Ngày 11/12, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bí thư thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị tuyên bố chính thức lập án điều tra và thi hành các biện pháp cưỡng chế với tội “nhận hối lộ”. Điều này có nghĩa là vụ án Tôn Chính Tài đã bước sang giai đoạn trình tự tư pháp, và sớm muộn gì ông này cũng bị đưa ra xét xử.

>> Điều tra về việc ông Tôn Chính Tài bức hại Pháp Luân Công

ton chinh tai
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ông Tôn Chính Tài, 54 tuổi, từng được coi là một trong những người sẽ tiếp quản chức vụ cao nhất trong ĐCSTQ. Trong thời gian diễn ra Đại hội 19, chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên điểm danh 6 hổ lớn “âm mưu soán đảng đoạt quyền“, trong đó có ông Tôn Chính Tài.

Ngày 15/7, ông Tôn Chính Tài đột nhiên bị miễn nhiệm chức vụ Bí thư thành phố Trùng Khánh; ngày 24/7 bị lập án thẩm tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”; ngày 29/9, bị khai trừ đảng tịch và công chức; ngày 4/11, bị tước bỏ tư cách đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân.

Trước đó, cơ quan trung ương ĐCSTQ đã dùng những từ ngữ hiếm gặp để chỉ về nguyên nhân ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”: mất lập trường chính trị, chà đạp nghiêm trọng kỷ luật chính trị và khuôn phép chính trị; phô trương lãng phí, lạm dụng quyền lực; lựa chọn người dùng chỉ vì thân thích và có lợi cho bản thân, tiết lộ bí mật tổ chức; bản thân và đồng phạm cũng như người có quan hệ đặc định nhận số lượng lớn tiền vật, mưu cầu lợi ích vì hoạt động kinh doanh của người thân thuộc, nhận quà tặng đắt tiền; chủ nghĩa quan liêu nghiêm trọng, lười biếng thụ động; tham nhũng sa đọa, đổi quyền lực lấy tình.

Ngày 25/9, chính quyền Bắc Kinh tổ chức “Triển lãm thành tựu to lớn” trong 5 năm chấp chính của ông Tập Cận Bình. Ông Tôn Chính Tài và 5 người Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch được coi là điển hình của “xóa bỏ ẩn hoạn chính trị to lớn” và ảnh của 6 người này cùng xuất hiện tại một gian trong triển lãm, đồng thời ông Tôn Chính Tài còn bị chỉ đích danh là phần tử hủ bại “đan xen vấn đề chính trị và vấn đề kinh tế”.

Ngày 28/11, truyền thông Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng xác nhận cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Trương Dương bị điều tra từ ngày 28/8, và trong thời gian bị điều tra đã tự sát. Sau đó, truyền thông còn dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích Trương Dương là “sợ tội tự sát, là kẻ hai mặt điển hình”. Nhiều kênh truyền thông cũng đưa tin Trương Dương từng tham dự vào một âm mưu chính biến.

>> Quan to quân đội Trung Quốc treo cổ tự tử và bí ẩn phía sau

Trong đó, trang tin Đông Võng (Hồng Kông) hôm 21/11 đưa tin, được biết Trương Dương cùng Tôn Chính Tài và một số người khác ngầm cấu kết với nhau, có ý đồ phát động một cuộc “chính biến không đổ máu” trước Đại hội 19, do đó đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính quyền ĐCSTQ xác nhận.

Nhưng điều trùng hợp là, trong thời gian diễn ra Đại hội 19, chính quyền của ông Tập Cận Bình nhiều lần chỉ đích danh Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, v.v., là những kẻ “âm mưu soán đảng đoạt quyền” (tức “tội chính biến”). Khi đó dư luận đều cho rằng, chính quyền trung ương định tính đối với 6 “hổ lớn”, cũng tức là gián tiếp xác nhận phe phái ông Giang Trạch Dân trước đó đã nhiều lần phát động âm mưu chính biến lật đổ ông Tập Cận Bình.

Ngày 19/10, trong cuộc thảo luận phân tổ tại Đại hội 19, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán quốc gia Lưu Sĩ Dư lần đầu tiên tiết lộ Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài là những kẻ đại tham ô, đại hủ bại, vụ án mà họ dính líu đến là “âm mưu soán đảng đoạt quyền“.

>> Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc: Chu Vĩnh Khang – Bạc Hy Lai “âm mưu soán đảng đoạt quyền”

Ngày 19/10, trong buổi nói chuyện với truyền thông của đoàn đại biểu Trùng Khánh tại Đại hội 19, Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ cho biết, vụ án Tôn Chính Tài và Bạc Hy Lai có cùng tính chất về mặt chính trị.

Ngoài ra, trong báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được Đại hội 19 thông qua, cũng đã điểm tên chỉ mặt 6 “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài, “gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh chính trị của đảng và quốc gia”, “bành trướng dã tâm chính trị, làm các hoạt động âm mưu“. Truyền thông của ĐCSTQ còn nhắc đến tình hình tuyển cử tại Đại hội 17 và Đại hội 18, chỉ ra Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài từng lợi dụng hội nghị đề cử để thực hiện các hoạt động như vận động lôi kéo, mua bán phiếu bầu, v.v.

Điều này cũng cho thấy tin đồn Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch trước khi diễn ra Đại hội 18 đã lợi dụng hình thức bầu cử nội bộ để leo lên vị trí cao là có thật, gián tiếp xác nhận thông tin đương nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật khi đó là Chu Vĩnh Khang đã kết đồng minh với Lệnh Kế Hoạch.

Truyền thông Hồng Kông từng tiết lộ, Tổ tuần sát Trung ương đã phản hồi lại tình hình tuần sát thành phố Trùng Khánh, phê bình thành ủy Trùng Khánh bo bo giữ mình, làm trái với ý kiến chỉ đạo công tác của Trung ương đối với Trùng Khánh; “lãnh đạo đảng chính quyền kéo bè kết phái”; đối với trung ương “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Sau khi Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, truyền thông của ĐCSTQ cũng từng tiết lộ Tôn Chính Tài bị bắt bằng chiêu “hồi mã thương” của Tổ tuần sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Một nhân sĩ ở Bắc Kinh thuộc thế hệ đỏ thứ 2 của ĐCSTQ không muốn tiết lộ danh tính, cũng từng tiết lộ với báo Epoch Times về một vài nguyên nhân khiến ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”:  “Tôn Chính Tài là người kế nhiệm cách khóa thuộc phe ông Giang Trạch Dân. Vợ ông Tôn lập ra một câu lạc bộ quý bà ở Bắc Kinh, và có qua lại mật thiết với vợ của ông Lệnh Kế Hoạch là bà Cốc Lệ Bình. Ngoài ra, trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, ông Tôn Chính Tài đã làm một số hành động để trục lợi cá nhân. Cục trưởng Cục công an thành phố Trùng Khánh Hà Đình và phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Mộc Hoa Bình bị điều tra, cũng liên quan đến một số hoạt động của người Hồng Kông. Nghe nói hai người này vì muốn bảo vệ mình nên mới lôi ra ông Tôn Chính Tài.”

Trước đó, Đài phát thanh Pháp (RFI) cũng tiết lộ, người tình của ông Tôn Chính Tài đã thiết lập vỏ ngoài là một công ty tại Hồng Kông, lấy danh nghĩa “Một vành đai, một con đường” để cùng hợp tác với chính quyền Trùng Khánh, Tôn Chính Tài thông qua tâm phúc của mình là Mộc Hoa Bình đem 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150,9 triệu đô la Mỹ)  và quỹ “Một vành đai, một con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng chuyển sang công ty của người tình.

Ngày 9/10, cựu Phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh, Phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trùng Khánh, Cục trưởng Cục công an Trùng Khánh đồng thời bị lập án thẩm tra và giáng chức.

Tôn Chính Tài được người của ông Giang Trạch Dân là Giả Khánh Lâm, Lưu Kỳ, Tăng Khánh Hồng đề bạt, bồi dưỡng.

Tạp chí Minh Kính từng tiết lộ, Tôn Chính Tài nhờ con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ để tiếp cận với Tăng Khánh Hồng, sau đó lại được Tăng Khánh Hồng giới thiệu cho Giả Khánh Lâm (khi ông này còn làm Bí thư thành phố Bắc Kinh), về sau lại tiếp tục được vào Bộ Chính trị. Thực tế Tôn Chính Tài là đại diện cho thế lực phe phái Giang Trạch Dân.

Theo Đài phát thanh Mỹ (VOA) đưa tin, Tôn Chính Tài từng rất được những cựu lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ như Giả Khánh Lâm, Tăng Khánh Hồng khen ngợi, từng được coi là người kế tục quyền lực của phe phái ông Giang Trạch Dân trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.

Tuyết Mai

Xem thêm: