Là nhân vật được xếp hạng thứ 5 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Thái Kỳ nắm trong tay một loạt chức vụ mà các nhà quan sát cho rằng minh chứng cho sự ưu ái mà ông được hưởng từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

GettyImages 863027048
Ông Thái Kỳ, xếp thứ 5 trong số ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đồng thời giữ nhiều chức vụ. Cách sắp xếp nhân sự phá lệ của ông Tập Cận Bình đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Thái Kỳ (Cai Qi) nắm trong tay nhiều quyền lực hơn, ông giữ các chức vụ Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư Trung ương, Bí thư Ban công tác các cơ quan Trung ương và Nhà nước, Tổ trưởng tiểu tổ Học tập tư tưởng Tập Cận Bình của Trung ương. Một thân kiêm nhiều chức vụ đã khiến mức độ “nổi bật trong chính trị” của ông đã tăng mạnh.

Vào ngày 8/6, tờ Nikkei đã đăng một bài bình luận với tiêu đề “Quan chức đứng thứ 5 nhận được sự ưu ái trong vòng tròn thân Tập”. Bài viết chỉ ra rằng ông Thái Kỳ nắm giữ ít nhất 5 vị trí quan trọng trong đảng. Bài viết nói rằng vào cuối tháng 5 năm nay, ông Thái Kỳ đã được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội nghị Ủy ban An ninh Quốc gia của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình chủ trì. Kể từ khi thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia vào năm 2014, đã có hai phó chủ tịch trong hai nhiệm kỳ, một là Thủ tướng Quốc vụ viện và một là Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Năm nay có ba phó chủ tịch là ông Lý Cường, ông Triệu lạc Tế và ông Thái Kỳ.

Kể từ tháng 3 năm nay, ông Thái Kỳ đã tham gia hầu hết tất cả các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình, thậm chí còn phụ trách công việc liên quan đến an ninh, đồng thời cũng có quyền hạn nhất định trong việc xử lý công việc hàng ngày và quản lý lịch trình của ông Tập Cận Bình.

Bài viết nói rằng Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ có thể nói là thư ký của tổng bí thư, và việc một ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị như ông Thái Kỳ kiêm nhiệm chức vụ này là hiếm thấy. Trước ông Thái Kỳ, người giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng trung ương ĐCSTQ là ông Đinh Tiết Tường, hiện là Phó Thủ tướng Quốc vụ viện và là người đứng thứ sáu trong Bộ Chính trị.

Ngoài ra, ông Thái Kỳ còn phụ trách chủ trì tiểu tổ nghiên cứu học tập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Ông Thái Kỳ tâng bốc ông Tập Cận Bình đến mức có thể so sánh với Mao Trạch Đông.

Bài viết đề cập rằng ông Thái Kỳ giữ nhiều chức vụ, điều này khiến ông phải chịu trách nhiệm nhiều hơn Thủ tướng Lý Cường, người đứng thứ hai trong Bộ Chính trị. Một người quen thuộc với ngoại giao Trung – Nhật mô tả “Mức độ trung thành cao của ông Thái Kỳ đã giành được sự tin tưởng của ông Tập Cận Bình”.

Từ góc độ của học giả, mặc dù ông Thái Kỳ có vẻ như được ông Tập Cận Bình tín nhiệm và đề bạt, nhưng quyết định như thế này của ông Tập Cận Bình cũng là có mục đích chính trị của ông.

Theo giáo sư Aoyama Rumi của Đại học Waseda (Nhật Bản), người quen thuộc với tình hình chính trị của ĐCSTQ, cho biết ông Thái Kỳ trở thành kênh liên hệ giữa ông Tập Cận Bình và tổ chức của ĐCSTQ, khiến cho ông Tập càng có thể nhờ các tổ chức của đảng để thể hiện ý chí của chính mình. Bà Aoyama Rumi nói rằng hơn nữa, một nguyên nhân lớn mà ông Thái Kỳ được chỉ định giữ vai trò như thế chính là “vì ông ấy đã 67 tuổi, không thể nào trở thành người kế nhiệm [ông Tập], cho nên ông Tập tương đối yên tâm”.

Bài viết nói rằng nhiều người tin rằng ông Thái Kỳ không nắm giữ quyền lực thực sự. Ngoại trừ ông Tập Cận Bình, 6 thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị có rất ít cơ hội để tham gia vào các vấn đề ra quyết định quan trọng. Nói cách khác, tầng lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ là “một người mạnh và sáu cấp dưới không đáng nhắc đến”. Bài viết cho rằng “ông Tập Cận Bình một mình đứng trên đỉnh cao quyền lực, và làm tan rã hệ thống lãnh đạo tập thể do ông Đặng Tiểu Bình thiết lập”.

Ông Thái Kỳ là người gốc Phúc Kiến, có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tập Cận Bình, từng giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ của ông ở Bắc Kinh, có 2 việc khiến ông bị chỉ trích, một là việc loại bỏ “nhân khẩu cấp thấp” ra khỏi thành phố, hai là ra sức tâng bốc ông Tập Cận Bình.