Trả lời phỏng vấn trước sau bất nhất, Nhậm Chính Phi đang lo lắng?
- Trí Đạt
- •
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, theo thống kê trong thời gian 31 năm, kể từ năm 1987 Huawei được thành lập đến nay, ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn của truyền thông không quá 10 lần. Tuy nhiên gần đây Huawei liên tiếp đối mặt với nhiều thông tin phụ diện, nên trong 4 ngày ông Nhậm Chính Phi đã xuất hiện 3 lần trên truyền thông, đồng thời đã gửi 2 bức thư cho toàn bộ nhân viên Huawei. Hàng loạt những hành động này đã khiến cho dư luận phải chú ý.
Mạnh Vãn Châu bị bắt, rốt cuộc là nhắm vào ai?
Ngày 15 và 17/1, ông Nhậm Chính Phi đã lần lượt trả lời phỏng vấn của truyền thông trong và ngoài Trung Quốc, tiếp đó, trong ngày 17, ông lại tiếp tục xuất hiện trong chương trình “Đối mặt” của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Đến ngày 18/1, ông Nhậm lại tiếp tục ký 2 bức thư gửi đến nội bộ nhân viên của toàn công ty, đồng thời cũng truyền đạt ra bên ngoài thái độ và cách giải quyết của Huawei.
Trong 3 lần trả lời phỏng vấn, ông Nhậm Chính Phi đều nói đến con gái Mạnh Vãn Châu.
Mạnh Vãn Châu là con đầu của Nhậm Chính Phi, cũng là Giám đốc Tài chính của Huawei. Ngày 1/12/2018, Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ vì liên quan đến vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, sau khi thông tin được công bố đã khiến dư luận thế giới chú ý.
Trong cuộc phỏng vấn, Nhậm Chính Phi đã nói về chi tiết con gái bị bắt giữ. Ông nói, Mạnh Vãn Châu vốn sẽ cùng ông đến Argentina để cùng tham dự một cuộc họp, Mạnh Vãn Châu là người chủ trì cuộc họp đó, tuy nhiên lại bị cơ quan chức năng Canada bắt giữ khi đang chuyển máy bay. Ông xuất phát chậm hơn 2 ngày, chuyển máy bay ở một nơi khác.
Ông nói, sau khi Mạnh Vãn Châu xảy ra chuyện, ông đã nói chuyện với Mạnh, “gọi điện thoại nhưng cũng chỉ nói chuyện đùa thôi”, ông Nhậm cũng cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã ra sức bảo vệ Mạnh Vãn Châu, đồng thời ông cũng phủ nhận Huawei “hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, người đứng đầu các cơ quan an ninh và các cơ quan tình báo của Mỹ như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã liên tiếp đứng ra làm chứng, cáo buộc điện thoại và thiết bị thông tin của Huawei và ZTE tiềm ẩn nguy cơ bảo mật.
Người đứng đầu cơ quan tình báo Canada cũng ra mặt cho biết, thiết bị mạng 5G của Huawei có tiềm ẩn nguy cơ về an ninh; cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper kêu gọi chính phủ Canada cần cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G.
Về vấn đề này, dư luận cho rằng Mỹ và Canada liên thủ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, chủ yếu là nhắm vào Huawei, thậm chí nhắm vào chỗ dựa của Huawei là chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nhậm Chính Phi lại nói, “tôi không nhìn thấy E-mail mà Bộ Tư Pháp Mỹ liên lạc với Bộ Tư pháp Canada, … tương lai vẫn là nhìn vào việc tòa án công khai sự qua lại giữa họ, lúc đó tôi mới biết được liệu họ có thực sự nhắm vào con gái tôi không.”
Tiến triển mới nhất là, phía Mỹ sẽ chính thức đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với Mạnh Vãn Châu, còn Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã công khai xác nhận thông tin này.
Nói về sự phát triển của 5G nhưng né tránh khủng hoảng mà Huawei đối mặt
Ngoài sự kiện Mạnh Vãn Châu, Huawei gần đây còn đối mặt với thông tin phụ diện khác đó là phát triển mạng 5G có tồn tại về vấn đề an ninh.
