Thứ Ba tuần trước, thông tin ca sĩ nhạc pop người Hoa nổi tiếng Coco Lee tự tử vì trầm cảm khiến mọi người bàng hoàng. Suy nhược tinh thần ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt nguy cơ trầm cảm ở những người trẻ tuổi cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác. Lý do cho điều này là gì?

shutterstock 466344536
Vấn đề trầm cảm ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt nguy cơ trầm cảm ở những người trẻ tuổi cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác. (Nguồn ảnh: Momentum studio/ Shutterstock)

Tối ngày 5/7, xuất hiện thông tin nữ ca sĩ nổi tiếng Hồng Kông Coco Lee (mới 48 tuổi) bất ngờ qua đời. Chị gái Nancy Lee của cô đã đăng trên Weibo nói rằng Coco Lee bị trầm cảm vài năm trước và tự tử tại nhà vào ngày 2/7. Sau khi nỗ lực cấp cứu không thành, cô đã qua đời vào ngày 5/7. Tin tức này xuất hiện trên các kênh truyền thông lớn ở Trung Quốc, một lần nữa khiến mọi người chú ý đến hiện tượng trầm cảm.

Báo cáo: Thanh niên Trung Quốc là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm

Trong 20 năm qua, tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm ở Trung Quốc bùng nổ, độ tuổi mắc bệnh cũng giảm đáng kể. Vào tháng 2 năm nay, một nhóm từ Trung tâm Đánh giá và Phát triển Sức khỏe Tâm thần Quốc gia thuộc Viện Tâm lý học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã công bố “Báo cáo Phát triển Sức khỏe tâm thần Quốc gia Trung Quốc (2021-2022)”. Báo cáo cho thấy tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm ở người trưởng thành tại Trung Quốc là 10,6%. Trong đó, thanh niên là nhóm có nguy cơ trầm cảm cao, tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm ở nhóm tuổi 18 – 24 là 24,1%, cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác; tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm ở nhóm tuổi 25 – 34 là 12,3%, cũng cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi từ 35 trở lên. Đồng thời, sự khác biệt về tuổi tác trong tỷ lệ phát hiện nguy cơ tinh thần lo âu cũng cho thấy xu hướng tương tự.

Báo cáo cho thấy cái gọi là “nguy cơ trầm cảm” không phải là “trầm cảm” được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên nghiệp, mà đề cập đến điểm số của những người được hỏi trên thang đo trầm cảm được đo bằng các bài kiểm tra tâm lý tiêu chuẩn. Điểm số này ở một mức độ nào đó cho thấy khả năng tồn tại trầm cảm.

ceeeeb42 d2ef 4da2 8aa8 9cad8ebc7f2b
Ảnh chụp màn hình trang bìa “Báo cáo Phát triển Sức khỏe tâm thần Quốc gia Trung Quốc (2021-2022)”.

Vậy thì, vấn đề sức khỏe tâm thần của giới trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của xã hội? Bà Nhậm Thụy Hồng (Ren Ruihong), cựu Giám đốc Phòng Hỗ trợ Y tế của Tổ chức Chữ thập đỏ Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Thế hệ này thực sự là trụ cột của xã hội. Đó phải là thời kỳ vàng son để phát triển sự nghiệp và là thời điểm để bắt đầu đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, nếu [tâm lý] của toàn bộ nhóm này xuất hiện vấn đề lớn, có thể tưởng tượng rằng nó sẽ giống như một kho thuốc nổ, và không biết khi nào nó sẽ phát nổ.”

Cô gái trẻ quan tâm đến nhân quyền: Sợ hãi và không được người nhà hiểu cho

Khi nói đến chứng trầm cảm, câu đầu tiên mà Vương Hà (Wang Xia), sống trong một căn hộ thuê ở Bắc Kinh và đang trong tình trạng bán thất nghiệp, nói với các phóng viên RFA đó là: “Tôi suýt nhảy lầu vào chiều hôm qua”.

Vương Hà tốt nghiệp đại học được 3 – 4 năm, lần phát tác trầm cảm gần đây nhất của cô là do cuộc cãi vã giữa cô và mẹ qua điện thoại. Cô kể: “Khi nghe điện thoại, tôi đã khóc với bà (mẹ) rất lâu, lại còn kêu gào lên, rồi ra ban công mở cửa sổ, lúc đó tôi muốn nhảy lầu, nhưng bạn trai tôi đã nhanh chóng ôm lấy tôi từ phía sau.”

