Tầng lớp trung lưu chỉ một nhóm xã hội có trình độ học vấn cao, có kiến ​​thức chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp và tiêu dùng nhất định, thu nhập ổn định và địa vị xã hội tốt. Hiện tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang bi quan về triển vọng kinh tế.

r shutterstock 1395087710
Người tiêu dùng tại khu mua sắm IFS Thành Đô, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/5/2019 (Nguồn: B.Zhou/Shutterstock)

Theo Wall Street Journal, 3 năm trước, mọi chuyện dường như đang diễn ra tốt đẹp với Blake Xu. Doanh nhân 33 tuổi này cùng gia đình xây dựng danh mục đầu tư bất động sản trong thời điểm bất động sản chưa gặp khó khăn. Sau khi bán một căn hộ, anh đưa gần một nửa số tiền thu được vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, kể từ đó cơn ác mộng đã bắt đầu. Thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nhiều chủ đầu tư bất động sản vỡ nợ, nhà ở sụt giảm đáng kể. Chỉ số chứng khoán CSI 300 chuẩn của Trung Quốc đã mất khoảng 1/3 giá trị. Nền kinh tế ngày càng trì trệ, người dân ngại chi tiêu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức kỷ lục.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Xu đã rút gần như toàn bộ số tiền của mình khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Lối thoát tiếp theo của anh có thể là rời khỏi Trung Quốc.

Xu, sống ở Thượng Hải, nói: “Tôi không biết tương lai sẽ đi đâu về đầu. Đợi con cái lớn hơn, chúng tôi dự định sẽ gửi nó ra nước ngoài và có thể chúng tôi cũng sẽ ra nước ngoài”.

Xu đã bán tài sản thứ hai của mình, một quá trình mà anh cho rằng vô cùng đau đớn, nhưng anh không hề hối tiếc. Anh cho biết, số tiền này sẽ giúp anh rời khỏi Trung Quốc nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Xu nói: “Về mặt cảm xúc, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp với đất nước này. Nhưng thành thật mà nói, nếu đội ngũ lãnh đạo này (chế độ hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) vẫn ở lại, tôi phải lập chiến lược rút lui vì viễn cảnh đó thật đáng lo ngại.”

Hugo Chen, 30 tuổi, trở lại Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực tài chính vào năm 2017 sau khi học thạc sĩ ở Anh. Giống như nhiều công dân Trung Quốc, anh quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán. Anh cũng mua trái phiếu và đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm. Nhưng năm ngoái, anh đã đưa ra quyết định không nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc nữa.

Chen là nhân viên ngân hàng, trước đây từng giúp quản lý quỹ cho một công ty bảo hiểm. Anh hiểu rõ việc đầu tư hơn hầu hết mọi người, Trung Quốc dường như không còn là nơi đầu tư thông minh nữa.

Tính đến cuối năm 2023, chỉ số CSI 300 đã giảm 3 năm liên tiếp. Tệ hơn nữa, thị trường chứng khoán ở Mỹ, Nhật Bản và các nơi khác đã tăng vọt.

Chen, người đã chuyển phần lớn khoản đầu tư của mình sang các quỹ mua chứng khoán Mỹ, cho biết: “Nghèo là một chuyện. Nghèo trong khi những người khác đang giàu lên lại là chuyện khác”.

Scarlett Hu, 37 tuổi, mua một căn hộ ở Thượng Hải vào năm 2017 và bắt đầu mua các quỹ tương hỗ đầu tư vào thị trường chứng khoán vào năm 2020. Căn hộ của cô hiện có giá trị thấp hơn 15% và danh mục đầu tư quỹ tương hỗ của cô cũng giảm 35%.

Cô nói: “Bây giờ chúng tôi nói về những kế hoạch và biện pháp cụ thể, để đảm bảo một tương lai chắc chắn hơn, tập trung vào những thứ cảm giác an toàn, mà không còn tham vọng như xưa”.

Một nhà phân tích chứng khoán 40 tuổi ở Bắc Kinh cho biết, cô đã mất việc vào tháng Tám năm ngoái sau khi công ty tư vấn nơi cô làm việc sụp đổ. Với 2 đứa con phải chăm sóc và một người chồng có thu nhập không ổn định, cô càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

The Wall Street Journal cho rằng cư dân thành thị và công nhân cổ cồn trắng của Trung Quốc ngày càng lo lắng, đây có thể là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã lấy việc “quản trị kinh tế” làm cơ sở để duy trì quyền lực của mình, và giờ đây việc tuyên truyền này đang gặp nguy hiểm.

Trung Quốc có hơn 220 triệu nhà đầu tư cá nhân. Điều đó có nghĩa là biến động của thị trường chứng khoán có thể tác động đáng kể đến tâm lý của người dân.

Sau thời kỳ suy thoái trong vài năm qua, họ đã giảm quy mô đặt cược, và ngày càng chuyển sang các tài sản an toàn hơn như quỹ thị trường tiền tệ. Niềm tin trong lĩnh vực bất động sản thậm chí còn bị ảnh hưởng lớn hơn.

Báo cáo cho rằng tâm tư, tình cảm của tầng lớp trung lưu chính là điều khiến các quan chức ĐCSTQ không yên tâm. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc nắm chắc quyền lực nhưng lại rất nhạy cảm với tâm lý dư luận.

Ông Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang), Giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý MIT Sloan, kiêm nghiên cứu viên tại Trung tâm Wilson, cho biết sự chuyển hướng của Trung Quốc sang đầu tư thấp và tiết kiệm cao đang làm trầm trọng thêm một vòng luẩn quẩn vốn bị suy yếu do suy thoái kinh tế. Ngược lại, niềm tin thấp lại làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Ông nói: “Khi xã hội phát triển một tâm lý nhất định thì rất khó thay đổi”.

Ngày 18/3, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế mới, tiết lộ một vấn đề mới mà Trung Quốc phải đối mặt: Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị trong tháng Hai là 5,3%, đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng.

Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics ở Singapore, cho biết dữ liệu thất nghiệp mới nhất rất đáng lo ngại, rõ ràng là tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu.

Cùng với tình hình chính trị Trung Quốc và môi trường kinh tế ngày càng xấu đi, cũng như sự vây chặn của phương Tây đối với ĐCSTQ, những năm gần đây, một lượng lớn người giàu Trung Quốc đã di cư sang các nước khác, tạo thành “nhóm” tháo chạy vốn.

An toàn tài sản trở thành lực hấp dẫn quan trọng của hải ngoại, trong khi Hồng Kông cũng không còn là nơi lựa chọn của giới nhà giàu nữa.

Ông Lưu Mộng Hùng, một doanh nhân nổi tiếng của Hồng Kông và là cựu thành viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc nói với Epoch Times rằng: “Các hành vi lưu manh vô lại làm tổn hại đến các doanh nghiệp tư nhân liên tục xảy ra ở Trung quốc Đại lục, ví dụ như cổ phiếu tư nhân bị sung công, nợ tiền công trình kéo dài không trả thì không bị sao, người đòi nợ ngược lại bị giam giữ hình sự, những người giàu Hồng Kông lo lắng rằng những sự việc này cũng sẽ lại lan tràn sang Hồng Kông. Người sáng suốt không đứng ở nơi nguy hiểm, không đi vào nơi nguy hiểm. Người giàu Hồng Kông cảm thấy lạc lõng, lo lắng thì sẽ nghĩ đến sự an nguy của bản thân và gia đình, sẽ nảy sinh suy nghĩ ‘tháo chạy’, đó là do hoàn cảnh chung bức bách mà thôi.”

Tình hình này càng gia tăng sự bi quan về kinh tế trong tầng lớp trung lưu.

Bình Minh (t/h)