Truyền thông Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền sẽ triển khai 4.000 cảnh sát chống bạo động để tham gia công tác xét nghiệm bắt buộc toàn dân và phong tỏa các khu vực lây nhiễm. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết khoảng 10% trong tổng số hơn 38.000 người của toàn bộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông, tức hơn 3.800 người, đã bị nhiễm virus hoặc phải cách ly.

Embed from Getty Images

Cảnh sát Hồng Kông giải tán một đám đông khi họ ăn mừng năm mới ở khu vực Lan Kwai Fong hôm 1/1/2022. (Nguồn: Bertha WANG / AFP qua Getty Images)

Theo lệnh của chính quyền trung ương ĐCSTQ nhằm “kiểm soát dịch bệnh” ở Hồng Kông, chính quyền Hồng Kông đang chuẩn bị thực hiện xét nghiệm virus bắt buộc đối với tất cả người dân từ ngày 26/3 đến ngày 3/4. Trong thời gian này, tất cả mọi người tại đây sẽ được xét nghiệm 3 lần, và phải phối hợp với biện pháp “cấm đi lại”. Tuy nhiên đến nay, chi tiết liên quan vẫn chưa được công bố khiến dư luận hoang mang.

Ông Trần Phàm, Giám đốc Sở Giao thông và Nhà ở Hồng Kông, tiết lộ hôm 7/3 rằng có thể áp dụng cách làm mỗi gia đình được cho một người ra ngoài mua đồ dùng và thực phẩm. Tuy nhiên sau khi bị truy vấn nhiều lần, ông vẫn không tiết lộ thời gian cụ thể của việc tiến hành xét nghiệm bắt buộc. 

Theo truyền thông Hồng Kông như HK01, Sing Tao Daily, dẫn nguồn tin cho biết, cảnh sát Hồng Kông sẽ kích hoạt các đội phản ứng (đội chống bạo loạn) ở 5 khu vực chính. Trong đó, các thành viên của đội thứ nhất và thứ hai, tức có khoảng 4.000 cảnh sát, sẽ tham gia vào công tác xét nghiệm bắt buộc toàn dân. Họ chịu trách nhiệm chính trong việc bao vây, ngăn chặn người dân rời khỏi nhà của họ khi khu vực bị đóng cửa và tòa nhà bị phong tỏa. Có thông tin cho rằng những cảnh sát này sẽ không mặc đồ chống bạo động khi làm nhiệm vụ mà chỉ mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, kính bảo hộ và khẩu trang.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh ở Hồng Kông ngày càng trở nên nghiêm trọng, số trường hợp cảnh sát Hồng Kông được xác nhận lây nhiễm cũng tăng lên theo cấp số nhân. Trả lời các câu hỏi của truyền thông, phía cảnh sát tiết lộ rằng kể từ đợt dịch thứ 5, hơn 10% lực lượng cảnh sát đã không thể đi làm vì nhiễm virus, hoặc trở thành những người tiếp xúc gần và phải cách ly. Cảnh sát phải áp dụng các kế hoạch dự phòng, bao gồm triển khai nhân viên hậu cần để hỗ trợ công việc chống dịch ở tuyến đầu và hoãn các chương trình đào tạo không thiết yếu.

Thống kê cho thấy, lực lượng cảnh sát hiện trong biên chế vào khoảng 38.390 người, như vậy có khoảng 3.800 cảnh sát đã bị nhiễm hoặc phải cách ly. Tờ HK01 dẫn các nguồn tin cho biết, số liệu mới nhất tuần trước cho thấy, đợt bùng phát tồi tệ nhất là ở Khu Cảnh sát Tây Cửu Long, với khoảng 700 ca nhiễm được xác nhận; Đảo Hồng Kông cũng ghi nhận ít nhất 450 ca nhiễm. 

Xét nghiệm toàn dân đòi hỏi nhiều nhân lực và tài nguyên xã hội, hiện nay một số lượng lớn cảnh sát đã xác nhận chẩn đoán lây nhiễm, cho thấy những khó khăn thực tế của việc xét nghiệm bắt buộc. Đồng thời, trong nhiều ngày liên tiếp, số ca nhiễm được xác nhận ở Hồng Kông đã lên đến 50.000 ca trong mỗi ngày, và mới chỉ giảm xuống hơn 30.000 ca trong 2 ngày qua. Đợt dịch bệnh thứ 5 có hơn 458.000 ca được xác nhận. Do dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng việc tiến hành xét nghiệm bắt buộc toàn dân tại thời điểm này là không có nhiều ý nghĩa.

Ông Viên Quốc Dũng, giáo sư Khoa Vi sinh tại Đại học Hồng Kông và là chuyên gia chính phủ, cách đây vài ngày đã thừa nhận rằng việc tiến hành xét nghiệm trên toàn quốc trong khi mỗi ngày có 50.000 ca nhiễm là không hữu ích, nên chờ khi số lượng nhiễm đã giảm xuống còn hàng trăm hoặc ít hơn. Ông Lương Bách Hiền (Leung Pak-Yin), cựu giám đốc Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông, cũng trích dẫn tính toán của Đại học Hồng Kông rằng sau đỉnh dịch vào giữa tháng Ba, số ca tích lũy được xác nhận có thể đã vượt quá 4 triệu. Ông cũng nói những trường hợp được xác nhận lây nhiễm và những người tiếp xúc gần sẽ được cách ly tại nhà, điều này về cơ bản tương đương với lệnh cấm không được ra ngoài, do đó không cần thiết ‘vẽ rắn thêm chân’ để thực hiện các lệnh cấm khác.