Trong thảm họa hồng thủy Trịnh Châu mới đây tại Trung Quốc, có thể thấy những điểm tương đồng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khi khởi phát cách đây 2 năm: tình trạng tắc trách trong công tác phòng ngừa trước thảm họa và chậm chạp phản ứng sau thảm họa của giới công quyền, trong khi giới truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì vô cảm trước sinh kế của người dân…

Lũ lụt ở Hà Nam
Lũ lụt ở Hà Nam, Trung Quốc. (Nguồn: Chụp màn hình video)

Đúng vừa lúc các tổ chức truyền thông ĐCSTQ đang cười nhạo lũ lụt ở Đức thì một trận mưa dữ dội khiến đô thị Trịnh Châu tỉnh Hà Nam của Trung Quốc trở thành một vùng sông nước mênh mông. Những chiếc xe hơi sang trọng mới đó kiêu hãnh đã như bọt biển nổi lềnh bềnh. Bao nhiêu con người phải vật lộn với sự sống trong bùn nước, bao lời kêu cứu vang vọng khắp nơi. Một đoàn tàu bị kẹt trong tàu điện ngầm, nước ngập đến cổ các hành khách đang cầu cứu. Những hình ảnh này đã phơi bày trên khắp mạng xã hội.

Vậy mà dường như các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ bình thản một cách đáng ngạc nhiên. Tờ Nhân dân Nhật báo không có lấy một chữ lên tiếng, trong khi người dẫn chương trình CCTV thoải mái nói: “Tôi cho rằng phản ứng lần này rất có nét riêng, vận dụng tốt phương pháp khoa học, toàn diện và có hệ thống, cục khí tượng đã đưa ra hàng loạt dự báo trước khi mưa bão đến, từ giao thông đến điều hành đường bộ và phòng chữa cháy đều dốc toàn lực hoàn thành nhiệm vụ, có những nơi còn triển khai linh hoạt bảo đảm mọi người đi làm công sở bình thường, các nhiệm vụ được kết hợp mang lại hiệu quả rất cao và giảm thiểu sự cố ngoài ý muốn, đây đúng là mô hình để đối phó với thời tiết khắc nghiệt”.

Ban phòng chống thiên tai của thành phố Trịnh Châu không những không hướng dẫn công chúng cách phòng tránh thiên tai, còn tuyên bố: “Người dân Trịnh Châu không oán trời trách người, mọi người đoàn kết chống chọi lũ lụt, sau trận mưa lớn thành phố lại càng sạch sẽ hơn, cây cối càng xanh tươi và có sức sống hơn!”.

Những lời mê sảng này phản ánh tâm thái tự giác của truyền thông nhà nước trong xử lý biến cố từ ngay khi chưa nhận được chỉ thị của cấp trên. Tình trạng vô liêm sỉ này từ lâu đã trở thành thông lệ của truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Lấy thảm họa làm “động lực tinh thần” là phong cách truyền thống của ĐCSTQ. Kiểu tư duy này dù có trơ trẽn cũng còn yếu tố tích cực của nó, nhưng điều khác biệt lần này là tất cả các cán bộ lãnh đạo đều đồng loạt “nằm ngửa”, ai nấy án binh bất động. Do trạng thái xử lý tình hình thảm họa một cách thụ động thờ ơ với sinh mạng người dân vì phải báo cáo tình hình theo từng cấp rồi chờ đợi cấp trên chỉ đạo xuống. Trong cảnh cần khẩn cấp cứu người nhưng quan chức các cấp dưới không thể tự ý quyết đoán ra lệnh hành động. Vì vậy, có thể đoán tình hình sẽ như thế nào khi thông tin về thảm họa được chuyển đến bộ phận cốt lõi trung ương, hoặc khi báo cáo đến các quan to bên cạnh Tập Cận Bình: Họ sẽ không quan tâm chuyện sinh kế người dân mà tập trung chú ý suy tính chuyện được mất vị thế quyền lực, cân nhắc thái độ của lãnh đạo cao nhất.

Tập Cận Bình vừa tận hưởng đại lễ ĐCSTQ tròn thế kỷ trong uy danh quyền lực tột đỉnh, nhưng thái độ thờ ơ của các quan chức trong Đảng và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đã khiến ông ta phải chịu nhiều phiền não rối trí. Dù ông ta muốn tắm máu thế lực thù địch phương Tây nhưng đâu phải muốn là được. Điều khiến ông ta lo lắng nhất là vị trí quyền lực, là liệu có tiếp tục giữ được quyền lực tại Đại hội 20 không, là làm sao ĐCSTQ không bị lật đổ. Trên cái cân tiểu ly quyền lực thì sinh mạng người dân và thiên tai chỉ là vấn đề phụ. Đó là chưa kể thông lệ “tốt khoe xấu che” đã trở thành quy chuẩn đúng đắn về mặt chính trị [để quan chức thăng tiến] trong quan trường ĐCSTQ. Ít ra thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào khi thấy có lũ lụt họ cũng xắn ống quần đến hiện trường, trong khi Tập Cận Bình đã nắm chính quyền được 9 năm nhưng chưa bao giờ thấy đến vùng lũ lụt, dù ông Tập có hăng hái xắn tay áo đến nhà những người dân nghèo mở nồi cơm. Nếu Chủ tịch Tập không đi thì Thủ tướng Lý cũng sẽ không dám đi, và nếu Thủ tướng Lý không đi thì các quan chức bên dưới cũng không thể đi…

Đất nước Trung Quốc rộng 9,6 triệu km vuông nuôi 1,4 tỷ dân nhưng lại chỉ nằm dưới chỉ huy của một người. Chuyện nổ ra dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) cách đây 2 năm đã thấy rõ, khi đó ủy ban thành phố Vũ Hán phải báo cáo lên cấp trên chờ chỉ đạo từ chính quyền trung ương. Còn chính quyền trung ương thì chờ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, trong khi Tổng bí thư đang chuẩn bị tổ chức lễ hội mùa xuân, vì thế đã bỏ lỡ thời gian vàng để ngăn chặn thảm họa dịch COVID-19. Lũ lụt và dịch bệnh đều là những thảm họa cấp bách, mỗi khoảnh khắc bỏ lỡ đều có thể làm thảm họa nhân lên hàng trăm, hàng ngàn lần, bây giờ bi kịch như COVID-19 một lần nữa lặp lại trong trận lụt ở Trịnh Châu. Mô hình trị nước của Trung Quốc dựa trên uy quyền của một cá nhân như vậy đã trở thành quốc nạn, bất kỳ thảm họa nhỏ nào cũng có thể phát triển thành thảm họa lớn đến không thể cứu vãn.

Toàn bộ thành phố Trịnh Châu bị nhấn chìm khiến hàng chục người chết (chưa có thống kê chính thức). Dự báo thời tiết về lượng mưa lớn được đưa ra vào ngày 17 nhưng mãi 8:00 tối ngày 20 cơ quan chức năng mới kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp III để phòng chống lũ lụt. Hồ chứa nước Thường Trang cách Trịnh Châu có 6 dặm mà sáng cho xả lũ nhưng chỉ báo vào giữa khuya, toàn là sau khi thảm họa xảy ra mới báo động. Lũ lụt là vấn đề ở đâu cũng có và gây thiệt hại sinh mạng không ít, nhưng không đâu như Trung Quốc dưới cai trị của ĐCSTQ khi thảm họa thì truyền thông lại thờ ơ với khổ nạn của người dân, trong khi quan chức [cấp dưới] không thể hành động kịp thời [vì phải báo cáo cấp trên chờ lệnh]. Giới truyền thông thì tập trung tô điểm mà bỏ qua tin về thảm họa, giới quan chức thì tập trung vào việc bảo vệ quyền lực nên suy tính chuyện được mất cá nhân hơn là chuyện sinh kế người dân. Chế độ độc tài độc đảng chính là thảm họa gốc của mọi thảm họa.

Trần Duy Kiện
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả; Nguồn: Mùa xuân Bắc Kinh; Được đăng trên Vision Times)

Xem thêm: