Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tuyên bố sẽ kiên quyết ngăn chặn tình trạng hạn chế sử dụng điện. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện ở Trung Quốc vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều tỉnh thành khác nhau, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng điện sinh hoạt của người dân.

Thiếu diện ở Trung Quốc
Các tòa nhà bị cắt điện tại Trung Quốc vào tháng 9/2021. (Nguồn: Chụp màn hình video)

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 17/8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã đến Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc để thị sát và chủ trì một hội nghị tọa đàm. Tại hội nghị, ông Hàn Chính nói rằng an ninh năng lượng và cung cấp điện là sự đảm bảo cơ bản cho hoạt động ổn định của kinh tế và xã hội.

Ông Hàn Chính cho biết, việc đảm bảo cung cấp điện đang trong thời kỳ quan trọng, và sẽ không có sơ xuất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp điện. Tăng cường bảo vệ các khu vực trọng điểm, đảm bảo an toàn cung cấp điện, kiên quyết ngăn chặn việc hạn chế điện. Đặt sản xuất an toàn lên hàng đầu và giữ vững giới hạn sản xuất an toàn thấp nhất.

Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện ở Trung Quốc vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Tất cả các khách hàng sử dụng điện công nghiệp tại Tứ Xuyên (bao gồm cả các doanh nghiệp trọng điểm được bảo hộ trong danh sách trắng) sẽ ngừng sản xuất từ ​​00:00 ngày 15/8 đến hết 23:00 ngày 20/8/2022.

Hơn nữa, tình trạng thiếu điện còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ điện của người dân. Công ty TNHH Tập đoàn Điện lực Đạt Châu Tứ Xuyên đã đưa ra “Thông báo hạn chế nguồn điện có thứ tự” vào chiều ngày 16/8, nêu rõ rằng nếu tất cả các biện pháp vẫn không thể làm giảm áp lực cung cấp điện, việc hạn chế điện sẽ được thực hiện đối với người dùng dân cư trong khu vực quản hạt và mỗi đường điện sẽ tiếp tục hạn chế với thời lượng dự kiến ​​là khoảng hai tiếng rưỡi.

Ngoài ra, các tỉnh như Giang Tô, Chiết Giang, An Huy cũng xảy ra tình trạng thiếu điện.

Ngày 18/8, Công ty chứng khoán CITIC đưa ra báo cáo nghiên cứu cho thấy, các tỉnh thực hiện hạn chế điện lần này có thể chủ yếu là các tỉnh thủy điện và một số tỉnh ở trung và hạ lưu sông Dương Tử bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng. 

Năm 2021, giá trị gia tăng công nghiệp của 9 tỉnh này (Tứ Xuyên, Vân Nam và 7 tỉnh, thành phố ở trung và hạ lưu sông Dương Tử) chiếm khoảng 42% giá trị gia tăng công nghiệp cả nước. Tham khảo kinh nghiệm trước đây, tác động của hạn chế điện là tương đối lớn trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng với mức tiêu thụ điện cao. Giả định rằng các ngành công nghiệp này chiếm khoảng 35% giá trị gia tăng công nghiệp và thời gian ngừng hoạt động là khoảng 5 ngày, và xem xét rằng các tỉnh công nghiệp lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử sử dụng điện một cách có trật tự chứ không phải là hạn chế điện một cách toàn diện, ước tính thời gian hạn chế điện lần này đối có ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp hàng tháng khoảng 1 điểm phần trăm. Năm 2021, giá trị gia tăng công nghiệp cả nước chiếm khoảng 39% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), dựa vào đó có thể tính rằng tác động của hạn chế điện này lên GDP hàng quý vào khoảng 0,13 điểm phần trăm.

Theo biên bản hội nghị chuyên gia được công bố bởi nhà phân tích tài chính nổi tiếng Hồng Hạo cho thấy, nhiều nơi trong năm nay đã gặp phải tình trạng nhiệt độ cao và thời tiết khắc nghiệt hiếm có trong hàng chục năm qua. Hầu hết các nguồn cung cấp điện của Tứ Xuyên là thủy điện, và thủy điện chiếm 78%, cung cấp hơn 80% sản lượng điện, lượng điện thiếu hụt hiện nay là 10 triệu kW. Điện mặt trời cũng bị ảnh hưởng, đôi khi nhiệt độ càng cao thì lượng điện từ tấm pin quang điện càng ít sinh ra. Những điều trên khiến người dân hết sức lo lắng về vấn đề tiêu thụ điện. Dự kiến ​​việc cắt giảm điện ở Tứ Xuyên và các tỉnh khác sẽ trở thành việc thường xuyên, và nhu cầu cao cũng ảnh hưởng đến chi phí giá cả tăng cao, việc hạn chế điện trong thời gian ngắn rất khó có thể cân bằng, bởi vì không giống như năm ngoái tăng lượng cung ứng than là có thể giải quyết được vấn đề, rất khó để điều chỉnh lượng điện truyền tải đi khu vực khác vì đó là thỏa thuận khung giữa chính quyền các địa phương với nhau. Chỉ khi các tỉnh khác không hỗ trợ được thì mới thực hiện hạn chế sử dụng điện. Trong số các khu vực bị cắt điện nghiêm trọng vào năm ngoái, tình trạng sử dụng điện ở các khu vực như Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam cũng rất căng thẳng.

(Hội nghị chuyên gia về sự kiện hạn chế sử dụng điện tại tỉnh Tứ Xuyên.)

Các chuyên gia cho rằng việc mất điện sẽ có tác động đến nền kinh tế. Lấy Tứ Xuyên làm ví dụ, tổ máy nhiệt điện đã ở trạng thái hoạt động hết công suất, vận hành đầy tải. Nếu tình trạng mất điện tiếp tục kéo dài đến cuối tháng này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến GDP.

Về tương lai, các chuyên gia cho rằng sản lượng thủy điện năm nay của Trung Quốc sẽ giảm 40%, mùa mưa trong tháng 10 về cơ bản sẽ kết thúc và thời kỳ mùa đông sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn. Nếu những vấn đề tương tự vẫn xảy ra trong năm tới và năm sau, thì chỉ có thể tăng toàn bộ công suất phát nhiệt điện than và tăng cung cấp than, điều này cần có sự hỗ trợ của lưới điện và toàn bộ doanh nghiệp nhiệt điện than, tuy nhiên trong thời gian ngắn thì không thể làm được.