Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng chuồng cọp do dân tự xây sau khi công trình đã nghiệm thu, nên trách nhiệm xử lý là của chính quyền địa phương.

chuong cop
Một lô nhà mới xây với dãy “chuồng cọp” kiên cố tại Hà Nội, tháng 1/2022. (Ảnh: Caodung/Shutterstock)

Tại họp báo của UBND TP. Hà Nội quý 2/2024, chiều 26/6, câu hỏi người dân tự cơi nới “chuồng cọp” kiên cố, không có lối thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ phải quản lý như thế nào được đặt ra.

Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận tình trạng “chuồng cọp” kiên cố gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra cháy nhà.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện tại không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về việc xây dựng “chuồng cọp”. Tại thời điểm nghiệm thu, các công trình chưa hình thành “chuồng cọp”.

“Chuồng cọp” hình thành sau khi công trình nghiệm thu và đưa vào sử dụng, do người dân tự xây dựng thêm”, ông Công nói. Do đó, theo ông Công, trách nhiệm xử lý vi phạm trật tự xây dựng thuộc về chính quyền địa phương.

“Đối với việc mở lối thoát nạn chuồng cọp, nghị quyết của HĐND thành phố đã quy định với các công trình cũ, để đảm bảo an toàn PCCC thì phải mở lối thoát hiểm ở lô gia, ban công hoặc sang mái nhà nhà hàng xóm”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.

Nghị quyết 05 của HĐND TP năm 2022 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc xử lý công trình để đảm bảo công tác PCCC, trong đó có quy định phải mở các lối ra thoát hiểm.

Vào chiều tối 16/6, căn nhà số 207 phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra cháy lớn. Đây là ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh vật tư điện, nước, kim khí… Nhà cao 6 tầng, 1 tum, diện tích mặt bằng khoảng 80m2. Có 1 thang bộ hở và 1 thang máy. Tầng 1 chỉ có hai lối nhỏ để đi vào phía trong di chuyển lên các tầng trên. Phía ban công tầng 2, 3 được bịt kín bởi các bảng quảng cáo.

Nhiều người cho biết, khi phát hiện xảy ra cháy đã cố gắng tiếp cận giải cứu nạn nhân nhưng bất thành do kính cường lực và rào sắt quây kín. Hậu quả, bà H. (53 tuổi), con trai 11 tuổi và 2 cháu ngoại 6 tuổi, 2 tuổi tử vong.

Gần 10.000 lỗi vi phạm tại chung cư mini ở Hà Nội

Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết đối với chung cư mini, công an thành phố đã rà soát 3.130 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, hoạt động sau khi Luật PCCC có hiệu lực, phát hiện 9.466 lỗi vi phạm về PCCC. Hiện 939 công trình vi phạm với 3.564 lỗi vi phạm về PCCC mới được khắc phục.

Đối với công trình cao tầng, Phó giám đốc Công an TP. cho biết hiện thành phố có 1.386 công trình, trong đó có 91 công trình vi phạm về PCCC. 16 trường hợp bị phạt hơn 700 triệu đồng; ra 5 quyết định tạm đình chỉ hoạt động và một quyết định đình chỉ hoạt động. Tính đến hiện tại, có 67/91 công trình đã khắc phục, đảm bảo các yêu cầu về PCCC, 24 công trình còn lại đang tiếp tục khắc phục lỗi vi phạm.

Đối với nhà thuê trọ, tính đến 15/6, đại diện công an TP. Hà Nội thông báo đã kiểm tra toàn bộ 36.972 cơ sở nhà thuê trọ thuộc diện quản lý về PCCC, xử lý 3.134 trường hợp vi phạm, phạt gần 13 tỷ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp, đình chỉ 75 trường hợp vi phạm.

Nguyễn Quân