Các nhà phân tích và nhà quản lý sản xuất đã cảnh báo rằng chính sách cấp tiến “0 ca nhiễm” hay còn gọi là “zero COVID” của Trung Quốc trong cuộc chiến ngăn chặn biến thể Omicron có nguy cơ bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã kéo dài, đe dọa hoạt động sản xuất của các loại hàng hóa từ điện thoại thông minh đến đồ dùng gia đình.

id13466239 1c172812624721af16cea72d2aae76ff
Cảnh diễu phố thị chúng ở Bách Sắc – Quảng Tây kiểu thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc để trừng phạt người vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh chụp màn hình video).

Tờ Financial Times đưa tin, Bắc Kinh quyết tâm ngăn chặn bất kỳ sự lây lan quy mô lớn nào của COVID-19, đặc biệt là khi nước này chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng tới, và đã gấp rút áp đặt ra các hạn chế để giữ mục tiêu “0 ca nhiễm”.

Vụ phong tỏa ở khu đô thị trung tâm Tây An sẽ bước sang tuần thứ ba, buộc khoảng 13 triệu người phải ở nhà. Các biện pháp bao gồm xét nghiệm bắt buộc đã được thực hiện ở Thiên Tân, thành phố cảng 14 triệu dân cách Bắc Kinh 100 km, một số thành phố ở tỉnh Hà Nam (nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn của Đài Loan điều hành), cũng như một số khu vực Trung Sơn và Chu Hải, những nơi này gần trung tâm sản xuất của Hồng Kông.

Nhưng lây nhiễm có thể lan rộng hơn nữa. Bắc Kinh đã báo cáo trường hợp Omicron lây truyền tại địa phương đầu tiên vào thứ Bảy (ngày 15/1), chỉ vài tuần trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở thủ đô.

Cơ quan chức năng thành phố Bắc Kinh cho biết, người nhiễm bệnh này đã không ra khỏi Bắc Kinh trong hai tuần và không có liên hệ với các trường hợp được xác nhận khác. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, khu dân cư của bệnh nhân này đã bị phong tỏa và 2.430 người đã được xét nghiệm.

Tại một cuộc họp báo ngày 15/1, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, ca nhiễm ở Thượng Hải được báo cáo vào ngày 13 cũng được xác nhận là của Omicron.

“0 ca nhiễm” tấn công các công ty đa quốc gia

Các lệnh cấm là một bài kiểm tra đối với các công ty đa quốc gia, cũng là bài kiểm tra về việc liệu họ đã được trang bị năng lực tốt hơn để đối phó với sự gián đoạn trong sản xuất so với đại dịch thời kỳ đầu hay chưa.

Ông Ambrose Conroy, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chuỗi cung ứng Seraph có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Cùng với COVID, kỳ nghỉ Tết âm lịch và Thế vận hội sắp đến cùng nhau, chúng tôi có thể thấy một cơn bão hoàn hảo. Công ty hiện đã chuẩn bị tốt hơn cho các đợt phong tỏa ngắn hạn, nhưng việc đóng cửa rộng hơn trong một vài tuần sẽ gây ra sự tàn phá.”

Một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất Đài Loan ở Thâm Quyến cho biết, sự phong tỏa ở trung tâm sản xuất phía Nam của Trung Quốc sẽ “tồi tệ hơn so với năm 2020”.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hai năm trước, khi virus lây lan từ Vũ Hán ra nhiều nơi ở Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã chặn giao thông trên khắp đất nước. Các hạn chế đã ngăn cản hàng trăm triệu người lao động nhập cư đi lại trong kỳ nghỉ lễ quay trở lại làm việc. Các nhà máy đã được lệnh đóng cửa trong vài tuần.

Ông Didier Chenneveau, một đối tác chuyên gia của công ty tư vấn McKinsey, cho biết: “Khoảng thời gian này, tôi lo ngại hơn vì các chuỗi cung ứng trên khắp thế giới đã rất căng thẳng: việc vận chuyển đã bị trì hoãn kéo dài và tình trạng thiếu phụ tùng vẫn tồn tại.”

Những hạn chế mới nhất đã khiến các công ty đa quốc gia phải nếm trải mùi vị nguy hiểm. Các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Toyota đều đã đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân vào tuần trước. Tại Tây An, nhà sản xuất chip Samsung đã phải vật lộn để có được nhân viên làm việc vì việc phong tỏa.

Toyota, công ty đã bị gián đoạn chuỗi cung ứng lớn ở Đông Nam Á vào năm ngoái, cho biết việc đóng cửa nhà máy liên doanh ở Thiên Tân “không có khả năng ảnh hưởng toàn cầu đến nguồn cung của chúng tôi, vì đã có nhiều tiến triển trong nội địa hóa”.

Một số nhà quản lý công ty tin rằng việc Bắc Kinh tập trung ngăn chặn mọi rủi ro đối với Thế vận hội Mùa đông sẽ bảo vệ những nơi gần thủ đô khỏi một cuộc khủng hoảng Omicron toàn diện.

Vị giám đốc điều hành Đài Loan này nói, “Tất nhiên, nếu bạn bị phong tỏa, thì bạn đã rất không gặp may.”

