Trong 22 năm qua, cô Vu Minh Huệ, một nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi tại Anh quốc, đã liên tục sống trong nỗi nhớ nhung và lo sợ cho cha mẹ, những người phải trải qua nhiều năm bức hại và tra tấn dưới chế độ cộng sản Trung Quốc vì không chịu từ bỏ tập luyện Pháp Luân Công. Mới đây nhất vào đầu tháng 5/2021, mẹ cô, bà Vương Mi Hoằng, 63 tuổi, đã bị kết án 4 năm tù vì nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hoằng bị kết án vì tập luyện Pháp Luân Công. Năm 2003, sau khi bị bắt giữ vì nói chuyện về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà Hoằng đã bị kết án 11 năm tù.

Bị cưỡng bức lao động trong môi trường máy móc nhiệt độ cao, bị cấm ngủ, bị tra tấn, v.v.. , 11 năm trong tù đã làm sức khỏe bà Hoằng suy sụp, chân phải tổn thương vĩnh viễn. Bất chấp việc này, cảnh sát tiếp tục bắt bà vào tháng 3/2020 vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công và tiếp tục nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp.

Đến nhà tù thăm cha mẹ khi mới 14 tuổi

Trước khi chế độ cộng sản đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, gia đình Vu Minh Huệ sống tại thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Cha cô, ông Vu Tông Hải, là một họa sĩ chuyên nghiệp, một thợ điêu khắc băng lành nghề, đồng thời nhiều lần nhận bằng khen “nhân viên gương mẫu” của Thư viện thành phố. Mẹ cô, bà Vương Mi Hoằng, là một kỹ sư lâu năm, nhân viên xuất sắc tại Viện địa chất thành phố. Minh Huệ lúc đó là một học sinh giỏi, lớp trưởng cấp 1 và 2 năm học đầu cấp 2.

Minh Huệ vẫn nhớ những kỷ niệm khó quên thời đó. Cha cô rất thông minh và thường trêu đùa cô, dạy cô vẽ và mang về cho cô những chồng sách lớn từ thư viện. Trong khi đó, mẹ cô với đôi mắt lấp lánh thường ôm cô vào lòng giữa tiết trời vùng đông bắc lạnh giá mỗi sáng đưa cô đi học.

Tháng 7 năm 1999, khi cô bé Minh Huệ đang ở trong kỳ nghỉ hè sau năm học lớp 7, cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra. Tối ngày 20/7, cảnh sát tràn vào nhà cô bé và đưa ông Vu Tông Hải đi. Sau khi được thả tự do, ông Hải tiếp tục tới Bắc Kinh thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương, yêu cầu quyền tự do tín ngưỡng. Ông Hải bị bắt, và bị đưa về Mẫu Đơn Giang lao động cải tạo trong 1 năm.

Năm 2001, sau khi thực hiện tác phẩm tranh phun sơn “Pháp Luân Đại Pháp là tốt” trên một bức tường công cộng để nâng cao nhận thức của người dân về cuộc đàn áp, ông Hải đã bị bắt và bị kết án 15 năm. Sau đó, năm 2003, bà Hoằng cũng bị kết án 11 năm vì nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp. Bản thân cô bé Minh Huệ cũng từng bị nhốt trong một trung tâm tẩy não.

Nhà thiết kế thời trang Anh quốc: "Đối mặt với tra tấn, cha mẹ vẫn kiên định đức tin"
Vu Minh Huệ và mẹ trước cuộc đàn áp. (Ảnh: Minghui.org)

Vậy là khi mới 14 tuổi, Minh Huệ đã bắt đầu tới nhà tù thăm cha. Và ở tuổi 16, khi những đứa trẻ khác vẫn còn trong vòng tay của người thân, cô bé đã chia thời gian rảnh của mình ra để đi thăm cha mẹ. Minh Huệ đi xe buýt, đi tàu, và đi bộ một quãng đường dài để đến nhà tù. Tại đó, cô bé van xin trong một thời gian dài để được vào gặp cha hoặc mẹ. Tuy nhiên vì cha mẹ không chấp nhận từ bỏ đức tin, Minh Huệ thường xuyên phải chờ ở ngoài sảnh cả ngày, đến khi nhân viên dọn vệ sinh đuổi cô bé ra ngoài. Trong những lần hiếm hoi được gặp mặt, cha mẹ thường an ủi, kể chuyện cười cho cô bé nghe.

