Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sự gia tăng các ca bệnh đường hô hấp gần đây ở nước này là vấn đề chung mà cả thế giới phải đối mặt, đồng thời cho biết dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả. Trong khi chính quyền hô hào tiêm thêm vắc-xin, thì có ý kiến cho rằng không rõ loại virus nào thì tiêm vắc-xin gì.

Dich benh o Trung Quoc 1 2
Vào ngày 21/11 /2023, Bệnh viện Nhi Bắc Kinh đã chật kín người. (Ảnh chụp màn hình)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp và báo cáo về bệnh viêm phổi lây nhiễm tập trung ở trẻ em.

Tuy nhiên, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Hai (ngày 27/11) cho biết số ca mắc bệnh ở Trung Quốc không cao như trước đại dịch COVID-19, đồng thời nhắc lại rằng không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào được xác định trong các trường hợp gần đây.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc vào ngày 29/11 rằng: “Gần đây chúng tôi thấy một số cụm lây nhiễm cúm ở trẻ em ở một số khu vực của Trung Quốc. Trên thực tế, đây là hiện tượng rất phổ biến ở nhiều quốc gia, ở Trung Quốc nó đã được kiểm soát một cách hiệu quả.”

Ông Vương Nghị đang chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở New York. Trung Quốc hiện giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông cũng nói, sự trao đổi của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào, chúng tôi hoan nghênh thêm nhiều chuyến thăm của bạn bè từ khắp nơi trên thế giới.

Reuters cho biết cả Trung Quốc và WHO đều phải đối mặt với các câu hỏi về tính minh bạch trong báo cáo về các trường hợp nhiễm COVID-19 sớm nhất, xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Trẻ 8 tuổi bị nhồi máu não, liên quan đến bệnh viêm phổi do mycoplasma

Theo tờ “Xiandai Kuaibao” của Trung Quốc, một cậu bé 8 tuổi ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô mới đây bị viêm phổi do mycoplasma, vào sáng sớm, 3 ngày sau khi nhập viện, cậu bé đột nhiên bị liệt nửa người bên phải, không thể nói, sau khi bác sĩ chụp MRI đầu để chẩn đoán rõ ràng, thì phát hiện não của cậu bé bị nhồi máu khô, phải phẫu thuật nhanh để loại bỏ cục máu đông lớn.

Về vấn đề này, các chuyên gia nội khoa nhi Trung Quốc cũng cho biết, nhồi máu não ở trẻ em rất hiếm gặp và được cho là có liên quan đến bệnh viêm phổi do mycoplasma pneumoniae kết hợp với tình trạng tăng đông máu.

Để đối phó với làn sóng viêm phổi mycoplasma ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc Đại Lục, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đã liên lạc với các quan chức y tế Trung Quốc để thảo luận về cách hạn chế quy mô lây lan. Phát ngôn viên của CDC Mỹ David Daigle cho biết, Mỹ sẽ duy trì liên lạc với các cơ quan y tế địa phương của Trung Quốc và Văn phòng Mỹ tại Trung Quốc, hy vọng đảm bảo phản ứng ngay lập tức trong các tình huống đặc biệt.

Chính quyền kêu gọi tiêm chủng

Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc công bố tình hình dịch bệnh vào ngày 26/11 có nói rằng đợt bùng phát gần đây liên quan đến 7 mầm bệnh, bao gồm cúm, viêm phổi do mycoplasma, adenovirus, rhinovirus, coronavirus, nhiễm metapneumovirus ở người, coronavirus thông thường, v.v., đặc biệt là viêm phổi mycoplasma nghiêm trọng hơn.

Khác với tuyên bố chính thức của chính quyền ĐCSTQ nói với WHO rằng dịch bệnh này xuất phát từ “nhiều loại mầm bệnh đã biết”, Triệu Lâm (Zhao Lin), sống ở Bắc Kinh, nói với China News Weekly hôm 25/11 rằng con gái cô bị sốt và ho. Cô nói rằng bệnh viện không tìm ra nguyên nhân, chỉ khẳng định lần này không phải do mycoplasma pneumoniae gây ra.

Chương trình Giám sát các bệnh mới nổi (ProMED), một tổ chức theo dõi các đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu, đã cảnh báo trong 2 ngày liên tiếp vào tuần trước rằng có một đợt bùng phát lan rộng của “bệnh hô hấp không xác định (viêm phổi)” ở trẻ em Trung Quốc, hơn nữa từ các báo cáo sơ bộ thì “viêm phổi không xác định” này khác với bệnh viêm phổi do mycoplasma cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo.

Trong bối cảnh này, chính quyền ĐCSTQ tiếp tục kêu gọi người dân tiêm chủng. Ngày 26/11, ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), chuyên gia trưởng về chương trình tiêm chủng tại CDC Trung Quốc, đề nghị những người có thể tiêm chủng nên cố gắng hết sức tiêm chủng để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm xuất hiện.

