Hôm 24/2, Bắc Kinh đã khẳng định rằng “Thỏa thuận 1992” là một nền tảng quan trọng cho hoà bình xuyên eo biển, sau khi bị người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại lục mới của Đài Loan, ông Chiu Tai-san lên án về việc bóp méo những thực tế liên quan đến Thỏa thuận.

Embed from Getty Images

“Thỏa thuận 1992” là đồng thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc Dân Đảng của Đài Loan và Bắc Kinh, theo đó thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh thỏa thuận này.

Trong khi Trung Quốc nói rằng sự đồng thuận sơ bộ đạt được năm 1992 đã khẳng định hai bên eo biển Đài Loan thuộc về “Một Trung Quốc” và là nền tảng duy nhất cho các cuộc đàm phán, thì phía Đài Loan cho rằng phiên bản của sự đồng thuận của Đài Loan không phải như vậy.

Ông Chen Ming-tung, người từng giữ chức lãnh đạo Hội đồng quan hệ đại lục của Đài Loan cho hay, theo quan điểm của Quốc Dân Đảng, sẽ không chỉ có “một Trung Quốc”, mà hai bên eo biển có thể có cách giải thích riêng về những gì Trung Quốc đại diện. Điều đó có nghĩa là tồn tại song song Trung Hoa Dân quốc là tên chính thức của hòn đảo và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là tên chính thức của Đại lục.

Đài Loan đã bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại lục mới là ông Chiu Tai-san thay ông Chen Ming-tung vào tuần trước. Phát biểu tại lễ bàn giao hôm 23/2, ông Chiu khẳng định đa số người Đài Loan không cấp nhận cách giải thích của Bắc Kinh về “Thỏa thuận 1992” rằng cả Đài Loan và Trung Quốc đều là một phần của Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc đã cố tình giải thích mập mờ điều này và  hai bên nên tìm cách khác để xây dựng lòng tin với nhau.

Người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Ma Xiao Guang hôm thứ Tư đã bác bỏ những tuyên bố của ông Chiu, cáo buộc đó như một thủ thuật chính trị nhằm làm lẫn lộn cái gọi là đồng thuận với công thức “một đất nước, hai chế độ”. Ông Ma cho rằng chính sách “một Trung Quốc” là “mỏ neo” cho việc trao đổi chính thức xuyên eo biển. 

Ông Ma nhấn mạnh Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) nên chấp nhận “Thỏa thuận 1992” nhằm để duy trì hòa bình tại Đài Loan. Ông nói thêm rằng cả Đài Loan và Trung Quốc nên theo đuổi việc “thống nhất đất nước.” 

Khi được hỏi về việc bổ nhiệm ông Chiu, Ma nói Bắc Kinh không có bình luận nào. Ông nói những chính sách mà chính quyền Đài Loan đưa ra trong những tháng tới quan trọng hơn việc cải tổ nhân sự của họ, CNA đưa tin.

Ông Chiu nguyên là một nhà lập pháp của DPP và cựu Bộ trưởng Tư pháp, đã được chọn để thay thế Chen Ming-tong làm người đứng đầu MAC. Các học giả Đài Loan coi việc bổ nhiệm ông là một cử chỉ  thân thiện với Bắc Kinh, vì ông được cho là ôn hoà hơn trong cách tiếp cận với những vấn đề xuyên eo biển, theo Taiwan News.

Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) hôm thứ Ba (23/02) cũng đã tuyên bố rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, nên Trung Quốc không có quyền ra lệnh đối với Đài Loan trong việc trao đổi với các quốc gia khác.

Thanh Thủy 

Xem thêm: