Ngày 18/5, những người trong ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã nhận được một lá thư ngỏ tự xưng là đến từ “Văn phòng Quốc vụ viện về việc Phòng ngừa và Xử lý các vấn đề tà giáo” và “Văn phòng Trung ương của tổ chức lãnh đạo vấn đề Phòng ngừa và xử lý các vấn đề tà giáo”, (hay còn gọi là Phòng 610), đã kêu gọi ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí của Hồng Kông tẩy chay những bộ phim “chủ trương bạo lực, cổ xúy việc lật đổ chế độ và tô hồng tà giáo.” Tổ chức và ngôn ngữ xa lạ không quen thuộc với người Hồng Kông này, ngay lập tức làm dấy lên những nghi ngờ và lo lắng trong xã hội Hồng Kông.

p2940101a670026042
ĐCSTQ đã thắt chặt toàn diện việc quản lý ở Hồng Kông, ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đang lo lắng rằng “lằn ranh đỏ” lại bị thắt chặt. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ Hồng Kông)

“Văn phòng chống tà giáo” gửi thư cho giới điện ảnh làm dấy lên nghi vấn

Bức thư nói rằng sau “cuộc biểu tình chiếm Trung tâm phi pháp”, “cuộc cách mạng bạo lực xã hội đen” “dịch bệnh virus corona mới” trong vài năm qua, khiến tâm hồn người dân Hồng Kông trở nên rất mong manh. Đồng thời kêu gọi các nhà phát hành phim, các công ty sản xuất phim, các nhà hát và giới nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông, cấm và tẩy chay việc phát hành những bộ phim như vậy tại Hồng Kông.

Bức thư cũng khéo léo đề cập đến những bộ phim có đề tài về các tổ chức khủng bố “Al-Qaeda”, “Giáo phái Aum Shinrikyo” (Chân lý Tối thượng) và “Shincheonji” (Tân Thiên Địa) không được phép phát sóng ở nước ngoài. Đồng thời nói rằng kiên quyết phản đối bất cứ ai sử dụng hình thức điện ảnh, nhằm tiến hành “tẩy não trong tiềm thức” về lĩnh vực văn hóa, hệ tư tưởng và tôn giáo. Bức thư cũng cảnh báo rằng một khi vượt qua “lằn ranh đỏ không thể vượt qua” này, thì đó là khi chiếc hộp Pandora xuất hiện.

(Trong Thần thoại Hy Lạp, Pandora là chiếc hộp mà nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người sở hữu. Nàng Pandora đã được thần Zeus dặn kĩ rằng không được mở nó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra. Sau đó tất cả những điều bất hạnh trong chiếc hộp kì bí đó tràn ra khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh…  (theo Wikipedia Tiếng Việt)

Bức thư do “Văn phòng chống tà giáo của Quốc vụ viện” đưa ra khiến người dân Hồng Kông hoang mang, và càng lo lắng “lằn ranh đỏ” về đề tài phim và phát sóng của chính quyền Bắc Kinh sẽ siết lại càng chặt. Khi nhận được thư, ông Điền Khải Văn (Tin Kai-Man), người phát ngôn của Hiệp hội Công tác Điện ảnh Hồng Kông, thẳng thắn nói rằng các đạo diễn, biên kịch, nhà đầu tư và rạp chiếu phim đều bị ảnh hưởng. Họ chắc chắn sẽ phải thận trọng hơn vì điều này để tránh rắc rối.

Một số nhà phân tích cũng tin rằng bức thư này rõ ràng là nhằm vào “Cuộc vây hãm PolyU” và các bộ phim có chủ đề về các phong trào xã hội khác. Đồng thời họ cũng nghi ngờ rằng liệu chính quyền trung ương có xếp những người mang “ruy băng vàng” và theo phe dân chủ thành “tà giáo” và đàn áp họ trong tương lai hay không, (ô dù, ruy băng vàng, áo thun đen và mật mã số… là những biểu tượng đặc biệt của cuộc Cách mạng Ô dù tại Hồng Kông).

