Kể từ khi Đài TVB được người Hồng Kông đặt biệt danh là CCTVB (CCTV là chỉ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc), doanh thu của đài này ngày càng tệ hơn. Có thông tin vào ngày 23/10 rằng TVB dự định đóng cửa “Kênh Thông tin Thể thao Tài chính” và sa thải 30 người. Một số nhà phân tích tin rằng đài truyền hình vô tuyến này “lành ít dữ nhiều” tất cả chỉ vì một người.

TVB
(Ảnh ghép minh họa)

Cắt giảm nhân viên 2 lần trong 1 năm

TVB có kế hoạch đóng cửa “Kênh vô tuyến Thông tin thể thao Tài chính” và sa thải 30 người. Nếu tin sa thải là sự thật thì đây sẽ là lần sa thải thứ hai của TVB trong năm nay. Đầu tháng 3 năm nay, TVB đã thông báo sa thải khoảng 5% nhân viên (dự kiến ​​khoảng 195 người) để tiết kiệm 260 triệu đô la Hồng Kông trong chi phí hoạt động hàng năm bằng tiền mặt. Cơ cấu nguồn nhân lực sẽ được điều chỉnh và một số vị trí sẽ cắt giảm nhân viên, và không được bố trí công việc khác. Tuy nhiên, thông báo không đề cập tới những bộ phận, chức vụ nào có liên quan.

Doanh thu TVB đã giảm đáng kể kể từ năm 2019. Chỉ riêng nửa đầu năm nay, công ty đã lỗ 407 triệu đô la Hồng Kông, tăng 81,7% so với mức lỗ 224 triệu đô la Hồng Kông năm ngoái. Giá cổ phiếu của công ty cũng giảm từ mức cao 13,40 nhân dân tệ vào ngày 8/3 năm nay xuống còn 2,96 đô la Hồng Kông vào ngày 20/10.

Đảng viên vào TVB, lành ít dữ nhiều

Một số nhà phân tích cho rằng TVB đang “lành ít dữ nhiều”, cuối cùng sẽ nối bước ATV và bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đưa xuống mồ”. Tra cứu nguyên nhân, phân tích cho rằng tất cả là do người này.

Phân tích chỉ ra rằng TVB chính thức trở thành “truyền thông đỏ” (của ĐCSTQ) vào năm 2015. Vào tháng 4 năm đó, ông Lê Thụy Cương (Li Ruigang), được mệnh danh là “Murdoch Trung Quốc” (Rupert Murdoch là ông trùm truyền thông toàn cầu người Úc-Mỹ), đã đầu tư vào TVB và trở thành một trong những cổ đông lớn của TVB. Ngày 17/10/2016, TVB chính thức thông báo bổ nhiệm ông Lê Thụy Cương làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc không điều hành của công ty.

Vậy ông Lê Thụy Cương là ai? Ông Lê Thụy Cương là đảng viên của ĐCSTQ với bối cảnh “cực đỏ”, từng giữ chức thư ký của ông Cung Học Bình (Gong Xueping), “thái thượng hoàng” của Truyền thông và Tin tức Thượng Hải. Những người đứng sau ông Cung Học Bình là ông Giang Trạch Dân và anh em Tăng Khánh Hồng, Tăng Khánh Hoài. Trong số đó, Tăng Khánh Hoài được mệnh danh là “sa hoàng trong làng giải trí” ở ​​Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

Khi ông Hàn Chính, một nhân vật khác của phe Giang, giữ chức Thị trưởng thành phố Thượng Hải, thì ông Lê Thụy Cương là tổng thư ký của Hàn Chính và kiêm chủ quản cơ quan tuyên truyền Thượng Hải. Tham khảo các báo cáo trước đó, vào tháng 8/2011, ông Lê Thụy Cương được thăng chức làm Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Chủ nhiệm Văn phòng Thành ủy Thành phố, 6 tháng sau, ông được chuyển sang giữ chức vụ Tổng giám đốc Đài Phát thanh Văn hóa Thượng Hải. Đồng thời, ông thành lập China Media Capital (CMC), quỹ đầu tư công nghiệp văn hóa Trung Quốc có nền tảng vốn đầu tư nhà nước, và giữ vai trò chủ tịch.

Chương trình giải trí truyền hình vệ tinh Chiết Giang “Sing! China” đã bị vạch trần bê bối ở Trung Quốc Đại Lục do cái chết của cố ca sĩ Coco Lee, và công ty mẹ của nó, Star Chinese Media, hoàn toàn thuộc sở hữu của CMC.

Theo truyền thông bên ngoài trung Quốc, ông chủ thực sự đằng sau CMC chính là Lý Đồng (Li Tong), con gái của Lý Trường Xuân (Li Changchun). Lê Thụy Cương được coi là người quản lý tài chính của gia đình Lý Trường Xuân.

Thượng Hải gặp trở ngại, sau đó chuyển đến Hồng Kông

Vậy tại sao ông Lê Thụy Cương lại tham gia vào giới truyền thông Hồng Kông? Chính là vì trong khi đường làm quan rộng mở thì ông ta bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiểm tra.

Vào ngày 31/3/2014, ông Hàn Chính, khi đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã đến tham dự lễ khai trương Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải (Shanghai Media Group, SMG) và cùng công bố bảng tên công ty với ông Lê Thụy Cương. Ông Lê Thụy Cương là chủ tịch, bí thư đảng ủy và tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải mới thành lập, đồng thời là bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thượng Hải. (Đài Phát thanh và Truyền hình Thượng Hải và Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải (SMG) là một tổ chức và hai thương hiệu.)

Vào tháng 11/2014, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo về tình hình cuộc thanh tra Thượng Hải và Giang Tô, ám thị rằng ở Thượng Hải không chỉ có một “con hổ lớn”. Ngay sau khi nhóm Thanh tra Trung ương đóng quân ở Thượng Hải, có tin ông Cung Học Bình đã bị điều tra sau khi bị tố cáo. Với tư cách là cựu thư ký của Cung Học Bình, ông Lê Thụy cương cũng bị cáo buộc kiếm tiền trong lĩnh vực văn hóa với bà Lý Đồng – con gái của Lý Trường Xuân, cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ và thuộc phe Giang Trạch Dân.

Vào ngày 5/1 năm sau, có tin ông Lê Thụy Cương đã bị cách chức chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc, có tin đồn nói rằng ông đã bị cách chức sau một cuộc thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Sau đó, ông chuyển đến Hồng Kông và tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ chính trị”.

Lập trường thân cộng sản, thu nhập giảm sút

Sau khi ông Lê Thụy Cương phụ trách TVB, ông đã thuê một số lượng lớn người thân cộng sản làm việc trong bộ phận tin tức, và lập trường đưa tin của của đài này cũng chuyển từ trung lập sang cực kỳ thân cộng. Những lời chỉ trích của công chúng ngày càng nhiều hơn, xếp hạng và doanh thu của đài bắt đầu giảm.

Vào tháng 8/2018, có tin TVB sẽ sa thải 800 người. Ngày 5/10 cùng năm, TVB thông báo sẽ sa thải khoảng 150 nhân viên ở TVB Weekly, Phòng Điều phối Sản xuất, Phòng Nghệ thuật và Sản xuất phim truyền hình, thông báo có hiệu lực ngay lập tức. Trong số nhân viên bị sa thải bao gồm ít nhất một nhà sản xuất và hai đạo diễn của chương trình “Pleasure & Leisure”.

Năm 2019, phong trào chống dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông, các báo cáo của TVB không chính xác, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho khán giả, cố tình bôi nhọ người biểu tình, đồng thời bảo vệ cảnh sát. Lãnh đạo TVB nhiều lần yêu cầu Cục Thông tin xóa clip bất lợi cho cảnh sát, gây bất bình mạnh mẽ trong người dân, người dân đã tổ chức và phát động “phong trào tẩy chay TVB” và thu thập được hơn 100.000 chữ ký trong thời gian ngắn. Người dân cũng phát động tẩy chay để ngừng mua các sản phẩm được quảng cáo trên TVB. Nhiều cư dân mạng cũng để lại bình luận trên nền tảng xã hội của các công ty và sản phẩm liên quan để phản đối.

Vào tháng 12/2019, Giám đốc điều hành Lý Bảo An đã đưa ra thông báo nội bộ cho biết khoảng 350 nhân viên sẽ bị sa thải, chiếm khoảng 10% tổng số nhân viên của công ty. Vào ngày 20/12 cùng năm, hơn 50 nhân viên hậu trường đã bị sa thải.

Vào ngày 15/2/2020, TVB đưa ra cảnh báo về lợi nhuận, ước tính rằng lợi nhuận ròng trước khi trừ bất kỳ chi phí giảm giá hoặc khoản lỗ nào cho năm tài chính 2019 sẽ rất ít, khoản lỗ thuộc về cổ đông dự kiến ​​sẽ vượt quá khoản lỗ ròng được báo cáo trong năm 2018 là 199 triệu đô la Hồng Kông.

p3406621a278212657
Vào ngày 29/4/2020, ông Lê Thụy Cương (thứ 2 từ trên xuống) được bổ nhiệm làm giám đốc không điều hành, và thân tín của ông là Hứa Đào (số 1 từ trên xuống) được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị thứ 5 của TVB. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình website TVB)

Ngày 29/4/2020, ông Lê Thụy Cương được chuyển sang làm giám đốc không điều hành, và thân tín của ông là Hứa Đào được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị thứ năm của TVB. Ông Hứa Đào được bổ nhiệm làm giám đốc không điều hành sau khi ông Lê Thụy Cương mua cổ phần TVB vào năm 2015. Ngoại giới suy đoán rằng ông Hứa Đào cũng đang đi theo con đường của ông Lê Thụy Cương.

Vào tháng 1/2021, ông Hứa Đào mời ông Tăng Chí Vĩ trở lại TVB và giữ chức phó tổng giám đốc tập đoàn kiêm cố vấn đặc biệt cho ủy ban hành chính. Ngày 27/9, ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc (điều hành nội dung chương trình). Trong nhiệm kỳ quản lý của mình, ông Tăng Chí Vĩ đã cố gắng cứu vãn hiệu quả hoạt động đang sa sút và đưa ra một loạt chương trình cải cách, đáng tiếc là tất cả đều là chương trình cũ làm lại và thiếu ý tưởng mới nên bị chỉ trích là “món cũ xào lại“. Ông Tăng Chí Vĩ nhậm chức một năm, giá cổ phiếu TVB đã giảm 50%, giá trị thị trường của công ty đã giảm 95% so với đỉnh cao, chỉ còn lại 2,01 tỷ đô la Hồng Kông.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng số phận của TVB phản ánh toàn bộ Hồng Kông, từ một sản phẩm địa phương thuần túy của Hồng Kông trở thành sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hồng Kông, sau đó hoàn toàn bị Đại Lục hóa, do các đảng viên ĐCSTQ nắm giữ tầng quyết sách của công ty, kết quả cuối cùng là bị ĐCSTQ kéo xuống mồ.