, dân phòng. Song, chưa rõ phương án phòng cháy nổ đối với nhóm nhà ở kết hợp cho thuê trọ.

ha noi sam mo to chua chay cho ca xa cac ho ket hop kinh doanh phai them loi thoat nan
Nhà ở san sát với đường dây diện chằng chịt trong các ngõ, hẻm ở Hà Nội, tháng 3/2015. (Ảnh: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

HĐND TP. Hà Nội ngày 2/7 đã thông qua nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn từ nay đến năm 2030.

Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, dẫn tới nhiều cái chết thương tâm, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Theo Công an TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương; ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng. Tại đề án, UBND TP. Hà Nội đưa ra thống kê trong 10 năm (2014 – 2023), thành phố này đã xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) vào ngày 12/9/2023, làm 56 người chết.

Giới chức thành phố cho rằng các vụ hỏa hoạn xảy ra gần đây tại Hà Nội có điểm chung là nhà nằm sâu trong ngõ, ngách khiến lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn. Ngoài ra, một số nhà ở kết hợp kinh doanh khi xảy ra cháy, nổ cũng khiến lực lượng chức năng khó dập lửa.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng nhà dân nằm sâu trong ngõ, ngách là thách thức rất lớn đối với lực lượng PCCC và CNCH. Đồng quan điểm, ông Trần Hợp Dũng – Phó trưởng Ban Đô thị của HĐND TP Hà Nội nhận định thành phố cần có giải pháp để khắc phục tình trạng nhà dân xây dựng trong các ngõ, ngách khiến lực lượng và phương tiện PCCC khó tiếp cận khi xảy ra sự cố.

Giải quyết vi phạm PCCC tại các công trình xây dựng

Đề án đặt mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm những vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với 3 nhóm công trình

Thứ nhất, công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất (trong đó có công trình liên quan vi phạm về PCCC).

Thứ hai, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Thứ ba, các công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng sau khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Mục tiêu là đôn đốc 100% cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 và công trình vi phạm chưa được nghiệm thu PCCC hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC; không để phát sinh công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng liên quan PCCC.

Các hộ gia đình tự mở thêm lối thoát hiểm, tự trang bị bình chữa cháy

Đề án đặt mục tiêu vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn;

100% hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên được “vận động” tự mở lối thoát nạn thứ 2 (từ từng tầng nhà – nơi có phòng ngủ, nghỉ, sinh hoạt của gia đình), trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia đội dân phòng để đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” (tức chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

100% nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng hoặc 25m trở lên, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cao từ 3 tầng hoặc khối tích từ 1.500m3 trở lên được “vận động” trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ. Các nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn lại được “khuyến khích” trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ.

Công an xã, dân phòng được trang bị mô tô và phương tiện chữa cháy

Về mặt quy hoạch thành phố, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ di dời các cơ sở hóa chất trong khu dân cư đến khu/cụm công nghiệp, phù hợp quy hoạch của ngành công thương.

Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH được trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện đại, để đáp ứng yêu cầu chữa cháy đối với các loại hình cơ sở đặc thù, phức tạp dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ, hẹp, cháy rừng.

Đến năm 2030, quy hoạch và xây dựng mới 33 vị trí trụ sở, doanh trại, bảo đảm bán kính chạy cháy và cứu hộ cứu nạn; bổ sung xe mô tô và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng công an cấp xã, dân phòng.

Lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.

Đối với 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách sâu hơn 200m, bản đề án nên tới năm 2030 “có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước”, không đưa ra con số mục tiêu cụ thể. Theo kết quả khảo sát do Công an TP. Hà Nội công bố hồi đầu tháng 5, khoảng 9.483 uyến đường, phố, ngõ, ngách sâu hơn 200m nêu trên có bề rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2-3m, xe chữa cháy không thể tiếp cận, nguồn nước chữa cháy tại chỗ hạn chế.

Ngoài ra, chưa thấy thông tin về phương án thoát hiểm, phòng cháy nổ đối với nhóm nhà ở kết hợp thuê trọ.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án từ nay đến năm 2030 khoảng hơn 26.300 tỷ đồng.

Nguyễn Quân