Mới đây, bộ phim tài liệu “Gia đình tôi sống trong tòa nhà xây dang dở” bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm, nhưng sau khi đăng lên YouTube đã ngay lập tức thu hút sự chú ý, chỉ trong một ngày đã có hơn 1 triệu lượt xem.

p3382931a259634072 ss
Bộ phim tài liệu “Gia đình tôi sống trong một tòa nhà xây dang dở” gần đây bị ĐCSTQ cấm, nhưng nó đã ngay lập tức thu hút sự chú ý sau khi được phát hành trên Youtube. (Ảnh chụp màn hình)

Từ năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tài chính đối với ngành bất động sản để ngăn chặn bong bóng. Nhưng điều này cũng dẫn đến tốc độ quay vòng vốn của các nhà xây dựng không linh hoạt và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngày càng có nhiều công trình dang dở. Với việc Tập đoàn Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính của Country Garden, vấn đề “những tòa nhà chưa hoàn thiện” của Trung Quốc một lần nữa thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội.

Phim tài liệu Trung Quốc “Gia đình tôi sống trong tòa nhà xây dang dở” thu hút hàng triệu người xem

“Tòa nhà này dở dang từ khoảng năm 2015. Lúc đó, lời hứa là sẽ bàn giao nhà vào tháng 6/2015.” 

“Mẹ ơi nhà mới của chúng ta đến khi nào mới xong? Tôi không biết nói gì với con.”

“Người đến đây, đến khi nhắm mắt vẫn chưa đợi được lên nhà mới.”

“Làm người mệt đến thế này ư? Tôi muốn một căn nhà, liệu có phải là tôi sai không? Tôi mua nhà 10 năm rồi, [chưa giao nhà] bảo tôi phải sống thế nào đây?” 

Mới đây, bộ phim tài liệu “Gia đình tôi sống trong một tòa nhà xây dang dở” do trang iFeng.com của “Hãng Truyền thông Phượng Hoàng” quay vào năm ngoái đã thu hút sự chú ý của người Hoa, bộ phim tài liệu ghi lại cuộc sống bất lực và bi thương của nhiều chủ sở hữu nhà thuộc những tòa nhà chưa hoàn thiện ở Trịnh Châu và Tây An.

Những người được phỏng vấn này, từ những cặp vợ chồng mới cưới, người già sống một mình, đến những gia đình có con nhỏ, đều phải đối mặt với áp lực chủ thầu không thể bàn giao nhà và phải trả nợ ngân hàng hàng tháng. Trong bộ phim tài liệu này, mỗi người được phỏng vấn đều có một câu chuyện buồn riêng. Bộ phim này có đề cập đến chuyện vào năm 2011, tiểu khu “Dịch hợp phường” (Yihefang) ở quận Ba Kiều, Tây An đã được mở bán. Chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nhà vào năm 2015 và chủ sở hữu có thể chuyển đến ở. Năm 2014, do nhà phát triển bất động sản bị vỡ nợ, dẫn đến tòa nhà chưa hoàn thiện. Rồi tình hình dịch bệnh, đối mặt với nhiều áp lực như giảm thu nhập, trả tiền vay mua nhà, tiền thuê nhà, v.v, vào tháng 3/2022, gần 300 chủ nhà đã tự nguyện chuyển đến ‘nhà’ chưa hoàn thiện trong 8 năm.

Trong số đó, có một người mua nhà vào tháng 5/2013, sống trong một tòa nhà đang xây dang dở ở quận Bá Kiều, thành phố Tây An. Theo mô tả của bà, khi mua nhà, con của bà còn nhỏ, sau khi cả nhà xem qua căn hộ thì đều chọn ở đây, “Nói rằng đợi đến tuổi con đi học thì cũng vào khoảng thời gian bàn giao nhà, đợi liên tục mấy năm, nhưng càng đợi thì càng không có động tĩnh gì, càng không có thông tin, cho đến năm 2016 thì mới bắt đầu có tin tức tòa nhà bị bỏ dở không tiếp tục xây dựng.” 

Một thành viên trong gia đình họ, bà Lý Trúc Nga (Li Zhu’e), 67 tuổi, cũng cho biết bà phải leo 4 hoặc 5 lần cầu thang 13 tầng mỗi ngày, bao gồm lấy nước, lấy đồ, đi vệ sinh, v.v. “Mọi người thấy đó, không có nước và không có điện, khó khăn biết bao. Nếu có nước, có điện, có thang máy thì không cần phải mệt mỏi như vậy”.

Một chủ sở hữu nhà là nam giới, 50 tuổi, ở cùng quận Bá Kiều, cũng mua một căn nhà vào tháng 6/2013. Ông bị chứng mất ngủ mỗi ngày kể từ khi phát hiện nhà mình mua có vấn đề, sau đó ông chuyển thẳng đến tòa nhà đang xây dở. Ở đó chẳng có gì cả, nhưng ông cho rằng dù sao thì đó cũng là nhà mình, ông không kìm nổi nước mắt khi nói: “Đúng là bức bách quá không còn cách nào mới chuyển đến đây ở, … Hiện giờ chúng tôi chỉ cần có thể sinh tồn, đây chính là niềm vui lớn nhất của chúng tôi.”

Ngoài ra còn có một ông bố có con gái 6 tuổi được phỏng vấn tại một tòa nhà đang xây dở, đứa trẻ ngây thơ không hiểu gì, thậm chí còn nghĩ rằng trong nhà có cát khắp nơi là niềm vui. Kết thúc cuộc phỏng vấn, ông bố nghẹn ngào nói: “Thật ra, tôi là một người rất kiên cường. Tôi ít khi khóc. Nhưng khi nói đến con nhỏ bên cạnh mình, thì đúng là điểm yếu của tôi. Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, tôi vẫn có thể kiên trì, tôi muốn cho con một môi trường sống tốt thì có gì sai?”

Sau khi bộ phim tài liệu bị cấm ở Trung Quốc Đại Lục và xuất hiện trên Youtube, chỉ trong 1 ngày, nó đã đạt gần 1 triệu lượt xem và hơn 5.000 cư dân mạng để lại bình luận.

Trong số đó, một số người thẳng thắn cho rằng: “Mua căn nhà đắt nhất, nghe nhiều lời dối trá nhất, đến lớp học bài học mệt mỏi nhất, đọc loại sách mệt mỏi nhất, mua ngôi mộ đắt nhất, trả khoản vay cao nhất để khám căn bệnh đắt nhất. Kiếm được ít tiền nhất, ăn đồ ăn không an toàn nhất, cảm ơn nhiều nhất, viết nhiều lời chúc phúc nhất!!” Đây là Trung Quốc Đại Lục hiện nay dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Một số người còn cho rằng: “Nhìn cô bé hồn nhiên làm bài tập trong căn nhà tối tăm, chơi đàn piano điện tử không có điện và nhìn thấy bố mẹ bật khóc vì cảm thấy mình có lỗi với con, với tư cách là cha của hai cô con gái, tôi cũng thực sự rất buồn.”

“Xem xong thật sự rất buồn. Rõ ràng là chỉ cách một eo biển Đài Loan nhưng lại rất khác. Thực tế, nhiều người Trung Quốc cũng rất tốt, người không tốt là Chính phủ Trung Quốc… Thật lòng hy vọng mọi người đều sống tốt, thế giới hòa bình.” 

Có cư dân mạng cho biết:  “Chân thành mong mọi người đều được bình an và hạnh phúc.”

“Một quốc gia mà người dân thực sự chỉ đòi hỏi ‘sinh tồn’ thay vì ‘có cuộc sống tốt’. Thật đáng buồn biết bao.”

“Thật là một bi kịch cho nhân loại khi có một chính phủ như vậy”, 

“Chân thành hy vọng rằng người dân Trung Quốc có thể thực sự thức tỉnh.”

Một cư dân mạng khác nói: “Tôi chân thành hy vọng người dân Trung Quốc sẽ đứng lên, chỉ để cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn”. Bình luận này có được 1.000 cư dân mạng khác bấm “like” để biểu thị đồng tình.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thống kê của Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC), chỉ riêng tại Trịnh Châu, Trung Quốc, có 106 dự án bất động sản có vấn đề, liên quan đến hơn 600.000 người mua và cư dân. Tổng dân số của khu đô thị chính ở Trịnh Châu là khoảng 7,59 triệu người, tức là cứ 100 người thì có 8 người mua trúng những tòa nhà chưa hoàn thiện, đến cuối năm 2021, ở Trịnh Châu có 25.249 tòa nhà chưa hoàn thiện, chiếm khoảng 30%.

Khổ chủ “không còn niềm tin vào chính phủ”, chỉ 20% trong 290 dự án dang dở được nối lại công việc

Trên thực tế, mặc dù chính quyền ĐCSTQ từng thúc đẩy việc tiếp tục hoàn thiện các tòa nhà dang dở vào năm 2022, nhưng do không đủ kinh phí và các vấn đề khác nên rất khó giải quyết một cách hiệu quả.

Vào tháng 7 năm nay, Đài BBC cũng đã phỏng vấn các chủ sở hữu của những căn hộ trong tòa nhà xây dựng dang dở ở nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc. Một chủ nhà đến từ Hà Nam tiết lộ rằng ông đã dành phần lớn số tiền tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu nhân dân tệ (~ hơn 4 tỷ VNĐ) mua một căn nhà năm 2019 để con trai lấy vợ, lập gia đình. Ban đầu chủ đầu tư hứa sẽ hoàn thành công trình và bàn giao nhà trong 2 năm, nhưng thời gian thi công cứ liên tục bị trì hoãn, đến cuối năm 2022 công việc hoàn thiện nhà gần như bị đình trệ hoàn toàn, giờ đây nhà thầu xây dựng dừng hoàn toàn, ông phải trả tiền vay mua nhà trong khi con trai ông đang vẫn phải thuê nhà bên ngoài. Để yêu cầu giải thích, ông đã gửi đơn khiếu nại theo đúng thủ tục đến Văn phòng khiếu nại, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì.

Vào tháng 1 năm nay, tờ New York Times cũng đưa tin rằng do chính quyền ĐCSTQ đàn áp các khoản nợ quá lớn của các nhà xây dựng, cùng với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, các nhà thầu xây dựng đã cạn vốn và vô số dự án xây dựng đã biến thành những tòa nhà dang dở. Các nạn nhân đổ hết tiền tiết kiệm để mua nhà đều cảm giác sâu sắc rằng cuộc đời không còn ý nghĩa nữa.

Theo khảo sát do Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC) thực hiện trên 290 dự án chưa hoàn thành, tính đến cuối tháng 12 năm 2022, 62 dự án đã hoàn toàn hoạt động trở lại, chỉ chiếm 21%. Ngoài ra có 126 trường hợp khác vẫn bị đình chỉ và 102 trường hợp đã tiếp tục hoạt động không liên tục hoặc hoạt động trên phạm vi nhỏ.

Dữ liệu CRIC cũng cho thấy, mặc dù doanh số bán nhà mới là một trong những nguồn huy động vốn chính cho các công ty bất động sản, nhưng vào tháng 12/2022, doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc giảm tới 30,8% so với cùng kỳ năm trước đó và giảm mạnh 41,6% trong cả năm. Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc ước tính tất cả các dự án chưa hoàn thành sẽ tiêu tốn từ 1.600 tỷ đến 1.800 tỷ nhân dân tệ.

Về vấn đề này, các nhà phân tích truyền thông Mỹ cho rằng trên thực tế, những vấn đề của ngành bất động sản Trung Quốc đang lan sang các ngân hàng. BBC cũng đưa tin đặc biệt về tình trạng “gián đoạn nguồn cung” của bất động sản Trung Quốc, trong đó có vấn đề kinh tế được phản ánh bởi chủ sở hữu căn hộ của “tòa nhà xây dựng dở dang” ở nhiều nơi từ chối trả tiền vay mua nhà. Tờ Nikkei chỉ ra rằng một số lượng lớn các dự án xây dựng dở dang đã khiến người mua chần chừ đối với việc mua nhà dự kiến mở bán, thay vào đó, người dân thường mua nhà cũ, điều này có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.