Một số công ty trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc đang tham gia vào lĩnh vực kinh doanh cho phép người đã khuất “sống lại” và nói chuyện với người thân của họ. Trong số các khách hàng, không chỉ có những bậc cha mẹ đau khổ mất con mà còn có những người đang yêu tuyệt vọng mong gặp lại bạn gái cũ…

robot 1
(Ảnh minh họa: Stock-Asso/ Shutterstock)

Một báo cáo của hãng tin AFP từ Thái Châu, tỉnh Giang Tô, ngày 20/12 cho biết tại một nghĩa trang ở miền đông Trung Quốc, một người đàn ông tên Seakoo Wu (họ Ngô) đã nghe thấy giọng nói của đứa con trai đã chết qua điện thoại. Đây không phải là đoạn ghi lại cuộc đời của con trai ông mà là trí tuệ nhân tạo đang khiến con trai ông nói chuyện.

Con trai ông Ngô mất sớm, tên con trai ông là “Xuanmo”, nói bằng giọng hơi máy móc: “Con biết, vì con mà ngày nào bố cũng đau khổ, bố cảm thấy áy náy và không thể làm gì hơn.” “Cho dù con không còn có thể ở bên cạnh bố nữa, linh hồn của con vẫn còn ở thế giới này và sẽ đồng hành cùng bố đến hết cuộc đời.”

Giống như vợ chồng ông Ngô, tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều người mất người thân sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ‘mang lại’ cho những người thân yêu đã mất của họ một ‘cuộc sống mới’.

Đối với bố của Xuanmo, mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nhân vật thế thân ảo cư xử giống hệt con trai ông.

Ông Ngô nói: “Một khi chúng tôi đạt được sự đồng bộ giữa thực tế và đa vũ trụ, con trai tôi sẽ lại ở bên tôi”.

Một số công ty ở Trung Quốc đã tham gia vào cung cấp những lời tưởng nhớ ảo: một số công ty tuyên bố đã tạo ra hàng ngàn “người kỹ thuật số” ảo, đôi khi chỉ bằng một đoạn video dài 30 giây về người đã khuất.

“Robot ma”

Cuộc sống của vợ chồng ông Ngô đã thay đổi đáng kể vào năm ngoái khi đứa con trai duy nhất của họ qua đời ở tuổi 22 vì đột quỵ.

Theo ông Ngô kể lại, con trai ông học ngành tài chính kế toán tại Đại học Exeter ở Anh, yêu thích thể thao và có cuộc sống đầy đủ.

Sự trỗi dậy của chatbot (ChatGPT) ở Trung Quốc đã mang lại hy vọng mới cho người bố lòng như lửa đốt này: Con trai ông có thể được hồi sinh ảo.

Để đạt được mục đích này, ông đã thu thập ảnh, video và bản ghi âm của con trai mình (Xuanmo). Sau đó, ông chi hàng ngàn USD để thuê một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo nhân bản khuôn mặt và giọng nói của con ông.

Dù kết quả còn thô sơ, nhưng ông Ngô không muốn dừng lại ở đó. Ông đã biên soạn một tập tin chứa một lượng lớn thông tin của con trai mình và dựa vào các thuật toán để tái tạo lại kiểu nói và suy nghĩ của cậu.

Hiện tượng “robot ma” này không phải chỉ có ở Trung Quốc, ở Mỹ cũng có những công ty đang hoạt động trong lĩnh vực ngách này.

Theo ông Trương (Zhang Zewei), một chuyên gia trong lĩnh vực này, đồng thời là người sáng lập công ty AI Super Brain và là đồng nghiệp cũ của ông Ngô, Trung Quốc đã được xếp vào hàng đầu thế giới về công nghệ trí tuệ nhân tạo.

“Trung Quốc có dân số đông và nhiều người có nhu cầu tình cảm, điều này giúp chúng tôi có lợi thế trên thị trường”, người đàn ông sống ở Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tố cho biết.

Theo ông Trương, công ty Super Brain của ông tính phí từ 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ (~ 33 – 65 triệu đồng) và có thể tạo ra một hình đại diện cơ bản trong khoảng 20 ngày.

Trong số khách hàng của ông, không chỉ có những người đã mất người thân mà còn có những bậc cha mẹ đang thất vọng vì không có đủ thời gian dành cho con cái… và thậm chí cả những người đau khổ tuyệt vọng và muốn gặp lại bạn gái cũ.

Một trong những dịch vụ họ cung cấp là cuộc gọi điện video với nhân viên có khuôn mặt và giọng nói được thay thế bằng khuôn mặt và giọng nói của người mà khách hàng muốn gặp.

Ông Trương nói: “Điều này rất quan trọng đối với xã hội chúng ta và thậm chí đối với toàn thế giới”. “Phiên bản kỹ thuật số ảo của một người (có thể) tồn tại mãi mãi, ngay cả khi cơ thể (bằng xương bằng thịt) của người đó không còn tồn tại.”

Đồng ý hay không đồng ý?

Theo Sima Huapeng, người sáng lập Silicon Intelligence có trụ sở tại Nam Kinh, ông tin chắc rằng công nghệ này thể hiện “tinh thần nhân văn mới”.

Ông so sánh kỹ thuật này với chụp chân dung và chụp ảnh, vào thời điểm đó đã cách mạng hóa cách mọi người tưởng nhớ những người thân yêu đã qua đời của mình.

Tal Morse, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cái chết và Xã hội tại Đại học Bath ở Anh, thừa nhận rằng “những hình đại diện này có thể mang lại một sự an ủi ở mức độ nhất định”, nhưng “vẫn còn phải quan sát xem chúng có tác động tâm lý và đạo đức như thế nào”.

Ông nói: “Câu hỏi cơ bản ở đây là phải biết (…) những con robot ma này trung thành đến mức nào với những nhân cách mà chúng muốn bắt chước”.

Bởi vì “Điều gì sẽ xảy ra nếu những gì họ đã làm ‘làm ô nhiễm’ ký ức về người mà lẽ ra họ phải đại diện? Làm sao chúng ta biết liệu người đã khuất có thực sự đồng ý hay không?”

Ông Trương của Super Brain thừa nhận bất kỳ công nghệ mới nào cũng là “con dao hai lưỡi”. Nhưng “miễn là chúng tôi giúp đỡ những người gặp khó khăn, tôi không thấy có vấn đề gì cả.”

Ông đảm bảo rằng ông sẽ không làm việc với những người có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời trích dẫn trường hợp một người phụ nữ đã cố gắng tự tử sau cái chết của con gái mình.

Theo bố của Xuanmo, ông Ngô, thì Xuanmo “rất có thể sẽ chấp nhận” rằng bản thân được sống lại ảo. 

Khi vợ ông khóc trước bia mộ của con trai, ông nói: “Một ngày nào đó, con của ta, chúng ta sẽ sum họp với nhau ở đa vũ trụ”. “Sự phát triển của công nghệ đang thay đổi từng ngày” (…) “chỉ là một vấn đề thời gian”.

Trí Đạt (theo AFP)