Hiện tại Huawei đã ký được 30 hợp đồng xây dựng mạng 5G trên toàn thế giới, nhưng do Huawei liên quan đến vấn đề an ninh thông tin, nên đã liên tiếp bị các nước như Mỹ, Úc, Pháp, Nhật tẩy chay.
Tháng 1 năm nay, một quản lý gốc Hoa của Huawei bị Cục An ninh Ba Lan bắt giữ do liên quan đến hoạt động gián điệp. Vì thế mà thị trường lớn nhất ở nước ngoài của Huawei là châu Âu đã bắt đầu lay động.
Anh Quốc đã tiến hành đàm phán với Huawei về vấn đề an toàn của thiết bị do công ty này sản xuất; chính phủ Đức cũng thay đổi lập trường, đang bàn bạc xem dùng phương án nào để ngăn chặn Huawei tham gia vào mạng 5G của nước mình.
Đối với Huawei, công nghệ 5G của Huawei đang bị thế giới vây chặn, ông Nhậm Chính Phi cho biết, “chúng tôi không đáng lo ngại như những gì mà bên ngoài đang tưởng tượng”, tuy nhiên, Nhật báo Kinh tế Hồng Kông dẫn phân tích cho biết, hiện tại Huawei đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có từ khi thành lập tới nay.
Doanh thu tăng nhanh? 3 lần trả lời phỏng vấn mâu thuẫn
Mất đơn đặt hàng thiết bị 5G từ các nước phát triển như Anh, Úc, Nhật, lại thêm bê bối điện thoại thông minh tự động “để lại cửa hậu” (back dooor), nên thành tích tăng trưởng năm nay của Huawei cũng bị ảnh hưởng.
Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn của truyền thông trong ngoài Trung Quốc cho biết, năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Huawei có thể sẽ giảm mức dưới 20%.
Tối ngày 18/1, trong cuộc họp thường niên, Huawei đã công bố tổng mục tiêu thu nhập trong năm 2019 là 125,9 tỷ USD, mục tiêu thu nhập từ nhóm khách hàng tiêu dùng là 65 tỷ USD, nhà khai thác là 44,1 tỷ USD, doanh nghiệp là 16,8 tỷ USD.
Trước đó, ông Quách Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị luân phiên của Huawei đã tiết lộ trong lời chúc năm mới 2019 cho biết, doanh thu dự kiến của Huawei năm 2018 là 108,5 USD, dựa vào đây có thể dự đoán tốc độ tăng trưởng thu nhập của Huawei giảm 16% trong năm 2019.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, trong cuộc trò chuyên trên CCTV, ông Nhậm Chính Phi lại nói một cách hùng hồn rằng: “Năm nay tăng trưởng của chúng tôi ít nhất là 20%, mỗi phòng ban đều nóng lòng muốn thử đăng ký chỉ tiêu cao, tôi còn bảo họ hạ thấp báo cáo kế hoạch xuống một chút, nếu không tiền thưởng ở trên sẽ đè nghẹt thở các vị đấy.”
Còn về vấn đề vì sao lại có sự mâu thuẫn trong phát biểu trong các cuộc phỏng vấn khác nhau, cho đến hiện nay, Huawei chưa đưa ra trả lời.
Huawei cắt giảm nhân sự, không ủng hộ tự chủ sáng tạo
Nội dung mới nhất trong thông báo nội bộ của ông Nhậm Chính Phi là, trong vài năm tới, Huawei sẽ đối mặt với tình hình không lạc quan, “chúng ta cần chuẩn bị đón những ngày tháng khó khăn, cần đưa ra dự doán chính xác về hình thế kinh tế”.
Ông còn cho biết, công nghệ thông tin thế hệ thứ 5 (mạng 5G), “không thể nào phát triển với thế như chẻ tre giống mạng 4G, có thể là đông nổ một bom, phía Tây nổ một quả bom. Nếu không thể nổ thành một vùng rộng, chúng ta vẫn sẽ phải nuôi sống 180 nghìn nhân viên”, “nếu không sản xuất được nhiều lương thực như vậy, thì làm thế nào có tiền để chia?
