Quản lý và kiểm soát rủi ro tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc thời gian qua. Gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức hội nghị công tác tài chính cấp cao nhất, thậm chí Bộ An ninh Quốc gia còn ban hành văn bản nhấn mạnh an ninh tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia. Vậy những rủi ro tài chính mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là gì?

Bat dong san Trung Quoc
Cảnh nhân viên bán bất động sản ở Trung Quốc. (Ảnh: Humphery/ Shutterstock)

Tại Bắc Kinh vào ngày 30/10, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính quốc gia (5 năm một lần), tham gia có những quan chức cao nhất như Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường cùng các Ủy biên Ban Thường vụ  Bộ Chính trị khác gồm Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hy.

Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, các quan chức tham gia đã lưu ý, Trung Quốc còn nhiều rủi ro kinh tế và tài chính tiềm ẩn, Chính phủ cần giải quyết căn bản những rủi ro này để thúc đẩy nền tài chính chất lượng cao. Các quan chức cho rằng việc tăng cường giám sát sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong phòng ngừa và kiểm soát rủi ro hiện nay, các biện pháp cụ thể bao gồm giải quyết nợ địa phương, cải thiện thị trường tài chính và bất động sản, bảo đảm vận hành ổn định của thị trường tài chính…

Về hội nghị tài chính này, chuyên gia kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) tại Viện Thông tin và Chiến lược – một tổ chức tư nhân của Mỹ – đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA rằng hội nghị này mời các lãnh đạo cấp cao khóa 18 và 19 tham gia cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc khá rối, khiến nhiều người tự vấn: “Hội nghị mời tất cả lãnh đạo trung ương và quan chức cấp cao từ nhiệm kỳ khóa 18, 19 đến tham dự, có thể tưởng tượng vấn đề nghiêm trọng đến mức nào”.

Vậy, những rủi ro tài chính cụ thể mà các quan chức Trung Quốc liên tục nhắc đến là gì?

Rủi ro tài chính 1: Bong bóng thị trường bất động sản

Trước hết, ​​​​giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina nói với phóng viên RFA rằng suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc là vấn đề nghiêm trọng nhất mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt: “Thực tế doanh số bán bất động sản hiện đang sụt giảm mạnh, bong bóng sắp vỡ khiến nhiều ngân hàng liên quan đứng trước khủng hoảng phá sản vì cho vay bất động sản quá nhiều. Ngoài ra, các công ty bất động sản cũng đang phải đối mặt với những khoản nợ nước ngoài khó trả, vỡ nợ nước ngoài là một rủi ro tài chính liên quan”.

Tương tự, chuyên gia Lý Hằng Thanh cũng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự sụp đổ mang tính hệ thống do thị trường bất động sản đã trói buộc nguồn vốn ngân hàng: “Ngoài ra, giá (bất động sản) nhìn chung đang giảm, việc này không thể tránh khỏi, bởi vì diện tích xây dựng của Trung Quốc đã vượt quá nhu cầu thực tế. Nhưng ngay cả khi giá giảm cũng sẽ không có ai mua nhà, cuối cùng tài sản tài chính sẽ mất giá trên diện rộng, ảnh hưởng toàn bộ hệ thống tài chính”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sohu Finance, tính đến tháng 8/2023, ngoài Country Garden và Sino-Ocean được kéo khỏi bờ vực thì còn hơn 30 công ty bất động sản lớn đang bên bờ vực phá sản. Hiện tại, các công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc như Evergrande và Country Garden đang sụp đổ, nhiều nhà kinh tế cho rằng phá sản là kết quả cuối cùng có thể xảy ra.

Rủi ro tài chính 2: Nợ của chính quyền địa phương quá cao

Nợ chính quyền địa phương cao là một vấn đề nan giải lớn khác mà Bắc Kinh phải đối mặt. Giáo sư Đinh Hoằng Bân (Ding Hongbin) tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Loyola ở Maryland (Mỹ) cho rằng nguy cơ vỡ bong bóng của thị trường bất động sản đã khiến chính quyền địa phương mất khả năng trả nợ. Ông nói: “Sự phát triển kinh tế (của Trung Quốc) trong 10 năm qua phụ thuộc rất nhiều vào bất động sản, khi bất động sản có vấn đề thì nợ chính quyền địa phương tưởng chừng như tương đối ổn định cũng sẽ liên lụy, bởi một phần lớn thu nhập của chính quyền địa phương phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản”.

Theo New York Times, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ước tính nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc tương đương khoảng 30% sản lượng kinh tế hàng năm của nước này.

Giáo sư Tạ Điền cũng cho hay vấn đề tài chính của chính quyền địa phương khiến các cơ quan liên quan không còn cách nào khác ngoài việc hủy bỏ tiền thưởng cho công chức địa phương, là biện pháp chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng: “Chi tiêu của chính quyền địa phương đã giảm mạnh, nhiều nơi đã giảm hoặc bỏ tiền thưởng của công chức, thậm chí còn bị yêu cầu trả lại tiền thưởng đã trả trước đó. Hệ thống của ĐCSTQ thực sự không muốn sa thải công chức, vì hệ thống công chức là một phần quan trọng trong ổn định chế độ”.

Rủi ro tài chính 3: Khó khăn về ngoại hối

Đồng thời, gần đây Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc đã công bố dữ liệu cán cân thanh toán quốc tế Trung Quốc Quý 3, cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài âm 11,8 tỷ USD – mức thâm hụt đầu tư đầu tiên kể từ năm 1998. Truyền thông quốc tế nhìn chung phân tích hiện tượng vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân: lo ngại về cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, môi trường thị trường Trung Quốc xấu đi…

Về vấn đề này, các học giả cũng đã phân tích rằng do tương tác thương mại giữa Trung Quốc và các nước phương Tây giảm sút, cũng như việc đầu tư nước ngoài liên tục rút lui gây ảnh hưởng tiêu cực đối với dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, từ đó gây khó khăn cho việc mua các nguyên liệu quan trọng, như năng lượng, chip và vật tư y tế, phát sinh vấn đề tài chính. Giáo sư Tạ Điền chỉ ra: “Xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ đang giảm mạnh, dù xuất nhập khẩu sang Nga có thể bù đắp một phần, nhưng vấn đề là giao thương với Nga được tính bằng đồng RMB hoặc rúp, không thể đưa vào nguồn dự trữ ngoại hối”.

Chuyên gia Lý Hằng Thanh cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm là do gần đây Mỹ tiếp tục thắt chặt các quy định đầu tư vào Trung Quốc. Dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia, tháng 8 năm nay Tổng thống Mỹ Biden đã hạn chế các công ty đầu tư vào Trung Quốc trong phát triển chất bán dẫn, vi điện tử, máy tính lượng tử và các ngành công nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Chuyên gia Lý Hằng Thanh nhận định: “Trước đây, một số công ty điển hình ở Trung Quốc đã được phương Tây đầu tư, họ bắt đầu từ các công ty R&D và phát triển thành những gã khổng lồ, chẳng hạn như Alibaba, Tencent, JD.com và Baidu. Ngày nay những khoản đầu tư như vậy không thể tồn tại được nữa, đã bị Chính phủ Mỹ điều tra nghiêm khắc, đây là cú đánh vào phát triển công nghệ cao Trung Quốc”.

Các học giả cũng đề cập một vấn đề khác tác động xấu đối với dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là họ không có đòn bẩy để bảo vệ đồng RMB mất giá. Đầu tháng 9 năm nay, đồng RMB thậm chí còn giảm xuống mức giá thấp nhất trong năm, với 1 USD đổi 7,34 RMB.

Tăng cường kiểm soát có giải quyết được vấn đề tài chính?

Để đối phó với những rủi ro tài chính nêu trên, ĐCSTQ đã thể hiện quyết tâm tăng cường kiểm soát. Chẳng hạn tháng 9 năm nay, Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã đưa ra phương án lập pháp với mong muốn sớm có “Luật Ổn định tài chính” để giám sát mọi hoạt động tài chính. Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Hoằng Bân tin rằng việc tăng cường giám sát chỉ có thể trì hoãn thời gian bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc, do chính sách quản lý sai lầm nên các vấn đề kinh tế của Trung Quốc không thể được giải quyết một cách căn bản.

Ông Đinh Hoằng Bân lấy vấn đề giám sát thị trường bất động sản làm ví dụ: “Nếu chủ đầu tư nhà không thực hiện được hợp đồng và đang tận dụng đòn bẩy, trong điều kiện bình thường và ở một đất nước có nền kinh tế thị trường bình thường, cần phải có các tổ chức tài chính có thể can thiệp vào vấn đề này. Nhìn bề ngoài, kiểu can thiệp này có vẻ là một hoạt động của quyền lực nhà nước, nhưng hoàn toàn khác với động thái của Chính phủ (Trung Quốc): ‘Những người phải trả tiền thì phải tiếp tục trả tiền, còn các công ty không được phép tuyên bố phá sản’, như vậy chẳng khác nào đi ngược lại thị trường”.

Giao dịch bằng RMB có thể thay thế USD để giải quyết thiếu ngoại hối?

Để đối phó với vấn đề dự trữ ngoại hối, chính quyền Bắc Kinh cũng đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng RMB làm tiền tệ để thanh toán thương mại. Ví dụ, vào cuối năm ngoái khi ông Tập Cận Bình đến thăm Trung Đông, ông đã thúc đẩy việc thanh toán giao dịch dầu khí bằng đồng RMB, đối tác nhập khẩu dầu quan trọng của Trung Quốc là Ả Rập Saudi cũng bày tỏ sẵn sàng có quan điểm cởi mở trong vấn đề giao dịch phi USD này.

Tuy nhiên, giáo sư Tạ Điền cho rằng việc vận hành suôn sẻ các giao dịch RMB phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng thương mại tương đương giữa hai nước, cho nên sẽ khó thực hiện về lâu dài: “Tôi nghĩ điều này có thể khó thực hiện, chỉ có thể áp dụng hạn chế…  Không cách nào để Ả Rập Saudi sử dụng hết  lượng lớn RMB, họ cần sử dụng số tiền bán dầu để mua hàng xa xỉ từ châu Âu và Mỹ, còn Trung Quốc không thể cung cấp những hàng hóa xa xỉ đó, trong trường hợp đồng RMB không thể sử dụng không lẽ họ lại phải bán tháo”.

Cáo buộc nguyên nhân từ trò chơi trò bá chủ tiền tệ của Mỹ

Sau Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia, Bộ An ninh ĐCSTQ vào 2/11 đã đưa ra thông báo trên tài khoản WeChat rằng an ninh tài chính của Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, đồng thời ám chỉ việc Mỹ thao túng tiền tệ một cách ác ý, muốn dùng chính sách tiền tệ gây suy thoái kinh tế Trung Quốc. Thông báo viết: “Có nước sử dụng tài chính như một công cụ cho các trò chơi địa chính trị, họ không ngừng chơi trò bá chủ tiền tệ…, cố gắng gây bất ổn cho niềm tin đầu tư của cộng đồng quốc tế vào Trung Quốc, gây ra tình trạng bất ổn tài chính Trung Quốc”.

Về vấn đề này, chuyên gia Đinh Hoằng Bân chỉ ra rằng nhiều khó khăn kinh tế mà Trung Quốc hiện đang gặp phải chủ yếu là do chính sách sai lầm của ĐCSTQ, không liên quan gì đến chính sách tiền tệ của Mỹ: “Với sự tách rời dần dần của quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, thêm vào là vấn đề chính sách bất cập trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy công ty nước ngoài khỏi Trung Quốc, bây giờ cộng thêm tình hình tài chính yếu kém của Trung Quốc thì việc đồng RMB mất giá là hiện tượng bình thường… Chính phủ Trung Quốc cho biết rằng Mỹ đang thao túng tiền tệ, tất nhiên có thể nói như vậy, nhưng gốc rễ gây vấn đề của Trung Quốc hiện nay liên quan nhiều hơn đến điều kiện môi trường kinh tế của chính Trung Quốc”.