Sau ngày 1/6, Thượng Hải đã dần trở lại làm việc và sản xuất, nhưng hoạt động ăn uống tại chỗ vẫn trì hoãn chưa được khôi phục. Mặc dù có thể mua mang về nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu ăn uống tại chỗ. Theo chính sách phòng chống dịch bệnh, việc mở cửa hàng “không phép” sẽ có nguy cơ bị trừng phạt, vậy nên chủ nhà hàng chỉ có thể nghĩ mọi cách để cố gắng che đậy cho việc khách hàng ngồi ăn tại chỗ. Từ đó hình thành nên một cụm từ mới gọi là “du kích nhà hàng”.

Khi xem phim gián điệp, bạn sẽ thấy những đặc vụ ngầm cần có ám hiệu để kết nối. Bây giờ, nếu bạn muốn ăn trong một nhà hàng ở Thượng Hải, bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác tương tự.

p3172541a904585690
(Ảnh chụp màn hình)

(Nội dung ảnh:Vài ngày trước chúng tôi đi qua một nhà hàng lẩu lớn. Ánh đèn của nhà hàng lẩu để tối, chỉ có một nhân viên đang lau lau cửa kính.
Tôi run run đến hỏi: “Có thể ăn tại chỗ không?”
Nhân viên hỏi khẽ: “Các bạn có mấy người?”
Tôi cũng tự nhiên nói nhỏ theo: “3 người”.
Nhân viên nhìn qua lại rồi nói khẽ: “Hãy đi theo tôi”.
Chúng tôi đã quét mã, kiểm tra mã xét nghiệm axit nucleic, đi qua tầng 1 tối om, lên đến tầng 2 có ánh đèn sáng, bên trong không có ghế trống, mỗi bàn đều có người đang ngồi ăn lẩu và nói chuyện vui vẻ.
Tôi nói: “Hiện giờ cho phép ăn tại chỗ ư?”
Nhân viên nói: “Được phép.”
Tôi thấy kỳ lạ: “Vậy tại sao chúng ta lại phải lén lén lút lút?”
Nhân viên nói: “Tôi cũng không hiểu, dù sao thì hiện giờ nhà hàng nào cũng thế.”
Tôi có cảm giác mình cấu kết làm một việc gì đó mờ ám, thật là kích thích.”

Kịch tính đoán danh tính trong cuộc chiến gián điệp cũng sẽ được tái diễn tại các nhà hàng Thượng Hải. Khi gọi cho nhà hàng để hỏi xem bạn có thể dùng bữa không, nhà hàng sẽ nói với bạn một cách khéo léo là không được. Nhưng nếu quen chủ nhà hàng thì họ sẽ nói thực ra có thể ăn ở cửa. Tuy nhiên, qua điện thoại thì không thể nói như thế vì sợ bị “nhử mồi” (để lấy bằng chứng tố cáo).

Muốn được ăn thì không phải là không thể, chỉ cần trở thành “người quen” với chủ nhà hàng.

p3172545a509193981
(Ảnh chụp màn hình)

(Nội dung ảnh: “Hiện giờ dùng bữa tại nhà hàng giống như phải kết nối ngầm. Trước tiên phải nhìn xung quanh một vòng rồi hỏi “có thể ăn cơm không?”
Người canh chừng lại nhìn xung quanh một vòng rồi suy đoán một chút, sau đó nói “là bạn bè giới thiệu phải không?”
Tôi bất giác tự hạ thấp giọng nói nhỏ: “Đúng, còn chỗ không?”
Người canh chừng lại nhìn một cái rồi hỏi, “Cần mấy chỗ?”
“Tôi cần 2 chỗ.”
Người canh chừng gõ cửa, từ bên trong cửa mở ra, sau đó mở miệng nói nhỏ, “trên lầu 2 chỗ”.
Sau đó hài hước nhất là khi ăn được một nửa thì kéo cánh cửa xuống.
Người canh chừng đi vào và nói “có tuần tra, mọi người yên lặng một chút, xin cảm ơn.””)

Dù cho đã khắc phục mọi khó khăn bên ngoài rồi, bạn vẫn nên cố gắng nói nhỏ giọng khi đến hiện trường (nhà hàng), bởi dù sao thì giọng nói rất có thể sẽ khiến công việc chui của họ bị “vạch trần”.

Vị trí của cửa hàng cũng rất quan trọng, càng kín đáo, càng giảm thiểu rủi ro bị lộ. Một số nhà hàng ở Thượng Hải bây giờ nhìn từ bên ngoài giống như bị bỏ hoang, không có ánh sáng, còn cửa sổ thì dán đầy giấy dán tường. Đây chính là một cách ngụy trang tuyệt vời, mục đích là tạo ra giả tượng “không có việc kinh doanh”.

Ngay cả khi bạn đã đi theo một “đầu mối” qua những con hẻm ngoằn ngoèo và ngồi được vào một căn phòng tối thì cũng không có nghĩa là bạn có thể an tâm thưởng thức một bữa ăn, vì phải luôn đề phòng người của văn phòng chống dịch có thể ập vào kiểm tra bất kỳ lúc nào.

p3172542a557670909
(Ảnh chụp màn hình)

Một số cư dân mạng đã chụp lại khoảnh khắc khi phát hiện có nhân viên thực thi pháp luật đến kiểm tra ở bên ngoài, khi bên trong đang “lén lút”. Dù cho cách nhau tấm cửa kính mờ, nhưng vẫn có thể cảm nhận được áp lực đè nặng.

p3171151a156624152
Một số khách hàng đang dùng bữa tại một nhà hàng ăn nhanh ở Thượng Hải, ánh sáng rất yếu, qua cửa kính có thể nhìn thấy 2 cảnh sát đang tuần tra bên ngoài cửa sổ, thực khách nhìn chằm chằm vào họ. (Ảnh: MXH)

Có đoạn video người Thượng Hải mô tả một cách sống động cho bạn trải nghiệm thế nào là “ăn cơm giống đặc vụ”. Đối mặt với sự kiểm tra đột xuất, ông chủ nói với khách hàng: “Chúng ta không có giao dịch tiền bạc, tất cả đều tự nguyện.” Vì có những hiểm nguy tiềm ẩn nên nhiều người sử dụng từ “chiến tranh du kích” để mô phỏng “trải nghiệm dùng bữa tại nhà hàng”. Người ta nói rằng Thượng Hải đang định nghĩa lại hoạt động ăn uống.

Trong những tuần gần đây, nhiều người đã chọn ăn trên các con phố gần nhất, bên ngoài trung tâm mua sắm, bãi cỏ, ghế công viên và chỗ ngồi ngoài trời, v.v. Có người thắc mắc vì sao bán hàng không dùng chén bát cho khách, được trả lời rằng để khi bị kiểm tra thì có thể nhanh chóng đuổi khách đi. Có thanh niên ở Thượng Hải chạy khắp nơi mua đồ ăn mang về, ngay cả việc yên tâm ăn một bữa cũng trở thành hy vọng xa xỉ.

Không chỉ có việc ngồi ăn tại nhà hàng, mà mọi thứ ở Thượng Hải dường như đều được thực hiện một cách lén lút. Tất cả các tầng lớp xã hội đang dần bắt đầu sử dụng “tiếng lóng” để giao tiếp. Ví dụ, hoạt động của một nhà hàng không được gọi là kinh doanh, mà là tuyển một vài người “quen biết” để “thử món”. Trên cửa một phòng tập thể thao có một tấm biển lớn ghi “không hoạt động”, nhưng khi đến cửa, huấn luyện viên sẽ lén lút nói bạn nhanh chóng vào và sau đó đóng cửa lại. Có người còn đề xuất nhà hát có thể mở các buổi “thực tập phòng cháy chữa cháy” để lén lút hoạt động.

Ngoài ra, giờ mở cửa của các nhà hàng không cố định, có thể hôm nay mở, ngày mai không mở, hôm nay không mở, ngày mai mở. Không ai biết thông tin cụ thể, bao gồm cả chủ nhà hàng, chỉ có thể lén lút trao đổi trong các nhóm chat để nắm thông tin.

Điều này gợi nhớ đến thời kỳ cấm rượu ở Mỹ. Vào thời điểm đó, để tránh sự tra xét của lệnh cấm rượu, các quán bar được ngụy trang thành nhiều cửa hàng khác nhau, hình thức này được gọi là “speakeasy”. Sau khi kết thúc lệnh cấm rượu, hình thức ngụy trang này cũng được bảo lưu, và ở Thượng Hải cũng có rất nhiều quán bar ngụy trang thú vị như thế.

Ví dụ, có một cửa hàng gọi là barber shop, nhìn từ bên ngoài thì giống như một tiệm cắt tóc, nhưng khi tác động đến một cái chai trên bàn, một cánh cửa bí mật sẽ mở ra, và bạn sẽ bước vào một quán bar.

Ví dụ khác là một cửa hàng gọi là laundry.co, nhìn từ bên ngoài giống như một phòng giặt, nhưng khi nhấn một nút trên máy giặt, bức tường tiếp theo sẽ mở ra, bạn mới phát hiện ra rằng đó thực ra là một quầy bar.

Ngoài ra còn có khách sạn Thompson Hotel, nhìn từ bên ngoài giống như một khách sạn phong cách hoài cổ, lối vào đầy chìa khóa nhưng khi vén rèm lên thì thực chất đây là một quán bar.

Không biết trong tương lai còn có nhiều “nhà hàng ngụy trang” được tạo ra nữa không. Nhìn bên ngoài thì giống nhà kho nhưng bên trong lại làm các món lẩu Trùng Khánh, cá rau chua, tôm càng, mì bò v.v.

Thế mới hiểu từ “lén lút vui” có nghĩa là gì.

Vì sao mọi người ai cũng buộc phải mưu sinh một cách bất chấp như vậy? Đằng sau đó là quá nhiều cay đắng.

Ví dụ có một chủ cửa hàng nói: “Ngày mùng 8 thông báo có thể mở kinh doanh ăn uống tại chỗ, tôi mua lượng lớn nguyên liệu chất lượng cao, rồi lại bị thông báo ngày 10 phải nghỉ kinh doanh. Tình trạng thảm nhất của ngành ăn uống trong lịch sử cũng không bằng tình hình hiện nay của chúng ta.”

Một bài viết trong kế hoạch của thương hiệu Minshuo có tên là “Tiếng lòng của những người phục vụ ăn uống ở Thượng Hải trong thời kỳ đại dịch: Yêu cầu hỗ trợ, mong được dùng bữa tại nhà hàng!”, kể cảnh ngộ của nhiều người trong ngành từ các góc độ khác nhau.

Khôi phục công việc nhưng không thể ăn uống ở nhà hàng, doanh thu chỉ bằng 5% trước đó, mở cửa mà còn lỗ nhiều hơn so với không mở cửa.

Có lẽ có người sẽ nói, không ăn ở nhà hàng thì mua về ăn chẳng phải là sẽ tốt hơn. Nhưng thực ra mua đồ ăn mang về có ảnh hưởng rất lớn đến khẩu vị của món ăn. Chưa nói đến một số đồ ăn uống thực sự không thích hợp để mang đi. Bởi vì họ không chỉ cung cấp thức ăn mà còn cung cấp dịch vụ.

Hoa hồng của nền tảng gọi đồ ăn tăng, tiền thuê cửa hàng bị chủ nhà giục ngày càng gấp, nhân viên nghỉ việc, tất cả đều khiến cho những người kinh doanh vốn đã gặp rất nhiều khó khăn ngày càng cảm thấy khó khăn hơn. Dù đã âm thầm chịu đựng tất cả, nhưng còn phải đề phòng mọi lúc xem có “người chuyên tố cáo” nào hay không, đề phòng họ thông qua câu chuyện “nhử mồi” để tố cáo và kiếm thu nhập.

Cơ quan chức năng có thể không biết làm thế nào để thay đổi hiện trạng, nhưng ít nhất hãy hiểu cho khó khăn của những người làm kinh doanh, hãy lắng nghe những nỗi khổ trong lòng họ và chân thành mong những nhà hàng này chống đỡ được để tiếp tục tồn tại.

Trước đó, ông quan chức của WHO là Michael Ryan cho rằng đại dịch này có thể trở thành một vấn đề lâu dài, rất khó dự đoán khi nào sẽ đạt được chiến thắng, và virus corona mới có thể trở thành đại dịch không bao giờ dứt. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng cuộc sống trước khi có dịch sẽ không bao giờ có thể trở lại, và công tác phòng chống dịch sẽ không bao giờ dừng lại. Về sau chỉ có thể nghĩ cách để cho biện pháp chống dịch ảnh hưởng ít hơn tới đời sống của người dân mà thôi.

“Nó sẽ không bao giờ trở lại bình thường,” nhưng ít nhất hy vọng sẽ trở lại một trạng thái gần với bình thường thôi vậy.

Bài viết được biên tập từ “Viết một câu chuyện cho bạn” của tài khoản Wechat @raistlin2017, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.