Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vận dụng toàn bộ hệ thống truyền thông trên cả nước để tuyên truyền thù hận, tẩy não người dân. Không chỉ vậy, để hợp thức hóa cuộc đàn áp trước sự phản đối của người dân, ĐCSTQ đã cố gắng dàn dựng một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/1/2001 nhằm ma quỷ hóa Pháp Luân Công. Tâm điểm của vụ tự thiêu là hình ảnh gây sốc: một người mẹ nổi lửa thiêu con mình.

Bắt đầu từ 20/7/1999, ĐCSTQ đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn khí công thiền định thu hút hơn 70 triệu người theo tập, vượt qua số lượng Đảng viên ĐCSTQ. Tuy nhiên, chế độ cộng sản này đã gặp khó khăn trong 1 năm đầu, do sự ủng hộ của quần chúng đối với Pháp Luân Công là rất lớn. Sự kiện tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn xảy ra vào thời điểm đó đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đàn áp này.

Ngày 23/1/2001, tức ngày 13 Tết, tại quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vụ “tự thiêu” của 5 người. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay chi tiết đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là người tập Pháp Luân Công, trong đó có một bà mẹ đã nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình. Hình ảnh gây sốc này đã triệt tiêu đáng kể sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. Đóng ghóp lớn nhất cho màn kịch truyền thông này chính là chương trình “Tiêu điểm”.

Chương trình “Tiêu điểm”, phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), là một trong những chương trình được xem nhiều nhất ở Trung Quốc. Năm 2001, chỉ vài giờ sau khi vụ tự thiêu xảy ra, chương trình này đã phát đi những tin tức nhanh nhất, tuyên bố 5 người tập Pháp Luân Công đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Những cảnh quay trong “Tiêu điểm” đã gieo vào tâm trí của vô số người Trung Quốc nỗi sợ và thù ghét đối với Pháp Luân Công. Chúng được sử dụng để biện minh cho việc ĐCSTQ leo thang đàn áp.

Nhiều bằng chứng và phân tích đã vạch trần những sơ hở cho thấy vụ tự thiêu này là một màn dàn dựng nhằm quy chụp Pháp Luân Công (Xem bài: Lừa dối, gây sốc, thủ tiêu: 27 bằng chứng trong sự kiện tự thiêu Thiên An Môn hoặc xem video phân tích tại đây). Vậy ai đã thực hiện những cảnh quay được phát đi trên chương trình “Tiêu điểm” ngày hôm đó?

Ngày 23/1/2019, đài “Phát thanh Hy vọng” (Sound of Hope) đã phỏng vấn ông Lý Quân, nhà sản xuất của phim tài liệuFalse Fire (Ngọn lửa giả đánh lừa cả thế giới). Khi sự việc diễn ra vào năm 2001, ông Lý đang làm việc tại Đài Truyền hình Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ông Lý là một trong những nhà sản xuất chương trình “Góc xã hội của chúng tôi” (Corner of Our Society), một phiên bản địa phương của chương trình “Tiêu điểm”. Ông Lý và các đồng nghiệp hợp tác với đội ngũ của chương trình “Tiêu điểm” tại Bắc Kinh.

Nhà sản xuất truyền hình: ĐSCTQ dàn dựng vụ tự thiêu để đàn áp Pháp Luân Công
Bộ phim “False Fire” (sản xuất tháng 1/2002) từng nhận được giải thưởng của Liên hoan truyền hình điện ảnh Columbus lần thứ 51.

Trong cuộc phỏng vấn với đài “Phát thanh Hy vọng”, ông Lý cho biết vào năm 1997 và 1998, ông đã cộng tác với “Tiêu điểm” trong 7 hay 8 chương trình truyền hình. Vì vậy, ông đã quen mặt các phóng viên và đội quay phim của “Tiêu điểm”.

Ông Lý từng hỏi riêng một nhân viên trong đội ngũ của “Tiêu điểm”: “Video vụ tự thiêu đã được quay như thế nào? Ai là người sản xuất?”

Người đó trả lời: “Người đó không thuộc nhóm chúng tôi.”

“Vậy người đó đến từ đâu?”, ông Lý tiếp tục hỏi.

Người nhân viên trả lời: “Ông ấy là người của Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Mọi khi, chúng tôi không gặp ông ấy. Ông ấy mang đoạn video về vụ tự thiêu để chúng tôi phát sóng. Đoạn video này đã được sản xuất như thế nào? Chúng ta đều làm việc trong lĩnh vực này nên không khó để biết, đúng không?“

Người nhân viên cho biết đoạn video đó được thực hiện bởi một nhóm đặc vụ, không thuộc đội quay phim bình thường của “Tiêu điểm”.

Là một chuyên gia truyền hình, một nhà sản xuất kiêm đạo diễn, ông Lý cũng nhận thấy đoạn video này quay những điều được dàn dựng chứ không quay một sự cố khẩn cấp, bất ngờ. Ông Lý giải thích, “Sau khi xem đoạn video, tôi và các đồng nghiệp nhìn nhau – ai cũng biết chuyện gì đang xảy ra, mặc dù không ai nói thẳng ra. Thật đơn giản. Nếu có người bảo tôi rằng có một vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn và đưa cho tôi một chiếc máy quay phim, thì cũng không có bất kỳ ai trong chúng tôi có khả năng sản xuất đoạn video như vậy.”

Quảng trường Thiên An Môn rất rộng, diện tích 440.000m², tương đương khoảng 40 sân bóng đá. “Một sự cố như vụ tự thiêu này chỉ kéo dài 1, 2 phút. Tôi làm sao biết cần đến đâu để quay vụ việc đang diễn ra này? Ngoài ra, những cảnh quay như Vương Tiến Đông ngồi trên mặt đất hô vang khẩu hiệu, và cảnh cô bé gọi mẹ, đều được quay từ những góc máy đẹp nhất. Điều này không thể xảy ra khi người ta muốn quay video một sự cố khẩn cấp và bất ngờ như vậy. Đó là lý do tại sao ngay khi xem đoạn video này, chúng tôi nhận ra đây là một sự vụ được dàn dựng, trong đó, các chuyên viên luôn ở chế độ sẵn sàng nhằm ghi lại những thước phim đẹp nhất.”

Ông Lý cho biết video tự thiêu là một sản phẩm studio điển hình. Đạo diễn đã lên kế hoạch cho mọi thứ, và tất cả các diễn viên sẽ làm những gì cần làm vào đúng lúc, đúng chỗ, “vậy nên chúng tôi đều biết đây là một video được dàn dựng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.”

Dựng chuyện, chụp mũ và tuyên truyền thường được sử dụng để phát động một cuộc đàn áp trực diện đối với một tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó, hoặc là bước đệm cần thiết cho việc đàn áp. Trong khi đó, việc kích động thù hận trong lòng người dân sẽ đẩy một cuộc đàn áp lên đến đỉnh điểm. Cách làm này đã được sử dụng hết sức tinh vi trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: