Ngày 5/7, tài khoản WeChat của Nhật báo Bắc Kinh đã đăng một bài viết chỉ trích việc ông Zuckerberg phê bình Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này đã phủ một bóng đen lên kế hoạch bán thiết bị thực tế ảo (VR) cho người tiêu dùng Trung Quốc của Meta Platforms.

p3033011a393902815
CEO Mark Zuckerberg của Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Bài viết nói rằng Zuckerberg đã vận động Chính phủ Mỹ hạn chế TikTok, và vào tháng 10/2019 đã chỉ trích hệ thống kiểm duyệt của TikTok trong một bài phát biểu tại Đại học Georgetown. Bài viết cũng đề cập việc Zuckerberg đã tuyên bố tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào tháng 7/2020 rằng có bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã đánh cắp công nghệ của Mỹ.

Bài viết này cáo buộc CEO Meta là kẻ đứng sau đưa TikTok lên “đoạn đầu đài”, chẳng khác nào “lấy đá tự đập vào chân mình”, và còn nói ông Zuckerberg đập “nồi [cơm]” của ĐCSTQ, thì đừng có mong tiếp tục ăn “cơm” của ĐCSTQ.

Bài viết cũng so sánh Zuckerberg và Musk, người đã đến thăm Trung Quốc cách đây ít lâu, và CEO Tim Cook của Apple.

Hiện tại Meta có kế hoạch bán thiết bị đeo VR tại Trung Quốc và đang đàm phán với ‘gã khổng lồ’ mạng xã hội và trò chơi Tencent của Trung Quốc, tuy nhiên bài viết này trên kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ chẳng khác nào dội một gáo nước lạnh vào thương vụ này.

Phân tích: Chiến lược uy hiếp kinh tế của Trung Quốc sẽ thất bại

Nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng đây là sự uy hiếp kinh tế của ĐCSTQ đối với ông Zuckerberg, “(ĐCSTQ) sử dụng thị trường và nền kinh tế Trung Quốc để uy hiếp các doanh nhân và người dân ở các nước phương Tây, nhằm đạt được mục đích gây ảnh hưởng đến chính trị. Điều này cũng được phản ánh trong trường hợp của Zuckerberg.”

“Apple và Elon Musk đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, và các bài phát biểu của họ khéo léo hơn. ĐCSTQ sử dụng lời nói của những doanh nhân này để làm suy yếu chiến lược ‘giảm thiểu rủi ro’ của Mỹ đối với Trung Quốc. ĐCSTQ không thích những lời tấn công của Zuckerberg nhắm vào TikTok. Do đó, ông ấy không được phép chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Nói cách khác, các quyết định chính trị của ĐCSTQ quy định cách thức vận hành của thị trường Trung Quốc: Nó có thể tùy ý đóng cửa thị trường đối với những người mà nó không thích, và buộc tất cả các giới kinh doanh muốn vào thị trường Trung Quốc thì phải nói những điều tốt đẹp về ĐCSTQ, từ đó ảnh hưởng đến chính phủ của các nước phương Tây.”

“Sự uy hiếp kinh tế của ĐCSTQ sẽ tự làm hại chính họ, bởi vì bản thân hành vi này đã phân bổ sai nguồn lực, là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống, một khi các công ty phương Tây ngày càng không kiếm được tiền ở Trung Quốc, thì còn ai sẽ nói những lời tốt đẹp cho ĐCSTQ? Khi đó, chiến lược uy hiếp kinh tế của ĐCSTQ sẽ hoàn toàn phá sản.”

Tỷ phú Zuckerberg (39 tuổi) là người đứng đầu công ty mẹ của Facebook là Meta, vẫn luôn cố gắng đưa Facebook trở lại Trung Quốc kể từ khi nó bị cấm ở đó vào năm 2009.

Trong khi đó, Facebook tại Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ TikTok.

Kể từ sau năm 2016, ông Zuckerberg chưa đến thăm Trung Quốc lần nào.