Luật sư nhân quyền TQ bình luận về tài liệu tuyệt mật 20 năm trước bị lộ
- Minh Nhật
- •
Gần đây, một văn kiện mật được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành vào 20 năm trước đã lan truyền trên mạng. Đây là tài liệu ý kiến tư pháp chung do Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư Pháp Trung Quốc, ban hành vào ngày 30/11/2000, được xếp vào văn kiện tuyệt mật. Điều này có nghĩa là chỉ có những bộ ngành trực tiếp tham gia xây dựng và thực thi pháp luật của Trung Cộng mới được đọc nội dung của văn kiện nói trên, còn các thẩm phán địa phương, công an và công tố viên không có quyền được đọc. Đây chính là Văn kiện Pháp luật số 29 ban hành năm 2000, yêu cầu “Cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phải kiên quyết quán triệt thực hiện” chỉ thị trọng yếu của Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân trong việc “quyết liệt trừng trị” Pháp Luân Công. Các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã lên tiếng về vấn đề này.
Luật sư nhân quyền: 5 cơ quan chính phủ âm thầm hoạt động phạm pháp
Một luật sư nhân quyền Trung Quốc dấu tên, người đã từng nhiều lần biện hộ vô tội cho người tập Pháp Luân Công trong nhiều năm, bình luận rằng tuy ông từng đọc rất nhiều tài liệu tương tự trong quá trình xử lý vụ án, nhưng đây là lần đầu tiên ông đọc được văn kiện tuyệt mật này và cảm thấy vô cùng chấn động. Ông cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Trung Cộng đã phạm tội ác diệt chủng đối với người tập Pháp Luân Công theo định nghĩa của Tòa án hình sự quốc tế.
Luật sư nhân quyền Trung Quốc Trần Kiến Cương thì chỉ ra rằng, tài liệu do 5 cơ quan cùng nhau ban hành “đứng từ góc độ pháp luật mà nói, nó không hề có bất kỳ đặc trưng và hiệu lực nào của pháp luật.” “Nó còn là một văn kiện tuyệt mật, điều này thấy rõ 5 cơ quan này đang âm thầm thực hiện các hoạt động phạm pháp.”
Về phương diện luật pháp, bất kỳ tài liệu pháp luật nào đều phải tuân thủ theo các trình tự xác nhận thông thường, đồng thời phải được công bố công khai, tuy nhiên “Văn kiện 29/2000” của 5 cơ quan luật pháp Trung Quốc này lại trực tiếp định tội cho người tập Pháp Luân Công, yêu cầu các cơ quan tư pháp sử dụng luật hình sự để kết tội, và xử lý các trường hợp Pháp Luân Công như một vụ án hình sự, ví dụ sử dụng tội danh “kích động, lật đổ chính quyền nhà nước” hay “phỉ báng các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước”.
Trong ý kiến tư pháp tuyệt mật của 5 cơ quan này đã tuyên bố rằng, việc xử lý các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công là có mang “tính chính trị, tính pháp luật và tính chính sách rất mạnh mẽ”, vậy nên yêu cầu “cơ quan chính trị và pháp luật các cấp phải phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng ủy”.
Ông phân tích, trong tài liệu này có nhắc đến “Điều 300 bộ luật hình sự”, đây cũng tội danh phổ biến nhất mà Trung Cộng gán cho người tập Pháp Luân Công hoặc các tôn giáo bị đàn áp khác. Điều 300 bộ luật hình sự nói về việc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại thực thi pháp luật”. Trên thực tế, ông Trần phân tích, người tập Pháp Luân Công không hề có tổ chức, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, càng không thể nói là phá hoại. Hơn nữa, theo ông Trần, sau khi cuộc đàn áp diễn ra, “người tập Pháp Luân Công phát tài liệu chỉ để nói cho mọi người về chân tướng của cuộc bức hại. Có vị thẩm phán nào có thể chỉ ra rốt cuộc các người tập Pháp Luân Công đã phá hoại những gì? Không một ai có thể nói cả.”
Theo Điều 15 của “Luật Bảo mật” thì thời hạn bảo mật của các tài liệu mật là không quá 30 năm, vì vậy những tài liệu này vẫn còn thời hạn bảo mật 10 năm nữa. Tuy nhiên hiện tại, loại tài liệu tuyệt mật này lại đột nhiên bị lộ ra ngoài.
Sự mâu thuẫn trong cơ sở pháp lý
Đây không phải là lần đầu tiên các luật sư nhân quyền lên tiếng về cơ sở pháp lý của cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Trước đó khá lâu, ngày 2/6/2014, “Pháp trị vãn báo” từng công bố danh sách 14 tổ chức tà giáo được Trung Cộng xác định. Báo cáo cho biết danh sách này cũng được thực hiện dựa trên điều 300 của bộ Luật hình sự. Điều luật này quy định “Những tổ chức phi pháp lợi dụng tôn giáo, khí công hoặc các danh nghĩa khác để xây dựng, thần thánh hóa phần tử đứng đầu tổ chức, lợi dụng tạo ra và truyền bá những thuyết tà giáo mê tín dị đoan,… nhằm mê hoặc, lừa dối người khác, phát triển, khống chế các thành viên trong tổ chức, gây nguy hiểm cho xã hội.”
Tuy nhiên trong bản danh sách được chính quyền Trung Quốc đưa ra không hề có tên của Pháp Luân Công. Hơn thế nữa, 2 công văn được Bộ Công an Trung Quốc công bố vào năm 2000 và năm 2005 cũng đều không có nhắc đến Pháp Luân Công.
Luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng khi đó từng đăng một bài viết trên Twitter chia sẻ về sự việc này: “Pháp Luân Công bị Trung Cộng coi là tà giáo để bức hại và đàn áp gần 15 năm nay.” “Rất nhiều người bị theo dõi, bắt bớ, giam giữ, lục soát nhà cửa, lao động cưỡng bức, kết án, tẩy não… nhưng họ không hề nằm trong danh sách 14 cái tên được Trung Cộng nhận định là tà giáo! Cơ sở pháp lý nào đã duy trì cuộc đàn áp tanh máu tàn khốc này trong nhiều năm như vậy!”
Luật sư nhân quyền Bắc Kinh Mạc Thiếu Bình khi đó cũng bình luận: “Cho dù là điều 300 Luật Hình sự hay quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cũng như trong giải thích của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao đều không hề nói rõ ràng rằng Pháp Luân Công là tà giáo, chỉ có hai bản thông báo giải thích tư pháp do hai tổ chức này công bố mới xác nhận rõ ràng rằng Pháp Luân Công là tà giáo, tuy nhiên bản thân nó cũng không phù hợp với quy định của luật pháp Trung Quốc.”
Về cơ bản, người dân Trung Quốc và các cấp cảnh sát công an không phải ai cũng hiểu rõ về luật pháp như vậy, cũng không biết rằng Trung Cộng còn có bản danh sách tà giáo này. Kỳ thực, Bộ Công an ĐCSTQ đã rất rõ ràng sự việc này ngay từ đầu rồi, cuộc đàn áp Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý.
Xét xử từ công khai chuyển sang âm thầm
Trung Cộng đã từng công khai dùng hệ thống tư pháp để mong muốn đàn áp Pháp Luân Công. Đáng chú ý là vào ngày 13/11/1999, Trung Cộng dùng danh nghĩa chính phủ để mở một phiên tòa xét xử phi pháp người tập Pháp Luân Công đầu tiên tại Hải Nam, bốn người tập Pháp Luân Công bị thẩm án tại tòa án thành phố Hải Khẩu và bị kết án từ 2 đến 12 năm.
Vì đây là vụ án được xét xử công khai, tờ Associated Press đã đưa thông tin về sự kiện này. Ngay sau đó, vụ việc nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội quốc tế. Trong tình huống đó, thượng viện và hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lưỡng viện số 218 và nghị quyết liên quan số 217, yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công. Điều này làm Trung Cộng chùn tay.
Kể từ đó, những cái gọi là “Tư pháp” đối với người tập Pháp Luân Công đã bắt đầu chuyển sang hình thức đàn áp một cách âm thầm, bí mật. Số lượng người nhà đến nghe phiên tòa xét xử cũng bị giới hạn, phần lớn người tham gia đều là những nhân viên đặc vụ chuyên chịu trách nhiệm đàn áp người tập Pháp Luân Công như Phòng 610, quốc bảo,…
Cơ cấu ngoài vòng pháp luật có thể chấm điểm tòa án, công an và viện kiểm sát
Đáng chú ý, ngay trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra, ngày 10/6/1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh thành lập Phòng 610, với nhiệm vụ duy nhất là phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên phạm vi toàn quốc. Phòng 610 trung ương một lần có thể điều động toàn bộ các cơ quan quốc gia và hầu hết các nguồn lực xã hội, lợi dụng nhiều hệ thống khác nhau như Công an – Kiểm sát – Tòa án – Tư pháp, quân đội, cảnh sát vũ trang, đặc vụ, ngoại giao, giáo dục, truyền thông, y tế để đàn áp người tập Pháp Luân Công ở cấp quốc gia. Phòng 610 còn được gọi là trung tâm quyền lực thứ hai chỉ sau Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Cơ cấu Phòng 610 nằm ngoài hệ thống an ninh của nhà nước, khi truyền đạt lại các chỉ thị đàn áp Pháp Luân Công cho tòa án, họ thông thường không được phép ghi âm, ghi hình hay truyền đạt bằng văn bản, vì vậy trong nhiều năm qua đều hoạt động bí mật và duy trì đàn áp. Về mặt cơ chế, phòng 610 có thể coi là một Gestapo của Trung Cộng.
Nhiều năm qua đi, đến 2018, trong tình hình ngày càng khó có thể duy trì cuộc đàn áp và chịu nhiều áp lực nhân quyền quốc tế, Trung Cộng đã thực hiện cái gọi là cải cách cơ cấu, bãi bỏ Phòng 610 trung ương và các văn phòng của nó, đồng thời chuyển giao chức năng này cho Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương và Bộ Công an. Nhìn bề ngoài, Phòng 610 đã bị hạ cấp, tuy nhiên, thực tế quyền lực của nó không hề bị ảnh hưởng, cho tới bây giờ nó vẫn có địa vị đặc thù và quyền lực cấp cao trong hệ thống nhà nước.
Trong cái gọi là hệ thống Tư pháp của ĐCSTQ, chủ tọa phiên tòa phải nghe chánh án, chánh án phải nghe đảng ủy, và đảng ủy phải nghe theo Phòng 610. Từ năm 1999 đến nay, điều này vẫn không hề thay đổi. Đơn cử như một tài liệu được lan truyền của Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Phương Sơn năm 2019.
Theo biên bản đánh giá “Tình hình công tác phòng chống và xử lý tà giáo” do Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Phương Sơn ban hành vào năm 2019, Phòng 610 huyện Phương Sơn chịu trách nhiệm đánh giá hoạt động của 93 cơ quan đảng và chính phủ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. ĐCSTQ gọi đó là đánh giá “Tình hình công tác phòng chống và xử lý tà giáo”. Trong kỳ đánh giá năm 2019, Phòng 610 huyện Phương Sơn đã trừ điểm của 5 trong số 93 cơ quan đảng và chính quyền trong huyện, cho rằng các tổ chức này đã không thực hiện tốt công tác tuyên truyền chống Pháp Luân Công.
Có thể đánh giá các cơ quan đảng và chính quyền cùng cấp chỉ là một trong những biểu hiện của “siêu quyền lực” của Phòng 610 ở huyện Phương Sơn. Các tài liệu của Ủy ban Chính trị và Pháp luật cũng tiết lộ rằng một đơn vị cấp huyện như Phòng 610 huyện Phương Sơn có đặc quyền trong lĩnh vực đối ngoại và có thể trực tiếp ra nước ngoài để tham gia “các hoạt động đối ngoại” chống lại Pháp Luân Công. Báo cáo cho thấy, Phòng 610 huyện Phương Sơn ở ngoài nước, không chỉ trực tiếp xâm nhập và thao túng các cộng đồng người Hoa ở địa phương, ví dụ như ở Montreal, Toronto và Ottawa, cơ quan này đã “tổ chức buổi hội đàm chống tà giáo” với cư dân của các cộng đồng người Hoa để tuyên truyền những nội dung vu khống Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Nó còn mua các kênh truyền thông của Trung Quốc tại đây và xuất bản những tuần báo tuyên truyền chống Pháp Luân Công, in ấn và phát hành 400.000 nghìn tờ truyền đơn.
Đây mới chỉ là Phòng 610 nhỏ ở cấp huyện, chưa kể còn biết bao nhiêu Phòng 610 ở khắp các tỉnh thành trên cả nước thì sẽ như thế nào.
*
Trong tình hình Trung Cộng phải đối mặt với sức ép nhân quyền của quốc tế, rất nhiều tài liệu mật, rất nhiều câu chuyện nội bộ đột nhiên bị lộ ra nước ngoài. 403 trang tài liệu tiết lộ bí mật của các trại tập trung Tân Cương, “Tài liệu số 3” ngày 3 tháng 1 của Ủy ban Y tế ĐCSTQ che giấu dịch bệnh và tài liệu số 29 năm 2000 buộc các cơ quan luật pháp cấp dưới phải kết tội người tập Pháp Luân Công đều bị phanh phui chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Điều này thật sự rất đáng suy ngẫm, nó cho thấy không phải ai cũng còn muốn đứng cùng thuyền với chế độ độc tài.
Đăng lại có chỉnh sửa từ Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm: Tiểu ban Hạ viện Canada: Hành vi diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương
Mời xem video:
Từ khóa luật sư nhân quyền đàn áp Pháp Luân Công diệt chủng Dòng sự kiện