Những năm gần đây, những người trẻ ở Trung Quốc Đại Lục đang phải vật lộn với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm ngoái đã xuất hiện “Thanh niên 4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con). Mới đây, lời tuyên bố của “Thanh niên 10 không”, thế hệ cuối cùng, đã được đưa ra khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi.

r shutterstock 1421929535
Những người trẻ đang tìm việc làm tại hội chợ việc làm ở huyện Loan Nam, tỉnh Hà Bắc (Ảnh minh họa: chinahbzyg / Shutterstock)

Nhiều cư dân mạng trên mạng xã hội Weibo của Đại Lục cho rằng mới đây “Thanh niên 10 không” của Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “nằm ườn” phó mặc.

“Thanh niên 10 không” chỉ những người trẻ có 10 đặc điểm sau: (1) không hiến máu, (2) không quyên tiền, (3) không kết hôn, (4) không sinh con, (5) không mua nhà, (6) không mua vé số, (7) không đầu cơ cổ phiếu, (8) không mua quỹ, (9) không giúp đỡ người già bị ngã, (10) không xúc động.

p3443601a247660665
Thế hệ cuối cùng “Thanh niên 10 không” tuyên bố “nằm ườn” phó mặc. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Về vấn đề này, một số cư dân mạng Weibo nói rằng cũng nên bổ sung thêm mục “không mua bảo hiểm y tế”. Cư dân mạng “X” (trước đây là Twitter) nói “không mua ô tô”, “không ký thỏa thuận hiến xác”, “không tiêm chủng” cũng nên được bổ sung.

Một số cư dân mạng cho biết: “Tôi phản đối Điều 9. Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau”.

Cư dân mạng trên nền tảng “X” bình luận:

“Đây không phải là cuộc sống bình thường. Nhưng ở một vùng đất bất bình thường, hầu hết mọi người chỉ có thể sinh tồn một cách bất bình thường.”

“’10 không’ nhắm đến giới trẻ tầng lớp thấp, những người có điều kiện đều đã di cư.”

“Những người trẻ đã thức tỉnh không sẵn lòng bị lừa nữa.”

(Nội dung bài đăng: “Tuyên ngôn hậu 2000: Những người sinh sau năm 2000 chúng tôi: Không nợ tiền mua xe, mua nhà, không con cái.

Mỗi ngày tỉnh dậy nhẩm 3 lần:

Có con cháu tự có phúc của con cháu; không có con cháu, mình ta hưởng phúc.

Thương thay cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, không làm cha mẹ càng bớt muộn phiền.

Con đi ngàn dặm mẹ lo lắng, không làm cha mẹ chẳng đắn đo.

Đây gọi là ‘Tuyệt thế Giai nhân’”)

Ngày 20/1, ông Dư Kiệt, nhà văn người Mỹ gốc Hoa, viết bài trên Đài Á Châu Tự do, chỉ ra rằng tên gọi “Thanh niên 10 không” rất phổ biến trên mạng Internet Trung Quốc và nhận được hàng trăm nghìn lượt thích, vì thể hiện được nỗi lòng của nhiều người.

Ông nói, đây là “tuyên bố nằm ườn phó mặc” toàn diện và triệt để, là một kiểu phản kháng thụ động, không ngay lập tức thu hút nắm đấm sắt của ĐCSTQ, mà có tác dụng “rút củi dưới đáy nồi” đối với chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sở dĩ ĐCSTQ khiến thế giới phải khiếp sợ đơn giản là vì câu nói của Mao Trạch Đông: “Nhiều người sức mạnh lớn”. Một khi ĐCSTQ mất đi lợi thế về nhân khẩu học, họ sẽ từ một “chiến binh sói” hung dữ sẽ biến thành một “con mèo ốm” run rẩy, ông Dư Kiệt cho biết.

Ông cũng chỉ ra rằng “8 không” khác đều nhằm tránh những cạm bẫy khác nhau do chính quyền ĐCSTQ giăng ra. Ở Trung Quốc, chính phủ là kẻ nói dối lớn nhất, ĐCSTQ là đảng nham hiểm và độc ác nhất.

Ở các nước văn minh, quyên tiền từ thiện, hiến máu, giúp đỡ người già đều là những việc làm tốt được coi là đương nhiên và được người dân đón nhận.

Tuy nhiên ở Trung Quốc, đây lại là những hành động bị người khác lợi dụng, khiến người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi. Vì vậy, giới trẻ Trung Quốc cảnh báo nhau hãy tránh những cạm bẫy này để tránh vạ lây.

Ông Dư Kiệt nhấn mạnh, ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, “Thanh niên 10 không” của thế hệ trẻ là sự chế nhạo tàn nhẫn và sự bác bỏ mạnh mẽ “Trung Hoa Mộng” của ông Tập Cận Bình. Đây là bước đầu tiên của họ nhằm chống bị tẩy não. “Bước được bước đầu tiên thì sẽ có bước thứ hai.”

Tháng 8/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp được giới chức công bố đạt mức cao kỷ lục 21,3%.

Theo trang web chính thức của Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Đông, vào ngày 20/2, “Kế hoạch hành động 3 năm cho thanh niên Quảng Đông về nông thôn, trở về nông thôn” nhằm giúp đỡ dự án phát triển chất lượng cao “trăm huyện, ngàn trấn và vạn thôn” đã được công bố.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 sẽ có 300.000 thanh niên “về nông thôn, trở về nông thôn để phát triển nông thôn”.

p3309691a852559282
Quảng Đông sẽ thúc đẩy 300.000 thanh niên “về nông thôn, trở về nông thôn, phát triển nông thôn”. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Ông Lý Thuẫn (Li Shun), nhà xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, nói với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng trước suy thoái kinh tế của Trung Quốc, tình hình việc làm của sinh viên đại học đặc biệt nghiêm trọng. Từ lâu chính phủ đã nghĩ đến việc chuyển sinh viên đại học về các vùng nông thôn.

Ông nói: “Hiện giờ việc làm là một vấn đề lớn, đặc biệt là việc làm của sinh viên đại học. Bản thân nền kinh tế đang bị thu hẹp. Sự suy giảm này không phải bắt đầu từ lúc bùng phát dịch bệnh. Nó đã bị thu hẹp từ lâu và trong một thời gian dài. Cộng thêm 3 năm dịch bệnh, tình hình việc làm nói chung không tốt. Chính phủ giải quyết không được vấn đề việc làm nên đưa người về quê, hay còn gọi là ‘lên núi, về nông thôn’ mới.”

Ông Vạn Nhuận Nam (Wan Runnan), người sáng lập Công ty Stone Bắc Kinh đang sống lưu vong ở Pháp, cũng nói với RFA: “Hiện giờ ĐCSTQ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, và những người trẻ tuổi ‘nằm ườn’ ở nhà.”

“Giải pháp là nông thôn sẽ là một hồ chứa lớn, đã có đến mấy lần ‘lên núi, về nông thôn’. Vì không có nhiều cơ hội việc làm, nên một lần nữa lại coi nông thôn là vũ khí thần kỳ để giải quyết những khó khăn hiện tại.”

Ngày 17/1, chính quyền ĐCSTQ bất ngờ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 12/2023 ở thanh niên, không bao gồm học sinh, sinh viên là 14,9% so với tỷ lệ 21,3% vào tháng 8 năm ngoái. Số liệu này bị ngoại giới nghi ngờ và cư dân mạng chế giễu.

Bình Minh (t/h)