Ông Tập Cận Bình phái đặc sứ Lật Chiến Thư thăm Triều Tiên vào ngày 8/9
- Trí Đạt
- •
Hôm thứ ba (4/9), truyền thông nhà nước Trung Quốc phát đi thông báo, Thường ủy Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lật Chiến Thư sẽ thay thế Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình dẫn đoàn đại biểu ĐCSTQ thăm Bắc Triều Tiên vào ngày 8/9 tới, đồng thời tham dự hoạt động mừng quốc khánh Bắc Triều Tiên. Có phân tích cho rằng, lần này, ông Tập Cận Bình quyết định không đích thân đến Bắc Triều Tiên, chủ yếu là không muốn đứng ra làm bia đỡ đạn cho cuộc duyệt binh lớn của chính quyền ông Kim Jong-un.
Thông tin liên quan đến đương nhiệm Ủy viên trưởng Ủy Ban thường ủy Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư sẽ thay thế ông Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn đại biểu đặc biệt tới thăm Bắc Triều Tiên được công bố bởi người phát ngôn Ban liên lạc đối ngoại Trung ương tại Bắc Kinh hôm 4/9.
Trước đó, giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ đích thân tới thăm Bắc Triều Tiên vào ngày 9/9. Tuy nhiên, đến ngày 2/9, phía Trung Quốc vẫn chưa công bố bất cứ kế hoạch nào liên quan đến việc ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên, do đó giới quan sát dựa vào thông lệ rằng chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao sẽ được công bố trước một tuần từ đó cho rằng kế hoạch thăm Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình sẽ có thay đổi.
Có nhà quan sát chính chỉ ra, lần này ông Tập Cận Bình quyết định không thăm Bắc Triều Tiên, chủ yếu là cân nhắc đến việc chính quyền Bắc Triều Tiên sẽ có các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập nước, nếu ông Tập Cận Bình đích thân thăm Bắc Triều Tiên và tham dự lễ duyệt binh quy mô lớn, đứng cùng với ông Kim Jong-un sẽ khiến cho chính phủ Mỹ cho rằng liệu Trung – Triều có một lần nữa thực hiện đồng minh quân sự, từ đó khiến Mỹ tức giận.
Phân tích cho rằng, trước đó dù chính quyền ông Tập Cận Bình từng lợi dụng lá bài Bắc Triều Tiên để gây áp lực cho Mỹ, nhưng rốt cuộc Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nên hình thành mối đe dọa đối với Trung Quốc thực ra cũng không kém mối đe dọa đối với Mỹ. Do đó, độ “co giãn” của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng là có hạn độ. Nói cho cùng, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chỉ là tạm thời lợi dụng lẫn nhau, ông Tập Cận Bình sẽ không làm lá chắn để Bắc Triều Tiên mở rộng hạt nhân mà có thể dẫn tới tấn công quân sự.
Ngoài ra, có quan điểm cho rằng, năm 2018, ông Kim Jong-un đã 3 lần đến thăm Trung Quốc và được đối đãi cấp độ khách quốc gia, nếu lần này ông Tập Cận Bình nhận lời mời đến Bình Nhưỡng và tham dự lễ duyệt binh của chính quyền ông Kim Jong-un dường như “không phù hợp với quy cách” trước đó Trung Quốc đã tiếp đón ông Kim.
Ngày 3/9, hãng tin AP tại Mỹ có đăng một bài viết trích dẫn quan điểm của chuyên gia cho rằng, nếu lần này ông Tập Cận Bình vắng mặt trong hoạt động mừng quốc khánh của Bắc Triều Tiên, là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh “cảm thấy bất mãn” vì vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không có tiến triển.
Bản tin này dẫn lời của nhà phân tích Michael Kovrig thuộc Tổ chức chống khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) nói: Nếu ông Tập Cận Bình không đi, vậy thì sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy chính quyền ông Kim Jong-un muốn lấy lòng Bắc Kinh thì “vẫn cần phải làm rất nhiều việc”.
Trước đó, khi dư luận bên ngoài Trung Quốc bàn tán nhiều về vấn đề ông Tập đến Bắc Triều Tiên, cũng đã có quan điểm cho rằng, việc chính phủ ông Trump gần đây đột nhiên hủy bỏ kế hoạch thăm Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo, và chĩa mũi nhọn vào Bắc Kinh về việc Bắc Triều Tiên kéo dài tiến trình phi hạt nhân hóa, đã tạo nên áp lực rất lớn đối với chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Khi đó có kênh truyền thông Mỹ dẫn lời của người nắm rõ tình hình Nhà Trắng cho biết: ông Trump yêu cầu Ngoại trưởng Pompeo hủy bỏ kế hoạch đến Bình Nhưỡng, bề ngoài là thể hiện sự bất mãn đối với ông Kim Jong-un, nhưng cũng ngầm gây thêm áp lực cho Bắc Kinh. Ông Trump vẫn luôn cho rằng Mỹ “nắm chắc phần thắng trong tay” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đồng thời, ông cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ gây tác dụng tiêu cực ở mức độ nào đó trong vấn đề Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. Do đó, ông Trump quyết định hủy bỏ chuyến công du Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo, và “trực tiếp móc nối vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung”.
Trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp , ngày 29/8, tờ Dong-a Ilbo tại Hàn Quốc từng đăng bản tin dẫn lời của một nhân sĩ tiết lộ, có một số “chuyên gia” trong nội bộ ĐCSTQ đưa ra “lo lắng” về nhiều phương diện đối với việc ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên.
Lo ngại chủ yếu trong đó là: trong lễ duyệt binh ngày 9/9 của chính quyền Bắc Triều Tiên có thể phô trương một số vũ khí mới chọc tức Mỹ, nếu ông Tập Cận Bình tham dự nghi thức duyệt binh này, rất có thể đứng bên cạnh ông Kim Jong-un điều này sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ rằng “Trung – Triều cùng đối phó với Mỹ”.
Điều nữa là, ông Tập Cận Bình muốn thông qua chuyến thăm Bắc Triều Tiên để củng cố mối quan hệ giữa hai nước Trung – Triều, thì không thể nào tránh khỏi phải đối mặt với việc chính quyền Kim Jong-un yêu cầu Bắc Kinh cho cơ hội hợp tác kinh tế và viện trợ kinh tế quy mô lớn. Trong khi đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đang rơi vào trạng thái giằng co và Liên Hiệp Quốc giữ nguyên chế tài đối với Bắc Triều Tiên, nếu khôi phục lại hợp tác kinh tế Trung – Triều, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu áp lực lớn từ quốc tế.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Kim Jong Un Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên Lật Chiến Thư