Vợ của một người Hồi bị giam giữ tại một trong các trại tập trung ở Tân Cương đã kể chi tiết về cách chính quyền Trung Quốc bịt miệng các tù nhân nhằm che giấu sự thật về cuộc đàn áp tại đây, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin.

Năm 2019, do áp lực từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đồng ý mời đại diện các cơ quan thông tấn đến vùng tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ để gặp các “học viên” tại một số “trường dạy nghề” – nơi các nhà chức trách thực hiện việc chuyển hóa thông qua cải tạo giáo dục một cách cưỡng chế. Những “người được chọn” đã diễn xuất cảnh tượng được chuẩn bị tốt từ trước cho các nhà báo, dưới con mắt đầy cảnh giác của các nhân viên chính phủ. Trong một đoạn phim được lên sóng sau đó của BBC, những người Duy Ngô Nhĩ đang hát và nhảy múa, và nói với các đại diện cơ quan báo chí rằng họ được tự do rời khỏi nơi này để về thăm gia đình bất cứ lúc nào họ muốn.

Vào ngày 9/12/2019, Shorat Zakir, Chủ tịch chính quyền nhân dân khu tự trị Tân Cương, đã nói trong một cuộc họp báo rằng gần như tất cả các “học viên” ở Tân Cương đã được phóng thích. Tuy nhiên phát biểu này nhanh chóng bị quốc tế phản bác khi có bằng chứng cho thấy hầu hết “học viên” sau khi được “thả” khỏi trường, sẽ phải tiếp tục làm việc trong các nhà xưởng thuộc tổ hợp khu giam giữ.

Câu chuyện của một nhân chứng dưới đây là bằng chứng về việc chính quyền Trung Quốc độc tài đã làm mọi cách để che dấu cuộc đàn áp tại Tân Cương. Để bảo vệ cô và gia đình, tờ Bitter Winter sử dụng hóa danh Ma Li.

Được tự do, nhưng không hẳn

Chồng của Ma Li được “trả tự do” một cách bất ngờ sau hai năm bị giam giữ. Anh ấy giải thích với vợ rằng anh được thả vì một số nhà báo nước ngoài đã đến để điều tra tình hình ở trại và chính quyền muốn giảm số lượng tù nhân ở đây. Anh là một trong vài chục tù nhân được trả tự do – chẳng thấm vào đâu so với số lượng những người còn đang bị giam giữ.

Nhân chứng Tân Cương: "Diễn kịch" giúp chính quyền để được thả
Các nhà báo từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc và nước ngoài đang “tham quan” một trại cải tạo ở Nội Mông, Tân Cương. Nguồn: Tân Hoa Xã

Ma Li vẫn còn nhớ rất rõ ngày chồng cô nhận được cuộc gọi và bị yêu cầu đến văn phòng chính quyền ngay lập tức. Khi đứng đợi chồng bên ngoài cổng tòa nhà, Ma Li thấy có hơn 20 người Duy Ngô Nhĩ đang bị đưa ra khỏi đó. Sống dưới chế độ mà bạn sẽ bị bắt, bị đi tù hoặc thậm chí là bị giết hại mà không cần có lý do, Ma Li đã linh cảm ngay được rằng chồng cô đang gặp nguy hiểm. Và linh cảm của cô đã đúng khi cô thấy chồng mình bị còng tay và đẩy lên một chiếc xe cảnh sát. Sau đó, cô biết được chồng mình đã bị đưa đến một trại chuyển hóa thông qua giáo dục vì đã giải thích kinh Quran, kinh của đạo Hồi, trong nhóm WeChat của anh.

Ma Li vô cùng vui sướng khi thấy chồng được thả ra sau một thời gian dài bị giam giữ và cô muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó bằng cách mời họ hàng đến để ăn mừng. Nhưng chồng cô đã cẩn trọng yêu cầu cô không được công khai tin tức và bảo cô chuẩn bị tinh thần cho việc bị chính quyền thẩm tra.

Huấn luyện cho “vở diễn”

Một ít ngày sau khi chồng cô được thả, anh ấy và một số người đạo Hồi khác đã bị cưỡng chế đi làm việc tại một công xưởng. Họ chỉ được về nhà với lệnh đặc biệt và bị kiểm soát chặt chẽ.