Tới Cambridge, biết sự thật

Sau khi tốt nghiệp trung học, Vu Minh Huệ theo đuổi chuyên ngành nghệ thuật và thiết kế. Năm 2010, bất chấp hoàn cảnh khó khăn và vượt qua những vòng tuyển chọn, cô đã có cơ hội được đến Anh quốc để theo học trường Nghệ thuật Thị giác và Biểu diễn Cambridge.

Buồn vui lẫn lộn, Minh Huệ quyết định ra nước ngoài để học tập và tới từ biệt cha mẹ. Nhìn cô qua cửa kính, cha mẹ chỉ cười và khuyến khích cô. Trong suốt nhiều năm bị giam giữ, họ chưa bao giờ nói với Minh Huệ về những tra tấn và khổ nạn mà họ trải qua trong tù.

Chỉ đến khi Minh Huệ tới Anh quốc và biết các báo cáo về cha mẹ mình được công khai trên Minghui.org, cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, cô mới biết điều gì đã xảy ra. Trường hợp của cha mẹ cô đã được mạng lưới những người tập Pháp Luân Công thu thập và công bố.

Nhà thiết kế thời trang Anh quốc: "Đối mặt với tra tấn, cha mẹ vẫn kiên định đức tin"
Ông Vu Tông Hải, ảnh chụp vào khoảng giữa năm 2010-2013. (Ảnh: Minghui.org)

Bức ảnh ông Vu Tông Hải trên đây được chụp bí mật đã cho thấy tình trạng của ông trong tù. Người chụp ảnh cho biết, bên cạnh các vết thương có thể nhìn thấy trong ảnh, ông Hải còn bị đánh đập dã man, khiến chân bị gãy và xương ức bị đùn ra khỏi ngực. Ông cũng bị chóng mặt và không thể nhìn rõ.

Sự thật này đã làm Minh Huệ đau buồn trong một thời gian dài.

Ủng hộ niềm tin của cha mẹ

Trong một bức thư ngỏ gửi tới tờ International Business Times vào năm 2015, Minh Huệ viết:

“Nhưng trong hơn mười năm, tổng thời gian tôi ở bên cha mẹ không đến hai mươi tư giờ. Không biết bao nhiêu đêm, tôi đã mất ngủ, khóc và nhớ cha mẹ, tôi không thể chịu đựng được nỗi đau khi nghĩ về hoàn cảnh của họ và tôi vô cùng sợ hãi rằng mình có thể mất họ mãi mãi như những đứa trẻ [Trung Quốc có cha mẹ là người tập] Pháp Luân Công khác.”

Trong nhiều năm qua, Minh Huệ đã xuất hiện trong các cuộc thỉnh nguyện tại nước ngoài, cùng những người con có cha mẹ bị bức hại vì tín ngưỡng tại Trung Quốc khác, để nâng cao nhận thức về sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Cha me van kien dinh 03
Minh Huệ trước bức tranh “Nước mắt cô nhi”, mô tả cảnh những đứa trẻ là con của người tập Pháp Luân Công bị bức hại đến chết tại Trung Quốc. Bức ảnh được chụp tại triển lãm “Nghệ thuật Chân – Thiện – Nhẫn quốc tế” vào tháng 6/2013, trên tay Minh Huệ cầm bưu thiếp yêu cầu thả tự do cho cha. (Ảnh: Minghui.org)

Năm 2016, 2 năm sau khi mẹ cô được thả tự do, cha cô cũng được thả. Cả hai đã xin hộ chiếu đến Anh để thăm con, nhưng đơn của họ đã bị cảnh sát từ chối. Chính quyền thông báo rằng cả hai sẽ không bao giờ được cấp hộ chiếu.

Đầu tháng 5/2021 vừa qua, sau khi bà Vương Mi Hoằng tiếp tục bị kết án 4 năm tù vì nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cô Minh Huệ đã liên hệ với truyền thông.

Trong cuộc phỏng vấn với đài NTDTV, cô cho biết cảnh sát “không cung cấp cho tôi bất kỳ thông tin rõ ràng hoặc bất kỳ lý do rõ ràng nào [về việc kết án mẹ]. Họ chỉ nói với tôi những điều như, không được nói chuyện với cảnh sát về luật pháp hoặc các quy định”.

Kể từ năm 14 tuổi, Minh Huệ đã lớn lên độc lập mà không có bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy bất công:

“Đối mặt với việc bị tra tấn và thậm chí là nguy cơ bị giết, cha mẹ vẫn kiên định bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình. Bằng cách đó, cha mẹ đã cho cả thế giới thấy thế nào là những con người chân chính.”

Tự sự của Vu Minh Huệ: Ký ức không thể nào quên

Theo cách nói của cha, mẹ là một người đơn giản. Bà không quá chú trọng vào bản thân. Bà không biết trang điểm, cũng không dành nhiều thời gian cho ngoại hình. Tuy nhiên, nếu ai đó yêu cầu bà giúp đỡ, bà sẽ xem đó là một vấn đề quan trọng và sẽ nỗ lực hết mình. Sau khi trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp, bà tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và tu luyện. Mẹ thực sự là một người vị tha và tốt bụng.

Ông từng tặng mẹ hai album tem lớn vào năm 1999, trong đó có nhiều món rất hiếm và các phiên bản tem giới hạn. Tổng cộng hai bộ sưu tập trị giá hơn 500.000 nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, một ngôi nhà trong thành phố cũng chỉ có giá 10.000 nhân dân tệ.

Cha mang những con tem đến nơi làm việc để nhờ đồng nghiệp đánh giá và chúng đã biến mất. Người đồng nghiệp đó là người duy nhất mà cha cho xem. Vợ ông ấy bị ốm nặng vào thời điểm đó và các phương pháp điều trị rất tốn kém.

Sau nhiều đắn đo, cha cẩn thận yêu cầu mẹ không báo cảnh sát, vì lo rằng người đồng nghiệp có thể bị kết án tới 10 năm và gia đình của ông ấy sẽ bị hủy hoại. Như thể không có chuyện gì xảy ra, mẹ mỉm cười nói: “Chắc chắn rồi”. Và bà không bao giờ nhắc đến những con tem đó nữa.

Một học viên khác đã phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo và ở trong tình trạng rất tồi tệ. Người bà đầy những vết thương mưng mủ và thường xuyên bị nôn mửa, tiêu chảy. Mùi hôi thối bao trùm khắp phòng. Như thể không ngửi thấy gì, mẹ bình tĩnh quan sát người ấy. Khi tình trạng của người ấy trở nên tồi tệ hơn, cha hỏi: “Có nên đưa cô ấy về nhà để chăm sóc không?” Mẹ gật đầu, “Chắc chắn rồi”. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Vì không có đủ chi phí ăn uống, mẹ luôn đợi đến cuối ngày để đi chợ và mua rau thừa với giá rẻ – một đống rau lớn chỉ với 1 nhân dân tệ. Bà mặc quần áo đã qua sử dụng do các học viên khác đưa cho. Tuy nhiên, bà đã mua gấp đôi để đưa một nửa cho một học viên khác, người không có bất kỳ nguồn thu nhập nào. Nếu bà nghe nói ai đó khó khăn, bà sẽ lấy mọi thứ trong túi của mình và đưa cho người đó. Mẹ là vậy đấy.

Cha mang đến những nụ cười, mẹ mang đến sự ấm áp, và Minh Huệ mang đến niềm vui và hy vọng vô hạn cho gia đình.

Biết bao giờ gia đình ấy mới lại được gặp nhau?

Để Mẫu Đơn nở hoa

Trung Quốc Phương Bắc ấy
Có một thành phố nhỏ
Hoa như nước, nước lại như hoa
Mẫu Đơn Giang, Mẫu Đơn Giang
Có ngôi nhà của Minh Huệ nhỏ

Mẹ là kỹ sư
Cha giỏi vẽ tranh
Cả nhà tin Chân Thiện Nhẫn
Hạnh phúc đong đầy tháng năm

Cha gặp cảnh tù oan
Mẹ vào chốn lao ngục
Trời sập, nhà cửa nát tan
Cô bé 12 tuổi
Biết sinh trưởng thế nào?

Người cha bất khuất
Gãy xương sườn, đánh rụng răng
Vẫn sống sót trở về

Người mẹ kiên cường
Ngồi ghế sắt, hứng nhục hình
Bạc phơ mái tóc

Minh Huệ nhỏ giỏi giang
Tới chân trời xa đợi ba mẹ

Song sắt ma đỏ lại sập xuống
Chặt đứt tự do
Mùa đông lại buốt giá
Hoa tuyết giăng giăng

Hỡi những người thiện lương
Xin cùng tôi kiến chứng
Nhân tính cao quý
Chân lý vô giá

Hỡi những người thiện lương
Hãy cùng tôi kêu gọi
Để mẫu đơn nở hoa
Để mẹ được về nhà
Để mẫu đơn nở hoa
Để mẹ được về nhà

Dựa trên bài viết đăng tải tại Falun.info, Minghui.org
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: