Theo một tài liệu của Ủy ban Thành phố Quảng Châu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc trên Internet, hiện tượng “thanh niên 4 không” ở Quảng Châu đang gia tăng.

thanh nien 4 khong
“Thanh niên 4 không” của Bắc Kinh: Không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con. (Ảnh chụp màn hình video)

Chủ đề “4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con) của giới trẻ Trung Quốc Đại Lục đã trở thành một cụm từ thông dụng trên Internet, làm nổi bật nền kinh tế yếu kém hiện nay ở Trung Quốc và sự thất vọng ngày càng tăng của những người trẻ tuổi không thể nhìn thấy tương lai. Hiện tượng này đã thu hút sự chú ý của chính phủ.

Trong 3 năm qua, tất cả các vùng của Trung Quốc đều nghiêm ngặt thực hiện công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tốc độ tăng trưởng kinh tế gần như giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.

Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm qua,  tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã vượt quá 20%. Tháng 3 năm nay, cụm từ “Thanh niên 4 không” đã trở nên phổ biến trên Internet của Đại Lục.

id14031606 2e06e9b3 e0dd 45c9 83c7 876942e29471 600x609 1
Theo một tài liệu chính thức do Quảng Châu công bố, hiện tượng “Thanh niên 4 không” ở Quảng Châu đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: MXH)

Mới đây, một văn bản lan truyền trên mạng Internet có tiêu đề “Hiện nay, hiện tượng ‘Thanh niên 4 không’ ở thành phố ta đang có chiều hướng gia tăng. Đề nghị cần có nhiều biện pháp tăng cường xây dựng thành phố hướng tới thanh niên”. Văn bản này được cho là do Ủy ban Thành phố Quảng Châu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ban hành.

Tài liệu tuyên bố sau khi những từ như “co cụm” “nằm ườn” được dùng để mô tả trạng thái tâm lý và hành vi của văn hóa tang tóc do các áp lực xã hội khác nhau của giới trẻ gây ra, chủ đề “Thanh niên 4 không“không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con” dần lan truyền trên Internet, và trở thành một từ thông dụng mới.

Trong cuộc khảo sát đặc biệt về “Tình trạng phát triển của thanh niên Quảng Châu” do Ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc thành phố Quảng Châu thực hiện, 15.501 câu hỏi hợp lệ đã được thu thập, trong đó 1.215 là sinh viên đại học và thanh niên đang đi làm phù hợp với các đặc điểm “4 không”.

Văn bản nhấn mạnh, phải chuyển hiện tượng “4 không” thành “4 phải”, phải yêu, phải kết hôn, phải mua nhà, phải sinh con.

Tài liệu đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. Một số cư dân mạng bình luận: “Muốn biến ‘4 không’ thành ‘4 phải’, trước hết phải tìm ra nguyên nhân khiến một số bạn trẻ ‘nằm ngửa’ rồi mới có thể tùy bệnh mà bốc thuốc. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với việc hô khẩu hiệu. Việc làm, nhà ở, cha mẹ già khi nào mới thôi không như bóng đen treo lơ lửng trên đầu, thì họ mới dám sôi nổi hoạt bát.”

Nhiều bình luận của cư dân mạng tỏ ra tiêu cực và mỉa mai:

“Rau hẹ (có thể thu hoạch nhiều lần) không sinh sôi nữa thì phải bón phân nhiều hơn.”

“Những người không có con và không có điểm yếu không dễ quản lý, có điểm yếu rất dễ đối phó.”

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, “Lệnh Hồ Xương Băng”, người đã đến Hoa Kỳ vào năm ngoái, năm nay 23 tuổi, nhớ lại điều kiện sống ở Trung Quốc trước khi COVID-19 bùng phát vào năm 2019. Anh ấy nói rằng mình không muốn hẹn hò, mua nhà, kết hôn và sinh con, vì đơn giản là không thể đạt được những mục tiêu này.

Anh cho biết, lúc đó không có thời gian để hẹn hò, vì giờ làm việc từ 8h sáng đến 10h đêm, thậm chí đến 11, 12h đêm, ngày nghỉ hàng tháng ít, lương ít, tiêu dùng khó khăn và không giao tiếp xã hội, chứ đừng nói đến việc mua nhà. Anh cho rằng hiện tượng “thanh niên 4 không” chủ yếu tập trung ở thành phố, vì sự cạnh tranh ở thành thị ngày càng khốc liệt hơn.

Theo báo cáo, khảo sát cho thấy trong số những người trẻ chọn lối sống này, không thiếu những người từng du học trở về.

Hoàng Ý Thành, một thanh niên Đại Lục bị đàn áp vì tham gia “Phong trào Giấy trắng” ở Đại Lục, chỉ ra rằng nhiều bạn cùng trang lứa tốt nghiệp các trường Ivy League danh tiếng của Mỹ đã trở về Trung Quốc và trở thành “thanh niên 4 không” nhốt mình trong nhà.

Mặc dù họ có nền tảng giáo dục xuất sắc, nhưng tình hình kinh tế Trung Quốc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay khiến họ khó tìm được vị trí của mình.

Anh nói: “Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc không thể nhìn thấy hy vọng hay tương lai. Dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những vị trí quan trọng ở Trung Quốc, bất kể là về chính trị hay kinh tế, đều do những người sinh vào những năm 1950 nắm giữ, kể cả những người sinh vào thập niên 1960 cũng không có đất, chứ đừng nói đến những người sinh vào thập niên 1970, 1980 và 1990.”

Ngoài ra, một cụm từ khác phản ánh điều kiện sống khác của giới trẻ Đại Lục là “Co cụm, nằm ườn, di dân, đánh người”, cũng phổ biến không kém “Thanh niên 4 không”.

“Co cụm” là vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa mọi người; “nằm ườn” là tâm lý buông xuôi, không làm gì cả. “Di dân” là rời khỏi Trung Quốc và di cư ra nước ngoài; “đánh người” đề cập đến hành vi tấn công người khác một cách bừa bãi để trút nỗi uất ức trong lòng.

“Co cụm, nằm ườn, di dân” cũng được coi là sự lựa chọn cho tương lai của giới trẻ Trung Quốc sinh vào những năm 1990 và 2000. Nhưng không phải hầu hết thanh niên Trung Quốc đều có thể đến Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ chỉ có thể ở lại trong nước “co cụm, nằm ườn”.

Ngày 10/4, nhà báo kỳ cựu Đường Hạo của chương trình “Ngã tư thế giới” đã đăng một video, nói rằng sự co cụm quá mức của Đại Lục đã tạo ra một đội ngũ “thanh niên 4 không” ngày càng đông đảo.

Trong video, một chàng trai Bắc Kinh 30 tuổi nói rằng anh là một “thanh niên 4 không”. Người này cho biết, nếu quay lại 10 năm trước, anh sẽ không ngần ngại theo đuổi tình yêu, nhưng hiện nay không có tiền thì thực sự không thể làm nổi.

Điều kiện tiên quyết để hẹn hò là phải có nhà, nhưng giá nhà đất hiện nay quá cao. Cũng không phải bản thân không làm việc chăm chỉ, “bởi vì làm việc chăm chỉ không có kết quả, và hiện giờ mức độ co cụm nghiêm trọng như vậy, nên đành phải bất lực.”

Trước tình trạng thanh niên “4 không” ngày càng nhiều và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm ở Trung Quốc, Dudley Poston Jr., Giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Texas A&M, thẳng thắn nói Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng dân số nghiêm trọng, và ngày càng trở thành quốc gia có dân số già.

Suy thoái kinh tế và khó khăn về việc làm ở Trung Quốc Đại Lục đã khiến nhiều thanh niên phải tới Châu Phi kiếm sống. Đối với những người trẻ tuổi thất vọng về thị trường việc làm Trung Quốc, Châu Phi vừa là một đường lui, vừa là một lối thoát.

Bình Minh (t/h)

  • Mời xem thêm video: Tại sao tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục?