Chủ nghĩa nằm ngửa trở thành mục tiêu chỉ trích của ĐCSTQ sau khi đã trở nên phổ biến trên mạng Internet Đại Lục. Các cuộc thảo luận liên quan bị chặn hoặc biến mất khỏi các mạng xã hội, nhưng chủ đề này lại vẫn không ngừng gây sốt. Giới phân tích cho rằng “chủ nghĩa nằm ngửa” bộc lộ sự bất mãn, phản kháng và ý thức bất hợp tác của người dân về hiện trạng xã hội. Một số cư dân mạng thẳng thừng nói rằng: “Tôi không muốn quỳ, (nhưng) không thể đứng được, tôi chỉ có thể nằm xuống”.

shutterstock 662022781
Những người trẻ “nằm ngửa” của Trung Quốc trở thành mục tiêu chỉ trích của truyền thông ĐCSTQ, rằng họ đang làm trầm trọng thêm vấn đề dân số già đi ở nước này vì quan niệm làm việc ít hơn, không mua nhà, không kết hôn và không sinh con của họ. (Nguồn: Shutterstock)

“Nằm ngửa” trở thành từ nhạy cảm 

Thuật ngữ “nằm ngửa” xuất hiện lần đầu tiên trong bài đăng “Nằm ngửa tức là chính nghĩa” trên mạng Baidu Tieba, hiện đã bị xóa. Tuy nhiên, đây vẫn là chủ đề nóng, thậm chí đã từng là tìm kiếm nóng trên Weibo, và nhiều khu vực thảo luận “nằm ngửa” nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội Đại Lục.

“Nhóm nằm ngửa” trên Douban đã bị đóng ngay lập tức, và các bài đăng “nằm ngửa nhé” của Baidu Tieba cũng không còn có thể truy cập.

Để khảo sát chủ đề, phóng viên báo Epoch Times tìm kiếm xung quanh chủ đề “Nhóm nằm ngửa” của Douban đã cho ra kết quả trắng với dòng “Ah … nhóm này không còn nữa”; trang chính “nằm ngửa nhé” của Baidu Tieba vẫn còn, nhưng  truy cập từng bài đăng sẽ xuất hiện thông báo “Xin lỗi, trang bạn muốn truy cập không tồn tại.”

Trong bài viết “Nằm ngửa tức là chính nghĩa”  đã bị xóa, tác giả cho biết: “Hơn 2 năm không làm việc rồi, đều đang chơi, không cảm giác có chỗ nào đó không đúng. Áp lực chủ yếu đến từ việc muốn định vị bản thân sau khi so sánh những người xung quanh với nhau, và quan niệm truyền thống của các bậc trưởng bối. Chúng sẽ liên tục xuất hiện bên cạnh bạn. Mỗi khi bạn đọc được thông tin về tìm kiếm nóng thì thấy đều là chuyện yêu đương của các minh tinh, ‘xung quanh chuyện sinh đẻ’ như mang thai chẳng hạn, giống như có những thứ ‘sinh vật không nhìn thấy’ đang tạo ra một loại tư duy cưỡng ép lên bạn. Con người không nhất định phải như thế. Tôi có thể giống như Diogenes chỉ ngủ trong thùng gỗ của mình để phơi nắng, cũng có thể giống như Heraclitus trú ở trong hang động để suy nghĩ về những biểu trưng (logos). Nếu trên mảnh đất này chưa bao giờ thực sự tồn tại trào lưu tư tưởng đề cao tính chủ thể của con người, vậy tôi có thể tự tạo cho bản thân mình, ‘nằm ngửa’ chính là vận động của kẻ trí giả như tôi, chỉ có ‘nằm ngửa’ thì con người mới là thước đo vạn vật.”

Cư dân mạng định nghĩa thuật ngữ “nằm ngửa” “không làm việc, không mua nhà, không mua đồ, không tiêu dùng, không kết hôn, không sinh con, giảm dục vọng, dùng đồ thấp cấp để duy trì sinh tồn và không chịu trở thành cỗ máy kiếm tiền và bị bóc lột như nô lệ của người khác.”

Phân tích: “Nằm ngửa” tiết lộ sự bất hợp tác nhằm thách thức ĐCSTQ

Sau khi ĐCSTQ cấm chủ đề “nằm ngửa”, một số cư dân mạng nói: “Chính quyền Trung Quốc cho phép mọi người cười nhạo bản thân thấp hèn, là ‘rau hẹ’ (chỉ người dân tầng lớp thấp nhất) nhưng họ không được phép nói về ‘nằm ngửa’. Lý do cơ bản là ‘dân nằm ngửa’ thừa nhận rằng đã phải chịu đựng sự bất công xã hội.” Đằng sau “chủ nghĩa nằm ngửa” là những áp lực và khó khăn mà những người trẻ ở Trung Quốc hiện đại phải đối mặt. Họ sử dụng thái độ phản kháng thụ động để ngầm bày tỏ sự bất mãn của mình với hiện trạng của xã hội. 

Tờ Apple Daily của Hồng Kông hôm 29/5 dẫn lời phân tích của học giả chính trị Ngô Cường (Wu Qiang) rằng: “Từ chối tiêu dùng, từ chối đấu tranh, từ chối bị cắt ‘rau hẹ’, từ chối bị tư bản và nhà nước áp bức… Xã hội Trung Quốc đang trong tình trạng bị đàn áp chính trị và đình trệ xã hội, để tìm một nhận thức chung có tính đoàn kết tương đối cao, đã xuất hiện dưới hình thức chủ nghĩa nằm ngửa.”

Trong vòng kết bạn WeChat, một bài thơ với chủ đề “nằm ngửa” đã trở nên phổ biến trên mạng, có đoạn viết: “Nằm ngửa là để không khom người. Nằm ngửa là để không cúi quỳ. Nằm ngửa nghĩa là đang đứng ngang. Nằm ngửa là thẳng băng xương sống.”

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) trích một bài phân tích vào ngày 1/6, cho biết “chủ nghĩa nằm ngửa” bộc lộ một số suy nghĩ bất hợp tác, mà các nhà độc tài là những người cảnh giác nhất; sự xuất hiện của “chủ nghĩa nằm ngửa” đã thực sự thách thức các giá trị của chính quyền ở mức độ nào đó. Trung Quốc xuất bất kỳ dấu hiệu nào của sự bất tuân, hoặc mầm mống của sự chống đối hoặc thậm chí là sự phản kháng, chính quyền đương nhiên sẽ phải cảnh giác!

Truyền thông đảng mắng cư dân mạng: không muốn quỳ, không thể đứng, thì chỉ có thể nằm ngửa

Sau khi trở nên phổ biến trên Internet, “Chủ nghĩa nằm ngửa” đã bị các kênh truyền thông đảng Tân Hoa xã và Nam Phương Nhật báo chỉ trích là “không biết xấu hổ”.

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục New Oriental, ông Du Mẫn Hồng (Yu Minhong) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân trẻ Trung Quốc lần thứ 4 ngày 30/5: “Giới trẻ hiện nay thích ‘nằm ngửa’, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của đất nước?”

Lời nhận xét của ông Du Mẫn Hồng nhanh chóng xuất hiện trong lượt tìm kiếm nóng trên Weibo, làm dấy lên chỉ trích từ nhiều cư dân mạng. Một số cư dân mạng cho rằng: “Các ông cho tôi đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nghỉ, có thể nuôi gia đình, không phải lo vay nợ, cầm cố xe, không phải lo lắng, tôi lập tức ngồi dậy, tuyệt đối sẽ không nằm!”