Vương Hà đã nhiều ngày cãi vã với mẹ, nguyên nhân trực tiếp là do cô cho rằng mẹ quá mạnh mẽ, không hiểu được cô: “Bởi vì trong nhà có quá nhiều thứ không muốn mẹ nhìn thấy.” Cô nói, “Những thứ không muốn mẹ tôi nhìn thấy chính các kỷ vật liên quan đến những người biểu tình nhân quyền trong nước.”

Từ những ngày còn học đại học, Vương Hà đã quan tâm đến các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, cô rời quê hương đến Bắc Kinh làm việc và tiếp tục tham gia các hoạt động nhân quyền và phúc lợi công cộng. Trong hai năm qua, hệ thống luật pháp và nhân quyền của Trung Quốc đã thụt lùi nhanh chóng, nhưng Vương Hà vẫn vượt qua nỗi sợ hãi bên trong và đã nhiều lần tham gia hỗ trợ những người bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động thanh niên, bao gồm kêu gọi giải cứu những người bị bắt trong “Phong trào Giấy trắng”. Dù không làm “chuyện lớn” gì nhưng trong lòng cô vẫn trải qua nhiều tổn thương, dẫn đến triệu chứng lo âu, trầm cảm.

Cô kể: “Có lần, tôi đến thăm gia đình một người bạn đang gặp khó khăn, khi đó tôi bị an ninh quốc gia phát hiện và chặn lại khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ. Sau đêm đó, tôi bắt đầu mất ngủ. Về sau đại khái khoảng 1 tuần, tôi rất khó tập trung vào công việc và lúc nào cũng uống rượu.”

Tuy nhiên, đối với những nỗi đau và áp lực nội tâm này, Vương Hà không thể giải tỏa chúng bằng cách nói với gia đình. “Cả bố mẹ tôi đều ở trong thể chế ĐCSTQ, và mẹ tôi rất có xu hướng kiểm soát. Bà ấy rất hay can thiệp vào cuộc sống riêng tư của tôi, và bà ấy rất coi thường các giá trị quan của tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy chán ghét và sợ hãi.”

Dịch vụ tư vấn tâm lý ở Trung Quốc đắt đỏ, nhiều người được gọi là bác sĩ không có trình độ, Vương Hà cũng khó đánh giá nguy cơ “trầm cảm chính trị” trong quá trình tư vấn. Vì vậy, cho đến nay cô vẫn chưa được điều trị tư vấn tâm lý tốt. Ngoài ra, công việc không ổn định, thu nhập ít ỏi cũng khiến cô có cảm giác bất an trầm trọng. Hiện tại, cô chỉ có thể thỉnh thoảng uống thuốc chống trầm cảm, may mắn là bạn trai luôn ở bên, động viên, an ủi tinh thần cho cô.

GettyImages 1242767216
Không chỉ sinh viên đại học cảm thấy chán nản và tuyệt vọng, mà cả những người trẻ tuổi đã có việc làm thành công cũng cảm thấy hiện trạng xã hội méo mó khiến họ khó thích ứng. (Ảnh chụp hội chợ việc làm ở Bắc Kinh ngày 26/8/2022; Nguồn ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Sinh viên đại học bị nhà trường giám sát

Bạn trai của Vương Hà là Tiểu Tôn, vẫn đang học đại học. Họ quen nhau trong một nhóm thảo luận chính trị và đến với nhau vì có cùng quan điểm. Nhưng trong trường, Tiểu Tôn cũng là đối tượng bị nhà trường giám sát nghiêm ngặt và bị chèn ép.

Tiểu Tôn cho biết ban đầu anh trở thành “người bất đồng chính kiến” trong mắt lãnh đạo nhà trường vì từ chối cài đặt ứng dụng “Trung tâm chống lừa đảo quốc gia” theo yêu cầu của nhà trường, và phản đối việc ứng dụng này thu thập thông tin cá nhân của người dùng. “Kỳ thực, tôi đã không làm gì đối đầu quá mức, và tôi cũng không kêu gọi người khác cùng tôi tẩy chay [ứng dụng đó]. Chỉ là cá nhân tôi không cài, tôi cũng không rêu rao gì, nhưng giám thị lại hẹn tôi nói chuyện về việc này. Lần đó, thái độ của ông ấy thực sự rất tệ, ông ấy đã nói chuyện với tôi hơn một giờ.”

Trong thời gian đại dịch năm 2022, trường đại học của Tiểu Tôn đã đóng cửa trong 4 tháng kể từ khi khai giảng vào tháng 8 cho đến khi bùng nổ “Phong trào Giấy trắng”. Tuy nhiên, mọi quy định phong tỏa kiểm soát của nhà trường đều được giáo viên truyền đạt bằng miệng, không có văn bản, học sinh rất bất bình nhưng cũng khó khiếu nại. Tiểu Tôn đã nộp đơn lên văn phòng đảng ủy của trường để yêu cầu công khai thông tin, yêu cầu công bố các tài liệu chính sách liên quan đến việc đóng cửa trường học để phòng chống dịch bệnh. Vào thời điểm đó, Tiểu Tôn cũng đã hỏi ý kiến ​​​​của một luật sư nhân quyền, nhưng anh không ngờ rằng cuộc trò chuyện riêng tư trên WeChat của họ đã bị An ninh quốc gia phát hiện.

Tiểu Tôn nói: “An ninh quốc gia đã trực tiếp tiếp cận phòng an ninh của trường chúng tôi và yêu cầu điều tra tôi. Tôi liên tục bị hẹn nói chuyện và đích thân hiệu trưởng của trường tôi quản lý việc liên quan đến tôi. Ông ấy gây áp lực lên khoa của tôi, nói rằng có vấn đề với việc giáo dục của khoa chúng tôi, và yêu cầu họ chỉnh đốn tôi.”

Trước sức ép khủng khiếp, Tiểu Tôn đã phải từ bỏ đơn xin công khai thông tin. Sau đó, cố vấn đã đặc biệt sắp xếp cho một người bạn cùng lớp ở cùng ký túc xá đã gia nhập ĐCSTQ để theo dõi, báo cáo những động thái của Tiểu Tôn bất cứ lúc nào. Điều này khiến anh cảm thấy rất phiền não và rơi vào trạng thái lo lắng: “Tôi biết có người theo dõi mình bất cứ lúc nào. Tôi không có chút riêng tư nào và cũng không có cảm giác an toàn.”

Một lý do khác khiến Tiểu Tôn lo lắng, áp lực rất lớn đó là vấn đề học lên cao và kiếm việc làm mà mọi sinh viên đại học Trung Quốc đang phải đối mặt: “Vào ngày đầu tiên nhập học, trưởng khoa đã có bài phát biểu với sinh viên năm nhất của chúng tôi. Ông ấy nói, chuyên ngành này của các bạn về cơ cản là không tìm được việc làm, chỉ có một con đường là thi tuyển sinh sau đại học. Nhưng tỷ lệ thi vào sau đại học thấp như vậy, vì vậy mọi người về cơ bản đều là dáng vẻ tuyệt vọng.”

Cơn ác mộng nơi làm việc của phụ nữ trẻ trong thể chế

Không chỉ sinh viên đại học cảm thấy chán nản và tuyệt vọng, mà cả những người trẻ tuổi đã có việc làm thành công cũng cảm thấy hiện trạng xã hội méo mó khiến họ khó thích nghi. Lưu Phương (Liu Fang), sống ở một thành phố nhỏ, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm ngay sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc trong thể chế của ĐCSTQ được 4 năm. Cô cho rằng điều này trước hết là do những giá trị quan mà cô kiên trì không phù hợp với môi trường làm việc xã hội.

Lưu Phương nói: “Nếu dùng lời lẽ chỉ trích tôi của họ mà nói thì tôi tương đối ‘sính ngoại’ và suy nghĩ của tôi Tây hóa hơn. Tôi là người tin vào giá trị phổ quát, đó là tự do, bình đẳng và dân quyền. Tôi nghĩ rằng mọi người nên bình đẳng.”

Lưu Phương, người có tính cách ngay thẳng, không thích sự phục tùng mù quáng trong công việc, càng không thích nịnh cấp trên. Cô cho biết vì điều này mà cô đã bị cấp trên trực tiếp chèn ép: “Ông ấy cảm thấy mình như một hoàng đế, và những người dưới quyền của ông ấy cần hiểu ông ấy muốn gì, nhưng tôi lại là người không biết làm điều đó. Hành vi phát tiết của ông ấy chính là liên tục tìm lỗi sai trong công việc của tôi. Ví dụ, nếu tôi mắc một lỗi nhỏ về dấu chấm câu hoặc số trang, ông ấy sẽ nói, cô đến đây để làm việc hay đến chơi. Mỗi lần trong cuộc họp hàng tuần, ông ấy lại lôi tôi ra mắng mỏ cả nửa tiếng đồng hồ.”

Lưu Phương cho biết ngoài việc bị công khai làm nhục, ông chủ của cô còn có một số hành vi quấy rối tình dục cô, nhưng cô đã trực tiếp từ chối. Điều này càng khiến ông chủ của cô không hài lòng với cô hơn. Lưu Phương mô tả sự hành hạ tinh thần mà cô phải chịu đựng trong vài năm qua “giống như một cơn ác mộng”, nhưng do kinh tế liên tục suy thoái, cô không chắc mình có thể tìm được việc làm sau khi thôi việc nên đành phải nhẫn nại.

Đồng thời, Lưu Phương cũng cảm thấy rằng tình trạng áp bức phụ nữ trong toàn xã hội Trung Quốc vẫn đang ngày càng gia tăng, bao gồm các tin tức xã hội nóng về việc gây tổn hại cho phụ nữ như vụ người phụ nữ bị xích cổvụ đánh người ở Đường Sơn, tất cả đều khiến cho một người ủng hộ quyền phụ nữ như Lưu Phương bị tác động tâm lý rất lớn: “Không có gì lạ khi nhiều người nói rằng ở Trung Quốc, giấy đăng ký kết hôn là một hợp đồng bán thân. Bởi vì chỉ cần một người đàn ông kết hôn với bạn, anh ta có thể đánh bạn, mắng bạn, nô dịch bạn và cướp đi thành quả sinh đẻ của bạn, thành quả lao động của bạn. Tuy nhiên, tất cả mọi người, kể cả luật pháp, đang ủng hộ anh ta.”

Cảm thấy thất vọng với xã hội, Lưu Phương vẫn luôn không muốn yêu đương, kết hôn và sinh con, do đó đã bị cha mẹ gây áp lực. Tháng 3 năm nay, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng trầm cảm.

Có phải mọi người trở nên trầm cảm hơn sau đại dịch?

Trong 3 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, điều này cũng có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người dân. Theo một cuộc khảo sát, trong thời gian Thượng Hải đóng cửa vào năm ngoái, hơn 40% cư dân Thượng Hải có biểu hiện trầm cảm, và số lượng người tìm kiếm sự giúp đỡ từ đường dây nóng tâm lý tăng mạnh.

Vậy sau dịch, trạng thái tâm lý người dân có được cải thiện?

“Nói thế này đi, không ai xung quanh tôi nói với tôi rằng họ hạnh phúc,” Triệu Địch (Zhao Di) (ngoài 30 tuổi, sống ở Thượng Hải) nói với phóng viên RFA rằng hiện nay các doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài đều đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, tình trạng sa thải rất phổ biến. “Ba năm qua, giấc mơ của mọi người đều tan thành mây khói. Ai cũng cảm thấy mình rơi xuống vực sâu, ai có tình trạng tốt hơn chút thì nằm ngửa. Nếu không may mắn thì phải gánh trên vai hàng triệu tiền vay mua nhà, sẽ có cảm giác sống không bằng chết hoặc cảm giác mỗi ngày đều sợ hãi.”

Triệu Địch, người đã làm việc trong các công ty nước ngoài trong một thời gian dài, cho biết ở Thượng Hải, nơi đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, các công ty nước ngoài duy nhất mà cô biết từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và phương Tây đã mất gần một nửa hoặc thậm chí 70% doanh thu của họ trong 2 năm qua. Trong 4 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đã phục hồi nhẹ, nhưng sau kỳ nghỉ lễ 1/5, nó đã xấu đi nhanh chóng. Cô giải thích: “Nhiều người thấy vài tháng qua không cải thiện nên vội vàng rút lui, cứu mạng mình là quan trọng nhất. Cứ thế này, tôi nghĩ [nền kinh tế] sẽ rất khó phục hồi trong ngắn hạn hoặc trong vòng một vài năm. Vì sự phục hồi và xây dựng lại niềm tin, điều này được tính bằng năm.”

