Nền kinh tế Trung Quốc trì trệ khiến nhiều người dân đang phải vật lộn với các khoản nợ như thế chấp và khoản vay mua ô tô. Theo một video được chia sẻ trên mạng nói rằng có tới 235.000 người Trung Quốc đã tự tử vì nợ nần trong năm 2023.

r shutterstock 361580648
Đồng Nhân dân tệ. (Ảnh minh họa: Frame China / Shutterstock)

Ngày 19/1, một video do người dùng có tên “Li” đăng trên mạng xã hội “X” cho biết vào năm 2023, 235.000 người Trung Quốc đã tự tử vì nợ nần, cao hơn nhiều so với Hàn Quốc.

Tháng 5/2023, người đàn ông họ Quách đến từ Trường Sa, Trung Quốc đã giết hại dã man cha mẹ mình, những người đã hơn 50 tuổi, cùng người vợ 24 tuổi và đứa con 4 tuổi, sau đó tự kết liễu đời mình. Bởi vì anh ta đang mang khoản nợ hơn 1 triệu nhân dân tệ (~ 3,4 tỷ VNĐ).

Video còn cho biết, tháng 5/2023, bà Vương, chủ chuỗi nhà hàng Fuji (Phú Sĩ), không chịu được áp lực của những người đòi nợ nên đã để lại thư tuyệt mệnh trước khi đốt than tự sát.

Tháng 6/2023, một người đàn ông ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, nhảy xuống sông Trường Giang và tử vong, vì nợ tiền vay trực tuyến hơn 100.000 nhân dân tệ (~ 345 triệu VNĐ).

Tết Trung thu năm ngoái, ông trùm cổ phần tư nhân Quan Thiện Tường, được mệnh danh là Warren Buffett của Trung Quốc, cũng tự tử khi mới 38 tuổi.

(Nội dung bài đăng: “Năm 2023, 235.000 người Trung Quốc tự tử vì nợ nần.”)

Theo báo cáo của VOA vào ngày 5/10/2023, Quan Thiện Tường, người đứng đầu quỹ đầu tư tư nhân được mệnh danh là “Warren Buffet của Trung Quốc”, kiêm Chủ tịch Quỹ Shanxiang (Thiện Tường), được cho là đã bất ngờ qua đời vào ngày 29/9/2023 ở tuổi 38. Thông tin này đã gây chấn động giới tài chính Trung Quốc.

Nguyên nhân cái chết của Quan Thiện Tường vẫn chưa được công khai, nhưng theo một số bài báo và tin tức lan truyền trên mạng xã hội, anh đã tự sát. Có tin đồn rằng lúc sinh thời, anh đã đặt cược rất nhiều vào cổ phiếu bất động sản, dẫn đến các sản phẩm quỹ của anh bị thua lỗ nghiêm trọng.

Một số nhà phân tích tin rằng việc thiếu sự giám sát trong môi trường đầu tư của Trung Quốc đã khiến Quan Thiện Tường, người tin tưởng vào đầu tư giá trị, trở thành nạn nhân. Cái chết của anh phản ánh chân thực tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc.

Về vấn đề này, ông Thái Thận Khôn, nhà bình luận tài chính ở Hoa Kỳ, nói với VOA rằng: “Ở Trung Quốc, dù là thị trường chứng khoán hay toàn bộ môi trường đầu tư đều không khác nhiều so với sòng bạc. Hơn nữa, sòng bạc còn có một số quy định, trong khi chứng khoán, thị trường vốn của Trung Quốc lại không có bất kỳ quy tắc nào.

Nếu coi trọng “đầu tư giá trị”, cuối cùng có thể bạn sẽ mất hết tiền. Giống như khi Evergrande lần đầu gặp nạn, rất nhiều nhà đầu tư vào cuộc vì nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ ra tay giải cứu, nên họ mua vào rất nhiều trái phiếu Evergrande. Nhưng hiện tại có vẻ như họ đã đặt cược sai hướng”.

Đáp lại, một số cư dân mạng Đại Lục nói trong tuyệt vọng: “Chắc hẳn còn có rất nhiều người xếp hàng phía sau!”

Theo tin tức từ mạng xã hội dọc “Snowball” dành cho các nhà đầu tư Đại Lục vào ngày 30/10/2023, dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, số lượng con nợ ở Trung Quốc đã lên tới 780 triệu người. Trong đó khoảng 310 triệu người quá hạn, số người vi phạm pháp luật đã vượt quá 8,4 triệu người.

Số người mắc nợ, nợ quá hạn ngày càng tăng. Ai không trả được nợ sẽ bị coi là người vi phạm pháp luật. Nhiều hạn chế khác nhau sẽ được áp đặt lên những người dân và doanh nghiệp này, đặc biệt là những hạn chế đối với hoạt động kinh tế, vận chuyển. Về cơ bản, điều này gây ra cái chết mang tính xã hội của những con nợ và công ty mắc nợ.