Các kênh truyền thông Hồng Kông thân Bắc Kinh khẩn trương làm rõ vụ việc

Tuy nhiên, sự việc đã diễn biến theo chiều hướng tốt hơn. Sau khi bức thư được tiết lộ, người phản ứng nhanh nhất là các kênh truyền thông Hồng Kông thân Bắc Kinh. “Oriental Daily News” (Đông Phương Nhật báo) đã dẫn lời cư dân mạng vào tối hôm đó, rằng trang web của Quốc vụ viện đã không đăng bức thư ngỏ này. Các kênh truyền thông Đại Lục cũng không đưa tin có liên quan.

Cũng có thông tin cho rằng ông Điền Khải Văn đã gửi một tin nhắn đến Hiệp hội Công tác Điện ảnh Hồng Kông, nhằm làm rõ sự việc vào đêm hôm đó. Tin nhắn đề cập đến kết quả thu được sau khi xác minh. Bức thư được đưa ra bởi ông Hồng Tổ Tinh, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện ảnh Hồng Kông.

“Ông Hồng nói rằng ông ấy đã nhận được bức thư từ một người bạn ở Đại Lục. Đây không phải là một lá thư chính thức. Nhưng thư trả lời từ tất cả các bên đều cho thấy rằng thông báo này độ tin cậy không cao!”

Ngày 19/5, tờ “Sing Tao Daily” thân Bắc Kinh, cũng đưa tin rằng theo báo cáo này, Văn phòng Chống “tà giáo” của Quốc vụ viện đã bị dỡ bỏ từ 3 năm trước và sáp nhập vào Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Vậy nên “không thể có chuyện họ sẽ gửi một bức thư cho ngành công nghiệp điện ảnh.” Hơn nữa, “bức thư ngỏ” này cũng đề cập đến “cuộc cách mạng bạo lực xã hội đen”, “hoàn toàn không phù hợp với các quy tắc hành văn nghiêm ngặt của văn bản.”

Báo cáo này cũng đề cập rằng tiền thân của “Nhóm lãnh đạo Trung ương về ngăn ngừa và xử lý các vấn đề tà giáo” “Nhóm lãnh đạo trung ương xử lý các vấn đề về Pháp Luân Công”. Kể từ khi được thành lập vào ngày 10/6/1999, các văn phòng của nó được gọi là “Phòng 610”. Đây là các đơn vị cấp Bộ, còn được gọi là “Văn phòng Quốc vụ viện về Phòng ngừa và Xử lý các vấn đề tà giáo”.

Tháng 3/2018, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã ban hành chính sách “Tăng cường thể chế Đảng và Nhà nước”, gồm việc loại bỏ Nhóm lãnh đạo Trung ương về Phòng ngừa và Xử lý các vấn đề tà giáo và các văn phòng của tổ chức này, đồng thời hợp nhất với Bộ Chính trị Trung ương và Ủy ban pháp luật.

Bóng ma “610” xuất hiện trở lại gây ra các sự kiện bạo lực

“Văn phòng chống tà giáo” (sau đây gọi tắt là “Phòng 610”) đã nhúng tay vào ngành điện ảnh. Đây không phải là việc duy nhất có sự góp mặt của Phòng 610 ở Hồng Kông gần đây.

Vài ngày qua, người dân Hồng Kông đã phát hiện ra rằng “Hiệp hội Thanh niên yêu nước Hồng Kông” (Hội Quan ái) vốn gây phiền toái cho các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông, đã xuất hiện trở lại trên đường phố của nhiều quận. Họ căng biểu ngữ, phát loa ồn ào, quấy nhiễu các điểm giảng chân tướng (giảng rõ sự thật) Pháp Luân Công. Đồng thời yêu cầu chính quyền Hồng Kông thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những kiến ​​nghị hợp pháp của học viên Pháp Luân Công. Đây cũng là lần “hồi sinh” bất ngờ của Hội Quan ái sau vài tháng biến mất, kể từ khi tổ chức này tự giải thể vào cuối năm ngoái.