Đi kèm suy thoái của môi trường kinh tế, điều khiến Triệu Địch cảm thấy chán nản hơn nữa là không gian để phát biểu cũng bị giảm đi đáng kể, đặc biệt là sau khi dịch bệnh bùng phát. Cô nói: “Thỉnh thoảng, tôi còn thấy một số cư dân mạng bị chặn tài khoản vì bị đánh giá là ‘năng lượng tiêu cực’ hoặc ‘tiếng nói gây bất hòa’ vì họ nói về thất nghiệp, không được bồi thường hoặc cân nhắc việc ra tòa. Thực sự không hiểu ra làm sao cả.”

Triệu Địch cho biết, giờ đây không chỉ bạn bè của cô bị chặn mà nhiều người nổi tiếng trên mạng mà cô theo dõi trên Weibo và Zhihu cũng đã bước vào một số “lằn ranh đỏ” của dư luận kể từ khi dịch bệnh bắt đầu và bị tắt tiếng.

“Sau khi một trong những kênh liên lạc chính của chúng tôi bị cắt đứt, mọi người đều cảm thấy ngột ngạt, giống như bị bịt miệng, và sau đó sự bí bách này sẽ âm ỉ phát triển trong lòng. Tất cả mọi người trong thời đại chúng ta đều rơi vào trạng thái trầm cảm phổ biến,” Triệu Địch nói.

p3330841a383485809
Những thanh niên thất nghiệp ở Đông Quản, Quảng Đông sống “cuộc sống như người chuột” ở nơi hoang dã. (Ảnh chụp màn hình video)

“Xã hội này đã bị bệnh” 

Bà Nhậm Thụy Hồng, người từng làm việc trong một dự án hỗ trợ tâm lý thanh thiếu niên ở Trung Quốc, nói với RFA rằng nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý nổi cộm của giới trẻ Trung Quốc chủ yếu là do môi trường xã hội tồn tại nhiều áp lực và bất ổn.

“Trong môi trường tổng thể hiện nay của Trung Quốc, tất cả chúng ta đều biết rằng nền kinh tế đang chịu áp lực lớn và an sinh xã hội thiếu nghiêm trọng. Mỗi một người đều đang ở trong trạng thái lo lắng… Nhiều người thuộc thế hệ này quan tâm đến chính trị, đặc biệt là những người ở các thành phố lớn. Họ cũng có thể trèo qua tường (vượt tường lửa kiểm duyệt), lên mạng và phàn nàn, nhưng bây giờ họ chắc chắn không dám.”

Bà Nhậm Thụy Hồng cho rằng thanh niên Trung Quốc đã bị chèn ép đến biến dạng dưới các loại áp lực, vừa không nhìn thấy hy vọng, lại vừa không thể tìm được một lối thoát cảm xúc. Bà nói: “Hầu hết sức chịu đựng của con người không thể tốt như vậy. Khi đạt đến cực điểm, loại cảm xúc tiêu cực này sẽ lan rộng và bùng nổ khắp xã hội, [tạo thành] chứng trầm cảm mang tính xã hội.”

Lưu Phương được đề cập ở trên cũng nói với phóng viên RFA rằng ngay khi họ vào mạng xã hội, mọi người đều đang trút năng lượng tiêu cực của mình, hầu như mọi người đều có một ý tưởng điên rồ nào đó trong lòng: “Loại bệnh tâm lý này đã phát triển đến giai đoạn này. Tôi không nghĩ đó là vấn đề cá nhân, nó đã là một chấn thương mang tính quần thể.”

Triệu Địch thẳng thắn nói: “Tôi luôn cảm thấy rằng xã hội này đã có bệnh, và nó không thể chữa khỏi chỉ bằng một miếng thuốc dán hay một vài bác sĩ.” Cô tin rằng xã hội Trung Quốc đi đến ngày hôm nay, mỗi một cá nhân đều có trách nhiệm, bởi vì nhiều người đều không làm người tốt. “Tôi nghĩ điều mà mọi người có thể làm, chính là bắt đầu từ chính bản thân họ và ngừng làm điều ác. Tranh thủ làm một người tốt, như thế thì xã hội này mới có thể dần dần đổi theo hướng tốt đẹp hơn.”

(Để đảm bảo an toàn, tên các nhân vật trong bài viết đều là hóa danh.)

Theo Khải Địch, RFA