Tình trạng Tòa nhà SEG (SEG Plaza) ở Thâm Quyến – Quảng Đông (Trung Quốc) rung lắc liên tục 3 ngày đã gây chú ý từ cộng đồng quốc tế. Nguồn tin từ những người kinh doanh trong tòa nhà cho biết, trưa ngày hôm qua (20/5), tòa nhà tiếp tục bị rung lắc. Đáng chú ý là hiện tượng này đã có từ cách đây 6 năm. Những vấn đề tắc trách trong quá trình xây dựng cũng được công luận bàn tán…

Tòa nhà Thâm Quyến rung lắc
Tòa nhà SEG, một công trình được xem là mang tính cột mốc của thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông, đã rung lắc liên tiếp ba ngày, tuy nhiên đến nay chưa thấy giải thích hợp lý từ giới chức Trung Quốc (Ảnh cắt từ video)

Từ 6 năm trước đã có dấu hiệu tương tự

Một số cư dân mạng Trung Quốc xôn xao thông tin rằng vào khoảng 12 giờ trưa ngày 20/5, nhiều tầng của tòa nhà SEG ở Thâm Quyến lại rung lắc. Sau đó nhiều cơ quan tuyên truyền nhà nước Trung Quốc cũng dẫn lời người buôn bán trong Tòa nhà SEG cho biết khoảng 12:30 ngày hôm đó cảm thấy rung lắc, rõ nhất là ở các tầng 35, 55 và 60.

Theo video cung cấp cho thấy cảnh rõ nhất khi Tòa nhà SEG rung lắc là cảnh rung nước bể cá, quạt điện ngã đổ. Tình trạng khiến những người kinh doanh ở tầng cao phải sơ tán.

Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) dẫn lời một người làm việc trên tầng 57 của tòa nhà cho biết hiện tượng đã cảm nhận thấy từ ngày 18, kéo dài khoảng nửa phút. Nhân chứng cho biết khi đó cô cảm thấy tức ngực và chóng mặt, cũng rất sợ hãi. Theo ghi chép trò chuyện và bài đăng trên Weibo của nhân chứng cho thấy từ thứ Năm tuần trước (ngày 13), cô đã nhiều lần cảm giác hiện tượng tòa nhà bị rung.

Một nhân chứng khác làm việc tại tầng 40 cũng cho biết từ trước ngày thứ Ba đã có lúc anh cảm thấy tòa nhà rung chuyển nhẹ, nhưng nghĩ rằng ai đó đang giậm chân mình.

Cộng đồng mạng Trung Quốc đã sôi nổi chia sẻ bày tỏ lo ngại, nhưng có người thì châm biếm rằng không có gì khó để giải quyết vấn đề này: “Chỉ cần cố định xung quanh bằng dây thừng, như thể hiện trong hình bên dưới”.

p2939081a930268874
Tòa nhà SEG được cho là công trình mang tính cột mốc của Thâm Quyến – Quảng Đông, nhưng đã rung lắc liên tiếp ba ngày, gây cơn sốt cư dân mạng Trung Quốc (Nguồn ảnh: Weibo).

Sau đó, một đoạn video ghi lại cảnh một chiếc xe tải lớn đến gần Tòa nhà SEG đã được đăng tải trên mạng, trong video có thể thấy rất nhiều công nhân đội mũ bảo hộ lao động xuất hiện tại hiện trường.

Theo nguồn tin vào ngày 20 từ Nhật báo Kinh doanh Trung Quốc (NBD), nhân viên làm việc tại hiện trường kể rằng các xe kéo và cần cẩu lớn đậu gần Tòa nhà SEG được sử dụng để gia cố bức tường kính bên ngoài, hiện vẫn đang chờ đợi thêm phương án xử lý.

Hình ảnh trên mạng cũng cho thấy, tại cổng tòa nhà SEG hôm đó có nhiều nhân viên bảo vệ đã giăng dây khoanh vùng cảnh báo không cho mọi người không phận sự lại gần, nhân viên nói trên cho biết thành phố Thâm Quyến đã lập ban chỉ đạo hiện trường, cơ quan chức năng đang bàn luận và phân tích sâu hơn nguyên nhân để lập phương án xử lý khẩn cấp.

Tối ngày 19/5 giới chức Thâm Quyến ra thông báo cho biết kết quả kiểm tra theo dõi của cơ quan chức năng cho thấy ba chỉ số về độ rung, độ nghiêng và độ lún của Tòa nhà SEG đều thể hiện bảo đảm an toàn, nguyên nhân cụ thể của rung lắc đang được xác minh thêm.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những người trong cuộc của Tập đoàn SEG tiết lộ rằng Tòa nhà SEG đã từng xảy ra rung lắc tương tự cách đây 6, 7 năm, nhưng sau đó “trở lại bình thường”.

Dấu hỏi về chất lượng của tiến độ 2,7 ngày hoàn thành một tầng

Tình trạng rung lắc Tòa nhà SEG đã dấy lên nhiều nghi ngờ. Đáng chú ý trong đó là “Báo cáo về tình trạng rung chuyển của tòa nhà SEG Plaza ở phố Hoa Cường Bắc, quận Phủ Điền, Thâm Quyến” do Sở Khẩn cấp tỉnh Quảng Đông đưa ra cách đây vài ngày, trong đó chỉ ra thực trạng rung khá mạnh; chuyên gia cho rằng nguyên nhân vì: gió trên trời, tàu điện ngầm dưới lòng đất, và sự chênh lệch nhiệt độ.

Theo thông tin công khai, Tòa nhà SEG do Tập đoàn SEG Thâm Quyến trực tiếp đầu tư và thi công, được khởi công xây dựng từ năm 1996 và hoàn thành vào năm 1999. Quá trình xây dựng tòa nhà đã lập kỷ lục xây dựng ở Thâm Quyến với thời gian 2,7 ngày hoàn thành một tầng. Các quan chức Trung Quốc cũng quảng bá nó là tòa nhà bê tông cốt thép cao nhất thế giới.

Sau khi xảy ra hiện tượng tòa nhà SEG rung lắc, người ta lại dấy lên quan tâm một luận văn thạc sĩ 20 năm trước có tên “Đánh giá dự án xây dựng SEG Plaza Thâm Quyến”. Luận văn tiết lộ rằng tòa nhà SEG khi hoàn thành được xem là tòa nhà mang tính cột mốc ở Thâm Quyến, nhưng đã mắc phải những vấn đề bất cập như vừa xây dựng vừa sửa đổi thiết kế, bản vẽ chưa hoàn thiện đã cho thi công, nghiêm trọng nhất là ăng-ten trên nóc bị rung nhưng chỉ được phát hiện sau khi hoàn thành, kết quả là phải thay ăng-ten khác…

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: