Lý Khắc Cường đột ngột qua đời và ‘thời kỳ vỡ nợ’ của nền kinh tế Trung Quốc
- Tư Vân
- •
Nhiều bất ổn nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên khó lường hơn trong những năm qua, sự kiện chú ý nhất gần đây là cái chết đột ngột của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường làm dấy lên nhiều suy đoán, trong đó đặc biệt là liên quan tình kinh tế suy thoái của Trung Quốc có vẻ không thể cứu vãn. Phải chăng đó là một phần lý do khiến bản tình ca “Thật tiếc không phải em” cũng trở nên nhạy cảm bị cấm hát tại xứ Trung?
Gần đây ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe, Hsieh Chin-ho) – Chủ tịch hãng truyền thông Wealth Magazine Đài Loan – đã đăng trên Facebook rằng tuần này ở Trung Quốc có rất nhiều tin tức về việc ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời do đau tim, làm dấy lên tranh luận. Lúc này, ca khúc “Thật tiếc không phải em” của ca sĩ nổi tiếng Liang Jingru (Fish Leong) đã bị ĐCSTQ cấm. Thực chất đây là bản tình ca, lời bài hát “Tiếc rằng không phải em có thể ở bên anh đến ngày tháng cuối” không hề có ý nghĩa chính trị gì, nhưng vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị nên bị cấm hát.
[“Tiếc rằng không phải em có thể ở bên anh đến ngày tháng cuối” có thể hiểu là ám chỉ ông Lý Khắc Cường có thể sống để chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền ông Tập Cận Bình].
Ông Tạ Kim Hà cho biết một tin nóng khác là ĐCSTQ có thể hủy bỏ ngày nghỉ đêm giao thừa (âm Hán – Việt là: Trừ tịch/除夕). Đêm giao thừa là một ngày lễ quan trọng để đoàn tụ gia đình mà người Trung Quốc rất coi trọng, tuy nhiên, vì “Trừ tịch” có cách phát âm tương tự “Trừ Tập (Tập Cận Bình)” nên có thể thành vấn đề kiêng kỵ, thậm chí có thể nhà cầm quyền sẽ đổi cách gọi “Trừ tịch”… Vấn đề này gợi nhớ chuyện Viên Thế Khải cuối thời nhà Thanh đã cấm tổ chức Lễ hội đèn lồng (Lễ Nguyên tiêu), vì “tiêu/宵– chỉ ban đêm” có phát âm giống “tiêu/消- chỉ tiêu tan”.
Cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường đã khiến công chúng tiếc thương và càng làm tăng nghi ngờ về thủ đoạn chính trị tàn nhẫn trong ĐCSTQ. Thời điểm này weibo Trung Quốc lại nóng lên với vấn đề những khó khăn kinh tế Trung Quốc đang gặp phải: Sau 30 năm phát triển bất động sản thì các nhà phát triển nợ hơn 30.000 tỷ nhân dân tệ, người mua nhà nợ 68.000 tỷ nhân dân tệ, và chính quyền địa phương trên cả nước nợ hơn 100.000 tỷ nhân dân tệ, còn nợ của 4 ngân hàng chủ chốt là 122.000 tỷ nhân dân tệ (gồm Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng).
Vấn đề này được ông Tạ Kim Hà phân tích: Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) của Evergrande, Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang) và con gái Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) của Country Garden gần đây đều đã bị bắt, nhưng khoản nợ khổng lồ mà họ để lại đã khiến tất cả các bên bất lực. Qua 30 năm phát triển bất động sản, các ông trùm lĩnh vực này của Trung Quốc đã trở nên giàu có với khối tài sản tăng vọt một cách đáng kinh ngạc, để rồi cuối cùng phát hiện ra rằng tiền họ có đến từ các ngân hàng thông qua quyền lực chính trị, giờ đây ‘thủy triều rút’ mới thấy “không có ai mặc quần”.
Chuyên gia Đài Loan này chỉ ra, đến nay giá cổ phiếu của hầu hết 60 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 5% so với mức giá cao trước đây, dù ĐCSTQ muốn cố gắng cứu nhưng cũng bó tay. Cuối cùng, ai nấy giật mình trước thực tế: Nhấn mạnh của ĐCSTQ về “nước lớn” Trung Quốc trỗi dậy thì thực tế lại là trỗi dậy “nước nợ” Trung Quốc – đây là vấn đề thách thức nghiêm trọng cho tương lai đất nước Trung Quốc.
NYT: Tổng nợ của Trung Quốc gần gấp 3 GDP
Tờ New York Times (NYT) đưa tin hồi tháng 7 rằng rất khó để biết chính xác con số nợ của Trung Quốc vì có quá ít dữ liệu chính thức, dù vậy các nhà nghiên cứu tại JPMorgan Chase tính toán rằng tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới 282% sản lượng kinh tế (GDP) hàng năm của đất nước Trung Quốc, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình 256% ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới và mức 257% ở Mỹ.
Nguồn tin cho biết nợ của Trung Quốc đã tích lũy quá nhanh so với quy mô nền kinh tế, khiến tình hình quản trị nền kinh tế này trở nên phức tạp. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 thì đến nay nợ của Trung Quốc đã tăng thêm nhiều lần so với quy mô nền kinh tế, theo đó nguyên nhân chính là do ngành bất động sản trong Trung Quốc bùng nổ xây dựng quá độ và việc các chính quyền địa phương vay nợ quy mô lớn.