Những người này đã được quan chức chính quyền chỉ dẫn để đóng kịch trước truyền thông phương Tây và được dạy học thuộc lặp đi lặp lại những tuyên bố kiểu như: “Tôi có thể về nhà mỗi ngày. Nhưng tôi không quan tâm lắm bởi vì nhà tôi ở quá xa. Tôi thích ở lại đây sau giờ làm việc. Tuần về một lần là đủ rồi.”

Người nhà của các tù nhân được thả cũng bị hướng dẫn phải trả lời ra sao về việc người thân của họ bị giam giữ. Một nhân viên chính quyền đã hỏi Ma Li rằng: “Chồng bà về nhà từ lúc nào?”. Cô trả lời ngày tháng chính xác, nhưng vị đó yêu cầu cô nếu có ai hỏi thì phải nói là chồng cô về nhà cách đây 6 tháng, và yêu cầu cô nhớ ngày giả mà họ đưa cho. Cô cũng bị yêu cầu phải nói với mọi người rằng chồng cô đã “tự nguyện” đến trường dạy nghề.

Chỉ khi nhân viên này yêu cầu Ma Li phải nói dối rằng chồng cô không phải là người đạo Hồi, thì Ma Li mới cảm thấy không thể chịu đựng được, và không tiếp tục trả lời các câu hỏi của nhân viên đó. Cô đã bị loại khỏi “vở diễn” bởi vì “cô quá chậm chạp để có thể trả lời các câu hỏi của báo chí”.

Nhan chung Tan Cuong buoc doi tra 02
Một phóng viên đài truyền hình Nile đang phỏng vấn một người trong làng vừa mới được “thả tự do” khỏi trại cải cạo Tân cương. Nguồn: Tân Hoa Xã.

Một nhân viên trong văn phòng cộng đồng ở Tân Cương đã nói với Bitter Winter rằng anh đã nhiều lần chứng kiến ĐCSTQ thao túng người dân như thế nào. Những gì mà Ma Li đang trải qua là việc làm thường xuyên của các nhân viên văn phòng cộng đồng trước các cuộc kiểm tra và thăm viếng khác nhau của các nhà báo nước ngoài. “Các quan chức cũng thi thoảng cải trang thành người dân thường, và khi những vị khách muốn nói chuyện với ai đó, những người này sẽ tiến lên để trả lời các câu hỏi. Khi các nhà báo đến, những người trước đây dám nói lên tiếng nói của mình sẽ bị yêu cầu ở nhà, và bị kiểm soát bởi các nhân sự được chỉ định đặc biệt. Vì thế người ngoài không bao giờ biết được sự thật.”

Bị buộc phải im lặng

Sau khi chồng cô trở về nhà, Ma Li hỏi anh rất nhiều câu hỏi về trại cải tạo nhưng anh không muốn nói. Theo những nguồn tin tương tự, nhiều tù nhân được thả đã bị buộc phải ký những thỏa thuận không được tiết lộ thông tin, khiến họ phải im lặng. Nếu ai đó bị phát hiện ra là đã làm rò rỉ thông tin về các trại cải tạo với các nhà báo nước ngoài, họ sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”

Chồng của Ma Li liên tục phàn nàn rằng eo và chân của anh bị đau dữ dội và nhắc tới một số vấn đề sức khỏe khác nữa. Khi Ma Li bắt đầu chắp nối các chi tiết rời rạc mà chồng cô đã tiết lộ, cô nhận ra rằng điều kiện trong các trại cải tạo đó tồi tệ như thế nào: mọi người đều bị còng tay và xích chân, sống trong những không gian vô cùng chật hẹp và thậm chí có những người đã chết.

Chồng của Ma Li đã không thể mở lòng ra với vợ mình sau khi trở về. Cô nhớ lại trong một lần thăm viếng ngắn ngủi ở trại cải tạo, cuộc trò chuyện của họ luôn có sự hiện diện của 4 lính canh và được thu âm, và chồng cô nói với cô rằng anh “sống tốt” ở đây. Mặc dù vậy, một vài lần, anh ấy cũng can đảm nói với cô rằng hãy đưa anh ra khỏi đây. Dù đã rất nỗ lực, Ma Li nhận ra rằng những người đủ quyền lực để làm việc này là rất ít, không phải người cô có thể tiếp cận được.

Chồng của Ma Li đã nói với cô rằng anh được thả bởi vì anh luôn cúi đầu và cẩn trọng. Người ta nói với anh rằng anh được thả bởi vì anh “biết điều và biểu hiện tốt”. Những tù nhân khác thì không được “may mắn” như vậy.

Li Benbo, BitterWinter.org
Minh Nhật biên dịch