Sau khi ông Giang Trạch Dân qua đời, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã đọc điếu văn và niêm phong quan tài. Các quan chức ĐCSTQ tại các nơi cũng bày tỏ “sự ủng hộ” đối với bài điếu văn của ông Tập và biểu đạt lòng trung thành của họ.

317950514 685756142916550 349591400441033542 n
Ông Tập Cận Bình tại lễ tang ông Giang Trạch Dân. (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Các chuyên gia cho rằng thế lực của phe cánh Giang Trạch Dân đã không còn nữa. Ông Tăng Khánh Hồng với tư cách là một nhân vật chủ chốt, cũng khó có thể đóng một vai trò nào đó.

Giang vừa chết, phe Giang đã tan rã

Vào ngày 6/12, sau khi lễ truy diệu ông Giang Trạch Dân kết thúc tại Bắc Kinh, các nơi như Thượng Hải, Giang Tô, Tứ Xuyên, Quảng Châu, Trùng Khánh, Quảng Tây, Vô Tích và Thâm Quyến đã tổ chức các cuộc họp với ban thường vụ các tỉnh ủy của ĐCSTQ và các tổ đảng chính quyền thành phố, nhằm truyền tải thông điệp đang “học hỏi” bài điếu văn của ông Tập Cận Bình dành cho ông Giang Trạch Dân, đồng thời bày tỏ sự cần thiết phải đoàn kết chặt chẽ hơn, xung quanh hạt nhân là ông Tập.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Hoành Hà nói với NTDTV (Mỹ) rằng: “Khi Giang chết, nhiều người sẽ bày tỏ sự trung thành với ông Tập. Đây là điều chắc chắn. Đây là vấn đề về cục diện.”

“Cần phải nói rằng thế lực của phe Giang hiện đã tan rã. Trước khi Giang chết, dẫu ông ta không còn năng lực gì, nhưng chỉ cần thương hiệu này còn thì người khác vẫn có thể sử dụng. Hiện giờ Giang vừa chết, thương hiệu này đã sụp đổ, sẽ rất khó lợi dụng thương hiệu này để tiếp tục triệu tập nhân lực.”

Ngày 12/12, ông Đường Tĩnh Viễn, nhà bình luận thời sự ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng sau khi ông Giang Trạch Dân lâm bệnh nặng, ông Tăng Khánh Hồng, nhân vật số 2 trong phe Giang, luôn là người điều hành thực tế của phe Giang.

Giang qua đời, ông Tăng chắc chắn sẽ bị đẩy từ hậu trường ra phía trước, do đó, mâu thuẫn giữa Tập và Tăng có thể ngày càng gay gắt hơn.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói rằng quan chức ĐCSTQ các cấp đã “học hỏi” bài điếu văn của ông Tập dành cho ông Giang. Bản thân điều này có nghĩa là bài điếu văn chẳng qua chỉ là hành động nhằm tiêu diệt phe cánh của ông Giang Trạch Dân mà thôi.

Trong bài điếu văn của mình, ông Tập đã không ngần ngại “mượn gió bẻ măng”, yêu cầu quan chức các cấp trung thành với mình. Điều này gần như ngụ ý rằng quan chức thuộc các phe phái khác đều phải lựa chọn vị trí cho mình.

“Ba không sợ” của ông Tập Cận Bình

Ngày 6/12, lễ truy điệu ông Giang Trạch Dân được tổ chức tại Bắc Kinh. Khi đọc điếu văn, nửa đầu là những lời đánh giá về ông Giang lúc sinh thời, nhưng nửa sau ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh “dám đánh và dám thắng”.

Ông Tập cũng nói: “Không tin tà, không sợ quỷ, không sợ áp bức, dốc toàn lực vượt qua những khó khăn và thử thách khác nhau trên con đường phía trước”.

Ông Trần Phá Không, nhà văn kiêm nhà bình luận chính trị người Hoa sống tại Hoa Kỳ, nói trong chương trình “Trần Phá Không đàm luận thiên hạ”, rằng bài điếu văn này có dấu vết của việc ông Tập Cận Bình “đích thân chỉ đạo và đích thân sửa đổi”, và toàn bộ nội dung không giống một điếu văn.

