Theo dự kiến của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới sẽ đạt mốc 8 tỷ vào giữa tháng 11. Trong khi đó, tỷ lệ sinh con tại Trung Quốc đang ở mức quá thấp do hậu quả của các chính sách nhà nước và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

shutterstock 1250093980
Việc thực hiện chính sách ba con của Trung Quốc không phải biện pháp có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách của nước này. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock).

Nhà phát triển phần mềm Trung Quốc Tang Huajun thích chơi với bé 2 tuổi con của mình trong căn hộ ở ngoại ô Bắc Kinh, nhưng nói rằng anh không dự định sinh thêm con.

Những quyết định tương tự của vô số người như anh Tang sẽ quyết định không chỉ dân số của Trung Quốc mà còn của thế giới.

Anh Tang (39 tuổi) chia sẻ rằng nhiều người bạn của anh đã kết hôn nhưng cũng chỉ có một con, và cũng giống như anh, họ không có dự định sinh thêm nữa, và rằng thế hệ trẻ tuổi hơn anh thậm chí còn không muốn kết hôn chứ đừng nói đến việc sinh con.

Chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ là nhân tố lớn nhất cản trở sinh nở ở Trung Quốc, trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ những cặp vợ chồng trẻ định cư riêng xa xôi và không thể nhận được giúp đỡ của ông bà trông cháu.

“Một lý do khác là nhiều người như chúng tôi kết hôn rất muộn và khó có thai”, anh Tang nói. “Tôi cho rằng kết hôn muộn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thụ thai”.

Liên tiếp mấy chục năm, chính quyền Trung Quốc triển khai nghiêm ngặt chính sách một con, nhất là giai đoạn 1980–2015, vì cho rằng dân số của mình tăng quá nhanh.

Nhưng bây giờ Liên Hiệp Quốc dự kiến dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm, tính từ năm sau, và Ấn Độ chắc hẳn sẽ thay Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tỷ lệ sinh 1,16 của Trung Quốc vào năm 2021 là thấp rất nhiều so với mức 2,1 theo tiêu chuẩn của OECD cho một dân số ổn định, khiến Trung Quốc rơi vào nhóm tỷ lệ sinh nở thấp nhất thế giới.

Thống khổ của dịch cúm Vũ Hán, cũng gọi là đại dịch COVID, cùng chính sách kiểm soát dịch hà khắc, cũng gây ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định có sinh con hay không của các cặp vợ chồng ở Trung Quốc hôm nay, các nhà nhân khẩu học phân tích.

Các con số thống kê nhân khẩu cho biết số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, đến dưới 10 triệu so với 10,6 triệu của năm ngoái, con số vốn đã thấp hơn 11,5% so với năm 2020.

Từ năm ngoái Bắc Kinh đã bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 3 con, và chính phủ tuyên bố họ đang nỗ lực để đạt được tỷ lệ sinh mà họ cho là “phù hợp”.

Người cũ, vấn đề mới

Đối với các nhà quy hoạch, dân số giảm sẽ mang theo một loạt các vấn đề hoàn toàn mới.

“Chúng ta sẽ thấy tỷ lệ người già tăng rất nhanh. Đây là một tình huống rất quan trọng mà Trung Quốc phải đối mặt, khác hẳn 20 năm trước”, theo nhận định Shen Jianfa, giáo sư tại Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông.

Tỷ lệ người trên 65 tuổi hiện là khoảng 13%, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh, cùng với tuổi thọ nhân loại dần dần nâng cao. Trong khi đó lực lượng lao động giảm dần, đồng thời phải chịu gánh nặng chăm sóc người già.

“Nó sẽ tăng cao chỉ trong thời gian không lâu”, ông Shen nói về tỷ lệ người cao tuổi. “Cho nên Trung Quốc phải sẵn sàng cho xu thế già hóa sắp tới.”

Trước cảnh báo về viễn cảnh xã hội đang già đi, Chính phủ Trung Quốc hiện đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con bằng cách giảm thuế và trao tiền mặt, cũng như hào phóng hơn về chế độ thai sản, bảo hiểm y tế và trợ cấp nhà ở.

Nhưng các nhà nhân khẩu học nhận định rằng các biện pháp nói trên vẫn chưa đủ, và chỉ ra tình trạng thực tế là chi phí giáo dục cao, lương thấp, và thời gian làm việc quá dài so với các nước khác trên thế giới, cùng với nỗi hoang mang của thời dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và tình trạng chung của nền kinh tế.

Stuart Gietel Basten, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết nhân tố then chốt là ở chỗ tạo việc làm cho những người trẻ tuổi: “Tại sao sinh thêm con khi còn chưa đủ việc làm cho những người đang sống?”

Thiên Đức, theo Reuters