Mới đây, lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ông khoe rằng vào năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, nhóm thu nhập trung bình chiếm khoảng 400 triệu người. Tuyên bố này gặp phải chỉ trích gay gắt từ bình luận viên kỳ cựu Thái Thận Khôn.

Screen Shot 2024 01 22 at 15.04.42
Ngày 16/1/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. (Ảnh cắt từ video)

Sáng 16/1 theo giờ địa phương, ông Lý Cường đã tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024, và có bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Davos ở Thụy Sĩ.

Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh: “Hiện nay, nhóm thu nhập trung bình của Trung Quốc có khoảng hơn 400 triệu người. Trong 10 năm tới, dân số của nhóm này sẽ tăng gấp đôi, lên 800 triệu người, điều này sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều hàng hóa và dịch vụ. Từ có hay không trong quá khứ  chuyển biến thành tốt hay không tốt, động lực nâng cấp tiêu dùng rất mạnh mẽ!”

Ngày 20/1, trên mạng xã hội X, bình nhà bình luận kỳ cựu Thái Thận Khôn cho rằng ông Lý Cường đã nói dối! Là thủ tướng của một nước lớn, nhưng ông Lý Cường lại hoàn toàn phớt lờ những nguyên tắc cơ bản về kinh tế, nói những điều không đúng sự thật trong một dịp quốc tế quan trọng như vậy.

Ông nói, điều này cũng không kém phần tai hại so với thời kỳ “Đại nhảy vọt” bắt kịp Anh và Mỹ. Tầng lớp trung lưu 400 triệu người Trung Quốc ở đâu ra? Liệu 10 năm tới, 800 triệu người có thể gia nhập tầng lớp trung lưu?

Ông Thái Thận Khôn cho biết, tại kỳ “lưỡng hội” năm 2020, ông Lý Khắc Cường, người tiền nhiệm của ông Lý Cường, đã tuyên bố rõ ràng rằng ít nhất 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu VNĐ). Mức thu nhập này tương đương với mức sống của người dân ở quốc gia Đông Phi Kenya.

Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có sức chi tiêu nhiều nhất không vượt quá 100 triệu người, chủ yếu là nhà quản lý và nhân viên của các cơ quan đảng, chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công.

“Là thủ tướng, có lẽ ông ấy thậm chí còn không hiểu khái niệm và tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu. Ông ấy cho rằng nếu có thể giải quyết được vấn đề ăn no mặc ấm thì đã là tầng lớp trung lưu. Giống như Trung Quốc tuyên bố với thế giới vào năm 2020 rằng nước này sẽ xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện, và bước vào một xã hội khá giả. Tiêu chuẩn để xóa đói giảm nghèo toàn diện là thu nhập hàng năm trên 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu VNĐ), tương đương với 600USD!”

Nhóm thu nhập trung bình cũng được gọi là tầng lớp trung lưu. Theo trang web của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào tháng 4/2022, mức tiêu dùng bình quân đầu người hàng ngày được quốc tế trích dẫn từ 10 – 100USD (khoảng 245.000 – 2,45 triệu VNĐ) (giá PPP năm 2005), được sử dụng làm giới hạn dưới và giới hạn trên, để xác định thu nhập hàng ngày của nhóm thu nhập trung bình.

Nhóm này ở Trung Quốc đạt hơn 346 triệu người vào năm 2019. Tháng 4/2023, kênh truyền thông chính phủ “Dazhong Daily” (Nhật báo Đại chúng) đưa tin, một gia đình 3 người có thu nhập hàng năm từ 100.000 – 500.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu – 1,7 tỷ VNĐ), thuộc nhóm thu nhập trung bình. Hiện có khoảng 400 người triệu người.

Ông Antonio Graceffo, một nhà báo người Anh của Epoch Times, cho biết hầu hết tầng lớp trung lưu của Trung Quốc không giàu có như những người ở các nước phát triển. Bởi 75% những người được gọi là tầng lớp trung lưu kiếm được từ 10 USD – 20 USD một ngày (khoảng 245.000 – 490.000 VNĐ). Kết quả là, khoảng 60% dân số Trung Quốc sống với mức từ 2-10 USD (khoảng 49.000 – 245.000VNĐ) mỗi ngày.

Ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ thường khoe khoang rằng họ đã giúp 800 triệu người Trung Quốc thoát nghèo. Tuy nhiên, mọi người không khỏi thắc mắc, vì sao ở Trung Quốc lại có nhiều người như vậy sống trong cảnh nghèo đói.

Với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, sức mua của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã giảm đáng kể, doanh số bán các sản phẩm chủ yếu hướng đến tầng lớp trung lưu, bao gồm iPhone mới, đàn piano, ô tô hạng sang, đồng hồ xa xỉ, v.v., đều giảm mạnh.

Ngày 17/1, ông Lương Thiếu Hoa, cựu giám đốc Tập đoàn quản lý tài sản Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng trong “cải cách mở cửa” hàng thập kỷ trước, nhóm người này chủ yếu dựa vào bất động sản để tích lũy tài sản.

Sự sụp đổ kinh tế đã dẫn đến việc giảm nguồn thu nhập, bất động sản mất giá đáng kể và mất thanh khoản giao dịch, khiến tầng lớp trung lưu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tuần báo Focus của Đức cho biết, Trung Quốc một lần nữa công bố số liệu tăng trưởng tốt. Nhưng các chuyên gia đang giữ thái độ hoài nghi về số liệu này. Viện nghiên cứu Rhodium của Mỹ mới đây đã có một bài viết nói rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ công bố mức tăng khoảng 5%.

Trên thực tế, theo phân tích, tăng trưởng dự kiến ​​chỉ ở mức 1,5%. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn gồm cuộc khủng hoảng bất động sản đang tiếp diễn, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, giảm phát, dân số sụt giảm và sự bất ổn mà cuộc bầu cử Mỹ năm nay mang lại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc năm 2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua (không tính năm dịch bệnh COVID-19). Người Trung Quốc tập trung cho tiết kiệm hơn là chi tiêu. Thị trường bất động sản khủng hoảng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đáng báo động… là những vấn đề không dễ phục hồi.

Bình Minh (t/h)