Sau thời gian duy trì liên tục 30 năm tại Hồng Kông, lễ tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (sự kiện Lục Tứ) đã bị ngừng vì nhà cầm quyền ngăn cấm. Ngày 3/6, Ủy ban điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã ra tuyên bố kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cho phép tự do thảo luận về biến cố Thảm sát Thiên An Môn.

id13000688 527cd16c5894104f
Ngày 4/6/2021, các thành viên của Diễn đàn Los Angeles-Hồng Kông và người Hoa ở hải ngoại đã tập trung tại khu vực đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles để tổ chức sự kiện thắp nến tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. (Nguồn: Jiang Linda / Epoch Times).

“Hôm nay, chúng tôi tưởng nhớ lòng dũng cảm của những người đã đối mặt với xe tăng và gậy gộc trong ngày 4/6/1989, và những người tiếp tục tìm kiếm sự minh bạch và thông tin về vụ thảm sát đó, bao gồm cả cộng đồng các bà mẹ có con hy sinh vì thảm sát tại Thiên An Môn”, Chủ tịch CECC là Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và đồng Chủ tịch James McGovern là Dân biểu liên bang Mỹ đã viết trong một tuyên bố. “Chúng tôi cam kết rằng Quốc hội Mỹ sẽ ghi nhớ vụ Thảm sát Thiên An Môn, trợ giúp mọi người ở Trung Quốc và Hồng Kông có thể làm điều đó một cách tự do và không sợ hãi.”

Từ năm 1990 đến 2019, Dạ tiệc Ánh nến Lục Tứ tại Công viên Victoria ở Hồng Kông vẫn luôn là hoạt động tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn được chú ý nhất trong ngày này trên thế giới. Nhưng đến năm 2020, cảnh sát Hồng Kông lần đầu tiên cấm tổ chức thắp nến ở Công viên Victoria vì lý do dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Dù vậy, nhiều nhà hoạt động dân chủ và người dân vẫn đến Công viên Victoria để tổ chức tưởng niệm, hệ quả một số người đã bị bắt và thậm chí bị kết án tù. Năm 2021, vào dịp tưởng niệm Lục Tứ đầu tiên sau khi ĐCSTQ áp đặt luật an ninh quốc gia, cảnh sát Hồng Kông tiếp tục từ chối phê duyệt hoạt động tưởng niệm tại Công viên Victoria. Khi không thể tổ chức tập trung, đông đảo người Hồng Kông ở các nơi tự tổ chức thắp nến tưởng niệm, hoạt động khiến nhiều người đã bị bắt.

Tương tự, năm nay cũng sẽ khó có cuộc mít tinh nào ở Hồng Kông liên quan đến biến cố Lục Tứ, cũng sẽ khó có các hoạt động tưởng niệm nào dưới ánh nến ở Công viên Victoria.

Các nhà lãnh đạo CECC cho biết, họ cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người tiếp tục thúc đẩy ngọn đuốc tự do dân chủ nhân dịp 33 năm ngày 4/6/1989, bao gồm các luật sư nhân quyền, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, người Cơ đốc giáo và người tập Pháp Luân Công, những người ủng hộ dân chủ, tự do ngôn luận và quyền lợi người lao động, gồm cả những người mong muốn chấm dứt tra tấn, giam giữ tùy tiện và diệt chủng.

Ông Merkley và ông McGovern cũng kêu gọi ĐCSTQ cho phép thảo luận công khai về vụ việc ngày 4/6/1989.

Hoạt động tưởng nhớ ngày 4/6/1989 diễn ra nhiều nơi trên thế giới

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), năm nay tưởng niệm ngày 4/6/1989 sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, ít nhất 29 thành phố ở 9 nước sẽ tổ chức các hoạt động tưởng niệm vào thứ Bảy tuần này dưới hình thức thắp nến tưởng niệm hoặc biểu tình trước sứ quán của ĐCSTQ. Các hoạt động được biết bao gồm tại Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Đức, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Đài Loan; diễn ra tại các thành phố chẳng hạn như Washington, San Francisco, New York, Vancouver, Toronto, London, Birmingham, Edinburgh, Nottingham, Berlin, Heidelberg, Frankfurt, Munich, Tokyo…

Tại Trung Quốc Đại Lục, bầu không khí đặc biệt căng thẳng vì ​​trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 ĐCSTQ, nên cảnh sát ở nhiều nơi kiểm soát chặt chẽ những người bất đồng chính kiến. Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin rằng những người bất đồng chính kiến ​​từ khắp Trung Quốc gần đây đã bị cảnh sát cảnh cáo, theo dõi kiểm soát, hoặc buộc phải ‘đi du lịch’, bị thu điện thoại di động. Tiêu biểu như những nhà bất đồng chính kiến ​​ở Bắc Kinh là Tra Kiến Quốc (Zha Jianguo), Cao Du (Gao Yu) bị quản chế; vợ chồng ông Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) bị đưa ra ngoại ô; hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến ​​ở Hồ Nam và Quý Châu đều mất liên lạc.