Một cư dân mạng khác cho rằng: “Không bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, cũng không nói gì đến phúc lợi cho người lao động, chỉ biết ngồi trên cao nhìn xuống, trịch thượng chê bai người khác ‘nằm ngửa’, cũng chẳng có tác dụng gì! Nếu thu nhập lao động hợp lý, cường độ làm việc và thời gian hợp pháp, 35 năm không bị vắt kiệt, nghề nghiệp có thể phản ánh giá trị của con người, con người hăng hái đứng lên phấn đấu cho cuộc sống hạnh phúc, thì ai còn muốn nằm ngửa?”

Đài Á Châu Tự Do trích dẫn một bài phân tích hôm 2/6 cho rằng “chủ nghĩa nằm ngửa” không phải là danh từ chỉ những người không muốn cầu tiến trong mắt một số người, mà còn có những vấn đề xã hội sâu xa hơn đằng sau nó.

Học giả tài chính Trung Quốc, ông Hạ Giang Binh (He Jiangbing), nói với Đài Á Châu Tự Do rằng “chủ nghĩa nằm ngửa” đại diện cho một loạt các vấn đề xã hội, bao gồm sự thu hẹp của các doanh nghiệp tư nhân, sự già hóa của dân số gây áp lực đè nén lên không gian việc làm của người trẻ và với chi tiêu cho gia đình ngày càng tăng, văn hóa làm việc “996” (9 giờ sáng làm việc đến 9 giờ tối mới nghỉ, mỗi tuần làm việc 6 ngày) không thể khiến những người trẻ thành công.

Ông nói: “Không muốn lấy vợ sinh con thì làm sao dám có con? Dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ là giai tầng cu li, dù có phấn đấu đến đâu cũng không thoát khỏi phận 996, chỉ càng thêm mệt mỏi. Nhiều lý do dẫn đến cuộc sống kiểu vậy, không lấy được vợ, không có con, không tiêu dùng, không mua xe…”

Trước đó, dữ liệu từ Sina Finance của Trung Quốc cho thấy, mức lương trung bình ở Bắc Kinh vào năm 2020 là 6.906 Nhân dân tệ (tương đương 25 triệu đồng) và mức lương trung bình ở Thượng Hải là 6.378 Nhân dân tệ (tương đương 23 triệu đồng). Theo báo cáo của Công ty môi giới bất động sản lớn nhất Trung Quốc KE Holdings ngày 27/5, giá nhà đất ba thành phố có tỷ lệ thu nhập cao nhất là Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải. Các hộ gia đình bình thường sống ở Thâm Quyến phải mất 27 năm không ăn không uống mới tích cóp đủ tiền mua nhà.

Trước áp lực kép từ tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi trở nên nghiêm trọng, ngày 31/5, ĐCSTQ tuyên bố nới lỏng chính sách sinh và mở rộng cửa cho phép sinh 3 con. Tuy nhiên, phản ứng của người dân Đại Lục lại là tỏ ra khá lạnh lùng và bày tỏ rằng họ không muốn điều này, sợ rằng “sinh được nhưng không nuôi được”.

Kênh truyền thông Đức Deutsche Welle dẫn lời một phụ nữ 25 tuổi từ Trung Quốc Đại Lục, cho biết cô ủng hộ “chủ nghĩa nằm ngửa”. Đối với cô, “chủ nghĩa nằm ngửa” là một cách bất bạo động nhưng cũng là bất hợp tác để đối phó với nhiều chính sách hoặc quy định.

Một người đàn ông 42 tuổi nói rằng anh dùng từ “mất cảm giác” để mô tả chính sách 3 con mới và cho biết: Tây Âu, Hoa Kỳ, Châu Á, Singapore, Nhật Bản, v.v., đều có chính sách phúc lợi rất tốt, nhưng người Trung Quốc không được hưởng nhiều chính sách như vậy. Khẩu hiệu chính sách sinh đẻ mới đột nhiên được đưa ra mà không hề đề cập đến vấn đề này.

Cao Tĩnh, Epoch Times