Cho dù là chia tách Alibaba hay việc Jack Ma (Mã Vân) quay trở lại Trung Quốc, tất cả đều là kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thông báo của Alibaba rằng họ sẽ được chia thành 6 công ty với lĩnh vực khác nhau cho thấy các hành động của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc về cơ bản không thay đổi.

1024px Ma Yun 2017 10 19
Ông Jack Ma. (Nguồn: Kramlin.ru/ Wikimedia)

Alibaba đã công bố vào thứ Ba (28/3) rằng theo kế hoạch tái tổ chức, Tập đoàn này sẽ tách thành 6 công ty với lĩnh vực khác nhau, bao gồm: Alibaba Cloud (điện toán đám mây); Taobao Tmall (thương mại điện tử trong nước); Life Service (thương mại điện tử toàn cầu); Cainiao (bản đồ số và giao nhận đồ ăn); các dịch vụ hậu cần; và truyền thông số, giải trí.

Thông tin về việc tái cơ cấu Alibaba được đưa ra ngay sau khi người đồng sáng lập Jack Ma trở về Trung Quốc. Kể từ cuối năm 2020 khi Bắc Kinh bắt đầu đàn áp ngành công nghệ thì ông Jack Ma đã ở nước ngoài và ít xuất hiện.

CNN đưa tin hôm thứ Tư (29) rằng giám đốc đầu tư Brock Silvers của Kaiyuan Capital, một công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Có vẻ như việc chia tách Alibaba là kế hoạch của ĐCSTQ”. “Sự xuất hiện bất ngờ của Jack Ma càng củng cố nhận định này. Giờ đây, có vẻ như đây là một sự kiện truyền thông đã được lên kế hoạch nhằm thúc đẩy tâm lý thị trường vào thời điểm quan trọng”, ông nói.

Cổ phiếu của Alibaba đã tăng 12% tại Hồng Kông vào thứ Tư (29/3), dẫn đầu mức tăng của cổ phiếu công nghệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Biên lai lưu ký của Mỹ đã tăng hơn 14% vào thứ Ba.

Hạn chế quyền lực của những ‘gã khổng lồ’ công nghệ

Động thái mới nhất này cho thấy ý định của nhà chức trách ĐCSTQ để giảm bớt tính độc quyền của những ‘gã khổng lồ’ công nghệ và hạn chế quyền lực của họ, ngay cả khi Bắc Kinh đang thúc giục các công ty tư nhân thực hiện nghĩa vụ tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng Hong Hao tại GROW Investment Group (GROW), cho biết việc tái cấu trúc của Alibaba là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm “tăng cường niềm tin vào khu vực tư nhân”.

Giới phân tích có chỉ ra, có thể bây giờ Bắc Kinh cần Alibaba nhưng lại không để nó trở nên hùng mạnh như trước đây.

Chuyên gia Silvers của Hồng Kông cho biết việc chia tách Alibaba dường như là nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm “kiềm chế ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ”. Bất chấp những đảm bảo gần đây từ ĐCSTQ, động thái là lời nhắc nhở đối với khu vực tư nhân về tính bất an trong thể chế toàn trị.

Từ lâu ĐCSTQ đã luôn lo lắng các công ty công nghệ tư nhân trở nên quá lớn và hùng mạnh. Trong xu thế trấn áp kéo dài vài năm qua, nhà chức trách Bắc Kinh đã tìm mọi cách làm suy yếu thế độc quyền của nhiều công ty công nghệ lớn nổi tiếng như: phạt nặng, cấm tải xuống ứng dụng, yêu cầu một số công ty đại tu hoạt động kinh doanh của họ.

Chuyên gia Hong Hao cho biết: “Việc tái cơ cấu của Alibaba là cách để ĐCSTQ hạn chế sức mạnh độc quyền và ảnh hưởng của tập đoàn này”.

Alibaba có thể trở thành hình mẫu cho những ‘gã khổng lồ’ công nghệ Trung Quốc khác mà nhà cầm quyền ĐCSTQ hy vọng sẽ chuyển đổi. Vào tháng 1 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã mua cổ phần của một công ty con của Alibaba.

“Rõ ràng Tencent là trường hợp tiếp theo”, ông Hong Hao nói, đồng thời cho biết ‘gã khổng lồ’ về mạng xã hội và trò chơi Tencent đã bắt đầu giảm cổ phần trong các công ty mà họ đầu tư, bao gồm cả công ty giao đồ ăn Meituan.

Jack Ma trở lại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng. Giờ đây, sau 3 năm thực hiện chính sách hà khắc chống COVID-19, ĐCSTQ đang mong muốn lĩnh vực công nghệ tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Jack Ma được coi là biểu tượng của ngành công nghệ Trung Quốc và là thước đo sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với các công ty tư nhân. Những ‘gã khổng lồ’ công nghệ như Alibaba kiểm soát dữ liệu của hơn một tỷ người dùng và đầu tư mạnh vào các công ty trong nước. Trước nguy cơ, Chính phủ ĐCSTQ đã chỉ trích một số ‘gã khổng lồ’ Internet trong nước vì “bành trướng vô trật tự”, đồng thời cũng cảnh giác với quyền lực và ảnh hưởng xã hội của những ông chủ hãng công nghệ khổng lồ như Jack Ma.

Jack Ma từ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Alibaba vào năm 2019. Sau hơn một năm ở nước ngoài, gần đây Jack Ma đã trở lại Trung Quốc Đại lục và đến thăm một trường học ở Hàng Châu, đây là lần trở lại công khai đầu tiên của ông sau gần một năm.

Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần tăng trưởng, việc Jack Ma trở lại Trung Quốc được ĐCSTQ coi là động thái quan trọng. Reuters dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói rằng, từ cuối năm ngoái ông Thủ tướng mới Lý Cường đã mời Jack Ma trở về vì tin rằng điều này sẽ giúp xoa dịu những lo ngại của thế giới bên ngoài về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân.

Tương tự, lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình của ĐCSTQ đã tuyên bố vào đầu tháng 3 rằng ông Tập xem doanh nghiệp tư nhân là “người nhà”. Ông Tập bắt đầu kêu gọi hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, kêu gọi các doanh nhân đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới công nghệ để đáp trả cái gọi là “ngăn chặn”“đàn áp” của phương Tây do Mỹ cầm đầu.

Tuy nhiên, Bloomberg cũng dẫn lời những người am hiểu vấn đề cho biết tỷ phú Jack Ma tỏ ra thận trọng trước lời mời quay trở lại Trung Quốc của nhà cầm quyền. Hãy nhìn xem, ông trùm đầu tư công nghệ Bao Fan đã biến mất, công ty của Bao Fan đã đưa ra “tin vắn nội bộ” cho hay ông đang hợp tác với một cuộc điều tra của ĐCSTQ; trước đó vào năm 2021 doanh nhân Sun Dawu (Tôn Đại Ngọ) đã bị ĐCSTQ kết án 18 năm tù vì đã lên tiếng bất bình với nhà chức trách…