CDC Trung Quốc cũng đã đăng một bài viết trên trang web chính thức của mình vào ngày 29/11: Đối với vắc-xin phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm và nhiễm virus corona mới, v.v, khuyến nghị các nhóm trọng điểm và nguy cơ cao nên tiêm phòng kịp thời để giảm lây nhiễm hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh sau khi lây nhiễm. Người cao tuổi trên 65 tuổi chưa tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn cũng nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn càng sớm càng tốt, nếu đã tiêm vắc-xin trước đó thì có thể cân nhắc tiêm nhắc lại sau khoảng thời gian 5 năm.

Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), một nhà truyền thông Trung Quốc sống ở Mỹ, nói với tờ Epoch Times hôm 30/11 rằng lẽ thường của người dân là trước khi tiêm chủng, người ta phải xác định rõ ràng loại virus nào đã gây ra bệnh nhiễm trùng.

“Trước tiên chúng ta phải hiểu loại virus nào đang xuất hiện. Tôi có nhiều người bạn đã đến bệnh viện để lấy chai (truyền dịch). (Bệnh viện) không giải thích anh ấy hoặc con anh ấy mắc loại virus nào. Họ chỉ nói một cách mơ hồ là bị lây nhiễm. Trong trường hợp này, làm thế nào để tiêm vắc-xin?”

Nhà virus học người Mỹ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu) nói với Epoch Times vào ngày 30/11 rằng các loại vắc-xin hiện nay phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp chủ yếu là chống lại virus cúm và phế cầu khuẩn. Trên phạm vi quốc tế đã có vắc-xin phòng ngừa virus hợp bào hô hấp, nhưng loại vắc xin này chủ yếu dành cho người trên 65 tuổi, có lẽ chưa được bán ở Trung Quốc. Do đó, lời kêu gọi người dân đi tiêm chủng hiện nay của chính quyền Trung Quốc sẽ không thể ngăn chặn được làn sóng dịch bệnh này.

Ông cho rằng vì thế giới bên ngoài không biết tình hình thực sự về loại virus nào gây ra mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh này, nên chính quyền Trung Quốc đã che giấu rất nhiều thông tin quan trọng. Vào tháng 9 và tháng 10, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh đó là bệnh viêm phổi do mycoplasma, sau đó bổ sung thêm nhiều loại virus đường hô hấp, nhấn mạnh rằng lây nhiễm chéo sẽ gây ra bệnh nghiêm trọng. Nhưng tình hình thực tế ra sao, người dân chưa thấy bất kỳ dữ liệu xét nghiệm nào, kể cả số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ ca nặng, ca tử vong, v.v.

“Thiếu rất nhiều thông tin quan trọng. Bạn không biết nguyên nhân gì đã gây ra làn sóng dịch bệnh này và tại sao nó lại lây lan nhanh như vậy. Chưa rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng lại nói cần phải tiêm vắc-xin để phòng ngừa, đây chẳng phải là điều nực cười ư?”, ông Lâm nói.

ĐCSTQ đã nhiều lần che đậy dịch bệnh

Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Annie Sparrow đặt câu hỏi trên mạng xã hội X rằng Bắc Kinh dường như lại che đậy sự thật một lần nữa. Trẻ em ở nhiều quốc gia do phong tỏa COVID dẫn đến hệ thống miễn dịch phát triển kém, nhưng điều đó không giải thích được sự gia tăng số trẻ nhập viện vì viêm phổi ở miền bắc Trung Quốc.

Bà Sparrow là một bác sĩ lâm sàng có uy tín và là phó giáo sư tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, Mỹ. Bà đã tham dự các phiên điều trần tại Hạ viện.

Chính quyền Trung Quốc có lịch sử che đậy dịch bệnh. Sự bùng phát dịch SARS năm 2003 ban đầu bị coi là bệnh viêm phổi không điển hình; trong những tuần đầu bùng phát COVID-19, Bắc Kinh đã không báo cáo về loại virus mới, sau đó phủ nhận sự lây truyền qua đường không khí và sau đó tiếp tục cản trở việc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.

Nguồn tin độc quyền từ tờ Epoch Times chỉ ra, rằng lãnh đạo ĐCSTQ đã chỉ đạo không phóng đại dịch bệnh và nói rằng đây là một loại bệnh cúm thông thường, nếu nói đây một đợt bùng phát quy mô lớn của virus corona mới, thì người từ nước ngoài sẽ không đến Trung Quốc.

Bà Sparrow cho biết, số liệu thống kê y tế của Trung Quốc rất không đáng tin cậy. Bà nói, ĐCSTQ vẫn cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 chỉ hơn 120.000 người, trong khi các đánh giá độc lập cho thấy số người chết có thể vượt quá 2 triệu chỉ trong đợt bùng phát ban đầu.

Trí Đạt (t/h)