Đọc “Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” do Bộ giáo dục Nhật ban hành phát hiên ra một điều rất quan trọng liên quan đến hiệu trưởng.

Đó là trong thư viện có thủ thư thư viện và giáo viên thủ thư nhưng người đứng đầu thư viện lại chính là hiệu trưởng. Hiệu trưởng sẽ đảm nhận vai trò là “学校図書館長”, dịch ra tiếng Việt sẽ là “Người đứng đầu thư viện”, “Thư viện trưởng” hay “Giám đốc thư viện”.

Như vậy thư viện hoạt động thế nào, chiến lược ra sao, có sách gì, đổi mới sách thế nào là trách nhiệm trực tiếp của hiệu trưởng.

Cách thức xác định trách nhiệm như trên cho thấy cơ quan quản lý của Nhật hiểu rõ vai trò của thư viện đối với trường học và giáo dục trường học.

Họ cũng hiểu rõ rằng nếu như không buộc trách nhiệm cho hiệu trưởng thì căn bệnh đổ thừa hoàn toàn có thể diễn ra.

Ở Việt Nam việc coi hiệu trưởng trường học phổ thông là “thư viện trưởng” có lẽ vô cùng mới mẻ. Việc mời ai đó có danh vị liên quan đến sách vở làm giám đốc danh dự các thư viện cũng là điều chưa có tiền lệ.

Vậy nên khi văn hóa đọc kém người ta cứ đi đổ cho nhau.

Thầy cô bảo trẻ con giờ chỉ mê điện thoại nên không đọc sách.

Phụ huynh thì lại bảo do nhà trường chỉ quan tâm đến thi cử thôi chứ chả quan tâm gì tới đọc sách.

Đến lượt mình nhà trường – hiệu trưởng lại bảo phụ huynh coi thường sách, lười đọc nên con cái không đọc.

Và dư luận xã hội lại đổ cho lỗi thuộc về tất cả các bên nhưng vẫn rất quách tỉnh khi… chừa chính mình ra!

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: