Việc quan chức Trung Quốc công bố “Kế hoạch phòng chống đậu mùa khỉ” vào lúc đêm khuya ngày 26/7 đã thu hút sự chú ý và lo lắng của dư luận. Kế hoạch này được xây dựng và ban hành bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cùng Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc.

shutterstock 2158549553
(Ảnh minh họa: Berkay Ataseven/Shutterstock)

Ông Thi Quốc Khánh (Shi Guoqing), Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp thuộc CDC, cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc gần giữa nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Bản kế hoạch cho biết: Đối với những trường hợp mắc đậu mùa khỉ cần “phát hiện sớm, cách ly sớm”. Những người tiếp xúc gần phải tự cách ly và theo dõi sức khỏe, thời hạn là 21 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không được ra ngoài, trừ trường hợp cần thiết, nếu khiến dịch bệnh lan rộng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo “Kế hoạch phòng chống đậu mùa khỉ” do WeChat của CDC quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 26/7, phải tuân thủ nguyên tắc “phòng ngừa là chính, kết hợp giữa phòng ngừa và chữa trị, phòng ngừa và kiểm soát chính xác, xử lý nhanh chóng”.

Triển khai biện pháp “phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm và điều trị sớm”, đồng thời thực hiện giám sát đa kênh gồm các tổ chức y tế, cụm dân số trọng điểm, nhân viên nhập cảnh và địa điểm trọng điểm. Kiên trì thực hiện việc “cùng nhau phát hiện, cùng nhau kiểm soát”, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bản kế hoạch nói rằng đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 5 – 21 ngày, đa phần từ 6 – 13 ngày, quá trình bệnh phát tác khoảng 2 – 4 tuần. Bệnh nhân có khả năng miễn dịch thấp có thể mắc bệnh lâu hơn. Tuy nhiên, với hầu hết các trường hợp, triệu chứng bệnh sẽ tự biến mất, cũng xuất hiện những ca nghiêm trọng và tử vong, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch kém.

Kế hoạch chỉ ra rằng với những ca bệnh nhẹ và có điều kiện điều trị, cách ly tại nhà, thì sau khi các tổ chức y tế và kiểm soát dịch bệnh đánh giá chung, có thể trực tiếp cách ly tại nhà, và chỉ định người tới nhà tư vấn và hướng dẫn y tế, hoặc theo dõi sức khỏe qua điện thoại.

Về định nghĩa những người tiếp xúc gần, bản kế hoạch cho biết đó là những người trực tiếp tiếp xúc với các nốt đậu mùa khỉ, các vật phẩm bị ô nhiễm, hoặc động vật bị nhiễm bệnh, cùng dịch tiết và chất thải của chúng, cũng như tiếp xúc nghề nghiệp, hoặc hít phải giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh khi tiếp xúc gần trong thời gian dài, v.v.

Sau khi đánh giá, người có nguy cơ lây nhiễm đều là những người tiếp xúc gần. CDC và các tổ chức y tế sẽ hướng dẫn những người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe của mình. Thời hạn là 21 ngày, kể từ ngày tiếp xúc gần cuối cùng.

p3366041a838969005
CDC quốc gia Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch phòng chống đậu mùa khỉ” vào giữa đêm khuya. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Ngày 27/7, “Thông báo về việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ khi cách ly tại nhà” được công bố trên Weibo. Việc cách ly tại nhà cần có một phòng đơn, tránh tiếp xúc trực tiếp qua da và niêm mạc với với người nhà, tránh dùng chung vật dụng cá nhân, đo nhiệt độ cơ thể và theo dõi các triệu chứng mỗi ngày.

Bệnh nhân nhất thiết không được ra ngoài, tránh đi xe buýt công cộng. Nếu lây bệnh cho người khác hoặc gây dịch bệnh phân cụm, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

p3366042a322512609
Thông báo về việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ khi cách ly tại nhà. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Trước vấn đề này, cư dân mạng Đại Lục dấy lên nhiều lo ngại như:

“Tôi thực sự không dám ở khách sạn.” 

“Ở các nước phát triển hơn, bệnh đậu mùa khỉ, một loại vi-rút có đường lây truyền hạn chế, cũng không thể bị loại bỏ, còn muốn tự theo dõi, đấy là đang nuôi vi-rút, khiến HIV (AIDS) lan rộng thì mới hài lòng.”

“Trong thời đại ‘bác sĩ không đeo khẩu trang’ ngày nay, thực sự có thể kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng bệnh viện hay không?”

Theo báo cáo, đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trung Quốc đã tìm thấy ca bệnh đầu tiên vào tháng 9/2022. Từ tháng 6/2023, Bắc Kinh, Quảng Châu và những nơi khác cũng phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc đậu mùa khỉ.

Vào tháng 6, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo 106 trường hợp. Nhưng dữ liệu công khai của giới chức luôn bị ngoại giới nghi ngờ.

Lần này giới chức Trung Quốc lại công bố “Kế hoạch phòng chống đậu mùa khỉ” vào đêm khuya làm dấy lên nỗi lo về việc che giấu thực trạng của dịch đậu mùa khỉ mới tại Trung Quốc Đại Lục.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, vắc-xin đậu mùa khỉ đã được lưu hành và sử dụng ở nước ngoài, nhưng Trung Quốc mới đang trong quá trình phát triển, do vậy hiện Trung Quốc chưa có vắc-xin phòng căn bệnh này.

Bình Minh (t/h)