Nguy cơ đảo chính tại Trung Quốc vượt xa tưởng tượng
- Tự Minh
- •
Gần đây, nhà bình luận chính trị Trung Quốc sống tại Mỹ, ông Trần Phá Không có buổi thảo luận về các tin đồn liên quan đến ám sát, đảo chính, chính biến v.v… trên kênh truyền thông Pháp.
Bình luận của Trần Phá Không về tin đồn đảo chính
Ngày 6/9, ông Trần Phá Không trả lời phỏng vấn độc quyền của trang RFI Pháp về rất nhiều tin đồn liên quan đến việc ám sát, chính biến, binh biến, quân biến trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông, những tin này thực có, giả có, về cơ bản thì sự việc đó có tồn tại, không những thế nguy cơ có thể nói là vượt ngoài sự tưởng tượng của ngoại giới.
Ông dẫn ví dụ gần đây, sau khi kết thúc Hội nghị Bắc Đới Hà, ngay lập tức vị trí Tư lệnh Khu Phòng vệ Bắc Kinh, Khu Quân cảnh Thượng Hải có sự thay đổi. Các động thái này khá gấp rút khẩn trương. Vì Khu Phòng vệ Bắc Kinh có liên quan trực tiếp đến sự hoạt động thuận lợi của ông Tập Cận Bình và chính quyền nên nhiều lần đã có việc thay tướng. Theo ông Trần Phá Không, ngay sau Hội nghị Bắc Đới Hà lại một lần nữa thay tướng, điều đó cho thấy đã có tin đồn về chính biến. Khu Quân cảnh Thượng Hải là ‘sào huyệt’ của ông Giang Trạch Dân, là một trung tâm chính trị đối lập với Bắc Kinh. Còn Bắc Kinh lại được xem là trung tâm chính trị của Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình.
Ông Trần Phá Không còn cho biết thêm, thực tế trước đây 2 năm cũng đã từng có nghi ngờ về âm mưu đảo chính. Thời điểm đó đang diễn ra cuộc đại diễn tập lớn trên biển, các chuyến bay giữa Thượng Hải – Bắc Kinh liên tiếp bị hủy. Việc thay tướng gần đây cho thấy ông Tập Cận Bình lại lần nữa cảm thấy bất an.
Ngày 26/8, sau Hội nghị Bắc Đới Hà, có tin lộ ra rằng Thượng tướng Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Kiến Bình đã bị bắt. Ông này được cho là thân tín của ông Chu Vĩnh Khang và ông Từ Tài Hậu. Theo ông Trần Phá Không, ông Vương Kiến Bình hai năm trước từng giữ chức vụ tư lệnh đội cảnh sát vũ trang. Sau đó ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn đã sử dụng kế điệu hổ ly sơn để đưa thân tín của ông Tập là Vương Ninh thuộc Quân khu Nam Kinh vào nắm đội cảnh sát vũ trang.
Đội cảnh sát vũ trang Trung Quốc có khoảng 1 triệu người, là một lực lượng trọng yếu đảm bảo vấn đề ổn định xã hội. Ông Vương Kiến Bình bị bắt giam cho thấy ông Tập Cận Bình đang tiến hành phòng ngừa và áp chế các nhân tố bất an trong cảnh sát vũ trang và quân đội, ông Trần Phá Không nhận định.
Ông nói thêm, ngay trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã có tin đồn xảy ra ám sát hoặc đảo chính. Khi đó, ông Tập cũng đột ngột không rõ tung tích trong khoảng 2 tuần. Sau khi ông Tập xử lý ông Chu Vĩnh Khang và ông Bạc Hy Lai lại xuất hiện cách giải thích rằng vì hai ông này từng có âm mưu đảo chính. Từ lúc ông Tập lên nắm quyền đến nay, những tin tức kiểu này xuất hiện nhiều lần, như nghi vấn về vụ nổ ở Thiên Tân, vụ khủng bố bạo lực ở ga tàu Tân Cương.
Trang “Hoàn Cầu Chi Âm”, một trang tin tức chính trị Trung Quốc trên Weixin từng đăng bài phân tích, ông Tập Cận Bình cần phải phòng chống việc bị lật đổ giống như Nikita Khrushchev và Gorbachev. Hai người này đều là các nhà đẩy mạnh cải cách chính trị ở Liên Xô trước kia. Ông Trần Phá Không nhận định đây là một trang tin thân cận và ủng hộ ông Tập Cận Bình đang gửi đi tín hiệu: phòng đảo chính là phòng những người đối đầu chính trị trong đảng. Ngoài ra bài viết này còn ám chỉ rằng, ông Tập Cận Bình sẽ hành động quyết liệt hơn.
Tập Cận Bình nhiều lần phá vỡ âm mưu đảo chính
Tổng hợp các vụ đảo chính do truyền thông ngoài Trung Quốc đưa tin từ lúc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay như sau:
Lần thứ nhất là vào năm 2012, khi ông Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tiết lộ việc ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang dự định đảo chính. Trong tài liệu mà ông Vương Lập Quân giao cho Lãnh sự quán Mỹ có nhắc đến việc hai ông này liên thủ lập kế hoạch phát động chính biến, cuối cùng lật đổ ông Tập Cận Bình. Âm mưu chính biến này sau khi bị lộ ra, cùng năm đó ông Bạc Hy Lai “ngã ngựa”, đến năm 2014 ông Chu Vĩnh Khang cũng bị bắt.
Tháng 8/2012, trong khoảng thời gian Hội nghị Bắc Đới Hà, ông Chu Vĩnh Khang đã có 2 lần định ám sát ông Tập Cận Bình nhưng không thành. Lần thứ nhất là đặt quả bom hẹn giờ ở phòng Hội nghị, lần thứ hai là định cho tiêm thuốc độc lúc ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301.
Âm mưu đảo chính thứ hai dự định diễn ra ngay trước Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2015 khai mạc. Khi đó, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận, thuộc “bang Chính pháp” của ông Chu Vĩnh Khang, bí mật soạn một bản “thông báo tình hình chính trị Hà Bắc”. Ông Trương Việt trực tiếp gửi trình ông Tăng Khánh Hồng rồi đến ông Giang Trạch Dân. Nội dung của báo cáo này nhằm công kích ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn là “quả bom hạt nhân chính trị”. Tuy nhiên, báo cáo này cuối cùng đã bị chặn lại do ông Chu Bản Thuận bị bắt vào tháng 7/2015.
Lần đảo chính thứ ba do ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng lập mưu gọi là “lão nhân chính biến”. Vào năm ngoái, hai ông này đã đi thăm nhiều quan chức đã nghỉ hưu, vận động họ ép Trung ương đảng gây áp lực bãi nhiệm ông Tập Cận Bình, định bắt chước cách trước đây “Tám đại nguyên lão” lợi dụng “Hội sinh hoạt chính trị” cấp cao tấn công ông Hồ Diệu Bang, buộc ông này phải từ chức. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng thất bại vì ông Hồ Cẩm Đào và ông Lý Thụy Hoàn kiên quyết cự tuyệt.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Chu Vĩnh Khang Chính biến Đảo chính Bạc Hy Lai Tập Cận Bình