Gần đây, truyền thông ngoài Trung Quốc bình luận rằng khi nền kinh tế nước này tiếp tục suy thoái, các chính sách tài chính và tiền tệ thắt chặt quá mức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ có thể khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn, và sự thịnh vượng của Trung Quốc đã chấm dứt. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế đã công khai cho biết không muốn đầu tư vào Trung Quốc nữa.

Kinh te Trung Quoc 1
Một loạt vấn đề ở Trung Quốc Đại Lục như năng suất lao động giảm, xuất nhập khẩu giảm, thất nghiệp gia tăng, khủng hoảng nợ gia tăng, môi trường kinh tế xấu đi và sự rút vốn nước ngoài đã dẫn đến sự đảo chiều nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh Hội chợ triển lãm nhập khẩu Trung Quốc 2023. (Ảnh: Hector Retamal / Getty Images)

Truyền thông nước ngoài: Thời thịnh vượng của Trung Quốc đã qua, ĐCSTQ khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn

Ngày 5/3, tờ Wall Street Journal đã đăng bài bình luận ​​có tựa đề “Thời thịnh vượng của kinh tế Trung Quốc đã qua – Bắc Kinh khiến tình hình tồi tệ hơn” (China’s Boom Is Over-Beijing Is Making It Worse), nói thẳng rằng chính sách ứng phó với tình trạng khó khăn về kinh tế của Chính phủ ĐCSTQ chỉ có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Bài viết chỉ ra rằng vào ngày 5/3, ông Lý Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã có “bài phát biểu quan trọng” (Báo cáo Công tác Chính phủ) tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Nhưng bài phát biểu này dường như không thể nào khiến người ta tin rằng chính quyền ĐCSTQ “đã nhận ra điều này hoặc sẵn sàng thay đổi đường lối của mình”.

Cái gọi là “mục tiêu lớn” của ông Lý Cường không có gì bất ngờ: mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức của ĐCSTQ vẫn ở mức khoảng 5% như năm ngoái, mục tiêu tăng giá tiêu dùng khoảng 3% và mục tiêu tạo việc làm mới ở thành thị là hơn 12 triệu việc làm.

Điều đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại đó là xét đến các biện pháp được đề xuất và tình hình kinh tế hiện tại ở Trung Quốc, những mục tiêu này dường như còn xa vời với thực tế.

Các nhà bình luận tin rằng với mức chi tiêu quy mô lớn của chính quyền địa phương trong thập kỷ qua, Chính phủ ĐCSTQ phải đối mặt với một số hạn chế tài chính thực sự. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể đã “học được quá nhiều” bài học từ các chính sách kích thích trong quá khứ, và thay vào đó có thể lặp lại những sai lầm tương tự mà các nhà hoạch định chính sách ở các nước phương Tây đã mắc phải sau năm 2009: Duy trì các chính sách tài chính và tiền tệ quá chặt chẽ. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế và việc làm thấp trong thời gian dài.

Tỷ lệ lạm phát hiện nay xấp xỉ bằng 0, mục tiêu lạm phát 3% vào năm 2024 và mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngang bằng năm ngoái đang thu hút sự chú ý. Chính sách tài chính dường như cũng không có lực hỗ trợ lớn hơn.

Bài báo cho rằng dân số già, gánh nặng nợ địa phương nặng nề và mô hình gọi vốn bất động sản đang gặp khó, đang là những vấn đề gai góc. Nhưng vấn đề cơ cấu lớn nhất của Trung Quốc có thể là bộ máy chính sách ngày càng cứng nhắc.

Các ngân hàng đầu tư quốc tế kêu gọi: Đừng đầu tư vào Trung Quốc nữa

Khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển biến mạnh mẽ và đang gặp khó khăn, nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế gần đây đã cho biết rằng không nên đầu tư vào Trung Quốc nữa.

Vào ngày 4/3, bà Sharmin Mossavar-Rahmani, giám đốc đầu tư của Goldman Sachs Group Wealth Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV: “Tất cả khách hàng của chúng tôi đều hỏi về vấn đề này — Xét đến giá cổ phiếu Trung Quốc trông quá rẻ như thế, người ta chắc chắn sẽ thắc mắc liệu nó đã qua giai đoạn tồi tệ nhất chưa?”