Nhậm Chính Phi nói thẳng, “30 năm trước, chúng ta đã rất thuận lợi”, tương lai “tất cả đều dựa vào [chiến lược] tác chiến”.
Dư luận chú ý đến việc, Huawei nổi tiếng nhờ đầu tư nghiên cứu phát triển, nhưng Nhậm Chính Phi nói không ủng hộ “tự chủ sáng tạo”. Ông nói, “Về tinh thần, tôi ủng hộ tự chủ sáng tạo. Tất cả sự sáng tạo của các nhà khoa học đều là tự chủ, nó là một loại tinh thần. … Tuy nhiên chúng ta không thể ở ở tầng diện thấp mà nhấn mạnh tự chủ sáng tạo.”
Ông cho rằng, Huawei chỉ cần bước lên đôi vai của người đi trước để tiến lên là được, như vậy sẽ rút ngắn tiến trình dẫn đầu thế giới.
Vì sao Huawei không bao giờ vượt khỏi biên giới?
Mặc dù Huawei đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển, nhưng Nhậm Chính Phi cũng cũng nói rõ Huawei “không vượt qua biên giới”.
Ông nói, nghiệp vụ của Huawei là “Huawei lấy điện lưu điện tử làm lĩnh vực trung tâm, không phải lĩnh vực này đều phải cắt giảm”, “không thay đổi phương hướng hiện tại, thì không bước vào lĩnh vực chưa quen thuộc”.
Tài liệu công khai của Huawei cho thấy, Huawei thành lập năm 1987, phạm vi nghiệp vụ là mạng viễn thông, mạng doanh nghiệp, thiết bị đầu cuối và điện toán đám mây. Các sản phẩm mạng viễn thông của hãng chủ yếu bao gồm thiết bị chuyển mạng, mạng truyền dẫn, mạng truy cập cố định không dây và có dây, mạng truyền thông dữ liệu và các sản phẩm đầu cuối không dây trong mạng truyền thông. Từ năm 2012, Huawei trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Trước khi ông Nhậm Chính Phi thành lập Huawei, ông đã từng là kỹ sư trong quân đội Trung Quốc. Năm 1987, ông tham gia vào đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó lấy thân phận là đại diện khoa học công nghệ của quân đội để tham gia Đại hội Khoa học toàn quốc. Năm 1983, Nhậm Chính Phi rời khỏi quân đội.
Dư luận vẫn luôn có nhiều bàn tán về bối cảnh quân đội của ông Nhậm Chính Phi.
Về vấn đề này, trong cuộc phỏng vừa qua, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh, “hai điều này không có tính liên quan, mọi người không nên lẫn lộn mô hình doanh nghiệp và hình thái ý thức. Ví dụ, tôn giáo phương Tây tin vào Thượng đế, tin vào Thần, nhưng tàu hỏa là do họ thiết kế, là dựa vào than đá để hoạt động”. Ý của ông là, đảng Cộng sản Trung Quốc là một tín ngưỡng của ông.
Tuy nhiên, từng có nhân viên Huawei tiết lộ, nội bộ Huawei vận hành giống như một cơ cấu đặc vụ trong hoạt động thương mại, điều phối nhân viên đều nghe lời của đảng Cộng sản Trung Quốc, còn cung cấp dịch vụ mạng cho một nhánh bộ đội mạng tinh nhuệ của quân đội Trung Quốc.
Giáo sư Anthony Glees – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo và An ninh thuộc Đại học Buckingham cũng chỉ ra, tại Trung Quốc, công ty và đảng bộ thông thường đều giữ mối quan hệ vô cùng mật thiết.
Bên cạnh đó, văn bản luật của Trung Quốc còn quy định rõ, chỉ cần chính phủ yêu cầu, bất cứ công ty tư nhân của Trung Quốc hay công dân Trung Quốc đều cần phải hợp tác với cơ quan tình báo.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Huawei Mạnh Vãn Châu Nhậm Chính Phi