Hội Quan ái lần đầu tiên được thành lập vào tháng 6/2012. Ngày 10/6 cùng năm, tổ chức này bắt đầu quấy rối các điểm giảng chân tướng Pháp Luân Công tại Hồng Kông. Ông Lương Chấn Anh, cựu Trưởng đặc khu Hồng Kông nhậm chức vào ngày 1/7 cùng năm, đã bị buộc tội là lãnh đạo hậu trường của Hội Quan ái. “Tổ chức truy cứu quốc tế về việc bức hại Pháp Luân Công” đã đưa ra một báo cáo nói rằng Hội Quan ái là một tổ chức ngoại vi, trực tiếp chịu sự kiểm soát của Phòng 610 và Hiệp hội chống “tà giáo” Trung Quốc của ĐCSTQ.

Trước đó, ngày 11/5, Hồng Kông và cộng đồng quốc tế bàng hoàng trước vụ việc cô Lương Trân, chủ tịch Phật Học hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông, kiêm phóng viên thời báo Epoch Times, bị một kẻ côn đồ tấn công bằng gậy bóng chày ngay bên ngoài căn hộ của mình, và được đưa đến bệnh viện với đa chấn thương.

Thậm chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã ra tuyên bố mạnh mẽ lên án vụ tấn công này, nhấn mạnh rằng đây là hành động “không thể chấp nhận và không thể dung thứ”. “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn tất việc điều tra toàn diện về vụ việc này. Gần đây xưởng in của Epoch Times tại Hồng Kông cũng bị tấn công.”

Bức thư ngỏ do Phòng 610 gửi đến ngành điện ảnh nhanh chóng bị bác bỏ và dập tắt. Điều này gợi nhớ đến sự “hồi sinh” của Phòng 610, một tổ chức ngoại vi, sau khi bị giải thể. Họ tiếp tục các cuộc tấn công bạo lực. Rốt cuộc ai là người chỉ đạo phía sau?

Giới giải trí là phạm vi quyền lực của Tăng Khánh Hồng phe Giang

Ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông và Pháp Luân Công dường như không liên quan gì đến nhau. Nhưng có một sợi dây có thể xuyên suốt, đó là thế lực “phe Giang” đã ăn sâu vào Hồng Kông.

Giới nghệ thuật, biểu diễn Hồng Kông luôn là đối tượng có thế lực và được quan tâm của phe Giang. Đặc biệt là gia tộc Tăng Khánh Hồng, “nhân vật số 2” của phe Giang. Năm 2003, Tăng Khánh Hồng giữ chức Phó Chủ tịch nước ĐCSTQ, kiêm lãnh đạo Nhóm Điều phối Trung Ương về việc Hồng Kông và Ma Cao trong cùng năm. Tháng 10 năm đó, giới giải trí Hồng Kông đã đến Bắc Kinh “tiếp kiến” Tăng Khánh Hồng theo từng đợt.

Thành viên đại diện trong đoàn gồm các nghệ sĩ như Trương Bá Chi, Tạ Đình Phong, Dung Tổ Nhi (Joey Yung), Thành Long, v.v… Trần Tiểu Xuân (Jordan Chan), một nghệ sĩ Hồng Kông, từng chụp ảnh chung với Tăng Khánh Hồng. Trong buổi phỏng vấn, anh ấy còn buột miệng gọi Tăng Khánh Hồng là “Bố già” (thuật ngữ trong giới xã hội đen, dùng để chỉ đại ca của đại ca và những người nắm quyền). Điều này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông vào thời điểm đó.

Điều đáng nói là ông Tăng Tổ Tinh, người đứng tên và chuyển bức thư ngỏ của “Văn phòng chống tà giáo” tới giới điện ảnh lần này, chính là trưởng phái đoàn Bắc Kinh đã đến thăm Tăng Khánh Hồng.

Tăng Khánh Hoài, em trai của Tăng Khánh Hồng, cũng là một nhân vật khuấy đảo một thời trong ngành điện ảnh và truyền hình Hồng Kông. Một bài báo giới thiệu trên Xinhuanet năm 2007 có tựa đề “Tăng Khánh Hoài, Chủ tịch danh dự văn hóa Trung Hoa Hồng Kông trọn đời”. Bài viết cho biết, Tăng Khánh Hoài được cử đến Hồng Kông năm 1995 và là thanh tra đặc biệt của Bộ Văn hóa, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Trung Quốc, cũng như Chủ tịch Danh dự Văn hóa Trung Hoa Hồng Kông trọn đời.

Ông lên kế hoạch cho các cuộc triển lãm, biểu diễn và chiếu phim quy mô lớn ở Hồng Kông. Truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng Tăng Khánh Hoài, cùng ông Dương Thụ Thành (Albert Yeung) – Chủ Tập đoàn Giải trí Anh Hoàng (Tập đoàn Emperor -EEG) và ông Đổng Bình – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Huanxi, được gọi là “Tam giác sắt các ông trùm giải trí”. Năm 2011, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCSTQ, trong bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” (Sự nghiệp thành lập đảng vĩ đại), Tăng Khánh Hoài được xếp vào danh sách tổng cố vấn. Giới giải trí Hồng Kông là ngọn núi lợi ích đối với gia đình họ Tăng, có thể thấy điều này qua vai trò của Tăng Khánh Hoài.

Quân nhà ông Tập “hạ cánh” động vào “mỏ vàng” của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng?

Hiện tại ông Tập Cận Bình đang quét sạch phe Giang ở Hồng Kông một cách toàn diện. “Quân nhà ông Tập” đã liên tiếp “hạ cánh”, nhận các chức vụ quan trọng tại Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông và Macao, Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương. Văn phòng Liên lạc Trung ương đã trải qua một cuộc cải tổ nhân sự như “sóng thần”. Giới phân tích cho rằng nhiệm vụ then chốt là thanh trừng phe Giang và thế lực mạch vàng ở Hồng Kông.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của phe Giang trong giới văn hóa điện ảnh và truyền hình. Tập đoàn Tử Kinh (Bauhinia) Hồng Kông, “Doanh nghiệp văn hóa trung ương”, do chính quyền trung ương ở Hồng Kông thành lập, gần đây đã chính thức tiếp quản Đài Truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng. Có tin đồn rằng tập đoàn này cũng sẽ có quyền quản lý thống nhất đối với các tổ chức do Trung Quốc tài trợ, trong lĩnh vực xuất bản, tin tức, điện ảnh, truyền hình, và văn học nghệ thuật. “Thành phố Văn hóa Trung Hoa Hồng Kông” của Tăng Khánh Hoài cũng nằm trong vòng kiểm soát đó.

Vậy, trong bối cảnh đó, nên diễn giải vụ việc “Bức thư ngỏ của văn phòng chống tà giáo” nhanh chóng bị dập tắt như thế nào? Phải chăng đây là tín hiệu mà phe Giang gửi cho giới biểu diễn nghệ thuật? Điều này vẫn cần quan sát thêm.

Tuy nhiên, xét về tác động khách quan, bức thư này chắc chắn đã thêm một con dao kè vào cổ các ông chủ điện ảnh và rạp chiếu phim Hồng Kông. Đồng thời thiết lập một trạm kiểm duyệt khác nằm ngoài hệ thống kiểm duyệt điện ảnh và Ban Tuyên giáo Trung ương Hồng Kông.

Ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông vốn đã quen với việc “bái kiến người đỡ đầu”. Trước khi đóng phim về một đề tài nào đó, theo thông lệ, họ đều sẽ nhờ các ông trùm trong giới điện ảnh, người thân thuộc với các mối liên hệ tại Đại Lục, như ông Hồng Tổ Tinh, tìm “người đỡ đầu” đồng ý. Lúc đó, Phòng 610 liệu có trở thành một “cơ quan kiểm duyệt phim ngoài vòng pháp luật” hay không? Ai sẽ là người nắm quyền quyết định, xem liệu các bộ phim có được phép bắt đầu hay không, cũng như những lợi ích khổng lồ phía sau?

Phòng 610, cơ quan nằm ngoài pháp luật đối mặt với sự trừng phạt, thanh trừng cả bên trong và bên ngoài

Phải biết rằng bản chất của Phòng 610 là một cơ quan được ủy quyền, nằm ngoài vòng pháp luật. Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, đã đích thân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Vì mục đích này, Phòng 610 đã được thành lập như một tổ chức chuyên trách. Đó là một tổ chức đặc quyền tương tự như “Nhóm Cách mạng Văn hóa Trung ương” trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, chịu sự kiểm soát của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Lần lượt đảm nhận chức giám đốc Phòng 610 là Lý Lam Thanh, La Cán và Chu Vĩnh Khang. Thông tin về chức vị giám đốc sau Chu Vĩnh Khang không được công khai. Tổ chức này đứng trên mọi luật pháp, trải rộng khắp các thành phố, làng mạc, cơ quan chính phủ và trường học của Trung Quốc. Nó có một hệ thống điều hành độc lập, có thể tùy ý điều động và kiểm soát các nguồn lực như đảng, chính phủ và cảnh sát vũ trang. Đồng thời chỉ thị các cơ quan chính phủ hợp tác với cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Hệ thống 610 đàn áp Pháp Luân Công đẫm máu. Kéo theo món nợ này là sự bành trướng và mất kiểm soát về quyền lực. Các lãnh đạo tiền nhiệm “ngã ngựa” trong chiến dịch chống hủ bại của ông Tập Cận Bình cũng không hiếm. Trong đó có các quan chức quan trọng của phe Giang như Chu Vĩnh Khang – Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Lý Đông Sinh – Giám đốc Phòng 610 Trung ương, Trương Việt – cựu Giám đốc Phòng 610 của Bộ Công an kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Bắc, Tôn Lập Quân – Phó giám đốc Phòng 610 Trung ương kiêm Thứ trưởng Bộ Công an.

Việc thanh trừng hệ thống 610 vẫn đang tiếp diễn. Ngày 13/3/2021, Bành Ba, cựu Phó chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương, được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo bị điều tra. Trong bản thông báo hiếm khi thấy chức danh của những người này trong Phòng 610.

Hệ thống Phòng 610 phải đối mặt với việc bị thanh trừng trong nội bộ và cũng như các lệnh trừng phạt quốc tế. Một ngày trước “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” 13/5, lần đầu tiên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã công bố các biện pháp trừng phạt riêng đối với ông Dư Huy – cựu Giám đốc Phòng 610 ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, quan chức ĐCSTQ tham gia bức hại Pháp Luân Công.

“Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2020” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày hôm đó, cũng đề cập cụ thể đến Phòng 610. Bản báo cáo mô tả tổ chức này là “Tổ chức an ninh nằm ngoài vòng pháp luật do ĐCSTQ kiểm soát, nhằm tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công và các nhóm khác.”

Bóng ma Phòng 610 lại xuất hiện ở Hồng Kông. Đúng vào thời điểm nhạy cảm “thay đổi nhiệm kỳ” trong cuộc bầu cử Trưởng đặc khu Hồng Kông và Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 vào năm sau, cuộc nội chiến giữa các phe phái lại càng thêm khốc liệt. Phải chăng trong hệ thống Phòng 610 và phe Giang đứng sau, có kẻ muốn lợi dụng cuộc đàn áp, nhằm lập thành tích chính trị, để có thể leo lên những chức vị cao hơn?

Hay một kẻ nào đó thừa cơ bành trướng thế lực ở Hồng Kông và ngấm ngầm đối đầu với cuộc thanh trừng của “Quân nhà ông Tập”? Xét ở mức độ sâu hơn, phải chăng khi toàn bộ thể chế ĐCSTQ phải đối mặt với sự thanh trừng quốc tế vì đàn áp nhân quyền, có ai đó quá đỗi sợ hãi rằng mình sẽ bị cắt giảm, bị loại bỏ và bị thanh trừng, vì vậy họ muốn trói các nhà cầm quyền hiện tại vào những món nợ máu mới, khuấy đảo cho cục diện ngày càng trở nên hỗn loạn lớn hơn? Liệu điều này có dẫn đến một đợt thanh trừng mới?

Dẫu thế nào thì tình hình ở Hồng Kông và Đại Lục cũng sẽ không êm ả trong năm nay và năm tới. Đặc biệt là các động thái của phe Giang ở Hồng Kông rất đáng được tiếp tục quan tâm. 

Tằng Huệ, Vision Times