“Quan điểm của chúng tôi là không nên đầu tư vào Trung Quốc,” bà Mosawar-Rachmani nói.

Bà giải thích một loạt lý do dẫn đến quyết định này, bao gồm cả kỳ vọng về sự suy thoái ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới. Bà cho rằng cho đến nay, ba trụ cột tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc – thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu – vẫn còn yếu.

Bà cho rằng sự thiếu rõ ràng trong việc xây dựng chính sách của ĐCSTQ và dữ liệu kinh tế không đồng đều đã làm trầm trọng thêm những lo ngại bên ngoài về đầu tư vào Trung Quốc.

ĐCSTQ chính thức tuyên bố tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 vượt quá 5%, nhưng bà Mosawar Rahmani nói: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đây không phải là con số tăng trưởng thực sự –  thực tế là yếu hơn nhiều”.

Vào tháng Một, báo cáo triển vọng năm 2024 của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đi đến hồi kết.

Báo cáo triển vọng năm 2024 do ông Michael Cembalest, chủ tịch bộ phận chiến lược đầu tư và thị trường của JPMorgan Asset and Wealth Management viết cho biết biểu hiện của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 đến nay đã trở thành ký ức xa vời.

Từ ngày 1/1/2019 đến hết năm 2023, chứng khoán vốn hóa lớn của Mỹ tăng 107%, thị trường chứng khoán châu Âu tăng 58%, trong khi đó chứng khoán Trung Quốc giảm 17%.

Bà Sharmin Mossavar-Rahmani cho biết, các nhà đầu tư đã phát hiện ra rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc biểu hiện không tốt. “Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành cái bẫy giá trị (value trap) cuối cùng.” Theo kinh nghiệm, hầu hết các thị trường rơi vào “bẫy giá trị” cuối cùng sẽ kết thúc.

Trước đó, Morgan Stanley cũng cảnh báo vào tháng 10 năm ngoái rằng nhà đầu tư nước ngoài đang hứng chịu tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi thị trường cổ phiếu loại A “chưa từng có” và không nên mua cổ phiếu Trung Quốc khi giá giảm.

Người giàu ở Trung Quốc đang tăng tốc di cư, làn sóng dịch chuyển của cải ra nước ngoài đang đẩy nhanh suy thoái kinh tế

Khi môi trường kinh tế và chính trị của Trung Quốc xấu đi, ngoài việc vốn nước ngoài rút nhanh chóng, những người giàu có của Trung Quốc cũng tăng tốc di cư và mang theo một lượng lớn của cải.

Theo thống kê trước đây của Henley & Partners, một công ty tư vấn nhập cư đầu tư của Anh, hơn 10.800 triệu phú chọn rời Trung Quốc vào năm 2022. Trung bình, mỗi triệu phú mang đi khoảng 6,6 triệu USD tài sản khi di cư ra nước ngoài. Nói cách khác, vào năm 2022, những người giàu có ở Trung Quốc cũng mang đi 71,2 tỷ USD tài sản khỏi Trung Quốc.

Năm 2023, ước tính số triệu phú nhập di cư ở Trung Quốc lên tới 13.500, tăng 25% so với năm 2022. Dự kiến ​​đến năm 2025, số lượng người Trung Quốc giàu có di cư sẽ vượt quá 700.000 người. Điểm đến hàng đầu của những người di cư giàu có là Úc, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore ở vị trí thứ ba.

Điều này có nghĩa là vào năm 2022 và 2023, những người nhập cư giàu có từ Trung Quốc mang khoảng 160 tỷ USD tài sản từ Trung Quốc sang các nước khác.

Theo “Báo cáo tài sản toàn cầu năm 2023” (link), số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao ở Trung Quốc với tài sản vượt quá 100 triệu USD vào năm 2023 là hơn 32.900, chỉ đứng sau Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc ước tính có khoảng 823.800 triệu phú, nhưng xu hướng dòng tài sản ra ngoài sẽ khiến hàng chục triệu USD tài sản biến mất khỏi Trung Quốc, khiến nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên tồi tệ hơn.