Một vài đoạn trước giả vờ nói về “những thành tích vĩ đại” của ông Giang Trạch Dân, nhưng đoạn lớn hơn ở phần sau đều nói về thời đại Tập Cận Bình.

“Ông Tập Cận Bình nói không sợ quỷ, nghĩa là không sợ những lão tổ chính trị đã chết như Giang Trạch Dân; không tin tà, là nói ông Tập Cận Bình không sợ những kẻ chống đối ông; không sợ áp bức, ám chỉ không sợ áp lực bị quốc tế cô lập,” ông Trần Phá Không nói.

Ông tin rằng “3 không sợ” của ông Tập Cận Bình trên thực tế lại phù hợp với một nhóm người khác ở Trung Quốc, đó là những người đã tham gia vào Phong trào Giấy trắng. Họ không sợ sự đàn áp của chính quyền, không sợ những con quái vật như ĐCSTQ, cũng không sợ con đường tà đạo và cực tả của ĐCSTQ.

Giang Trạch Dân không để lại tro cốt

Ngày 11/12, tro cốt của ông Giang Trạch Dân được rải xuống biển ở cửa sông Trường Giang. Có thông tin cho rằng điều này “phù hợp với mong muốn của Giang và người thân.” Báo cáo cũng nói rằng ông Giang là một “người hoàn toàn theo chủ nghĩa duy vật”.

Dư luận cho rằng việc các quan chức cấp cao của ĐCSTQ không để lại bất kỳ thứ gì cho người thân sau khi chết, không phải vì họ tin vào chủ nghĩa duy vật, chủ yếu là do họ đã phạm quá nhiều tội ác khi còn sống, và sợ bị thanh lý sau khi chết.

Trước đây, tro cốt của các cựu lãnh đạo ĐCSTQ như Chu Ân Lai, qua đời năm 1976 và Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997, đều được ném xuống biển.

Sinh thời, Chu Ân Lai đã phối hợp với Mao Trạch Đông thực hiện nhiều phong trào chính trị, gồm Cách mạng Văn hóa giết hàng chục triệu người dân vô tội. Đặng Tiểu Bình cũng ra lệnh bắn hạ hàng chục ngàn người dân và sinh viên không vũ trang vào năm 1989, dẫn đến cái chết thương tâm của hàng ngàn người.

So với Chu và Đặng, Giang Trạch Dân – kẻ dẫm đạp trên máu tươi của những sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 lên nắm quyền, tội ác còn chồng chất hơn.

Ông Giang còn ra lệnh đàn áp hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công tin vào “Chân Thiện Nhẫn”, và thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống. Ông đã phạm tội chống lại loài người, diệt chủng và tội ác tra tấn, bị đưa ra tòa án quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), bà Chu Uyển Kỳ (Zhu Wan-qi), người phát ngôn của Nhóm Luật sư Nhân quyền, cho biết ông Giang Trạch Dân đã bức hại mang tính diệt chủng đối với Pháp Luân Công hơn 20 năm qua, bao trùm từ Trung Quốc Đại Lục ra nước ngoài.

Bà nói: “Mặc dù Giang Trạch Dân không bị đưa ra xét xử khi còn sống, là điều rất đáng tiếc cho các học viên [Pháp Luân Công], tổ chức và gia đình nạn nhân bị bức hại, nhưng những tội ác của ông ta sẽ được ghi vào sử sách của Trung Quốc.”

Bà Chu Uyển Kỳ nói rằng ngay cả khi ông Giang Trạch Dân không còn nữa, nhưng trong tương lai sự thật sẽ vẫn được tiếp tục phơi bày. Sau đó sẽ tiếp tục nghiêm cấm mổ cướp nội tạng sống thông qua các cơ chế pháp lý, để ngăn chặn người dân trở thành nạn nhân và kẻ đồng lõa.