Tưởng niệm ngày 4/6/1989 cũng trở thành điều cấm kỵ ở Hồng Kông. Cảnh sát Hồng Kông cho biết, ngay cả khi những cá nhân tự phát “không hẹn mà gặp” đến Công viên Victoria để tưởng nhớ, nhưng nếu có biểu hiện thực hiện cùng lúc của nhiều người như vậy thì có thể phạm tội tụ tập trái phép.

Cựu chủ tịch Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) của Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc (hiện đang ở trong tù), nói với Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông rằng ông sẽ tuyệt thực vào ngày thứ Bảy và thắp nến lúc 8h tối để tưởng nhớ các nạn nhân của ngày 4/6/1989, đồng thời ghi nhận đây là ngày 4/6 lần thứ hai ông phải ở trong tù. “Sức mạnh của những hoạt động tưởng nhớ ý nghĩa này chính là dấu ấn lưu truyền lịch sử qua các thế hệ”, ông nói.

Đòi “công lý, truy cứu trách nhiệm, bồi thường”

Trong bức thư gửi tờ Minh Báo Hồng Kông, ông Lý Trác Nhân đã chỉ ra, điều đáng tiếc nhất là năm nay là nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đấu tranh đòi công lý cho ngày 4/6/1989 có 64 thành viên đã qua đời, riêng năm nay có 2 thành viên qua đời.

Đài RFA đưa tin, đêm trước ngày 4/6/1989 nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đã công bố một đoạn video về thành viên gia đình Đoàn Xương Long (Duan Changlong) bị thiệt mạng trong biến cố Thiên An Môn. Trong video cho thấy cảnh bà Chu Thục Trang (Zhou Shuzhuang) 86 tuổi mắc bệnh tuyến yên nhìn di ảnh của cậu con trai Đoàn Xương Long hồi 24 tuổi, là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, cô con gái cả Đoàn Xương Kỳ (Duan Changqi) ở bên cạnh mẹ, video cho thấy những tiếng khóc tiếc thương.

Câu chuyện được cô Đoàn Xương Kỳ kể:

“Sáng sớm ngày 4/6/1989, Đoàn Xương Long chạm trán với quân đội thiết quân luật ĐCSTQ, một sĩ quan của quân đội thiết quân luật ở cự ly gần đã cầm một khẩu súng lục cỡ nhỏ bắn vào vùng tim làm Đoàn Xương Long tử vong.”

“Ngày 5/6/1989, tôi đưa bố mẹ đến thăm em trai tôi tại Bệnh viện Bưu điện, vì bệnh viện này ở gần Đại lộ Trường An ở Bắc Kinh, nhà xác của bệnh viện đầy những sinh viên bị bắn chết.”

“Vì sự ra đi của em trai mà suốt 3 năm mẹ tôi không ngủ được, nỗi đau và nỗi nhớ kéo dài khiến bà mắc bệnh mạch máu não và không thể tự chăm sóc bản thân. Cha tôi đã qua đời vào năm 2009 trong nỗi hận thù. Nhưng cái chết của em trai tôi mới chỉ là bắt đầu của nỗi đau khổ.”

“Trong 33 năm qua, ĐCSTQ và chính phủ cầm quyền đã không truy cứu tội danh bắn chết em trai tôi. Thay vào đó, trong giai đoạn được gọi là nhạy cảm, họ đe dọa và theo dõi chúng tôi không chút nhân tính… Tôi xin hỏi đảng và chính phủ cầm quyền, các người đã bao giờ biết tự vấn lương tâm?  Trên đại lộ Trường An ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, xe tăng quân sự đã được sử dụng để bắn và giết những công dân tay không tấc sắt, phản đối vì chống quan chức và chế độ hủ bại, đó là những hành động tàn bạo kiểu phát xít, sẽ không chỉ được khắc ghi vào biên niên sử của lịch sử Trung Quốc mà còn vào biên niên sử của loài người.”

Cô Đoàn Xương Kỳ nhấn mạnh, trong 33 năm qua, gia đình của các nạn nhân ngày 4/6/1989 không thể quên những nỗi đau như vậy, đồng thời cô nhắc lại 3 yêu cầu “trả lại công lý, truy trách nhiệm, và bồi thường”.