Tương tự, báo cáo của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ước tính khoản nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã lên tới khoảng 30% GDP nước này, trong khi khoản nợ của các đơn vị tài chính trực thuộc đã lên tới 40% – 50%. Tuy nhiên, do một số chính quyền địa phương chuyển khoản nợ của họ cho các đơn vị tài chính nên có thể có vấn đề tính toán bị trùng lặp.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã cung cấp khoản vay gần 1000 tỷ USD cho khoảng 150 nước đang phát triển, nhưng lại không sẵn sàng xóa các khoản nợ khổng lồ của các nước đang gặp khó khăn trong việc cân bằng sổ sách (các khoản nợ này chỉ chiếm chưa đến 6% GDP [Trung Quốc]). Điều này một phần là do Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những khoản nợ trong nước, đó là hàng nghìn tỷ USD nợ của các chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính và các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra, suy thoái kinh tế Trung Quốc khiến ngày càng nhiều chính quyền địa phương và các đơn vị tài chính ở Trung Quốc không thể tiếp tục trả lãi cho các khoản nợ, dẫn đến phản ứng dây chuyền trong vấn đề thanh toán các dịch vụ công, bảo hiểm y tế và lương hưu.
Về giải pháp, báo cáo cho rằng vấn đề nợ trong nước của Trung Quốc sẽ còn dây dưa khó giải quyết sớm, do vấn đề này cần quá trình chuyển hướng từ cơ sở nền kinh tế tập trung vào các dự án xây dựng lớn và vấn đề vấn đề chi tiêu an ninh quốc gia khổng lồ, để sang nền kinh tế dựa trên chi tiêu và dịch vụ của người tiêu dùng.
Vào ngày 25/8, Bloomberg dẫn nguồn tin từ người trong hệ thống tài chính chính quyền địa phương của Trung Quốc rằng,vấn đề nợ 9000 tỷ USD của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn. Trọng tâm của nợ liên quan đến các tổ chức tài trợ chính quyền địa phương (LGFV) của Trung Quốc được thành lập để vay mượn trong khu vực. Do suy thoái kinh tế khiến kế hoạch các vùng nghèo đạt được khả năng tự cung tự cấp trở nên khó khăn.
Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ tệ đến thế
Theo Tạp chí CommonWealth Đài Loan (cw.com.tw), trong 30 năm qua các doanh nhân Đài Loan đã đầu tư 190 tỷ USD vào Đại Lục. Theo thống kê, đến khoảng năm 2008 có khoảng 1/6 nguồn vốn chảy vào Trung Quốc đến từ Đài Loan, khiến Đài Loan trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Trung Quốc.
Tuy nhiên tình hình đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, vốn Đài Loan và nhiều công ty nước ngoài đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, nơi có mức lương và chi phí đất đai thấp hơn.
Gần đây trên một chương trình thời sự, ông Liêu Kim Chương (James Liao, Liao Jinzhang) – một doanh nhân Đài Loan đã kinh doanh ở Đại Lục 25 năm, cho hay rằng từ khi đầu tư vào Trung Quốc đến nay chưa bao giờ ông thấy nền kinh tế Trung Quốc tệ đến thế. Ông nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc không chỉ đang trong tình trạng tồi tệ mà còn có bất ổn chính trị nội bộ, giới chức do lo lắng đấu đá nhau nên không thể quan tâm quản lý xã hội, không quan tâm đến sinh kế người dân, những ai có chút nhạy cảm tình hình đều biết rằng đã đến lúc phải thoái vốn đầu tư và rời đi.
Nói về nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc suy thoái, ông Liêu Kim Chương chỉ ra liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ và hành động của Tập Cận Bình. Ông cho rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc không hề tốt với thế giới vì ĐCSTQ luôn muốn chinh phục thế giới, điều này đã làm dấy lên cảnh giác và lo lắng của nhiều nước, hệ quả xuất hiện xu hướng toàn cầu tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Một mặt ông Tập Cận Bình muốn thu hút đầu tư, nhưng mặt khác ông ta lại đưa ra những chính sách tự mâu thuẫn (như ‘luật phản gián’…) khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và rút lui.
Ông Liêu nhận định Trung Quốc tuy lớn nhưng không mạnh, ông khuyên mọi người đừng để bị ảo tưởng đánh lừa. Trung Quốc cần doanh nhân Đài Loan vì doanh nhân Đài Loan tạo ra 45% ngoại hối của Trung Quốc, nhưng ngày nay nhiều doanh nhân Đài Loan đã rời đi, phần lớn đến Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico. Ông chỉ ra nhu cầu trong nước của Trung Quốc rất yếu và nước này chủ yếu dựa vào ngoại thương, do đó nền kinh tế Trung Quốc dần sụp thoái ngay khi Mỹ bắt đầu chiến tranh thương mại.
Khi còn sống và nắm quyền Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường từng nói 600 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ. Về vấn đề này, ông Liêu Kim Chương cho hay mức lương trung bình hiện tại của người dân Trung Quốc vẫn đang giảm, nhiều người thậm chí còn thất nghiệp vì xu thế rút lui quy mô lớn của các doanh nhân nước ngoài. Khi người dân thiếu tiền thì họ không dám tiêu dùng nên giảm phát xảy ra, thế nhưng chính phủ vẫn tiếp tục in tiền dẫn đến lạm phát, hệ quả của lạm phát cộng thêm giảm phát chắc chắn sẽ dẫn đến suy sụp nhanh hơn.
Doanh nhân Đài Loan này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc phát triển qua 40 năm nỗ lực đã bị phá hủy do Mỹ phát động chiến tranh thương mại. Ngày nay, Trung Quốc đã mất đi lợi thế dân số, thậm chí tăng trưởng dân số âm. Đối mặt thêm xu hướng cộng đồng quốc tế hạn chế giao thương, cùng nạn đấu đá chính trị nội bộ ĐCSTQ càng khiến nền kinh tế lao dốc với tốc độ nguy hiểm hơn.
Từ khóa Lý Khắc Cường kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện Tạ Kim Hà