Thành phố Ninh Ba, nơi có cảng container lớn thứ ba thế giới, đã báo cáo tình hình lây nhiễm và cấm xe tải đi vào, điều này làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn tàu thuyền.

Tại Samsung Electro-Mechanics, một công ty sản xuất linh kiện có nhà máy ở Thiên Tân, chính quyền địa phương đã yêu cầu công nhân không rời thành phố trong kỳ nghỉ năm mới để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vị Giám đốc điều hành người Đài Loan này cho biết, công ty của ông phải chịu áp lực phải đưa công nhân về quê nghỉ lễ, họ đã buộc phải 2 lần bỏ lỡ chuyến đi lại về quê ăn tết (xuân vận hàng năm).

Các nhà phân tích cho biết, nếu lây nhiễm lan rộng, các nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như hai năm trước, và rất ít công ty đã chuyển các bộ phận lớn trong chuỗi cung ứng của họ ra ngoài Trung Quốc.

Ông Didier Chenneveau nói: “Có ai thực sự giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng của họ chưa? Họ có chuyển quy mô sản xuất của họ ở châu Á về nước mình hoặc đến nơi gần quốc gia mình hay không? Đáp án là không có, bởi vì những việc này cần rất nhiều thời gian để hoàn thành.”

Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy, chỉ 60% số người được hỏi tăng lượng hàng tồn kho quan trọng và chỉ một nửa là tăng gấp đôi lượng mua hàng.

Mitsubishi Electric đang xây dựng một nền tảng để chia sẻ thông tin về tình trạng thiếu phụ tùng trong cơ sở dữ liệu với các nhà cung cấp, nhưng phải cần đến năm 2025 mới có thể hoàn thành.

Ở các nền kinh tế khác, việc ngừng hoạt động do virus thực sự đã làm tăng sự phụ thuộc của nhiều ngành vào Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.

Một ví dụ điển hình là việc sản xuất tụ điện gốm nhiều lớp (MLCC), đây là thành phần lưu trữ năng lượng được sử dụng trong bất kỳ sản phẩm nào có mạch điện. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Trendforce, gần một nửa năng lực suất sản xuất tụ điện gốm nhiều lớp trên thế giới là ở Trung Quốc.

Ông Forrest Chen, một nhà phân tích về MLCC tại Trendforce, cho biết: “Dù sao thì tụ điện gốm nhiều lớp vẫn luôn trong trạng thái thiếu, và thường mỗi nhà máy chuyên về một sản phẩm duy nhất, vì vậy khi một nhà máy ngừng hoạt động, không nhà máy nào khác có thể làm phương án dự phòng.”

Tại sao Murata chuyển đến Thái Lan?

Murata, một nhà sản xuất tụ điện gốm đa lớp của Nhật Bản, đang xây dựng một nhà máy ở Thái Lan để giảm sự tập trung quá mức ở Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, Chủ tịch Murata Kiyo Nakajima cho biết, nhà máy mới ở Thái Lan sẽ được mở rộng. Cuối cùng, nó sẽ trở nên lớn như nhà máy ở Vô Tích, gần Thượng Hải, nơi Murata sản xuất tụ điện gốm nhiều lớp cho thiết bị điện tử tiêu dùng.

Murata đang thích nghi với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi và môi trường kinh doanh đang thay đổi. Hiện tại, hơn một nửa thu nhập của Murata là dựa vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà sản xuất tụ điện dự kiến ​​tỷ trọng doanh thu tại Trung Quốc sẽ giảm khi họ đặt mục tiêu tăng trưởng trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Một nhà tư vấn làm việc với các công ty điện tử cho biết: “Mọi người đều đang cố gắng thiết lập một nhà cung cấp thứ hai bên ngoài Trung Quốc. Điều này bao gồm việc tìm kiếm các nguồn thay thế để mua các bộ phận và xác định các vị trí trong nhà máy của chính bạn để có thể dùng làm dự phòng.”

Nhưng ông Forrest Chen nói: “Không có thỏa thuận nào trong số này đủ sâu. Sẽ mất từ ​​3 đến 5 năm để đa dạng hóa về mặt địa lý.”

Vị thế trung tâm sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm

Ngoài ra, Trung Quốc đang đánh mất lợi thế về lao động giá rẻ và lực lượng lao động lớn khi nhân khẩu học thay đổi. Giám đốc của Murata nói, “Quốc gia đông dân nhất hiện nay có thể là Trung Quốc, nhưng vào năm 2030 sẽ là Ấn Độ, và sau đó sẽ là châu Phi”.

Dân số Trung Quốc đang thu hẹp ở mức báo động. Người ta ước tính rằng dân số Trung Quốc có thể giảm một nửa trong vòng 45 năm tới. Tỷ lệ sinh chậm 1,3 và tuổi thọ trung bình cao hơn đang khiến dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.

Đến năm 2050, 39% dân số Trung Quốc sẽ quá tuổi nghỉ hưu. Điều này sẽ khiến lao động giá rẻ và dồi dào, cũng như động lực thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất của Trung Quốc biến mất. Do đó, các tập đoàn đa quốc gia và những người khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất như Murata cho rằng kiên trì hợp tác với Bắc Kinh sẽ không có ý nghĩa, và họ đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đất nước cộng sản này.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: